Ngày 14/11/2018, Fallout 76 chính thức ra mắt cộng đồng game thủ thế giới sau một vài đợt thử nghiệm Alpha và Beta. Là một tựa game được Bethesda quảng bá là “dự án hoành tráng nhất” và “độ chi tiết cao gấp 16 lần” với “những công nghệ dựng hình, ánh sáng và địa hình mới nhất”… nhưng cuối cùng, Fallout 76 cho game thủ thấy rằng tất cả chỉ là những lời hứa hão, và bản chất của nó chỉ là phần chơi mạng của Fallout 4 ra mắt trước đó. Điều này đem lại rất nhiều tai tiếng cho cả thương hiệu Fallout lẫn cho nhà phát triển Bethesda. Mặc dù vậy, Bethesda không để những lời chỉ trích của game thủ làm họ chùn chân trong việc… tiếp tục phá hoại tựa game của mình, thể hiện qua hàng loạt scandal không ngừng xuất hiện trong một năm vừa qua. Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày ra mắt của trò chơi này, hãy để Mọt nhắc lại cho bạn những scandal đó để cười cho vui cửa vui nhà!
Chất lượng tầm phào
Nếu bài review của Mọt không đủ sức thuyết phục bạn rằng Fallout 76 là rác đội lốt game, điểm số Metacritic của trò chơi hẳn là đủ sức thuyết phục. Game có điểm số 52 trên PC, 49 trên Xbox và 53 trên PlayStation 4. Game thủ cũng thẳng tay chỉ trích trò chơi thể hiện qua những điểm số thảm hại và những lời chê bai trên các diễn đàn của game.
Chất lượng của Fallout 76 khiến nhiều cửa hàng game phải giảm giá trò chơi gần một nửa chỉ vài ngày sau khi game ra mắt, trong khi số khác… tặng không Fallout 76 cho khách hàng của mình. Nhưng đây chỉ mới là khởi đầu của thảm họa Fallout 76.
“Vải dù” làm bằng… nilon
Bethesda hứa rằng những ai bỏ 200 USD ra mua bản Power Armor Edition của Fallout 76 sẽ được nhận một chiếc túi vải dù chất lượng, nhưng đại đa số game thủ té ngửa khi khui hộp Power Armor Edition của mình và chỉ thấy một… túi nilon, còn các túi vải dù thực sự chỉ được tặng cho các nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng game nhằm quảng bá cho trò chơi. Bethesda nói rằng do thiếu nguyên liệu, họ buộc phải thay đổi qua chất liệu nilon, nhưng vấn đề là họ không nói gì với game thủ mà vẫn cứ giữ nguyên quảng cáo túi vải dù.
Dĩ nhiên là game thủ phản ứng dữ dội bởi đây là một trò lừa đảo “treo đầu dê bán thịt chó” không hơn không kém. Để xin lỗi, Bethesda quyết định họ sẽ tặng cho game thủ… 500 Atom (tiền cash trong game) giá chưa tới 5 USD. Điều này không những không “hạ nhiệt” game thủ mà còn khiến họ phẫn nộ hơn, buộc Bethesda phải hứa rằng họ sẽ đặt sản xuất túi vải dù và gửi đến game thủ khi có hàng cho họ.
Lộ dữ liệu người dùng
Nếu như vụ việc với chiếc túi vải dù chỉ ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ game thủ, scandal này là một trong những vụ việc lớn nhất của Fallout 76, ảnh hưởng lớn nhất đến cộng đồng game thủ dù nó không được nhắc đến nhiều trên các mặt báo. Nó xảy ra khi nhiều game thủ phát hiện ra rằng mình có thể xem được tên, địa chỉ nhà, tài khoản email và cả thông tin thẻ tín dụng của những game thủ khác
Điều càng khiến vụ việc này tệ hại hơn là chẳng có một ai cố tình hack server của Bethesda trong vụ việc này, mà những thông tin này bị lộ do chính sự bất tài vô dụng của Bethesda.
Nuka Cola
“Yêu ai yêu cả đường đi,” nên các fan yêu thích Fallout yêu cả thương hiệu Nuka Cola của nó. Để kiếm tiền từ nhóm game thủ này, Bethesda quyết định tung ra một chai rượu Rum giá 80 USD mang thương hiệu Nuka Cola, với vỏ chai có hình quả rocket hệt như thiết kế chai Nuka Cola trong game. Món hàng sưu tầm này sẽ chẳng có vấn đề gì to tát nếu game thủ không phát hiện ra rằng cái vỏ chai mà họ muốn sưu tập thật ra chỉ là… một lớp vỏ nhựa rẻ tiền. Chưa hết, lớp vỏ nhựa này còn được sản xuất rất cẩu thả, nên rượu Rum trong chai sẽ chảy tràn ra ngoài khi rót.
Giá tiền khủng bố trong cash shop
Ngày nay game thủ đã quen với việc DLC thu phí xuất hiện trong một tựa game có giá 60 USD, nhưng họ không thể chấp nhận được việc một tựa game 60 USD như Fallout 76 lại có cash shop (game gọi là Atomic Shop) bán một tấm bảng với giá 14 USD (1400 Atom), bộ đồ Noel giá 16 USD, bộ biểu cảm giá 12 USD… Bethesda cũng hứa rằng game thủ có thể kiếm được tiền cash Atom chỉ bằng cách chơi game, nhưng game thủ nói rằng sau khoảng 6 giờ chơi, họ kiếm được khoảng… 10 Atom, và nếu muốn mua hết mọi thứ trong cash shop, số tiền phải bỏ ra sẽ là khoảng 240 USD (vào thời điểm game mới ra mắt). Khoản tiền 500 Atom mà Bethesda bồi thường cho các game thủ đã mua Power Armor Edition thậm chí còn chẳng đủ để họ sơn cái Pipboy sang màu khác!
Pay to Win
Chỉ giá đắt là chưa đủ, Bethesda muốn kiếm thêm bằng cách bán chỉ số cho game thủ Fallout 76. Ban đầu, Bethesda và Todd Howard hứa hẹn rằng game sẽ không Pay to Win, mà chỉ bán những vật phẩm trang trí (cosmetic) trong cửa hàng của game. Đây là một lời hứa luôn được các nhà phát hành đưa ra để trấn an game thủ về cash shop của mình, nhưng chẳng bao lâu sau Bethesda nuốt chửng lời hứa đó bằng cách bán vật phẩm Repair Kit trong Atomic Shop cho phép game thủ sửa đồ ngay lập tức, giúp những ai mua vật phẩm này có lợi thế bất công so với những người không mua.
Sau đó, Bethesda tiếp tục đẩy mạnh xu hướng Pay to Win bằng cách bán chỉ số với bộ sưu tập trang phục “The Unstoppable.” Các bộ trang phục này được bán trong một sự kiện kéo dài từ 2 9/1 đến 4/2/2019 với giá 8 USD mỗi bộ, và thành viên sở hữu trang phục Unstoppable sẽ đem lại thêm 15 điểm máu cho tất cả đồng đội. Với bốn trang phục khác nhau, game thủ cần chi 32 USD để nhận được thêm 60 điểm máu, một lợi thế cực lớn cho những ai chịu chi.
Nấm trong mũ Power Armor
Ngoài chiếc mũ giáp T51 Power Armor xám được bán kèm trong bản Power Armor Edition, Bethesda còn sản xuất khoảng 20.000 chiếc mũ giáp T51 Power Armor Limited Edition được sơn màu đỏ – trắng tương tự chai Nuka Cola, được bày bán với giá 150 USD tại các cửa hàng Gamestop. Tuy nhiên vào ngày 19/9 vừa qua, Hiệp hội an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ USCPSC đã ra thông báo thu hồi tất cả các sản phẩm này bởi nó có nguy cơ làm người sử dụng bị nhiễm nấm.
Theo thông báo của USCPSC, “nấm có thể xuất hiện trong phần vải trong mũ, gây ra nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp hoặc các viêm nhiễm khác trên người có hệ miễn dịch yếu, phổi không tốt hoặc dị ứng với nấm mốc.” Điều đáng lo ngại hơn là chiếc nón này giống hệt với chiếc nón trong bộ Power Armor Edition giá 200 USD..
Fallout 1st
Dịch vụ thu phí tháng Fallout 1st mà Bethesda vừa công bố gần đây lại khuấy động sự phẫn nộ của game thủ Fallout 76 bởi nó đem một tính năng mà lẽ ra game thủ phải được hưởng ngay từ đầu ra để thu phí: server riêng. Bethesda hứa hẹn rằng nếu trả 13 USD/tháng (hoặc 100 USD/năm) để đăng ký Fallout 1st, game thủ sẽ được nhiều lợi ích như bộ trang phục Ranger Armor Outfit, server riêng cho mình và bạn bè, giảm giá item trong cash shop, thùng đồ riêng cho nguyên liệu chế tạo, lều dã chiến để dịch chuyển tiện lợi hơn…
Nhưng chẳng bao lâu sau, game thủ nhận ra rằng ngoài bộ đồ Ranger Armor là thật (buồn cười là vào thời điểm Fallout 76 xảy ra, tổ chức Ranger chưa tồn tại!), tất cả những lời hứa trên đều… láo toét. Thùng đồ riêng thì nuốt mất nguyên liệu game thủ dày công thu thập, lều dã chiến bị bug biến mất thường xuyên. “Server riêng” mà Bethesda hứa thật ra vận hành trên máy game thủ, chỉ hoạt động khi có tối thiểu một game thủ đăng ký Fallout 1st trong game, và sẽ tự tắt nếu tất cả các game thủ Fallout 1st thoát game. Thậm chí đến cả thế giới ảo mà họ đang chơi cũng là hàng tái chế khi game thủ phát hiện dấu vết hoạt động của những người chơi khác trong server của mình!
Map76 đóng cửa
Một trong số những fan trung thành nhất của Fallout 76 là game thủ có nick Reddit undefined7196. Anh bỏ thời gian, công sức và tiền bạc ra để thực hiện trang web Map76, một bản đồ tương tác mà game thủ Fallout 76 có thể dùng để theo dõi các sự kiện tên bản đồ, cộng thêm nhiều công cụ hỗ trợ khác cho game thủ chơi Fallout 76. Một ngày nọ, anh phát hiện ra một lỗi game được tiết lộ trên một diễn đàn nhỏ nọ, và quyết định kiểm chứng trước khi báo cho Bethesda. Nhưng game thủ tội nghiệp này không biết điều gì đang chờ đợi mình: sau khi báo lỗi tài khoản của anh bị khóa ngay lập tức, và các nỗ lực liên lạc với Bethesda để thả tài khoản đó đều bị phớt lờ trong nhiều tuần liền.
Chưa hết, undefined7196 đã đăng ký tham dự Fallout 1st nhưng do cảm thấy những gì mình nhận được không giống với quảng cáo, anh muốn refund lại số tiền mình đã bỏ ra, nhưng cũng bị phớt lờ và sau đó nhận được lời từ chối với lý do anh đã… chi tiền vào cash shop của game! Với những rắc rối này, undefined7196 quyết định bỏ hẳn trò chơi và dẹp luôn công cụ map76 của mình, còn cộng đồng game thủ lại được một dịp cười nhạo Bethesda. Đây là vụ việc mới nhất trong lịch sử đầy hào hùng của Bethesda và Fallout 76.
Fallout 76 đã đi rất xa!
Với 8 scandal trên cộng thêm hàng loạt vấn đề còn tồn đọng trong game, Mọt xin được kết luận rằng dưới bàn tay lèo lái của Todd Howard, Fallout 76 ngày nay đã vượt xa chính nó một năm trước đây và đem lại cho những ai… chưa mua game những giờ phút giải trí thú vị khi đọc tin tức về trò chơi. Nó còn giúp chúng ta được dịp cười vào mũi Bethesda vì sự bất tài một cách đáng kinh ngạc của họ, nhưng Mọt hi vọng rằng chúng ta sẽ không cần phải lặp lại những tràng cười này khi The Elder Scrolls 6 ra mắt trong tương lai.
Nếu tất cả những sự việc trên cùng với bản thân Fallout76 là một trò đùa cá tháng tư thì Todd Howard có lẽ là một người thích đùa “chất” nhất lịch sử nhân loại. Nhưng đáng tiếc nó không phải, nó là thật!
–
Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e