Minigame thời hoàng kim, những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ? - PC/Console

Đôi khi nhìn lại, có những thứ đã theo chúng ta qua từng năm tháng, bất chợt bị bỏ lại tự lúc nào không biết. Minigame có thể không phải là thể loại chủ lưu nhưng ít nhất một thời tuổi trẻ của nhiều game thủ đã từng thấy bóng dáng của những trò chơi này.

Minigame bây giờ có lẽ là một danh từ ít phổ thông bởi với đà phát triển của công nghệ, chiếc điện thoại thông minh nào cũng có thể cài sẵn hàng tá trò chơi nho nhỏ để người ta giết thời gian mỗi khi chờ máy bay delay, bạn gái trang điểm, nghỉ giữa hai hiệp bóng đá hay đơn giản là 4G hết tiền. Thậm chí nó còn ít quan trọng tới mức đôi khi người ta còn quên luôn tên của những trò chơi đó mà chỉ gọi một cách đơn giản và dân dã là xếp gạch hay bắn bong bóng. Nhưng nếu là một game thủ 8X đời đầu (9X có biết mấy món ăn chơi này không?) và hoài cổ như thằng bạn của Mọt tui hẳn bạn sẽ cảm thấy thổn thức khi yếu tố không thể thiếu ở các phòng net năm nào, giờ chỉ còn khép mình trên những trang tổng hợp lặt vặt hay các ứng dụng nhảm nhí và rẻ tiền trên Google Store.

Thống trị các phòng net với những flash game thân quen

Vào những năm 2000, trước khi Sơn Tùng M-TP thống trị bảng xếp hạng nhạc Việt hay Bảo Thy trở thành Miss Audition, từng có một thời bất cứ quán game/phòng net nào khi mở ra kinh doanh đều bỏ nhỏ kỹ thuật viên rằng “chú cài cho anh/chị nhiều nhiều minigame vào nhớ”. Vào cái thời mà game bản quyền chỉ là món hàng xa xỉ, PlayStation chỉ dành cho hội nhà giàu ưa thẩm du một mình, các quán internet café hay gọi theo kiểu dân dã với cái tên net cỏ chính là nơi kết nối cộng đồng game thủ tuyệt vời nhất mà người ta có thể tìm ra được.

Minigame thời hoàng kim, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Này nhé, tiền giờ không rẻ nhưng cũng chẳng đắt tầm 2 đến 4 nghìn một tiếng tùy chất lượng của quán thì quá phù hợp để chơi lâu mà không sợ viêm màng túi. Chỗ ngồi rộng rãi thoải mái (tùy nơi) và quan trọng nhất là cái khoản hút thuốc với chửi thề hoàn toàn không ảnh hưởng đến ai. Hút thuốc có người nghiện kẻ không nhưng Mọt tui đảm bảo chơi game thì chắc 10 người hết 9 đều buột miệng chửi thề mỗi khi bị boss giết/knock out/đồ sát. Đó không phải là vấn đề về trình độ văn hóa hay ý thức tu dưỡng, đó đơn thuần là một cách xả stress vô cùng hiệu quả và an toàn, trừ khi bạn vô tình (hay cố ý) nhìn ai đó trìu mến đồng thời thốt ra những lời yêu thương kinh điển đại loại như “Đ*t con m* mày”. Ăn đấm có ngày đấy!

Phòng net là cái nơi nuôi dưỡng cộng đồng game thủ và trong giai đoạn mọi thứ còn sơ khai nó cũng là cái nôi để những minigame phát triển và lớn mạnh từng ngày. Những huyền thoại như cá ăn cá (Feeding Frenzy), bảo vệ bãi biển (Beach Head 2000) hay xếp kim cương (Bejeweled) thoạt đầu không ai biết chúng là dạng game gì, do ai sản xuất chỉ biết là mở máy lên đã thấy shortcut nằm sẵn trên màn hình, cứ thế mà chơi thôi. Thoạt đầu nhiều cậu choai choai cứ bĩu môi ba cái đồ quỷ đó chơi sao mà thú vị bằng MU, Gunbound hay Ragnarok. Nhưng quán net thời đó thì bạn biết đó, chuyện rớt mạng nó cũng phổ thông như ăn cơm với uống nước vậy, thậm chí huyền thoại FPT còn mắc cái bệnh kinh niên hễ trời mưa là sập mạng khiến nhiều tiệm net phải điêu đứng.

Nguồn gốc của game: Plants vs. Zombies
Nhân kỷ niêm 10 năm ngày ra mắt Plants vs. Zombies, hãy cùng Mọt nhìn lại xem PopCap đã làm ra tựa game thủ trụ xuất sắc này như thế nào.

Khi rớt mạng chủ quán không muốn mất doanh thu thì sẽ kéo cả bầy vào bắn Half-Life hay đánh Đế chế nhưng không phải ai cũng thích bộ môn này thế là chỉ còn cách mở minigame lên chơi để giết thời gian và… ghiền luôn lúc nào không biết. Kể từ đó lại phải phân chia thời gian ra lúc nào chơi minigame lúc nào vào MU cày cấp cho hợp lý. Thậm chí một số tay quá nghiện còn nhờ người quen tổ đội sau đó đứng im hít EXP còn bản thân lại chuyển tab ra ngoài để tiếp tục chơi cá ăn cá. Những năm đó nếu chơi MU Hàn Quốc máy chủ Wiggle mà gặp một bầy đứng dựa tường ở “chuồng bò” Dungeon 2 cho 1 con Dark Knight kéo cấp hay bắn Gunbound mà đứng im hoài không chịu Ready thì ngoài vụ mạng lag còn có một lý do khác là khổ chủ đang bận xếp kim cương hay bảo vệ bãi biển mà quên luôn cái game chính đang chơi dang dở.

Tiếng nói có sức nặng của làng game với những “ông lớn”

Có thời gian minigame có vinh dự được sánh vai cùng các thể loại lâu đời trong làng game với các tên tuổi nổi bật như Popcap, Bigfish Games, Armor Games. Nếu Mọt tui nhớ không lầm vào năm 2000, PopCap chính thức được sáng lập nên bởi John Vechey, Brian Fiete và Jason Kapalka. Sau khi được thành lập, trò chơi đầu tiên của hãng là Bejeweled được phát hành vào năm 2001. Ngay lập tức, trò chơi đã thống trị trên toàn thế giới. Cho đến ngày nay, người ta vẫn coi Bejeweled là một huyền thoại, chuẩn mực của thể loại game xếp kim cương. Nó chính là tiền đề để sinh ra những game như Candy Crush Saga, Puzzle & Dragons,… sau này.

Minigame thời hoàng kim, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Không phải hãng game nào cũng đạt được thành công to lớn ngay từ trò chơi đầu tiên. Nhưng PopCap đã làm được với Bejeweled. Ngay sau thành công to lớn từ trò chơi “xếp kim cương”, hãng không hề ngủ quên trên chiến thắng mà tiếp tục sản sinh ra những trò chơi kinh điển khác. Khi PopCap mở rộng vào năm 2005 và mua lại Sprout Games, hãng sau đó đã sở hữu 2 trò chơi cực nổi tiếng là Feeding Frenzy và Feeding Frenzy 2: Shipwreck Showdown, game thủ tại Việt Nam vẫn gọi nó với cái tên quen thuộc là “Cá lớn nuốt cá bé”. Dưới bàn tay của PopCap, mức độ phổ biến của thương hiệu Feeding Frenzy tăng gấp 10 lần so với trước đó.

Trào lưu Minigame từ đó cũng phất lên với sự tham gia của nhiều ông lớn như Bigfish Games, All Award Games, Mumbo Jumbo… Thể loại minigame cũng phát triển rực rỡ với nhiều thể loại như giải đố (puzzle), tìm đồ vật (hidden objects), xếp ngọc (match 3), nhanh tay lẹ mắt (arcade), quản lý thời gian (time management),… thậm chí là các game dạng nông trại lấy cảm hứng từ Harvest Moon cũng xuất hiện nhan nhản. Ở thể loại game flash chơi trên cổng game thì Armor Games trở thành một cái tên cực lớn và phổ biến và đây cũng chính là cái nôi để Kingdom Rush, một minigame thủ thành cực hay thành công sau này.

Vào năm 2011, cộng đồng game thủ kinh ngạc khi EA quyết định chi tới 1,3 tỷ USD để mua lại PopCap. Mục đích của EA trong việc này là muốn củng cố sức mạnh, đối đầu với Zynga trong thị trường trò chơi cho mạng xã hội. Trong khi đó, PopCap trong năm 2010 đã kiếm được 100 triệu USD lợi nhuận, hãng chuyên cung cấp các game thuộc thể loại casual đơn giản cho Facebook, Rennen, Google hay Apple. Trong năm 2012, hãng phải đối mặt với áp lực sa thải hàng loạt cán bộ cao cấp từ công ty mẹ, chỉ một năm sau khi được mua về bởi EA. PopCap sau đó tiếp tục đóng cửa các studio ở Dublin và Ai-len.

Minigame thời hoàng kim, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Năm 2013, sau khi về tay EA, PopCap tiếp tục phát triển các thương hiệu nổi tiếng của mình. Tuy nhiên, Plants vs. Zombies 2 chỉ được phát hành trên Android và iOS. Còn Peggle 2 được phát triển cho nền tảng console như Xbox One và PlayStation 4. Tới năm 2014, EA cùng PopCap ra mắt Plants vs. Zombies: Garden Warfare với sự cải tiến khó có thể tưởng tượng ra. Game được xây dựng thuộc thể loại bắn súng góc nhìn thứ 3 và loại bỏ đi hoàn toàn chế độ chơi đơn, thay vào đó là chế độ Multiplayer. Dù được phát triển bởi PopCap nhưng game thủ không thể nhận ra được một Plants vs. Zombies ngày nào với chất rất riêng. Hãng cùng EA vẫn tiếp tục lấy Plants vs. Zombies làm trọng tâm chính khi ra mắt Garden Warfare 2 và Plants vs. Zombies: Heroes vào năm 2016.

Đáng buồn thay ở thời điểm hiện tại, PopCap chỉ thỉnh thoảng được nhắc tới như một kỷ niệm đẹp trong ký ức của game thủ hay câu chuyện về việc một công ty nhỏ, có tiềm năng đã bị các ông lớn ăn tươi nuốt sống sau đó phá hoại tan tành như thế nào. Có thể nói vụ bán mình cho EA là điều tệ hại nhất mà công ty này từng quyết định bởi sau khi bị EA thâu tóm, phải sa thải nhiều nhân viên, đóng cửa nhiều chi nhánh, giờ đây PopCap hoàn toàn chỉ là chiếc vỏ ốc trống rỗng với những tiếng rì rào đầy huyễn mộng từ đại dương xa thẳm. Thông qua những âm thanh giả tạo ấy người ta có thể mường tượng được về một vùng biển bao la của ngày nào giờ đang chìm vào xa khuất ở nơi nào đó không ai biết. Cái kết thật buồn cho công ty từng có thời được coi là ông hoàng trong thể loại casual game và duy trì sự thành công liên tiếp của mình trong suốt một thập kỷ.

Chìm vào quên lãng và những hy vọng từ giới indie

Tiếp tục về câu chuyện của PopCap, kể từ khi bị EA thâu tóm, những con người chủ chốt của PopCap dần rời bỏ công ty. Vào năm 2014, CEO của hãng, Dave Roberts xác nhận thông tin nghỉ hưu, ông tham gia vào công ty từ năm 2005. Sau đó, John Vechey, đồng sáng lập của PopCap sẽ thay ông làm tổng giám đốc. Tuy nhiên, người hâm mộ phải đón nhận thông tin không mấy vui vẻ khi Jason Kapalka, cũng là một trong những người sáng lập nên PopCap sẽ rời bỏ studio ngay khi Roberts chia tay công ty. Nhưng chỉ sau đó vài tháng, John Vechey tuyên bố sẽ rời công ty sau hơn 14 năm kể từ ngày ông cùng bạn mình sáng lập nên PopCap.

Minigame thời hoàng kim, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Lúc này người có liêm sỉ cuối cùng trong nhóm sáng lập nên PopCap cũng đã rời bỏ chính dự án mình xây dựng năm nào. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó khi một bê bối xảy ra giữa EA và cha đẻ của Plants vs. Zombies vào cuối năm 2017, dẫn đến vụ sa thải thải George Fan, người đã sáng tạo ra trò chơi Plants vs. Zombies. Có nhiều thông tin trái chiều xung quanh vụ sa thải gây sốt một thời này khi người thì bảo Geogre mắc bệnh ngôi sao khi không thích EA can thiệp vào sáng tạo của mình, kẻ lại cho rằng ông bị đuổi đơn thuần chỉ vì không chịu biến trò chơi thành công cụ bào tiền game thủ cho công ty chủ quản. Ai đúng ai tung tin đồn nhảm thì không biết nhưng chỉ cần chơi thử phần game ra mắt sau đó, người hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt khi phần thứ 2 áp dụng những cách thức kiếm tiền cực kỳ quái thai, khiến người cảm thấy khó chịu.

Đại ca lãnh đạo của trào lưu minigame đã thế, các tiểu đệ phía sau như Bigfish Games hay Armor Games lại càng không góp sức khi số lượng sản phẩm ra mắt ngày càng thưa thớt dần tỉ lệ thuận với chất lượng cùng sự phổ biến. Những minigame cực chất năm nào như Bejeweled, Feeding Frenzy, Mummy Maze, Book Worm hay Zuma không có sự kế thừa xứng đáng mà chỉ có phần 2, phần 3, phần 4 và phần thứ…n, thể hiện rõ ràng sự bế tắc cũng như tính sáng tạo đã thui chột quá nhiều của các NSX một thời từng được vinh danh vì… sự sáng tạo khi thiết kế trò chơi. Những người muôn năm cũ, giờ đây nếu không vì gánh nặng của tuổi tác thì cũng đã quá no đủ với tiền bạc và danh vọng nên khả năng minigame sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim cũng mơ mộng và viễn vông như một bộ phim cổ tích do Walt Disney sản xuất. Nếu còn một cơ hội nhỏ nhoi nào đó, có lẽ nên trông chờ vào giới làm game indie, những con người còn trẻ khỏe, giàu nhiệt huyết cũng như chưa bị cái vòng xoáy đào thải cực kỳ tàn nhẫn của ngành công nghiệp game làm mê muội đầu óc. Ngày mai có thể tốt hơn ngày hôm qua nhưng hiện tại hãy cứ vọng vào những điều kỳ diệu biết đâu sẽ xảy ra trong tương lai.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e