Những điều thú vị về Nintendo mà game thủ đã hiểu sai – P.1 - PC/Console

Tôi tin sẽ có rất nhiều điều thú vị về các sản phẩm của Nintendo mà trước tới nay, các game thủ đều hiểu sai hoặc chưa biết tới.

Bạn có nghĩ mình hiểu hết về Nintendo, một trong những công ty game sở hữu khả năng sáng tạo bậc nhất? Cho dù bạn là fan cứng của hãng tới đâu, chắc chắn sẽ có những điều mà bạn đọc chưa biết hoặc đã hiểu sai về các sản phẩm của Nintendo như NES hay các biểu tượng của ngành game như Mario, Donkey Kong,…

Khi tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử phát triển các sản phẩm của nhà Nintendo, Mọt mới phát hiện ra có rất nhiều điều mà bản thân mình đã hiểu lầm. Mọt cũng tin chắc rằng có rất nhiều người rơi vào trường hợp tương tự. Do đó, trong bài viết này, Mọt tui sẽ tổng hợp lại một số điều thú vị về Nintendo mà có thể các game thủ đã hiểu sai.

Tên gọi ban đầu của Mario là Jumpman

Những điều thú vị về Nintendo mà game thủ đã hiểu sai - P.1

Khi Mario lần đầu tiên ra mắt trong trò chơi Donkey Kong, anh vẫn chưa được gọi là Mario. Theo nhiều câu chuyện kể lại, linh vật biểu tượng của Nintendo khi đó được gọi là Jumpman. Cái tên này được gọi nhiều tới nỗi nhiều người đã lầm tưởng đây chính là cái tên ban đầu của anh chàng Mario. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Theo chính cha đẻ Shigeru Miyamoto, người đã tạo ra Mario, “Tôi gọi [Jumpman] là Mr. Video. Kế hoạch của tôi là sử dụng một nhân vật duy nhất trong mọi trò chơi mà tôi tạo ra. Và đó chính là Mr. Video”. Rõ ràng Miyamoto lấy cảm hứng rất nhiều từ Alfred Hitchcock, người luôn có vai nhỏ trong các bộ phim của mình (cũng giống như các vai cameo của ngài Stan Lee trong các tác phẩm điện ảnh MCU vậy). Shigeru Miyamoto nghĩ rằng Mr. Video có thể đóng vai trò tương tự.

Sau cùng, ông nhận ra cái tên Mr. Video thực sự nhàm chán và đã thay đổi tên của nhân vật này nhanh chóng. Miyamoto còn cho rằng nếu mình cứ giữ lại cái tên Mr. Video, Mario sẽ không bao giờ phát triển được mất. Do đó, tên gọi ban đầu của Mario là Mr. Video, rồi mãi về sau mới đến sự tích đặt tên của Mario lấy từ tên ông chủ cho thuê mặt bằng làm văn phòng chi nhánh của Nintendo tại Mỹ.

Mr. Video không phải cái tên nhàm chán duy nhất mà Miyamoto Shigeru nghĩ ra. Nàng thơ đầu tiên của Mario, Pauline, có tên gọi đơn giản chỉ là Lady. Họ của Mario cũng chỉ là Mario (tức Mario Mario), điều này giải thích tại sao Mario và Luigi lại được gọi là anh em nhà Mario. Còn nhân vật chính trong The Legend of Zelda có tên gọi ban đầu là…Link Link. Chúng ta có thể thấy rằng Miyamoto dù làm game rất hay nhưng ông hoàn toàn dở tệ trong việc đặt tên nhân vật.

Donkey Kong là cách đọc sai của “Monkey Kong”

Những điều thú vị về Nintendo mà game thủ đã hiểu sai - P.1

Một trường hợp kinh điển nữa về các tác phẩm game của Miyamoto Shigeru, Donkey Kong. Tên gọi của trò chơi này thuở ban đầu đã khiến cho mọi người cảm thấy cực kỳ bối rối. Nhiều người hâm mộ đã cho rằng Donkey (Con lừa) đáng lẽ phải được đọc là Monkey (Con khỉ) mới phù hợp với nhân vật là một con khỉ đột. Họ cho rằng chắc chắn bản dịch của tựa game này đã bị lỗi nên thành ra Nintendo buộc phải sử dụng cái tên Donkey Kong luôn.

Sự thật không phải như vậy. Theo Miyamoto, “Tôi đã tra cứu ‘Donkey’ (Con lừa) trong từ điển và thấy rằng nó cũng được sử dụng mang hàm ý là ‘Goofy’ (ngớ ngẩn). Điều này có nghĩa ý nghĩa thực sự của Donkey Kong là Con khỉ ngớ ngẩn. Từ ‘Kong’ được lấy ra từ King Kong.”

Tất nhiên với những người Mỹ bản địa, cái tên Donkey Kong chẳng có nghĩa gì cả, và Miyamoto biết điều đó. Chi nhánh Nintendo tại Mỹ đã cố gắng đấu tranh và giải thích cho Miyamoto hiểu rằng không ai nói tiếng anh lại gọi từ Donkey là Goofy cả. Nhưng cha đẻ Donkey Kong vẫn nhất quyết giữ lại tên gọi này. Thật may là Miyamoto đã không đổi tên game thành Donkey Donkey.

NES là máy chơi game gia đình đầu tiên của Nintendo

Những điều thú vị về Nintendo mà game thủ đã hiểu sai - P.1

NES (Nintendo Entertainment System) là một trong những hệ máy chơi game gia đình nổi tiếng nhất của Nintendo. Nó nổi tiếng tới mức nhiều người đã đinh ninh rằng đây chính là thế hệ máy chơi game gia đình đầu tiên của công ty. Tuy nhiên trên thực tế thì trước đó, vào cuối những năm 70, Nintendo đã phát hành một số máy chơi game gia đình dưới dạng Color TV-Game tại Nhật Bản, đưa một số trò chơi arcade lớn nhất của mình vào phòng khách của người dùng.

Nhưng có một lý do bạn chưa bao giờ nghe về hệ thống Color TV-Game của Nintendo: đó là nó hơi tệ. Hai hệ thống đầu tiên, Color TV-Game 6 và Color TV-Game 15 đã cố gắng đẩy mạnh hơn thị trường này với trò chơi như Hockey hay Volleyball, tuy nhiên, chúng chỉ đơn giản là những phiên bản hơi hơi khác nhau của trò chơi Pong nên khán giả không có mấy hứng thú.

Mặc dù không thành công lắm nhưng thế hệ Color TV-Game nhà Nintendo không thể coi là một thất bại được. Thực tế thì dòng sản phẩm này bán vẫn được khoảng 3 triệu bản, đem lại một nguồn doanh thu tương đối ổn định cho Nintendo. Bên cạnh đó, thế hệ dòng Color TV-Game Block Breaker lại là thiết bị được chính ông Shigeru Miyamoto phát triển. Đây vẫn là một bước khởi đầu khá suôn sẻ cho nhà Nin trên thị trường máy chơi game gia đình.

Super Mario Bros. là một tựa game ra mắt cùng thời điểm với NES

Những điều thú vị về Nintendo mà game thủ đã hiểu sai - P.1

Tất cả game thủ đều thừa nhận Super Mario Bros. là một trong những trò chơi biểu tượng của hệ máy NES (Nintendo Entertainment System). Tuy nhiên, tới giờ, vẫn có khá nhiều người hiểu lầm rằng Mario là trò chơi khởi nguồn, trò chơi đầu tiên được phát hành trên NES. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Quay trở lại thời điểm Famicom (tên gọi khác của NES) phát hành tại thị trường Nhật Bản. Đó là vào ngày 15 tháng 7 năm 1983. Trong khi việc phát triển Super Mario Bros. không bắt đầu cho tới đầu năm 1985. Đối với thị trường Mỹ, mọi chuyện có vẻ phức tạp hơn một chút. Các nhà nghiên cứu lịch sử trò chơi điện tử đã có cuộc phỏng vấn với cựu giám đốc điều hành Nintendo của Mỹ, Howard Lincoln, Minoru Arakawa và Howard Phillips. Tất cả đều đồng ý rằng Super Mario Bros xuất hiện vào năm 1986, trong khi NES phát hành tại Mỹ vào ngày 18 tháng 10 năm 1985.

Tuy nhiên, có khá nhiều nguồn tin phản bác lại về ngày phát hành chính xác của trò chơi Super Mario Bros.. Theo cơ sở dữ liệu chính thức và công khai của Nintendo, Super Mario Bros. ra mắt cùng thời điểm với NES tại Mỹ vào ngày 18 tháng 10 năm 1985. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu nội bộ của Nintendo (được cung cấp bởi một nguồn ẩn danh) lại cho rằng ngày phát hành của Mario là vào một tháng sau, tức 17 tháng 11 năm 1985.

Hiện giờ, nếu bạn tìm nguồn về ngày phát hành của Super Mario Bros. trên internet, kết quả trả về cũng có đôi chút khác khi ngày phát hành là vào 13 tháng 9 năm 1985. Nhưng theo nhiều chuyên gia khẳng định, Super Mario Bros. phát hành sau thời điểm NES ra mắt trên thị trường.

Thổi vào băng điện tử giúp tiếp xúc được tốt hơn

Những điều thú vị về Nintendo mà game thủ đã hiểu sai - P.1

Điều này với thế hệ game thủ 8x 9x tại Việt Nam cũng rất quen thuộc. Mọt còn nhớ vào thời điện tử băng vẫn đang phổ biến tại Việt Nam, đôi lúc việc tiếp xúc giữa băng trò chơi và máy không được tốt nên đã gây ra một vài lỗi vặt khá khó chịu. Anh em game thủ thường kháo nhau rằng nếu thổi cho sạch bụi, băng trò chơi sẽ tiếp xúc được tốt hơn. Không biết cách này có thật sự hiệu quả không nhưng hầu hết mọi lần đều thành công.

Trong những năm hoàng kim của thế hệ máy NES, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu tại sao việc thổi vào băng trò chơi lại có tác dụng nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày nọ, nhiều người sau thời gian dài nghiên cứu đã phát hiện ra đây được gọi là The Placebo Effect, hay còn gọi là Hiệu ứng Giả Dược. Tức hành động thổi vào băng gần như không có tác dụng gì, game thủ chỉ cần tháo băng điện tử ra rồi lắp lại là việc tiếp xúc với máy điện tử đã được cải thiện rồi. Việc thổi đơn giản là một hành động đánh lừa của não bộ chúng ta mà thôi.

Thông thường, sau một thời gian dài sử dụng, các điểm tiếp xúc của băng trò chơi và khe cắm trên máy thường bị bám bụi khá nhiều. Do đó việc tiếp xúc sẽ gặp cản trở. Chính hành động tháo ra cắm lại đã phần nào đó đẩy sạch bụi đi chỗ khác. Ngay cả khi bạn không thổi thì hành động tháo ra cắm lại liên tục như vậy chắc chắn sẽ có tác dụng (trừ khi thiết bị của bạn hỏng). Thậm chí hành động thổi của game thủ lại là nguyên nhân dẫn tới phần cứng nhanh hỏng hơn.

Những điều thú vị về Nintendo mà game thủ đã hiểu sai - P.1

Cách thổi băng phổ biến tới nỗi đến thời N64, Nintendo phải ghi rõ cảnh báo trên băng game

Theo một bản hướng dẫn sử dụng từ chính Nintendo, công ty đã cảnh báo rằng hơi thở của người dùng có thể làm ăn mòn và khiến các điểm mạch tiếp xúc bị nhiễm bẩn. Bên cạnh đó, độ ẩm trong hơi thở của con người cũng có thể khiến nấm mốc phát triển nhanh hơn bên trong thiết bị.

Quả thực chúng ta đã hiểu lầm về hành động thổi vào băng trò chơi này trong suốt bao nhiêu năm nay.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e