Va chạm với game thủ
Như các bạn đã biết, sau một thời gian vận hành Second Life, Linden Lab quyết định chọn chính sách “phủi tay” không kiểm duyệt những nội dung mà người dùng tạo ra trong game, và nói rằng đó là tài sản riêng của game thủ trong khoảng năm 2006. Nhưng bước sang đầu năm 2007, trước tình trạng đủ thứ trò ma giáo xảy ra trong game, Linden Lab quay ngoắt 180 độ. Họ mời FBI đến để xem xét các nội dung và hoạt động trong Second Life, đặc biệt là những nội dung mà họ cho là “đáng lo ngại.” Các thanh tra FBI không nhận thấy điều đáng quan ngại nào trong các nội dung này, nhưng Linden Lab vẫn bắt tay vào việc kiểm duyệt sát sao các nội dung của trò chơi.
Va chạm là không thể tránh khỏi: game thủ muốn có được sự tự do trong việc sáng tạo nội dung của mình, trong khi Linden Lab buộc phải can thiệp vào rất nhiều trường hợp mà họ cho là không lành mạnh. Ngoài ra, họ còn lấy những nội dung mà game thủ tạo ra trong game để quảng cáo cho trò chơi, nhưng lại xóa đi tên của người tạo ra chúng. Những điều này biến nhà phát triển và game thủ thành kẻ thù của nhau, một điều kéo dài trong nhiều năm trời và được game thủ gọi là “Nipplegate” bởi ban đầu nó xoay quanh phần lồi lên trên ngực nhân vật.
Giữa vòng xoáy tranh cãi này, một sự kiện khác ít được chú ý hơn nhưng cũng khá quan trọng đã xảy ra. Đó là việc Linden Lab quyết định ngày Sinh nhật (Birthday) của game sẽ được tính là tháng 6 hàng năm, thay vì là ngày Kỷ niệm (Anniversary) như thường lệ. Nếu bạn còn nhớ, Second Life xuất hiện trước mắt game thủ lần đầu tiên vào tháng 3 và vì thế người ta xem tháng 3 là Birthday thay vì tháng 6.
Bởi sự xuất hiện của FBI, ban đầu game thủ hiểu lầm rằng chính cơ quan điều tra này chủ động điều tra game, và buộc Linden Lab phải kiểm duyệt nội dung game cũng như ra chính sách cấm cờ bạc vào tháng 6/2007. Nhưng trên thực tế, đây có lẽ là một bước đi đề phòng của Linden Lab bởi trước đó không lâu, Luật cờ bạc phi pháp trên internet (UIGEA) đã chính thức có hiệu lực tại Mỹ. Bên cạnh đó, còn có những thông tin cho rằng Linden Lab buộc phải làm điều này khi một đài truyền hình Đức nói về chuyện 18+ trong Second Life, dẫn đến việc chính phủ Đức điều tra tựa game này..
Lại bị hack
Những sóng gió đầu năm 2007 hóa ra chỉ là sự khởi đầu, bởi trong nửa sau của năm 2007 có những vụ việc gây chấn động hơn nhiều.
Đầu tiên, đó là sự sụp đổ của Ginko Financial, một ngân hàng hoạt động trong Second Life và chuyên giao dịch tiền ảo Linden Dollar. Bạn không cần ngạc nhiên về sự tồn tại của những ngân hàng như thế này, bởi Linden Dollar có thể được đổi thành tiền thật một cách rất dễ dàng, và vì thế có lợi nhuận để ngân hàng khai thác. Khi Linden Lab cấm cờ bạc, Ginko Financial sụp đổ bởi cư dân của Second Life thi nhau rút tiền, và thiệt hại được ước tính là khoảng 200 triệu Linden Dollar, tương đương 750.000 đô la Mỹ.
Theo một số ước tính, lệnh cấm cờ bạc đó khiến một nửa nền kinh tế của game “bay hơi” và khiến nhiều ngân hàng khác trong game lao đao vì bị xem là lừa đảo. Dư âm của vụ việc này kéo dài đến đầu năm 2008 khi Linden Lab công bố cấm các ngân hàng trong game trả lãi suất cho game thủ bằng Linden Dollar. Sau lệnh cấm này, đa số các ngân hàng ảo đóng cửa hoặc chuyển đổi thành các công ty cổ phần, trong khi số khác tiếp tục cung cấp dịch vụ giữ tiền không lãi suất cho cư dân của game. Một trong số những ngân hàng ảo vẫn kiên trì là Xstreet, một trang web vốn đã áp dụng chính sách tiền gửi không lãi suất 3 tháng trước đó.
Chưa hết, cũng trong khoảng thời gian mà Ginko Financial sụp đổ, nhiều vụ hack ngân hàng xảy ra trong Second Life bởi bảo mật yếu kém, khiến một lượng tiền khổng lồ bay hơi (dù chưa bằng vụ Ginko). Sau những vụ việc này, số lượng tài khoản trả phí Premium hàng tháng trong Second Life sụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử của trò chơi, và không ngừng tiếp diễn cho đến khi Linden Lab ngừng tung ra những con số đó.
Giữa những biến động này, Linden Lab đặt ra một khẩu hiệu mới “Your World, Your Way” (dịch thô là “thế giới của bạn, cách chơi của bạn”) thay cho khẩu hiệu cũ “Your World, Your Imagination” (thế giới của bạn, trí tưởng tượng của bạn). Họ loại bỏ toàn bộ mọi thứ có dính dáng đến khẩu hiệu cũ khỏi các trang web và hình ảnh, nội dung mình tạo ra, nhưng khẩu hiệu mới cũng gần như không được dùng đến – có lẽ bởi nó quá tầm thường và đã được dùng bởi nhiều công ty du lịch lẫn gã khổng lồ IBM thời đó.
Đến cuối năm 2007, giám đốc kỹ thuật kiêm đồng sáng lập Cory Ondrejka rời khỏi công ty với lý do bất đồng quan điểm về việc quản lý công ty. Daniel Linden – quản lý cộng đồng của Linden Lab – cũng phải ra đi bởi ông nằm trong cảnh “trên đe dưới búa” giữa Linden Lab và game thủ. Có rất nhiều sự ra đi và nhiều nhân sự mới xuất hiện trong khoảng thời gian này.
Phình to
Có một điều khá bất ngờ là mặc cho tất cả những vụ việc trên, 2007 cũng là năm Linden Lab thực sự chuyển mình thành một công ty kinh doanh có lãi, và tăng mạnh số lượng nhân sự. Công ty được xem là rất có tiềm năng, đến mức một nhà đầu tư bán 10% lượng cổ phần mình đang sở hữu trong Linden Lab (10% của số ông đang sở hữu, không phải 10% Linden Lab) để thu về 500 triệu USD. Với số tiền mình có, Linden Lab mở thêm hàng loạt văn phòng tại Mỹ, và đến cuối năm 2007, họ có trụ sở tại Boston, Seattle, California và San Francisco, chưa kể một số nhân viên tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Họ cũng mua lại Windward Mark Interactive, một studio ở bờ đông của Mỹ và dùng công nghệ Windlight của studio này để nâng cấp tựa game của mình. Những hình ảnh mà Linden Lab tung ra với công nghệ mới giúp Second Life thu hút được khá nhiều game thủ mới lẫn những người cũ đã bỏ đi, mặc dù nó đòi hỏi một cấu hình máy khá cao so với phiên bản gốc.
(Còn tiếp)
—
Bấm liền tay – Nhận ngay quà tặng từ văn phòng phẩm Hồng Hà cho mùa tựu trường: http://bit.ly/2KivZKo
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.1
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.2
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.3
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.4
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.5