Kỉ nguyên game độc quyền đang dần tới hồi kết?

Hiện nay dịch vụ chơi game console trên PC đang ngày được phát triển hơn. Liệu ngành công nghiệp trò chơi điện tử đang dần “phẳng hóa” và các hệ máy chơi game đang dần bình đẳng hơn?

Ngành công nghiệp game hiện nay đang được thống trị bởi 3 hệ máy: PC - PlayStation - Xbox. Mỗi hệ máy sẽ có ưu nhược điểm riêng để game thủ lựa chọn tùy vào mục đích sử dụng và nhu cầu của mình. Ngoài các tựa game được phát hành trên cả 3 nền tảng, vẫn sẽ có những nhà phát triển chỉ làm game hỗ trợ trên duy nhất một hệ máy. Và Sony đang dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ khác trên thị trường game độc quyền.

Trò chơi độc quyền là lý do để các hãng như Sony hay Microsoft lôi kéo người hâm mộ mua máy chơi game của mình. Vì nhìn trên tổng thể, hệ console (PlayStation, Xbox) sẽ có phần thua kém PC hơn khi chiếc máy tính có thể làm được rất nhiều việc cùng lúc, ngoài việc giải trí. Các game thủ PC thường sẽ cảm thấy có phần thua thiệt khi rất ít nhà làm game phát triển riêng trò chơi cho máy tính vì nhiều lý do, và crack game thường là lý do lớn nhất.

Tuy nhiên, hiện nay Sony đang mở rộng hướng đi mới cho các tựa game độc quyền của mình, đó là cho phép các game thủ PC được trải nghiệm ngay trên chiếc máy tính của mình. Một dịch vụ với tên gọi PS Now đã được hãng công nghệ Nhật Bản giới thiệu từ năm 2014, ban đầu là người dùng máy tính sẽ được trải nghiệm game độc quyền của PS3 trên các hệ khác nhau như PC, PS Vita,... Và cho tố nay, dịch vụ PS Now đã hỗ trợ cho cả nền tảng PS4.

Dịch vụ PS Now sẽ chấm dứt kỷ nguyên độc quyền?

Trước tiên, bạn đọc phải hiểu dịch vụ PS Now là gì? PS Now hay PlayStation Now là dịch vụ stream game của Sony, cho phép bạn có thể trải nghiệm game của hệ máy PS3 hay PS4 mà không cần phải mua hay download game về. Trò chơi sẽ được xử lý tại máy chủ của Sony và truyền tới máy của bạn thông qua mạng internet. Về cơ bản nó giống như bạn đang xem clip trên Youtube nhưng vẫn có thể trực tiếp điều khiển các nhân vật trong clip đó.

Bước đi này của Sony đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp game. Người hâm mộ sẽ không còn phải thèm thuồng những sản phâm độc quyền nữa khi chi cần bỏ ra một khoản chi phí hàng tháng là 20 USD, cùng với đường truyền mạng ổn định là có thể trải nghiệm game mượt mà.

Khi game độc quyền đã hết độc quyền

Đúng vậy, các sản phẩm độc quyền là một trong những yếu tố thu hút nhất của Sony nói chung và PS3 - PS4 nói riêng. Mỗi lần Sony tổ chức họp báo hay sự kiện giới thiệu sản phẩm mới, người hâm mộ lại nóng lòng chờ xem trò chơi độc quyền nào sẽ được hãng giới thiệu. Những tiếng gào thét vì phấn khích đã trở nên quá quen thuộc mỗi khi Sony giới thiệu game.

Bên cạnh đó, nếu dịch vụ PS Now thành công, Sony cũng sẽ chấm dứt cho cuộc chiến giữa game thủ 2 hệ máy Console - PC vốn rất căng thẳng từ nhiều năm nay. Sẽ không còn tình trạng cộng đồng PlayStation cười nhạo cộng đồng PC mỗi khi mùa game tới. Hay người dùng PC cũng không còn phải hét lên: “PC Master Race” trong ngậm ngùi, cay đắng.

PS Now hay Sony đang có những bước đầu tiên trong công cuộc “phẳng hóa” nền công nghiệp trò chơi điện tử. Mở ra thời kỳ mà tất cả các game thủ, tất cả cá hệ máy đều có thể trải nghiệm những tựa game siêu phẩm, không phân chia giai cấp.

Liệu doanh thu của PlayStation có bị ảnh hưởng?

Như đã đề cập ở trên, trò chơi độc quyền là lý do để game thủ quyết định mua console hay không. Khi mà ngành game được “phẳng hóa”, các tựa game độc quyền không còn độc quyền thì liệu doanh số của hệ PlayStation nói riêng hay Console nói chung có bị ảnh hưởng?

Câu trả lời là có. Khi bạn đã có sẵn chiếc PC mà vẫn chơi được The Last of Us hay Uncharted thì không tội gì phải bỏ thêm tiền mua console cả. Nhưng các hãng công nghệ lớn đã có những toan tính chắc chắn về mặt kinh doanh mới có thể đưa ra những quyết định táo bạo tới vậy.

Thứ nhất, các dịch vụ stream game như PS Now không phải miễn phí. Người dùng phải bỏ ra số tiền ít nhất là 20 USD/tháng hoặc 45 USD trong 3 tháng để thuê game về chơi.

Thứ hai, dù bạn có chơi trên PC thì game vẫn không được hỗ trợ phím và chuột. Tức là người dùng sẽ phải mua thêm thiết bị usb nhận DualShock riêng biệt trên máy tính. Và tất nhiên là nó phải do Sony hoặc bất kỳ bên nào cung cấp dịch vụ stream game bán ra.

Thứ ba là để có thể chạy mượt mà dịch vụ stream game chắc chắn hãng sẽ đưa thêm ra kha khá yêu sách hoặc các dịch vụ đi kèm buộc người dùng phải bỏ tiền ra mua tiếp mới có thể trải nghiệm được hết những tính năng ưu việt.

Thứ tư, vấn đề quyết định việc bạn có trải nghiệm mượt hay không, đó chính là đường truyền mạng. Nếu như tốc độ không ổn định, độ trễ lớn thì cử động của nhân vật sẽ chậm hơn so với thao tác nhấn phím. Từ đó sẽ ảnh hưởng nặng nề tới trải nghiệm của người dùng. Và lẽ dĩ nhiên, bạn thà ra ngoài tiệm và mua bộ console về còn hơn.

Kết

Bước đi này của Sony là hoàn toàn đúng đắn. Game độc quyền vẫn sẽ còn đó nhưng kỷ nguyên độc quyền của nền công nghiệp game đã có động thái rẽ sang hướng khác tích cực hơn. Dù Sony hay các hãng game có làm gì thì mục đích cuối cùng của họ vẫn sẽ là hướng về người tiêu dùng.

Nền công nghiệp game sẽ ngày càng được “phẳng hóa” hơn nữa, các hệ máy sẽ dần bình đẳng. Tất cả vì mục tiêu chung là trải nghiệm ý nghĩa nghệ thuật mà video game mang lại.