Khi Stadia trở chứng – Nhà phát triển cũng có thể là nạn nhân - PC/Console

Không chỉ game thủ có nhiều điều cần phải lo lắng về Stadia, các nhà phát triển cũng cần lo ngại về dịch vụ mà Google sắp cho ra mắt.

Ngày phát hành của Stadia, dịch vụ streaming game từ Google sử dụng công nghệ “đám mây” của Microsoft đã đến rất gần. Dẫu cho Google đã đưa ra rất nhiều lời hứa hẹn về chất lượng của dịch vụ, về phạm vi phủ sóng của server game, về độ trễ mà game thủ phải chấp nhận khi chơi game qua internet, Mọt tui vẫn nghi ngờ mức độ khả thi của dịch vụ này bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro từ nhỏ nhặt như server bảo trì đến lớn lao như Google quyết định “rút phích” server Stadia vĩnh viễn. Tuy nhiên đó là những vấn đề của game thủ, còn trong bài viết này, Mọt tui muốn thay đổi góc nhìn để xem xét những rủi ro mà Stadia đem đến cho các nhà phát triển.

Thị trường nhỏ hẹp

Đầu tiên, Mọt tin rằng các nhà phát triển đều biết rằng đối tượng game thủ mà Stadia phục vụ sẽ khá hạn chế. Hãy xem lại đối tượng phục vụ của nền tảng này: những game thủ muốn chơi game “hardcore,” nhưng lại không muốn hoặc không thể bỏ tiền ra mua một dàn PC / console để ở nhà, sẵn sàng trả tiền cho kết nối internet băng thông rộng, độ trễ thấp, không bị giới hạn dung lượng (hoặc giới hạn rất hoành tráng). Game thủ sẽ phải bỏ tiền ra để mua game, trả tiền internet tốc độ cao (và trả phí tháng nếu muốn chơi ở 4K, 60fps) nếu muốn thưởng thức game trên Stadia. Có bao nhiêu game thủ thỏa mãn những điều kiện này và chấp nhận rủi ro mất game nếu Google dẹp bỏ dịch vụ của mình, điều đã xảy ra thường xuyên trong quá khứ với nhiều dịch vụ khác của hãng?

Trà đá game thủ: Nhà phát triển cũng có thể là nạn nhân của Stadia

Kế tiếp, các nhà phát triển cũng phải chấp nhận rằng ngay cả những game thủ sẵn sàng vượt qua những vấn đề trên có thể cũng sẽ quay lưng lại với Stadia nếu nền tảng server của Google không đủ sức đem lại một trải nghiệm chơi game mượt mà cho họ. Chúng ta phải đối mặt với sự thật là dù tốc độ đường truyền có nhanh đến mức nào, băng thông có rộng đến mức nào đi chăng nữa, game thủ vẫn cần phải chờ các tín hiệu điều khiển của mình được chuyển đến server của Stadia, xử lý và dựng hình tại đó trước khi nhận các hình ảnh từ server của Stadia trở về và hiển thị trên máy. Những công đoạn này tạo ra thêm một khoảng input lag đáng kể trên máy của game thủ, khiến những tựa game nặng tính đối kháng, đòi hỏi khả năng phản xạ thần tốc của game thủ hoàn toàn không phù hợp để chơi trên Stadia.

Nếu bạn hi vọng rằng những tiến bộ mới của công nghệ chẳng hạn 5G đang dần phổ biến trên toàn cầu sẽ là vị cứu tinh của những tựa game đối kháng trên Stadia, Mọt rất tiếc phải nói rằng… chưa hẳn. 5G sẽ giúp việc truyền tải những gói dữ liệu lớn nhanh hơn và dễ dàng hơn, nhưng nó không thể loại bỏ độ trễ mà mọi dịch vụ stream game qua internet phải đối mặt. Không thể rút gọn quãng đường từ máy của bạn đến server của Google, và càng không thể vượt qua tốc độ của ánh sáng. Vì vậy, các nhà phát triển sẽ bị gò bó vào một số thể loại không đòi hỏi quá nhiều về input lag, giới hạn sức sáng tạo của họ trên Stadia.

Trà đá game thủ: Nhà phát triển cũng có thể là nạn nhân của Stadia

Ngoài vấn đề lượng game thủ ít ỏi như trên, những nhà phát triển muốn làm game cho Stadia còn phải đối mặt với một vấn đề khác: thời gian. Việc phát triển game là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư lớn về công sức và tiền bạc. Những dự án game kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn 10 năm không phải là quá hiếm, và điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà phát triển đổ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD vào một dự án game Stadia để rồi Google… dẹp dịch vụ này khi trò chơi còn đang được phát triển? Với những nhà phát triển lớn, họ có đủ thời gian và nhân lực để “bẻ lái” dự án này thành một tựa game PC / console truyền thống, hoặc đơn giản là loại bỏ bộ phận Stadia khỏi trò chơi. Nhưng với các studio indie “ăn bữa hôm lo bữa mai,” việc nền tảng vận hành tựa game của họ bất ngờ sụp đổ sẽ là một đòn mạnh vào sĩ khí của đội ngũ phát triển, khiến cả studio sụp đổ chỉ trong một ngày.

Vì những lý do trên, Stadia có lẽ sẽ chỉ là một thị trường nhỏ hẹp cho các nhà phát triển game muốn “kiếm thêm,” chứ không phải là một mảnh đất mới đầy màu mỡ chờ được khai thác. Bạn có thể chờ Netflix buffer phim, nhưng không thể chờ Stadia buffer game.

No Nut November và những khoảnh khắc biến thái trong game
Trong tháng 11 nhạy cảm với màn thử thách No Nut November này, hãy thử điểm qua các khoảnh khắc biến thái trong game để cảm nhận sức mạnh của bản thân nhé.

Và những gánh nặng bên lề

Theo Mọt, một trong những lý do mà Stadia được Google tung ra là vì họ nhìn thấy tiềm năng khổng lồ từ cộng đồng người sử dụng di động, vốn đã vượt xa lượng người sở hữu PC vài năm qua. Bằng cách bán sức mạnh xử lý cho người dùng qua kết nối mạng trên chiếc điện thoại của họ, Google hi vọng sẽ chinh phục được những game thủ chơi trên mobile bằng những tựa game bom tấn tầm cỡ AAA, một thị trường mà chưa ai thành công khai thác. Lợi ích của điều này là người dùng chúng ta được tận hưởng sức mạnh xử lý vượt xa những cỗ PC tầm trung, nhưng mặt trái của nó là bạn đánh đổi quyền được chơi tựa game đó theo cách của mình. Bạn không thể chơi game vào thời điểm bảo trì, không thể mod, không sở hữu bất kỳ file nào và hoàn toàn trao quyền kiểm soát trò chơi cho Google.

Trà đá game thủ: Nhà phát triển cũng có thể là nạn nhân của Stadia

Nhưng thật ra, có lẽ chính Google cũng không thể hoàn toàn kiểm soát Stadia. Khi bạn sử dụng dịch vụ này, trải nghiệm game của bạn phụ thuộc vào… nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) hơn cả vào Google. Nếu một ISP muốn “bóp chẹt” Stadia của Google vì một lý do gì đó (vì tiền, vì họ sắp tung ra dịch vụ tương tự, vì “anh thích”…), bạn sẽ hoàn toàn bó tay. Bạn cũng phụ thuộc vào kẻ xấu: nếu một tay hacker nào đó ngứa tay tấn công DDOS vào server Stadia vài ngày hoặc vài tuần, bạn có thể làm gì khác ngoài… cầu nguyện gã hacker kia chán và ngừng tay, hoặc các kỹ sư của Google nhanh tay chặn đứng hắn?

Nếu bạn chưa biết, ngày nay khoảng 80% dữ liệu được truyền tải qua internet là video, theo số liệu của Cisco. Khi việc stream game trở nên phổ biến, nó sẽ đặt một gánh nặng mới còn khủng khiếp hơn lên đường truyền của các nhà mạng, bởi các số liệu cho thấy 65 tiếng chơi game trên Stadia ở độ phân giải 4K (tức khoảng 2 tiếng / ngày trong tháng) sẽ ngốn 1 TB dữ liệu. Nếu chơi ở 720p, mức dung lượng bạn sử dụng cũng sẽ vào khoảng 4,5GB mỗi giờ.

Băng thông mà Stadia đòi hỏi cũng là một vấn đề lớn ngay cả với game thủ phương Tây. Anh là quốc gia có phủ sóng internet rộng khắp hàng đầu châu Âu, với 95% người dân thường xuyên sử dụng internet với băng thông khoảng 34 Mbps, nhưng Stadia cần từ 10 Mbps đến 35 Mbps tùy vào chất lượng hình ảnh – đại đa số game thủ Anh vẫn sẽ không thể chơi mượt ở 4K, chưa nói gì đến game thủ ở các quốc gia có hạ tầng internet kém phát triển hơn.

Trà đá game thủ: Nhà phát triển cũng có thể là nạn nhân của Stadia

Một trung tâm dữ liệu của Google ở bang Oregon, Mỹ.

Một nghiên cứu khác về lượng điện tiêu hao của phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) cho thấy rằng những dịch vụ chơi game qua internet như Stadia sẽ tiêu hao điện năng gấp nhiều lần hiện tại. “Tùy vào thiết bị và mức tải, cloud gaming có thể tăng lượng điện tiêu hao lên đến 300%.” Điều này là dễ hiểu bởi Stadia được thiết kế để chạy các trò chơi ở mức đồ họa tối đa và sử dụng các linh kiện cực kỳ mạnh mẽ mà người dùng thường không chạm tới, chẳng hạn con chip CPU của nó có khả năng xử lý 10,7 nghìn tỉ phép tính / giây, mạnh gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với các CPU trong máy tính của game thủ.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e