Hiệu ứng chặt cây trong game sinh tồn, không có tệ hơn chỉ có tệ nhất - PC/Console

Chặt cây không có gì thú vị, kể cả ngoài đời lẫn trong game và một số trò chơi sẽ khiến cho công việc này càng thêm ác mộng bởi cơ chế vật lý tồi tệ.

Mọt tui không phải là tín đồ của thể loại game sinh tồn thế nên nếu phải trải nghiệm nó (vì công việc) thì thường cuộc tiếp xúc này hiếm khi mang lại cảm giác quá tích cực. Nói như thế không phải để chê bai game sinh tồn hay thể loại survival bởi bản thân tui cũng biết có rất nhiều tựa game sinh tồn cực kỳ hấp dẫn như DayZ, Last Day on Earth, ARK hay Frostpunk… Nhưng nói thế nào ấy nhỉ, không thích là cảm giác xuất phát từ nhận thức của từng cá nhân chớ không phải từ chất lượng của trò chơi thế nên người dưng ngược lối thì mãi cũng vẫn sẽ không chung đường vậy.

Cốt truyện Resident Evil 2 Remake qua Video – P.1
Sự thật đắng lòng rằng nếu thiếu những yếu tố sau đây game kinh dị sinh tồn chỉ là đồ bỏ – P.1
Có một thực đế đáng buồn là những đứa sợ ma và nhát như chuột lại là những fan trung thành của thể loại kinh dị, bao gồm cả game và phim.

Trải nghiệm survival khi không ưa thích chẳng phải chuyện thú vị gì nhưng có một thứ khiến sự mệt mỏi này được buff thêm cả tá tác động tiêu cực. Đó là thao tác chặt cây! Tui nói là chặt cây đấy bạn không nghe nhầm đâu. Thử nhớ lại xem nào, trong hầu hết các game sinh tồn, bạn bắt đầu với hai bàn tay trắng, thứ duy nhất có thể giúp chế tạo mọi công cụ chính là… gỗ. Đúng vậy không gì khác ngoài gỗ và bạn biết muốn có gỗ thì phải làm gì rồi đó. Có thể nói chặt cây là bước đầu tiên trong chặng đường sinh tồn, thậm chí cho đến cuối game khi người ta đã có đầy đủ mọi thứ thỉnh thoảng việc chặt cây này vẫn phải được tiếp diễn.

Nhiều game thủ, trong đó có Mọt tui bị ám ảnh với phi vụ chặt cây này rất nhiều năm, đến ngày hôm nay với bọn tui không có thể loại game nào bắt người ta chặt cây mà tốt cả. Nếu muốn xếp hạng chỉ có thể tóm gọn trong 8 chữ không có tệ hơn, chỉ có tệ nhất.

Cây không tự sinh ra cũng không tự mất đi trong Rust

Rust là một lựa chọn hàng đầu cho những game thủ muốn sinh tồn cùng bạn bè và các game thủ khác trên toàn thế giới. Bạn sẽ đi khắp bản đồ rộng lớn để khám phá và sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã. Mục đích chính duy nhất trong Rust đó chính là làm thế nào để sống sót, để làm được điều này thì bạn phải vượt qua sự đói, khát và lạnh. Bạn phải xây dựng một nơi trú ẩn cho riêng mình, đi giết các động vật để có nguồn thức ăn và phải bảo vệ bản thân mình trước những người chơi khác. Thế nhưng chặt cây trong Rust quả thật là một thảm họa khi người ta cứ rầm rìu gõ bộp bộp vào thân cây và nó tự dưng sẽ tan biến không không khí như chưa từng tồn tại.

Không có tiếng trầm đục nào khi nhát rìu cắm ngập vào thân cây, không có tiếng dăm gỗ rơi lả tả khi thân cây bắt đầu vặn vẹo và cuối cùng không hề có tiếng động gì biểu thân cái cây bạn vừa đốn đã ngã xuống. Nó có thể được mô tả đơn giản là cầm 1 vật thể, gõ gõ mấy cái vào 1 vật thể khác rồi cái đồ chơi kia sẽ biến mất. Mặt tích cực của chuyện này là những cái cây được tạo hình đồ họa khá đẹp trong khi điểm tồi tệ chính là trong lúc chặt cây có 85% khả năng một thằng điên trần truồng nào đó sẽ lao ra dùng đá tấn công bạn đến chết. Cảm giác đó không hề thú vị!

Xây dựng tại Minecraft rất thú vị nhưng chặt cây thì không

Minecraft là tựa game khá nổi tiếng với lối chơi tự do được đặt trong một thế giới hoàn toàn mở. Ban đầu game được tạo ra bởi lập trình viên người Thụy Điển Markus “Notch” Persson và sau đó tiếp tục được phát triển và phát hành bởi Mojang. Khả năng sáng tạo và xây dựng Minecraft cho phép người chơi xây dựng mọi công trình bằng cách tương tác với các khối vuông trong thế giới 3D. Các hoạt động khác trong game bao gồm tìm kiếm, thu thập tài nguyên, chế tạo và chiến đấu.

Có nhiều chế độ chơi có sẵn, gồm chế độ sinh tồn, khi mà người chơi phải tìm tài nguyên để xây dựng thế giới và duy trì sức khỏe, chế độ sáng tạo, nơi người chơi có tài nguyên không giới hạn để xây dựng và có khả năng bay, chế độ phiêu lưu, nơi người chơi sử dụng các bản đồ được người khác tạo ra và chế độ khán giả, nơi người chơi có thể bay qua khối, nhưng không thể tương tác với các khối. Phiên bản PC của trò chơi còn nổi tiếng với các mod của bên thứ ba, cho phép có thêm nhiều công cụ mới, nhân vật và nhiệm vụ cho trò chơi.

Oh ho ho, tui đoán là mình đang chọc vào một tổ ong vò vẽ bởi số người thích tựa game của Mojang trên Kênh Tin Game cũng không ít nhỉ? Nhìn chung tui không chê trách gì trò chơi này, chỉ muốn than phiền tại sao người ta phải đốn hạ nhiều cây như thế trong Minecraft để xây dựng. Đó là một công việc thật sự nhàm chán, thiếu sáng tạo và chắc chắn không hề có chút hưởng thụ thành quả nào sau khi điên cuồng đập một khối trụ lớn để nó vỡ vụn là hàng trăm mảnh pixel nhỏ rồi tan biến. Xây dựng cũng như sáng tạo công trình trong cái game này quả thật là một sự kiện hùng vĩ nhưng việc chặt cây để lấy nguyên liệu đáp ứng cho công cuộc xây dựng có thể không hùng vĩ chút nào. Nhất là khi người ta chỉ có thể chặt nửa dưới của một thân cây nếu không chồng các khối lên nhau để làm cầu thang hoặc đốt cho nó cháy rụi hẳn phần trên.

Đốn củi ở The Forest khiến người ta hoài nghi nhân sinh

The Forest là một tựa game sinh tồn độc đáo, một phần vì nó dùng một bối cảnh khác với những cơn sốt zombie, tận thế hay những kiểu mở không định hướng. The Forest lấy một không gian nhỏ hơn trên một hòn đảo hoang có cư trú những bộ tộc ăn thịt người cùng một cốt truyện hoàn chỉnh có những nút thắt hấp dẫn như một bộ phim. Game thủ vừa có thể sinh tồn giữa rừng, xây dựng căn cứ, chống lại kẻ địch mai phục ở bất cứ đâu vừa phải lần theo dấu vết tìm đứa con trai bị bắt cóc.

Cái game này có tên là “Khu rừng” cho nên ngay cả những người khô khan ít biến báo như ông giáo Thứ cũng có thể nhận ra điều mà người chơi sẽ phải đối mặt khi bắt đầu cuộc hành trình. Chỉ đáng tiếc các NSX tại Endnight Games đã lựa chọn cơ chế nửa thật nửa ảo khi các vết chém trên thân cây được thực hiện khá tốt. Nhưng phần còn lại hoàn toàn hư cấu khi thân cây đổ xuống, chùm lá cây bắn ra ngoài như những hạt kim tuyến sau đó chúng ta có tầm 3 súc gỗ ngắn để vác lên vai. Nửa thực tế nửa fantasy là tỉ lệ pha trộn không mấy thú vị nhất là khi bạn đang chơi game sinh tồn.

Cây bị hạ gục theo cách khó lường ở Ark: Survival Evolved

Ark: Survival Evolved là một tựa game sinh tồn, nhưng hơn thế nữa, nó còn là một tựa game thế giới mở thực sự. Game không yêu cầu bạn phải đi đâu, làm gì, làm như thế nào, và bạn chỉ cần làm điều mình thích. Hệt như những game sinh tồn khác, mọi thứ bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Chiếc búa đá được tạo ra từ nhánh cây và đá vụn nhặt được trên bãi sẽ là nền tảng giúp chúng khởi đầu “thời đồ đá” của mình. Đó là một bước nhỏ trong lịch sử công nghệ của con người, và càng nhỏ bé hơn trong Ark: Survival Evolved khi nó kéo dài từ những công cụ thô sơ đầu tiên cho đến khi bạn có thể làm ra bộ giáp không thua kém Iron Man, và trường lực (Forcefield) trở thành hiện thực.

Ngoài đá dĩ nhiên thứ nhiều nhất mà người ta có thể đi thu hoạch miễn phí trong Ark: Survival Evolved chính là cây. Nhưng có lẽ không game nào khác mà người ta lại đốn cây theo kiểu kỳ cục như game thủ trong trò chơi này thực hiện. Bất chấp đây là một game sở hữu đồ họa 3D, phần thân dưới của người chơi vẫn giữ nguyên tư thế một cách kỳ quặc khi đốn củi. Trong khi đó phần thân trên cứ gõ vào thân cây liên hồi khiến nó lõm xuống một ít. Trong kịch bản bất ngờ nhất, cái cây tự nhiên đổ sập và bạn có gỗ theo cách không thể kỳ quái hơn.

Chặt cây là vấn đề đạo đức nghiêm trọng với No Man’s Sky

Trước khi ra mắt No Man’s Sky, Hello Games đã “nổ” banh nhà lồng khi quảng cáo rằng đây là một bom tấn chưa từng có trong lịch sử. Quả thật khi mới ra mắt trên thị trường, trò chơi ngay lập tức đã tạo nên một cơn sốt trên khắp thế giới. Với sức nóng của mình, No Man’s Sky dễ dàng vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng những tựa game đang hot nhất trên Steam. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, bộ mặt thật của No Man’s Sky đã nhanh chóng bị lật tẩy. Trò chơi này phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng cho đến những nhà chuyên môn.

Với một lối chơi vô hồn, nhạt nhòa và lặp đi lặp lại, No Man’s Sky đã bị nhiều người ví như quả bom xịt lố bịch nhất của năm 2016. Với thất bại tủi hổ đó, tưởng chừng như sản phẩm này sẽ nhanh chóng lụi tàn và lùi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, trong muôn trùng khó khăn, nhà sản xuất của No Man’s Sky vẫn biết cách đứng dậy từ chính những sai lầm trong quá khứ. Lần lượt các bản cập nhật lớn hoàn toàn miễn phí như Next và Beyond ra đời, đã tạo ra một sản phẩm bình cũ rượu mới, một bom tấn đích thực mà người ta vẫn luôn mong đợi. Rốt cục thì No Man’s Buy đã trở thành No Man’s Sky nhờ vào sự cầu thị của đội ngũ sản xuất.

Bỏ qua pha trùng sinh đáng kinh ngạc trên thì vụ vụ chặt cây trong game sinh tồn này khiến người ta khó mà hài lòng được khi con drone giám sát lâu lâu cứ phát cáu vì bạn dám phá hoại môi trường. Đó là chuyện hoàn toàn tào lao trong khi robot được tạo thành hoàn toàn từ kim loại. Với số lượng đông đến mức có thể tuần tra khắp vũ trụ, đã có bao nhiêu hành tinh bị móc sạch tài nguyên để tạo nên binh đoàn drone giám sát này rồi? Và bây giờ một con robot giám sát lại nổi cáu với tui vì nhỡ chặt vài cái cây nhỏ, thứ chắc chắn sẽ mọc lại trong thời gian ngắn. Quả thật là một bọn đạo đức giả trong khi chặt cây kiểu khoa huyễn trong No Man’s Sky cũng không thật sự thú vị cho lắm.

Làm tiều phu cũng là một nghệ thuật đầy học vấn của Factorio

Được sản xuất từ năm 2012 thế nhưng đến giờ Factorio vẫn chưa thật sự chính thức ra mắt bởi nhiều lý do khác nhau. Thứ gần nhất mà Wube Software LTD. mang đến chỉ mới là một bản thử nghiệm sớm và nghe đâu cuối năm 2020 thì thiên hạ mới có thể trải nghiệm trò chơi hoàn chỉnh. Nhưng ngạc nhiên chưa đánh giá về cái game sinh tồn có đồ họa “xấu quắc” cùng một cốt truyện rồi rắm này lại tích cực đến mức ai lần đầu nhìn qua cũng thấy thật kỳ lạ. Thậm chí thứ dễ hiểu nhất đầu game chính là đoạn giới thiệu “Sau khi tai nạn xảy ra, bạn rơi xuống hành tinh này và giờ bạn phải khám phá xung quanh, khai thác nguồn tài nguyên và tự động hoá việc sản xuất những vật phẩm cần thiết để sống sót”. Nhìn chung Mọt tui không muốn làm kẻ tạo nghiệp nhưng cứ thử mua Factorio về chơi thử xem và nếu có nghiện cũng đừng đổ thừa là do Kênh Tin Game xúi nhé.

Thiết kế đồ họa đơn giản khiến cho việc đốn cây của Factorio tỏ ra đơn giản nhất trong số nhưng cái tên được liệt kê trong bài viết này. Thao tác cần thiết là giữ chặt chuột trái trong khi nhân vật điên cuồng chặt cây, đâu đó tầm ba nhát búa cộng với cơn mưa lá cây rụng lả tả và người ta sẽ bắt đầu hành trình trở thành nô lệ của một trong các game sinh tồn gây nghiện bậc nhất từng xuất hiện trên Steam. Điểm thú vị của Factorio chính là nếu chịu khó tra cứu trên bách khoa toàn thư, ngoài rìu đốn củi còn có khá nhiều cách đốn cây quái lạ mà game thủ có mơ cũng không thể nghĩ ra tại sao NSX lại rảnh rỗi như vậy.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e