Không quá khi nói rằng Battle Royale đang là dòng game phổ biến bậc nhất trên toàn thế giới, và đang là xu hướng mới của thời đại hiện nay. Sự hấp dẫn của những bom tấn như PUBG, Fortnite cùng với một tiềm năng đầy hứa hẹn dành cho những siêu phẩm sắp tới như Darwin Project hứa hẹn sẽ trở thành một làn gió mới dành cho cộng đồng game thủ trong tương lai. Tuy nhiên, những tựa game Battle Royale nổi tiếng này cũng có vô số bí mật và góc khuất mà không phải fan hâm mộ nào cũng biết đâu nhé.
Bluehole từng cố gắng kiện Net Ease và Epic Games về vấn đề bản quyền
Thực tế, bản quyền luôn là một vấn đề nhạy cảm dù ở bất kỳ ngành công nghiệp nào, và với các tựa game cũng vậy. Nhiều người cho rằng nhà sản xuất của Fortnite, Epic Games đã quá thành công khi tạo ra được một siêu phẩm ăn theo phong cách Battle Royale của PUBG. Điều này chắc chắn đúng, bản thân Epic Games cũng chẳng giấu diếm. Họ thừa nhận luôn rằng ý tưởng của Fortnite xuất phát từ những nhân viên ở công ty đã chơi PUBG. Một năm sau, Fortnite bùng nổ, PUBG mất dần người chơi và cộng đồng bắt đầu đặt câu hỏi tại sao Bluehole lại không kiện Epic Games.
Nhà sản xuất Fortnite thừa nhận lấy ý tưởng game từ PUBG - nhưng rồi sao
Tất nhiên, họ đã làm. Bluehole đã đưa Epic Games tới với các tòa án Hàn Quốc về vấn đề vi phạm bản quyền, nhưng cuối cùng họ lại bỏ vụ kiện một tháng sau đó. Điều này chắc là hợp lý, khi mà trong quá khứ, Bluehole cũng đã làm điều tương tự với Net Ease - nhà phát hành của Rule of Survival và tòa án cho rằng, khi trò chơi đã được công khai, không có bất kỳ luật bản quyền nào ngăn những người khác phát triển một trò chơi hoàn toàn khác biệt dựa trên các nguyên tắc tương tự. Bluehole có mà kiện củ khoai.
PUBG phải rất vất vả mới có thể đặt chân vào thị trường Trung Quốc
Tất nhiên, vì nhiều yếu tố mà thị trường Trung Quốc - dù tiềm năng và màu mỡ nhưng luôn là nơi khó đặt chân tới nhất với các tựa game nước ngoài. Cục xét duyệt ở Trung Quốc luôn khắt khe và khó thuyết phục hơn nhiều so với những người đồng nghiệp láng giềng. Vào tháng 10/2017, Hiệp hội xuất bản của Trung Quốc cho rằng nội dung mà PUBG mang tới có phần đi lệch khỏi giá trị cốt lõi cũng như văn hóa và truyền thống của người Trung về các giá trị đạo đức. Hơi khó hiểu một chút, nhưng đại loại là họ không muốn một tựa game Battle Royale được phổ cập ở nước mình.
PUBG từng suýt thì bị cấm ở Trung Quốc
Nhưng điều này không ngăn cản được PUBG tới với người Tàu. Vài ngày sau khi có phán quyết, Bluehole và Tencent thông báo rằng họ đã đạt được một vài thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc. Và giờ thì ai cũng biết rồi đấy, đội tuyển RNG PUBG của người Tàu thậm chí còn được đánh giá là mạnh nhất nhì trên thế giới.
Nhà phát triển PUBG cho rằng cạnh tranh sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của dòng game Battle Royale
Brendan Greene cho rằng bản thân mình không có vấn đề gì với những tựa game Battle Royale khác. Phát biểu trên BBC, Brendan cho biết anh rất muốn chứng kiến sự phát triển của tựa game này, và để điều đó xảy ra, ông rất hoan nghênh những ý tưởng phát triển dòng game này, đồng thời cho rằng nếu những tựa game mới chỉ như bản copy một cách vụng về và nhàm chán thì dần dần, người chơi sẽ rời bỏ các dòng game Battle Royale.
Tương lai của dòng game Battle Royale có thể xuất phát từ những trại hè như ID Tech đang làm
Và tin tốt cho Brendan là thế hệ tiếp theo của các nhà phát triển Battle Royale đã rất chịu khó phát triển dòng game của mình. Ví dụ như iD Tech - một công ty tổ chức các chương trình hè cho trẻ em tìm hiểu về công nghệ mới đây đã tổ chức các trại hè Fortnite. Và tại đây, bọn trẻ không chỉ cắm mặt vào bắn Fortnite mà còn học cách để lập trình cũng như phát triển các ý tưởng mới cho tựa game này.
Các tựa game Battle Royale đang có tốc độ tăng trưởng phi mã
Những con số thì không biết nói dối, và không phải ngẫu nhiên mà Battle Royale đang được coi là dòng game thống trị các bảng xếp hạng đâu nhé. Năm 2017, dòng game này thu về tới 1.7 tỷ đô lợi nhuận. Điều này là tương đối tích cực, nhưng các chuyên gia cho rằng nó sẽ còn bùng nổ hơn vào những năm sau, cụ thể con số tương tự sẽ lên tới 12,6 tỷ đô trong năm 2018 và tới năm 2019 là khoảng 20 tỷ đô. Khủng khiếp.
Muốn kiếm tiền nhanh, hãy cứ đi theo chế độ Battle Royale
Điều này cũng dễ hiểu, khi mà những tựa game bắn súng phong cách truyền thống như Battlefield, Call of Duty đang dần bị lấn át bởi những tên tuổi mới nổi như Darwin Project, PUBG, Fortnite hay H1Z1. Thay đổi là cách tồn tại duy nhất và đó cũng là hướng đi mà nhà phát hành của Call of Duty đã làm. Họ mở thêm chế độ Battle Royale cho game của mình, và kiếm được 1 tỷ đô la tức thì với chế độ mới này. Đủ thấy sức hút của thể loại Battle Royale lớn thế nào rồi đấy.