Năm 2014 khi game chính thức đi vào giai đoạn phát triển, nhà sản xuất Shibusawa xem xét lại lối kể chuyện của Nioh. Hai trưởng dự án là Yasuda và Hayashi đã có bất đồng về phong cách kể chuyện mà họ muốn cho Nioh. Yasuda muốn thứ gì đó sát với Ninja Gaiden còn Hayashi muốn 1 trải nghiệm u ám của chiến tranh và chết chóc. Cái chết trong game được tập trung khai thác từ cả bối cảnh game cũng như lời truyền về các nguyên tắc samurai Bushido. Trường đoạn mở đầu của game tại Tháp London cùng truyền thuyết đầy ám ảnh xung quanh nó nhằm nhấn mạnh chủ đề đó. Chủ đề chính của Nioh xoay quanh vòng tròn của sự sống và cái chết, điều này được thể hiện bởi nhân vật chính William và các Yokai, điều mà Hayashi không ủng hộ.
Bối cảnh thời kì Chiến quốc Sengoku vốn được khai thác rất nhiều trong các sản phẩm về lịch sử Nhật Bản lại tiếp tục được sử dụng với Nioh. Đồng thời nhân vật chính William Adams cũng được tận dụng không chỉ bởi là một nhân vật lịch sử có thật mà còn nhằm khai thác góc nhìn của 1 người ngoại quốc đến với nước Nhật. Các yếu tố thần thoại như yokai được thêm vào nhằm làm cho thế giới trong game đa dạng và phong phú hơn.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến cốt truyện game đó là tiểu thuyết Shogun của James Clavell vốn tập trung vào 1 samurai đến từ Anh Quốc dựa trên William Adams ngoài đời. Theo đó, nhân vật của Adams được tưởng tượng là 1 cướp biển đến với nước Nhật và trở thành samurai. Nioh có sự góp mặt của các diễn viên có tiếng trong các vai chính, cung cấp cả giọng lồng tiếng và diễn xuất cho game. Trong khi hầu hết các nhân vật trong Nioh nói tiếng nhật thì William cùng 1 số khác nói tiếng Anh.
Về khía cạnh gameplay, khi được giao trọng trách phát triển Nioh, Team Ninja đã tiến hành rất nhiều thử nghiệm để tìm ra lối gameplay phù hợp nhất với không khí và chủ đề của Nioh. Năm 2011, Dark Souls được ra mắt và trở thành một tượng đài mới trong thể loại game nhập vai hành động. Thành công đó nhờ một phần không nhỏ bởi lối chơi yêu cầu sự tính toán và tính thử thách cao nhưng công bằng và tưởng thưởng xứng đáng cho nỗ lực của người chơi. Từ đó tính thử thách cao lại trở thành một xu thế mới trong ngành công nghiệp game khi không ít sản phẩm cố gắng học tập theo những gì Dark Souls đã làm được.
Với kinh nghiệm dày dặn trong việc phát triển dòng game Ninja Gaiden, một dòng game phiêu lưu hành động kinh điển cũng được biết đến với tính thử thách cao, Team Ninja tin rằng thời cơ đã đến để tận dụng những tinh hoa từ Dark Souls nhằm làm được điều tương tự. Nói là thời cơ bởi Nioh lúc đó đã tốn quá nhiều thời gian và không ít nhân viên của Team Ninja vốn cũng là fan của dòng game Souls nhìn thấy được sự trỗi dậy về tiếng tăm của Souls như một cứu cánh cho Nioh khi đó đang đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ. Nhờ vậy, quá trình phát triển Nioh tiếp tục được duy trì.
Học tập theo Dark Souls không có nghĩa là bắt chước lại hoàn toàn tất cả những gì Dark Souls có. Nioh cũng cần có bản sắc riêng. Team Ninja tìm đến cả những tựa game khác để lấy cảm hứng như Bloodborne, Onimusha, Diablo và cả dòng game Ninja Gaiden của họ. Mục tiêu chính được hướng tới đó là tạo ra 1 tựa game tái tạo lại được gameplay thử thách của Souls và Ninja Gaiden, đồng thời cũng phải dễ tiếp cận, công bằng và tưởng thưởng xứng đáng cho nỗ lực của người chơi. Thay vì tiếp tục sử dụng engine đồ họa của Ninja Gaiden hay engine của đơn vị bên ngoài, Team Ninja quyết định tự phát triển 1 engine mới hoàn toàn từ đầu.
Trong khi yếu tố combat mang nặng đặc trưng của 1 game Souls, yếu tố loot đồ của Nioh được ảnh hưởng nhiều từ Diablo khi mà Team Ninja muốn combat xoay quanh kĩ năng người chơi hơn là trang bị nhận được. Gameplay được kết hợp với kiếm thuật của samurai trong văn hóa. Vũ khí, giáp và phong cách chiến đấu cũng được nhà phát triển mô phỏng cho thật sát với lịch sử, điều đó khiến cho các đồ vật như khiên bị loại bỏ khỏi game do không được sử dụng bởi samurai. Cùng với đó các yokai trong game cũng được thực hiện dựa trên sự tích văn hóa Nhật Bản, dù 1 số trong chúng được chỉnh sửa lại so với nguyên gốc ban đầu.
Kể từ lần đầu công bố năm 2004, Nioh đã trải qua rất nhiều lần định hình và thay đổi tầm nhìn dự án. Cùng với đó là không ít các phiên bản game bị hủy và cả 1 bộ phim ăn theo game với kinh phi 3 tỉ yên cũng bị hủy bỏ. Đến tận 2015 tại Tokyo Game Show, Nioh mới xuất hiện trở lại trong mắt công chúng và ấn định ngày ra mắt vào 2016 để rồi lại tiếp tục phải dời lịch sang 2017.
Nioh sau khi đã chính thức ra mắt đã nhận được những đánh giá rất tích cực từ chuyên môn và cộng đồng nhờ vào gameplay thử thách cùng bối cảnh Nhật Bản đầy màu sắc. Dù có không ít người so sánh Nioh với các game của FromSoftware thế nhưng phải nói rằng Nioh đã tự tạo nên bản sắc riêng cho mình cũng như đủ cạnh tranh với tượng đài Dark Souls trong thể loại này. Game cũng là 1 thành công về thương mại khi bán được hơn 1 triệu bản sau 2 tuần đầu tiên. Tất cả điều này đạt được là nhờ sự kiên định của nhiều con người tại Koei trong suốt hơn 13 năm với 1 tầm nhìn về 1 samurai ngoại quốc tại Nhật Bản.
- Nioh và chặng đường 13 năm phát triển – P.1
- Nioh và chặng đường 13 năm phát triển – P.Cuối