Nobody – The Turnaround một tựa game đời thường
Nobody – The Turnaround hay “Đại Đa Số” là tựa game do U.Ground Game Studio sản xuất lấy bối cảnh ở thế giới hiện đại nơi chúng ta đang sinh sống. Không giống các tựa game nhập vai sinh tồn khác, trong Nobody người ta không phải chiến đấu với zombie, đề phòng quái thú khát máu hay lo ngại về những phép thuật hắc ám. Thế giới trong game rất phổ thông nhưng cũng rất tàn nhẫn khi ném người ta vào vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền. Những thứ bình thường nhưng lại có thể tiêu diệt bất cứ anh hùng hay đấng cứu thế nào.
Vào vai một thanh niên lần đầu lên thành phố lập nghiệp, chúng ta phải tìm cách vật lộn giữa dòng đời khắc nghiệt, xoay sở đủ mọi nghề có thể kiếm tiền trả nợ cũng như thực hiện mục tiêu đặt ra. Bối cảnh gần gũi và rất đời thường của Nobody khiến người chơi cảm thấy bản thân là một phần trong đó. Mọi chuyện trải qua trong Nobody đều có dễ dàng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hàng ngày. Đúng như tên gốc “Đại đa số”, game thủ không phải tiên, chẳng phải thần càng không có hào quang nhân vật chính mà chỉ là một người bình thường đang tìm cách tồn tại trong xã hội.
Đương nhiên vì là một người bình thường, khi trò chơi bắt đầu nhân vật do chúng ta điều khiển chẳng thể tìm được công việc nào tốt. Đa phần là tạm bợ qua ngày với những công việc chân tay không đòi hỏi kinh nghiệm hoặc chuyên môn cao. Chỉ khi làm việc đủ lâu, tích lũy kinh nghiệm đủ nhiều trong mọi lĩnh vực thì các thuộc tính của nhân vật mới được cải thiện đáng kể. Lúc đó chúng ta mới có cơ hội lựa chọn việc làm thu nhập cao hoặc giúp thăng tiến tốt hơn trong tương lai.
Thú thật lần đầu chơi game này này tôi suýt nữa thì buộc miệng chửi thề, đù mà cái game cũng chân thực ghê ta. Nó thật tới mức chạnh lòng, bởi trong cuộc đời này, trừ phi là thiên tài sở hữu IQ 3000, có 8 bằng đại học khi mới 10 tuổi hay bố là chủ tịch tập đoàn nhưng lại thích giả nghèo đi làm nhân viên trải nghiệm nhân tình thế thái, còn lại đại đa số đều phải bắt đầu từ vạch xuất phát. Đúng kiểu trên đời có làm thì mới có ăn, không làm thì ăn cái gì bạn cũng biết rồi đó.
Người ta nói tiền không mua được mọi thứ nhưng mua được gần hết nên mục đích chính của nhân vật trong trò chơi chung quy vẫn là kiếm tiền. Tuy nhiên nhân vật của chúng ta không phải siêu nhân nên làm gì có chuyện cắm mặt cày ngày cày đêm được. Thay vào đó phải chú ý đến những chỉ số như tình trạng sức khỏe và tâm trạng của nhân vật. Ví dụ muốn có tinh thần vui vẻ lành mạnh thì phải thường xuyên kết nối với xã hội như trò chuyện với chị bán hàng rong, đánh cờ tướng với bác hàng xóm.
Người ta nói nỗ lực thì mới thành công, tuy nhiên thế nào là thành công và thế nào là nỗ lực? Trong trò chơi, nhân vật chính sau khi trải qua nhiều khó khăn, chăm chỉ cày cuốc thì cuối cùng cũng trả được nợ cho cha. Thậm chí có thể kết hôn với người mình thích và xây dựng cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Nhà sản xuất chia sẻ cốt truyện chính nói về cách một người vượt qua nghịch cảnh, qua đó lan truyền năng lượng tích cực để mọi người có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Nhưng ngoài happy ending nói trên thì nhân vật chính trong trò chơi có thể thất bại dưới bất kỳ hình thức nào.Có người ví von rằng cũng giống ở ngoài đời, không phải nỗ lực nào cũng đi đến thành công. Bạn nỗ lực học bài nhưng người ta cũng nỗ lực giống bạn. Thậm chí nếu một thằng quay cóp gặp hên nó cũng có thể đạt điểm cao như bạn. Bạn nỗ lực làm việc nhiều năm nhưng lúc thăng chức lại là một tên có quan hệ. Công bằng hay không? Không nhưng cuộc sống vốn dĩ là như vậy.
Có điều nếu nghĩ vậy thì hình như chúng ta đã hiểu sai về khái niệm nỗ lực và thành công. Chỉ cần hôm nay bạn tốt hơn hôm qua thì như vậy đã là một loại thành công rồi. Thế nên điều chúng ta vẫn lầm tưởng là thành công thật lại chính là mục tiêu cuối cùng, còn thành công là ở quá trình trải nghiệm. Vậy nên có thể thấy lý do mà Nobody thành công không gì khác ngoài việc nó quá thật và gần gũi.
Dù bối cảnh của trò chơi được xây dựng ở nước bạn, nhưng ở đâu thì ta cũng sẽ bắt gặp được những khoảnh khắc vô cùng quen thuộc. Chẳng hạn như cảnh mấy bác lớn tuổi ngồi đánh cờ trong xóm, những shipper phải hối hả lao vào dòng đời để kiếm sống hay những bạn trẻ phải đi làm thêm, bưng bê cho quán cà phê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tóm lại Nobody khắc họa rõ câu chuyện về đời sống của người lao động đi làm công ăn lương mỗi ngày và chúng ta là một trong số đó.
Lí do cấm cửa khỏi Trung Quốc
Vậy tại sao tựa game vốn đang hot như thế lại bị ngừng bán trên Steam chỉ sau thời gian rất ngắn? Theo thông báo từ U.Ground Game thì họ quyết định ngừng bán trò chơi vì nhận được nhiều phản hồi về việc trò chơi không tương thích với các bản Windows cũ. Nhà sản xuất cũng cam đoan rằng họ làm vậy vì muốn bảo vệ quyền lợi của người chơi và hứa sẽ mang Nobody quay lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Tất nhiên lời giải thích không hợp lý này rất khó thuyết được được người hâm mộ. Trên mạng đang đồn rằng lý do thật sự khiến nhà sản xuất phải thu hồi trò chơi là vì tựa game đang gặp vài vấn đề và có thể bị cấm cửa ở Trung Quốc. Đương nhiên việc này không quan trọng lắm nếu Nobody là một tựa game do nước ngoài sản xuất. Không may nhóm làm game toàn là người xứ gấu trúc còn trụ sở chính thì đặt tại Bắc Kinh nên nếu đủ can đảm chống đối, các sản phẩm sau đó đều bay màu hay bị rút giấy phép hoạt động là điều chắc chắn.
Tuy chỉ là lời đồn nhưng nó cũng có căn cứ, vì đây không phải lần đầu tiên đất nước khó tính này cấm cửa những game nước ngoài vì lỡ động chạm đến họ. Lấy ví dụ điển hình là hai tựa game Detention và Devotion của hãng Red Candle tại Đài Loan. Chúng ta đều biết Detention là tựa game kinh dị nổi tiếng lấy bối cảnh thời kỳ Thiết quân luật ở Đài Loan những năm 1960. Trò chơi nhận được rất nhiều lời khen nhưng bị cấm cửa ở thị trường tỷ dân vì lý do quá mức kinh dị.
Đó chỉ là lý do bề nổi, còn sự thật thì thời kỳ Thiết quân luật là giai đoạn khá nhạy cảm giữa hai nước nên việc trò chơi lấy bối cảnh này đã khiến cơ quan kiểm duyệt không hài lòng. Đến lượt Devotion, có lẽ do cùng nhà nên cậu em này cũng được chăm sóc đặc biệt chẳng khác gì ông anh. Game bị cấm vì có chèn chi tiết châm biếm người không nên động đến. Vụ việc căng thẳng đến nỗi đơn vị nhận phát hành Devotion tại Trung Quốc bị tước luôn giấy phép kinh doanh.
Đương nhiên Devotion và Detention cũng không phải những nạn nhân duy nhất bị cấm đặt chân vào thị trường Trung Quốc. Ngoài hai cái tên trên thì chúng ta còn có vài gương mặt tiêu biểu khác như tựa game nhập vai đáng yêu Animal Crossing: New Horizons. Nó bị vào danh sách đen vì người chơi tại Hong Kong dùng tính năng ingame ủng hộ phong trào Dù Vàng. Plague Inc. bị cấm vì nhắc đến đại dịch ở xứ mà ai cũng biết là xứ nào đấy.
Thời gian gần đây, một số dự luật mới của chính phủ xứ gấu trúc tiếp tục siết chặt việc quản lý game online. Bao gồm cốt truyện, kịch bản và 7749 yếu tố khác như cấm thể loại xuyên không vì lo ngại giới trẻ thiên ngoại phi tiên từ sân thượng. Cấm tình tiết bạo lực vì cho rằng trò chơi đang cổ xúy cho các cuộc xung đột giữa người dân và chính phủ. Cấm yếu tố thanh xuân học đường sợ giới trẻ yêu sớm, cấm game kinh dị tâm linh vì đó là tuyên truyền mê tín dị đoan
Nói chung những nhà sản xuất game ở nước bạn đang ở thời kỳ khó khăn vì muốn được duyệt game còn khổ hơn Đường Tăng thỉnh kinh. Nói chung là khó, vậy nên có n+1 con game tôi hóng đã và đang đắp chiếu chờ ngày ra mắt như chờ thời. À thôi lạc đề, quay lại vấn đề chính thì chúng ta đang tự hỏi vì sao Nobody gặp vấn đề ở xứ tỷ dân. Như đã nói, Nobody quá thật, thậm chí nhà sản xuất còn chia sẻ trong bài phỏng vấn rằng họ đã để nhân viên tự thân trải nghiệm để đưa câu chuyện của mình vào trò chơi.
Theo đó các biên kịch phải làm những công việc như bày hàng, bán quán hoặc công nhân để có đủ cảm xúc mà viết lên những tình huống lấy đi nước mắt của game thủ. Vì vậy có thể nói rằng những câu chuyện trong Nobody đều được lấy chất liệu từ những nhân vật hoặc tình huống có thật ngoài đời tại xứ gấu trúc. Không ai thích đất nước của mình bị phơi bày những mặt tiêu cực với thế giới và cơ quan chức năng thì càng không.
Thế nên việc Nobody phản ánh chân thực những vấn đề mà tầng lớp nghèo khổ trong xã hội đang đối mặt khiến nó bay màu. Đó không phải là vấn đề riêng của Nobody mà trở thành một câu chuyện buồn khi game xứ gấu trúc bị gò vào một lối mòn khá kỳ lạ. Đúng kiểu game kinh dị tâm linh những cuối cùng mọi chuyện là do con người tạo ra, không có ma quỷ gì hết. Kết thúc game luôn hướng đến những điều nhân văn và chủ nghĩa chân thiện mỹ.
Còn nhân vật chính sẽ luôn đồng cảm và tha thứ cho cái ác như một thánh mẫu thứ thiệt. Cái ác có thể bị tiêu diệt hoặc đa phần là cải tà quy chánh nhưng nhiều pha bẻ lái gượng ép kiểu đó đã trở nên quá lố và khiến cốt truyện từ hấp dẫn trở nên vô cùng gượng gạo hoặc phi lý. Nói chung game tuân thủ quy tắc chưa chắc sẽ được ra mắt sớm nhưng game nào dám bước qua giới hạn dù chỉ một ngón chân thì đắp chiếu dài hạn là điều không cần bàn cãi.
Đương nhiên việc Nobody đột ngột bị dừng bán trên Steam có thật sự là do cơ quan chức năng gây áp lực hay không thì hạ hồi phân giải, tương lai sẽ trả lời. Tuy nhiên nếu theo đúng lịch, trò chơi sẽ tái ngộ game thủ vào mùa xuân năm 2023. Lúc đó bạn cứ để ý xem cốt truyện của nó có những thay đổi đáng kể như tươi sáng hơn, nhân văn hơn không thì biết ngay ấy mà. Tôi xin nhấn mạnh là phải nhân văn và tươi sáng nhé, nếu có thì bạn biết chuyện gì đã xảy ra rồi đó.
Cuối cùng thì cảm ơn các bạn đã xem video này, tôi là Kênh Tin Game, xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau, bye~
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé.