Đầu tiên phải nói những con trùm không thể chiến thắng thường xuất hiện rất sớm, đôi khi là chỉ sau khoảng vài phút khi game bắt đầu với sức mạnh không thua gì một con trùm cuối, nó đủ sức giết chết nhân vật chính chỉ trong vài cái búng tay.
Để chắc chắn rằng những trận đấu này sẽ là hoàn toàn một chiều, hầu hết các nhà phát triển game đều chọn lúc khởi điểm nơi người chơi chưa có level, chưa có đồ đạc và thậm chí còn đang phải mò mò nút điều khiển làm sao cho đúng. Bằng cách đưa một con trùm không thể chiến thắng vào trong game, các nhà phát hành có thể làm một công đôi chuyện vừa giúp game thủ có một trận đấu tập làm nóng người trước, vừa tạo ra cảm giác tuyệt vọng to lớn trước đối thủ mà hầu hết bọn họ không thể chiến thắng được.
Các game cực khó dạng Souls, rất thích làm trò này kể cả là không cần trùm, lấy ví dụ như Bloodborne thì con quái đầu tiên người chơi chạm mặt chỉ là thứ cóc ké tầm thường, nhưng trong tình trạng bạn phải đánh tay không thì nó lại là chuyện khác đó. Khi mà bạn còn chưa có một khái niệm gì về cái game mình đang chơi, thì một kẻ địch không thể đánh bại là thứ gì đó quá sức khủng khiếp.
Khi đối mặt với những con trùm không thể chiến thắng này, sự tuyệt vọng và cảm giác muốn bỏ cuộc sẽ xâm chiếm tất cả mọi suy nghĩ của người chơi, khiến cho họ vốn dĩ đã gần như không có cơ hội thắng trở nên hoàn toàn vô vọng. Tựa game Sekiro: Shadows Die Twice cũng vậy, khi chỉ sau khoảng 10 phút bắt đầu bạn sẽ gặp con trùm đầu tiên – Genichiro Ashina và đó là trận đấu mà chắc chắn phải 9/10 người chơi bị dần ra bã, một nửa phần trăm chống cự cũng chẳng có.
Bạn làm sao có thể đánh bại Genichiro, vì chưa nói chuyện lúc đó không có đồ đạc gì mà ngay cả việc cơ bản nhất của game là đỡ và phản đòn còn chưa thuần thục. Hơn nữa chỉ cần sau một đòn tấn công là chúng ta đã hiểu mình đang đánh với một con trùm được thiết kế không-thể-thắng, tức là dù kết quả có ra sao thì game cũng vẫn tiếp diễn chẳng có gì xảy ra. Khi không có áp lực thì con người ta rất dễ buông xuôi, thành ra gần như chẳng có ai buồn cầm vũ khí lên cho một trận đấu vô nghĩa cả.
Tất nhiên Genichiro hay những con trùm không thể chiến thắng lúc đầu game không phải là vô địch, chỉ tính riêng trong phạm vi Sekiro: Shadows Die Twice thì việc hạ gục con boss này không hề khó, gần như bất kỳ ai đã hoàn thành một lần đều có thể làm được, thậm chí là chẳng mất giọt máu nào. Vấn đề ở đây là lúc ban đầu thì tự tin để bạn đứng lại cầm kiếm lên trước mặt nó cũng khó, khi mà một chém đã muốn K.O tại chỗ luôn rồi.
Tại sao các nhà phát triển lại tạo ra những con trùm không thể chiến thắng này, rõ ràng thì mục đích chủ yếu của chúng là khiến game thủ nhận ra cái game mình đang chơi rất khó nhằn, cũng như tạo ra một mục tiêu rất lớn ngay từ đầu cho họ. Khi mà mới vào bạn đã bị một thứ gì đó dần cho ra bã, thì cảm giác tò mò cộng thêm mong muốn phục thù sẽ lớn hơn, điều đó khiến game thủ muốn gắn bó thêm với thứ mình đang chơi, ít nhất là cho tới khi gặp lại kẻ đã hành hạ mình như thú lúc đầu.
Các con trùm không thể chiến thắng thường được thiết kế chẳng có đồ gì giá trị hoặc đánh bại chúng cũng chẳng thu được cái gì to lớn, có vài game như Devil May Cry 5 lại chơi kiểu quái thai hơn là để sát thương của trùm khá thấp, đủ để tạo cảm giác bạn có thể đánh bại nó nhưng thực tế là chắc chắn không thể.
Thời gian chiến đấu càng dài nhưng kết quả bằng không càng khiến tâm lý ức chế, tạo ra cảm giác ảo rằng mình sẽ làm được để rồi khi thất bại hiện ra trước mắt chúng ta mới càng muốn phục thù bằng được. Tâm lý của hầu hết game thủ luôn là muốn hạ gục trùm càng nhiều càng tốt, do đó việc đặt ra một mốc rất cao lúc đầu và khiến nó không thể làm được, sẽ càng thôi thúc bọn họ tìm cách đạt được nó.
Cuối cùng, những con trùm không thể bị đánh bại còn là thuốc thử phân biệt người chơi thông thường và những ai thực sự siêu giỏi, như đã nói ở trên thì những con trùm này không phải là bất tử, mà đơn giản sức mạnh của chúng quá chênh lệch so với mặt bằng chung của nhân vật chính lúc đó mà thôi. Thí dụ như Resident Evil 3 ở lần đầu tiên đụng mặt Nemesis cũng vậy, con quái vật này đem lại một cảm giác thống trị tuyệt đối, khi không một thứ gì có thể làm nó tổn thương và chính người chơi cũng không biết làm sao để tiêu diệt nó.
Cái tâm lý “mình có thể giết nó hay không” và “làm như vậy thì được gì” sẽ ngăn cản hầu hết game thủ, vì họ không muốn phí thời gian cũng như tài nguyên quý giá vào một trận đấu có khả năng hoàn toàn vô nghĩa, nhất là khi game cho phép bạn có thể chạy luôn. Người viết vẫn nhớ rõ cảm giác bất lực tới phát khóc khi đã dùng sạch số đạn lúc đầu (chẳng nhiều nhặn gì), mà con quái Nemesis vẫn đứng trơ ra như phỗng và cách cuối cùng là phải load game lại từ đầu.
Nemesis là minh chứng cho việc game thủ dễ dàng đầu hàng trước những con trùm không thể bị đánh bại ra sao, chúng gieo rắc vào trong đầu họ một nỗi sợ kinh khủng tới mức ám ảnh, khiến cho cả game từ đó về sau trở nên thử thách hơn hẳn. Thủ thuật này được áp dụng rất nhiều trong các game hành động hiện đại, nên về sau nếu gặp một con trùm không thể bị đánh bại, thì liệu bạn sẽ lao vào thử sức hay buông xuôi ngay từ đâu luôn đây.
—
Bấm liền tay – Nhận ngay quà tặng từ văn phòng phẩm Hồng Hà cho mùa tựu trường: http://bit.ly/2KivZKo