Những trò chơi vượt qua địa ngục phát triển và đạt đến thành công – P.1 - PC/Console

Có những trò chơi, dù trải qua khoảng thời gian phát triển đầy khó khăn và gian khổ nhưng vẫn rất thành công khi ra mắt, được game thủ và giới chuyên môn đón nhận nồng nhiệt.

Development Hell (Địa ngục phát triển) là một thuật ngữ trong ngành công nghiệp game, để mô tả trạng thái phát triển của một trò chơi khi mọi thứ không thể tồi tệ hơn. Đôi khi, các trò chơi không bao giờ có thể thoát ra khỏi địa ngục này, dẫn tới sự từ chức của những người đứng đầu như giám đốc sáng tạo, studio phải đóng cửa, dự án bị bán cho một đơn vị khác hoặc thậm chí là bị hủy bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều dự án đã vượt qua được địa ngục này, trở thành một trò chơi xuất sắc, đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Fallout 3

Những trò chơi vượt qua địa ngục phát triển và đạt đến thành công – P.1

Bạn có biết rằng Fallout 3 phát hành năm 2008 mà bạn từng chơi không phải là phiên bản gốc ban đầu không? Thực chất đó là phiên bản Fallout 3 thứ hai. Điều này được giám đốc điều hành của Obsidian Entertainment, ông Fergus Urquhart – vốn là người cầm trịch Fallout khi đó, chia sẻ với IGN.

Fallout 3 ban đầu có tên mã là Van Buren, được xây dựng dưới dạng 2D và không có những tiêu chuẩn phù hợp với một game AAA hiện đại. Nhà phát triển sau đó nhận ra 3D là một yếu tố tuyệt vời nên đã thay đổi và làm lại toàn bộ dự án. Tất nhiên việc chuyển đổi hoàn toàn công nghệ làm game đã khiến hãng rơi thẳng xuống Development Hell, đặc biệt là khi nhà phát hành trò chơi lúc bấy giờ là Interplay đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Kết quả là dự án Van Buren lại trở thành một trò chơi khác.

Trong khi đó, Interplay đã nộp đơn xin phá sản, hãng phát triển Black Isle Studios phải đóng cửa. Các quyền đối với Fallout 3 được bán sang cho Bethesda và trở thành trò chơi mà các game thủ đã biết. Fallout 3 cũng được đánh giá là một trong những trò chơi hay nhất của Bethesda.

Team Fortress 2

Những trò chơi vượt qua địa ngục phát triển và đạt đến thành công – P.1

Một điều tương đối khó tin là Team Fortress 2 đã được giới thiệu từ tận năm…1998. Tuy nhiên, bước ngoặt của dự án này là khi Valve tuyên bố sẽ chuyển đổi engine đồ họa sang thứ chính họ phát triển: Source. Dĩ nhiên việc chuyển đổi toàn bộ engine không phải dễ dàng và nó đã khiến dự án của Valve rơi vào địa ngục. Tận 6 năm sau, người hâm mộ vẫn chưa nhận được thông tin gì về trò chơi này và ai cũng nghĩ rằng nó đã chết.

Nhưng thực chất, Team Fortress 2 chưa hề chết, trò chơi hóa ra còn sống động hơn nhiều, trưởng thành hơn nhiều so với mong đợi của bất cứ ai. Theo Kotaku, Team Fortress 2 chắc chắn đã phải trải qua 3 tới 4 lần làm lại mới có thể tốt hơn. Cuối cùng, tựa game được phát hành vào năm 2007 và trở thành một trong những game bắn súng góc nhìn thứ nhất tốt nhất do Valve tạo ra.

L.A. Noire

Những trò chơi vượt qua địa ngục phát triển và đạt đến thành công – P.1

Được phát triển bởi Team Bondi và được phát hành trên PS3, Xbox 360 và PC vào năm 2011, L.A. Noire của Rockstar Games đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ cả giới chuyên môn lẫn cộng đồng game thủ. Đây cũng là một thành công thương mại đáng ghi nhận của Rockstar. Tuy nhiên, để đạt được thành công này, dự án đã phải trải qua 7 năm phát triển trong gian khổ.

L.A. Noire ban đầu dự kiến sẽ do Sony Computer Entertainment America phát hành, nhưng họ đã từ bỏ dự án này khi người đứng đầu của Team Bondi, Brenda McNamara bị cáo buộc đã chi hàng chục triệu USD cho công nghệ độc quyền chỉ trong vòng một năm. Đối với Sony, một năm là quãng thời gian quá ngắn so với một số chi khổng lồ như vậy. Cuối cùng, vào năm 2005, Sony đã từ bỏ dự án này.

Sau đó, L.A. Noire tìm được nhà phát hành mới vào năm 2006: Rockstar Games. Công ty đã đổ rất nhiều tiền vào dự án và… tiếp tục trì hoãn thêm tận 4 lần nữa. Tuy nhiên, sau khi trò chơi ra mắt, danh tiếng của Team Bondi và Brendan McNamara đã bị hủy hoại vĩnh viễn. Nhiều cá nhân có liên quan tới việc phát triển L.A. Noire đã đưa ra những cáo buộc về điều kiện làm việc khủng khiếp ở studio.

300x250

Trước những điều tiếng quá lớn của Team Bondi, Rockstar ngay lập tức phải cắt đứt quan hệ với hãng phát triển này để tránh ảnh hưởng xấu lây lan. Cuối cùng, chỉ vài tháng sau khi L.A. Noire phát hành, Team Bondi đã bị thanh lý.

Diablo III

Những trò chơi vượt qua địa ngục phát triển và đạt đến thành công – P.1

Diablo II đã quá thành công, trở thành một trong những trò chơi được yêu thích nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, chính thành công đó đã trở thành bóng ma áp lực cho dự án Diablo III. Phải mất tới hơn một thập kỷ, chính xác là 12 năm, Blizzard Entertainment mới hiện thực hóa được dự án này.

Theo Josh Mosqueira từ Blizzard, áp lực thành công từ Diablo II đè nặng lên team phát triển và ảnh hưởng tới rất nhiều quyết định phát triển. Nó giống như một bóng ma khiến mọi người cảm thấy sợ hãi vậy. Đó là lý do khiến Diablo III rơi vào Development Hell. Thậm chí sau cả một thập kỷ làm việc chăm chỉ và cố gắng, Diablo III vẫn gặp phải rất nhiều lỗi nghiêm trọng khi phát hành. Hãng phát triển có lẽ đã phải thực hiện tận 8 bản vá lỗi lớn cho trò chơi.

Tuy nhiên, sau tất cả những khó khăn gian khổ, Diablo III cũng đã có những thành công nhất định. Blizzard đã rất khôn ngoan khi có một lời xin lỗi đầy tinh tế với người hâm mộ. Họ đã đưa vào một trò chơi bí mật mang tên Hell Hell, người chơi có thể tàn sát những con zombie được đặt tên theo chính tên của những người trong hãng phát triển.

Alan Wake

Những trò chơi vượt qua địa ngục phát triển và đạt đến thành công – P.1

Công bố từ năm, 2005 nhưng đến tận 2010 mới phát hành, Alan Wake cũng là một trò chơi đã vươn lên từ địa ngục phát triển, đạt được kỳ vọng của người hâm mộ. Lý do khiến Remedy Entertainment gặp khó khăn khi phát triển Alan Wake là bởi họ không tìm được engine đồ họa nào đáp ứng đủ yêu cầu của trò chơi cả. Do đó, dù chỉ với 45 người, Remedy vẫn quyết định tự tay làm luôn cả engine đồ họa của riêng mình. Nhưng chính quyết định đó cũng đã khiến quãng thời gian phát triển Alan Wake gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi chỉ là một studio rất nhỏ, với khoảng 45 người. Và đối với một đội ngũ nhỏ như vậy, cần rất nhiều thời gian để hoàn thành một dự án lớn. Các bạn cũng biết chúng tôi không phải một hãng game có thể sản xuất ra các trò chơi hàng năm hoặc hai năm một lần. Chúng tôi phát triển các trò chơi và tài sản trí tuệ của mình một cách cẩn thận để nó xứng đáng trong một thời gian dài.”

Chỉ với khoảng 45 người mà Remedy có thể vừa tự làm ra một engine mới, vừa hoàn thành tốt Alan Wake quả thật là rất đáng khen ngợi.

(Còn tiếp)

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Những game vượt được địa ngục phát triển và thành công
  1. Những trò chơi vượt qua địa ngục phát triển và đạt đến thành công – P.1