Màn chơi kinh điển nhất của Modern Warfare đã được tạo ra như thế nào? – P.Cuối - PC/Console

All Ghillied Up là một thử thách lớn bởi rất nhiều thứ được sử dụng trong màn chơi này vốn không tồn tại, bao gồm AI và các động tác di chuyển của AI.

Như Mọt đã nói trong bài viết trước, ý tưởng về màn chơi All Ghillied Up đến từ những bức ảnh chụp thành phố hoang Pripyat và nhà máy Chernobyl cộng thêm các tựa game từng gây ấn tượng mạnh với đội ngũ phát triển. Tuy nhiên ý tưởng thì đã có, nhưng vấn đề là… chẳng ai muốn làm màn chơi này. Ông Steve Fukuda nói rằng khi chấm điểm các màn chơi, All Ghillied Up có điểm số thấp nhất – chỉ khoảng 60% so với 70-90% của các màn chơi khác. Chẳng mấy người muốn tham gia vào việc phát triển màn chơi được mô tả là “yên tĩnh, lén lút và ít giao tranh” như All Ghillied Up, còn Mohammad gọi nó là “màn chán nhất trong game” vì bản thân chỉ muốn tạo ra những trường đoạn hoành tráng đầy bùm chéo ầm đùng. Thế nhưng cuối cùng ông Mohammad quay ngoắt 180 độ, quyết định đứng ra nhận màn chơi này vì cảm thấy thích thú với hình ảnh mà Steve mô tả về việc hành động bí mật trong một tựa game chiến tranh.

Màn chơi kinh điển nhất của Modern Warfare đã được tạo ra như thế nào? – P.Cuối

Khi được nghe mô tả về các tình tiết trong màn chơi, ông Mohammad đổi ý và xung phong nhận việc phát triển All Ghillied Up.

Những màn chơi hành động bí mật thực sự không quá xa lạ với Infinity Ward vì họ từng làm ra nhiệm vụ xâm nhập chiếc chiến hạm Tirpitz trong Call of Duty, nhưng thử thách với All Ghillied Up là tích hợp mảng hành động bí mật vào một tựa game bắn súng. Chỉ riêng vụ chạm trán đầu tiên trong All Ghillied Up đã khiến Mohammad mất một ngày để lập trình nhưng kết quả rất tệ hại bởi các kẻ địch trong game chỉ biết làm theo AI cũ: một kẻ bị đánh động, cả lũ sẽ ào ra. Điều này buộc Mohammad phải bỏ ra… ba tuần để xem lại từng dòng lệnh và viết lại tất cả mọi thứ, cộng thêm việc tạo ra một AI mới riêng cho màn chơi này với ba mức độ cảnh giác khác nhau: thả lỏng, nghi ngờ và báo động. Ở hai mức độ đầu, chỉ những kẻ địch trong khu vực mới tỏ ra cảnh giác tìm kiếm điều đáng ngờ xung quanh, nhưng ở mức độ báo động, toàn bộ lính địch trong khu vực sẽ cùng rơi vào trạng thái chiến đấu để lùng bắt game thủ. Bạn chỉ có thể trở lại trạng thái bí mật sau khi đã tiêu diệt hết lính địch trong vùng, và đây chính là lý do mà All Ghillied Up phân chia kẻ địch thành nhiều nhóm cách xa nhau.

Sau đó, một thử thách nữa hiện ra: làm thế nào để thể hiện tình trạng cảnh giác của đối thủ? Nếu như trong các tựa game RPG hay thuần stealth-action, người ta có thể để một dấu chấm than lên đầu mục tiêu hay tạo ra một thước đo nằm ở góc màn hình, Modern Warfare không thể làm thế. Vậy là Mohammad quyết định thuê một studio ghi chuyển động (motion capture) để tạo ra những động tác như đi tuần, nghỉ ngơi hay điều tra cho lính địch trong game, đại diện cho mức độ cảnh giác của kẻ địch. Điều này là cần thiết bởi trước khi bắt tay vào việc phát triển All Ghillied Up, Modern Warfare không hề có một động tác đi lại bình thường nào mà chỉ toàn những động tác chạy nhảy, leo trèo và chiến đấu mà thôi.

Màn chơi kinh điển nhất của Modern Warfare đã được tạo ra như thế nào? – P.Cuối

Trước All Ghillied Up, những động tác đi lại chậm rãi này không tồn tại trong Modern Warfare.

Trong quá trình phát triển Modern Warfare, All Ghillied Up được Mohammad thực hiện gần như hoàn toàn tách biệt với những gì mà các thành viên khác của Infinity Ward đang làm. Tuy nhiên, khi các lãnh đạo studio nhận ra Mohammad đang làm AI (điều mà lẽ ra ông không cần làm), tất cả mọi người tụ lại quanh Mohammad để xem những gì ông tạo ra. Đó là lúc mà Mohammad đã hoàn thành kịch bản cho cuộc chạm trán đầu tiên giữa Price và MacMilan với lính địch, nên ông đưa sản phẩm của mình cho Steve Fukuda chơi thử. Steve thử rất nhiều điều khác nhau với bản chơi thử này, từ bắn MacMilan, bò tới sát kẻ địch, lao vào xả súng… và nhận định rằng All Ghillied Up rất có tiềm năng. Steve hối thúc Mohammad hoàn thành màn chơi này, nhưng vấn đề ở đây là 2 phút đầu tiên của màn chơi được tạo ra từ khoảng… 10000 dòng lệnh khác nhau, gấp 10 lần so với một màn chơi của Call of Duty 1.

Call of Duty: Modern Warfare nay có phần chơi đơn tính toán và chậm rãi hơn
Call of Duty: Modern Warfare nay có phần chơi đơn tính toán và chậm rãi hơn
Phần multiplayer của Modern Warfare (2019) vẫn đòi hỏi phản xạ nhanh nhạy và khả năng ngắm bắn chuẩn xác, nhưng cũng có chỗ cho sự tinh tế trong lối chơi.

Một trong những chi tiết quan trọng nhất của cả màn chơi là khi hai nhân vật chính phải dán mình xuống mặt đất trong khi một toán lính tuần tra và xe thiết giáp ầm ầm chuyển động xung quanh. Mohammad đã chuẩn bị cho cảnh này ngay từ đầu game, khi MacMilan chồm dậy từ dưới đám cỏ. Tình tiết đơn giản này có hai tác dụng: một là giúp game thủ nhận ra mình cũng đang mặc bộ đồ ngụy trang tương tự; hai là khiến game thủ tin rằng mình thực sự đang ẩn nấp ngay dưới chân toán lính địch. Có nhiều con đường khác nhau để game thủ có thể vượt qua toán tuần tra này, và tất cả đều không được định sẵn mà game thủ có thể tự tìm được vị trí ẩn nấp an toàn cho mình. “Bạn đang mặc bộ đồ tàng hình, bạn cần phải có khoảnh khắc tàng hình, và chúng tôi muốn khoảnh khắc đó phải kịch tính lên tới mức tối đa,” ông Mohammad cho biết.

Màn chơi kinh điển nhất của Modern Warfare đã được tạo ra như thế nào? – P.Cuối

Khoảnh khắc cao trào của màn chơi khi bạn phải nấp ngay dưới chân kẻ địch.

Với những khoảnh khắc đầy kịch tính được trải dài từ đầu đến cuối và một AI được viết riêng cho nó,  All Ghillied Up vẫn chưa thể khiến Mohammad hài lòng. Ông tiết lộ rằng mình hoàn toàn không thích điểm cuối của màn chơi, khi game thủ nhìn thấy tòa nhà khách sạn rồi màn hình tối sầm lại, đại điện cho việc game thủ xâm nhập vào trong để chuẩn bị cho phát bắn tỉa trong màn chơi kế tiếp “One Shot, One Kill”. Mohammad nói rằng mình muốn tạo ra nội thất cho tòa nhà, để MacMilan và bạn lên đó rồi thành lập vị trí bắn tỉa, nhưng lại không có đủ thời gian. “Vì vậy chúng tôi đành kết thúc màn chơi khi bạn nhìn lên tòa nhà rồi màn hình tối lại,” ông Mohammad nói.

Dù vậy, nhờ vào tất cả những gì mà Mohammad đã tạo ra cho All Ghillied Up, nó vẫn trở thành màn chơi đáng nhớ nhất trong lòng game thủ khi Call of Duty 4: Modern Warfare được tung ra vào dịp cuối năm 2007. Ông Mackey tự hào nói rằng “All Ghillied Up có thể là màn chơi của năm 2007 cũng như nhiều năm sau đó, và tôi nghĩ nó đã có ảnh hưởng rất lớn.” Thật vậy, All Ghilled Up đã dẫn đầu cho thể loại nhiệm vụ đi theo một NPC “hướng dẫn viên” và làm theo những gì được NPC đó làm mẫu trên màn hình. Phương thức xây dựng nhiệm vụ này liên tục được dùng lại trong các bản Call of Duty tiếp nối, cũng như được nhiều tựa game bắn súng khác học hỏi. Một số thành phần của AI mà Mohammad tạo ra cho nhiệm vụ này cũng được tái sử dụng lại trong Modern Warfare 2 khi bạn cùng MacTavish xâm nhập vào căn cứ quân sự trong nhiệm vụ Cliffhanger.

Màn chơi kinh điển nhất của Modern Warfare đã được tạo ra như thế nào? – P.Cuối

Một phần AI của All Ghillied Up được dùng lại trong màn Cliffhanger của MW2.

Sau Call of Duty 4: Modern Warfare, thể loại game bắn súng lấy bối cảnh chiến trường hiện đại trở thành xu thế mới trên thị trường bởi sự thành công rực rỡ của nó. Trong khi đó, bộ ba Mackey, Steve, Mohammad rời Infinity Ward để tham gia vào các dự án Titanfall do các cựu binh của Infinity Ward sáng lập. Với kinh nghiệm từ việc làm ra phần chơi đơn cho Medal of Honor và Call of Duty, họ tạo ra một phần chơi đơn hết sức xuất sắc cho Titanfall 2. Thế nhưng khi được hỏi về những bài học kinh nghiệm mà All Ghillied Up đem lại cho mình, ông Mohammad đùa rằng điều quý giá nhất mình học được là… không bao giờ viết AI nữa. “Bạn luôn học hỏi. Tôi thích danh tiếng mà All Ghillied Up đem lại cho mình. Tôi không hề ngờ trước được điều đó mà nghĩ rằng ‘ừ, có lẽ mình đã làm ra một màn chơi khá hấp dẫn.’ Thật tuyệt vời khi được ngợi khen.”

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Màn chơi All Ghillied Up được tạo ra như thế nào
  1. Màn chơi kinh điển nhất của Modern Warfare đã được tạo ra như thế nào? – P.Đầu
  2. Màn chơi kinh điển nhất của Modern Warfare đã được tạo ra như thế nào? – P.Cuối