Team Fortress 2 (1999-2007)
Trước khi có công định hình thể loai hero shooter cũng như truyền cảm hứng cho những Overwatch, Dirty Bomb hay Paladins, Team Fortress 2 đã từng khác hoàn toàn những gì ta biết. Công bố lần đầu tại E3 1999, Team Fortress 2 ban đầu là một game FPS quân sự hiện đại mang đậm tính chiến thuật thời gian thực. Tuy nhiên đến khoảng giữa năm 2000, Valve quyết định đổi engine từ GoldSrc sang Source, sau đó Valve hoàn toàn im lặng về game trong 6 năm liền. Trước khi tung ra phiên bản Team Fortress 2 cuối cùng mà chúng ta biết đến hiện nay, Valve đã làm tới 4 game khác nhau đều mang tên Team Fortress 2 để rồi hủy bỏ tất cả. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, Team Fortress 2 không chỉ đi đầu trong thể loại hero shooter mà còn giúp Steam thống lĩnh thị trường game PC và vẫn tiếp tục sống khỏe sau hơn 10 năm.
Too Human (1999-2008)
Không phải cứ đầu tư thật nhiều tiền và thời gian là sẽ cho ra một sản phẩm tuyệt vời. Too Human là bằng chứng cụ thể nhất khi vừa là game đắt đỏ bậc nhất cho đến nay cũng vừa tốn thời gian phát triển nhất. Ban đầu được dự kiến là một game nhập vai 4 đĩa cho PS1, sau đó chuyển sang GameCube rồi cuối cùng là độc quyền Xbox 360. Game vốn được lên kế hoạch như sự khởi đầu cho trilogy game mới. Ý tưởng của game khá là độc đáo và tham vọng với cốt truyện kể lại thần thoại Bắc Âu theo hướng khoa học viễn tưởng với các vị thần nửa người nửa máy. Nhân vật chính Baldur bị cho là quá “con người” so với phần máy móc của mình sẽ đứng dậy chống lại đội quân máy móc của Loki. Tiêu tốn gần 10 năm và khoảng 60-100 triệu $, Too Human lại chỉ là một game ở mức trung bình khá với đồ họa, gameplay và cơ chế điều khiển lỗi thời. Không những vậy, nhà phát triển Silicon Knights vướng vào kiện tụng với Epic Games về quyền sử dụng Unreal Engine 3. Silicon Knights thua kiện, phải nộp phạt 4,5 triệu $ và mọi sản phẩm có sử dụng Unreal Engine 3 của hãng bị ngưng phân phối, bao gồm Too Human. Hậu quả là Silicon Knights phá sản vài năm sau đó.
Spore (2000-2008)
Trước No Man’s Sky, chúng ta có Spore. Từ studio Maxis, cha đẻ của The Sims, Spore có tham vọng cho phép người chơi điều khiển sự tiến hóa của các loài sinh vật đơn bào từ một giọt nước cho đến khi phát triển thành cả một thiên hà với các sinh vật có trí tuệ cao cấp. Cũng giống No Man’s Sky, Spore cũng sử dụng thuật toán tự tạo ngẫu nhiên (procedural generation) nhằm tạo ra nhiều khả năng nhất có thể để đến đời con cháu bạn chơi cũng không hết. Trải qua một quá trình phát triển với nhiều thay đổi lớn nhỏ, sau 8 năm game mới được ra mắt. Dù được đánh giá tốt nhưng phần lớn mọi người đều rất thất vọng khi game không đáp ứng được tham vọng nó đã vẽ lên mà chỉ gồm những minigame cho bạn tiêu khiển là chính. Nguyên nhân cũng phần nào từ việc EA can thiệp quá trình phát triển khiến nhiều nội dung bị thay đổi và cắt bỏ. Dù sao đây vẫn là 1 game chất lượng khi mới ra mắt chứ không thảm họa như No Man’s Sky.
Hellraid (2011-?)
Vốn dự định chỉ là 1 bản mod của Dead Island, nhưng Techland đã quyết định tiến xa hơn khi biến nó thành hẳn 1 game riêng. Hellraid là một game chơi đơn có yếu tố coop chặt chém góc nhìn thứ nhất lấy cảm hứng từ truyện dân gian thời Trung Cổ tại Châu Âu. Được công bố lần đầu vào 2013 và dự kiến ra mắt cùng năm. Sang đến 2014, game được dời lịch để Techland thực hiện lại game với Chrome Engine 6 mới nhất của hãng, đồng thời chuyển từ hệ console thứ 7 sang thứ 8. Thế nhưng đến 2015, Techland tuyên bố tạm ngưng Hellraid để tập trung hoàn thiện Dying Light. Trong khi Dying Light thành công mỹ mãn, có thêm 1 bản mở rộng và update cả Battle Royale mode, phần 2 còn sắp ra mắt thì chả thấy tăm hơi của Hellraid ở đâu, chỉ biết là Techland hé lộ rằng tựa game này chưa bị hủy. Một điều thú vị là trên Steam hiện tại vẫn còn Hellraid cũng như đầy đủ thông tin bao gồm cả cấu hình (có điều cầu hình đó giống của một game từ 2009), chỉ thiếu mỗi ngày phát hành.
Mount & Blade II: Bannerlord (2012-?)
Mount & Blade ra mắt năm 2008 chỉ dừng ở mức khá trong mắt giới chuyên môn nhưng được cộng đồng game đón nhận nồng nhiệt và đánh giá cao. Nhờ đó, năm 2012 phần 2 của game được công bố. Từ đó đến nay đã có rất nhiều demo của game được trình diễn tại các sự kiện lớn nhỏ, thế nhưng game chưa bao giờ ấn định ngày phát hành. Năm 2019, nhà phát triển TaleWorlds cho biết sẽ có closed beta trong tương lai gần, có điều không có ngày cụ thể, chí ít như vậy cũng đủ để cộng đồng fan yên tâm là game vẫn còn đó. Và trong sự kiện Gamescom 2019, nhà phát triển đã tung ra trailer kèm theo mốc thời gian mới là tháng 3/2020 sẽ… early access, tức là còn test dài dài nữa.
Owlboy (2007-2016)
Lấy cảm hứng từ những tựa game kinh điển của Nintendo, Owlboy được phát triển nhằm tôn vinh những giá trị cũ của những game phiêu lưu platform cổ điển. Giữa thời kì khi mà các game hành động kinh phí lớn như Call of Duty và GTA thống trị thị trường, Owlboy tạo nên sự chú ý không nhỏ trong cộng đồng, vô tình tạo nên áp lực vô cùng lớn cho nhà phát triển D-pad Studio. Do lo ngại kì vọng quá lớn của fan sẽ không được đáp ứng, đội ngũ phát triển đã phải làm lại game từ đầu vô số lần. Trưởng nhóm phát triển Simon Stafsnes Andersen thậm chí phải chịu trầm cảm nặng, điều mà anh phải trải qua từ thời thơ ấu. Cuối cùng game ra mắt sau gần 10 năm và cũng không khiến mọi người phải thất vọng.
(Còn tiếp)
—
Bấm liền tay – Nhận ngay quà tặng từ văn phòng phẩm Hồng Hà cho mùa tựu trường: http://bit.ly/2KivZKo
- Những tựa game tốn nhiều thời gian phát triển nhất – P.1
- Những tựa game tốn nhiều thời gian phát triển nhất – P.2
- Những tựa game tốn nhiều thời gian phát triển nhất – P.3