Nút Windows trên bàn phím: từ tội phạm đến hoàn lương - PC/Console

Từng có một thời game thủ "méo mặt" mỗi khi chạm tay vào phím Windows, nhưng giờ đây đại đa số game thủ không thể sống thiếu nút bấm này.

Từng có một thời, nút Windows trên bàn phím là một cơn ác mộng của game thủ, đến mức khi ra tiệm game PC, Mọt tui luôn tìm kiếm những bàn phím không có nút Windows. Cái nút bấm mới mẻ (vào thời đó) nằm giữa hai nút Control và Alt này tạo ra vô số những pha chết oan uổng cho game thủ thế giới bởi nó chiếm lấy vị trí của phím Alt, và chuyện đập phím chửi thề xảy ra như cơm bữa với những ai lỡ xui xẻo dính phải bàn phím có nút bấm này. Phím bấm này tai tiếng đến mức từng có thời các bàn phím được mệnh danh là “Gaming Keyboard” đều phải đưa ra tính năng khóa phím Windows khi chơi game, còn người chơi né tránh nó chẳng khác gì bệnh dịch.

Tuy nhiên ngày nay, hình tượng của nút Windows đã thay đổi – game thủ chấp nhận sự tồn tại của nút bấm này, và thậm chí còn thích nó bởi sự tiện dụng trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Nói cách khác, quan điểm của game thủ về nút Windows đã quay ngoắt 180 độ, và Mọt sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về sự “hoàn lương” của nút bấm này.

Tội ác của nút Windows

Tựa game đầu tiên mà Mọt tui chơi trên PC là Red Alert. Trong trò chơi RTS này, các đơn vị quân có những chỉ số được đặt ra để ưu tiên cho tính cân bằng hơn là thực tế, vì vậy một tay lính bộ binh có thể ăn hàng chục phát đạn pháo xe tăng là chuyện bình thường. Để giải quyết tên lính đó bằng một chiếc xe tăng, phương thức nhanh nhất mà bạn có thể làm là ra lệnh cho xe cán thẳng, thay vì đứng bắn. Để làm được điều này bạn chỉ cần chọn chiếc xe tăng mình cần điều khiển, ấn giữ nút Alt và click chuột trái vào đâu đó phía sau lưng mục tiêu, và thế là tên lính địch sẽ bị đè bẹp.

Nút Windows trên bàn phím: từ tội phạm đến hoàn lương

Red Alert.

Bạn đã đoán được điều gì xảy ra với những nút bấm có phím Windows rồi: thay vì là nút Alt để ra lệnh cho chiếc xe tăng, vị trí đó thuộc về phím Windows khiến game bị thu nhỏ xuống taskbar, đôi khi crash hẳn và nặng hơn nữa là làm máy tính bị màn hình xanh (Blue Screen of Death). Nếu game may mắn không crash, bạn vẫn mất vài giây nhìn ngắm một màn hình đen thui khi mở lại trò chơi, có lẽ chiếc tăng của bạn đã “tiêu tùng.” Điều này làm Mọt tui cụt cả hứng chơi game, và làm tốn tiền giờ chơi một cách vô nghĩa vì mình không thể nhìn thấy màn hình chiến thắng “Mission Accomplished” khi đã nghiền nát kẻ thù.

Thật là cái nút tệ hại hết sức.

Nút bấm này liên tục là mối phiền nhiễu cho game thủ thế giới qua nhiều bản Windows khác nhau, từ Windows 95, Windows 98, Windows 2000 đến Wimdows Millenium Edition. Mọt từng thấy nhiều game thủ chơi Diablo 2 ở tiệm PC gần nhà chửi tục vì lỡ bấm nhầm nút Windows, hay game thủ Max Payne “đo đất” trong những pha đọ súng máu lửa, dù lúc này nó đã khá tiến bộ và ít khi crash máy của game thủ mà chỉ crash game. Vì vậy, người ta bắt đầu tìm đủ giải pháp để loại bỏ nút bấm này khi chơi game, chẳng hạn một người hùng có tên Brad đã viết ra một phần mềm nho nhỏ có tên WinKey Killer có tác dụng “tiêu diệt” nút Windows trên các bàn phím 104 nút thời đó. Những đứa trẻ con ngoài tiệm PC gần nhà Mọt dùng một giải pháp đơn giản hơn: chèn luôn một mảnh hộp thuốc lá thật dày dưới nút bấm này để tránh bấm nhầm, một giải pháp miễn phí và hết sức tiện lợi.

Nút Windows trên bàn phím: từ tội phạm đến hoàn lương

Logitech G15 có công tắc vô hiệu hóa nút Windows.

Nút Windows tệ đến mức người ta tạo ra thêm một nút bấm nữa để vô hiệu hóa nó, chẳng hạn trên bàn phím G15 của Logitech ra mắt vào năm 2005 có một công tắc bật chế độ Gaming vô hiệu hóa nút Windows. Đây có lẽ là chiếc bàn phím đi tiên phong trong việc bổ sung tính năng này, khiến nhiều hãng khác noi theo trong việc tạo ra một chế độ Gaming cho bàn phím, và dần bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho chế độ Gaming bên cạnh việc vô hiệu hóa nút Windows.

“Hoàn lương”

Trong khoảng thời gian mà game thủ vẫn còn bận rộn chèn cứng nút Windows hay tìm mua những bàn phím có khả năng vô hiệu hóa nó, Microsoft lại bận rộn tìm kiếm phương thức cứu vãn nút bấm này. Họ nhận thấy nhược điểm của những bản Windows 95, 98, ME là chúng không có khả năng hoàn toàn khống chế máy tính và để mặc cho các phần mềm (bao gồm trò chơi) tự chiếm lấy tài nguyên của máy tính, khiến việc crash game hoặc crash máy diễn ra thường xuyên mỗi khi chuyển đổi giữa các ứng dụng. Nhược điểm này dần được khắc phục trong hai phiên bản Windows 2000 và Windows XP bởi chúng được xây dựng trên những nền tảng của máy trạm / máy chủ – ngốn nhiều tài nguyên hơn, đồng thời cũng ổn định hơn và có thể phân phối sức mạnh xử lý cho các phần mềm trong máy hợp lý hơn, khiến việc chuyển tài nguyên từ game sang hệ điều hành và ngược lại mỗi lần bấm nút Windows kém rủi ro hơn hẳn.

Nút Windows trên bàn phím: từ tội phạm đến hoàn lương

Trong khi đó, các nhà phát triển game cũng nhận ra rằng game không phải là thứ duy nhất một PC vận hành và tìm ra cách lập trình game tốt hơn, ít tiêu hao tài nguyên hơn, và… tránh xa nút Windows – bạn có thể nhận thấy điều này khi nút Alt rất ít khi được sử dụng trong các tựa game ngày nay so sánh với khoảng 20 năm trước. Những lời chê bai mà trò chơi mắc phải mỗi khi bị crash cũng khiến các nhà phát triển tìm đến với chế độ Borderless Window, có khả năng để hình ảnh game lấp đầy màn hình nhưng vẫn được xem như một cửa sổ. Điều này không chỉ là một phép màu giúp game thủ có thể dễ dàng Alt+Tab ra ngoài check Skype, đọc Messenger hay đăng bài Facebook, mà còn giúp giảm thiểu thiệt hại của những pha lỡ tay ấn nhầm nút Windows. Khi điều này xảy ra, tất cả những gì bạn thấy chỉ là một menu Start nhỏ xuất hiện ở một góc màn hình, và game thủ có thể trở lại cuộc chơi ngay lập tức chỉ bằng một cú click chuột vào cửa sổ của game.

Khám phá Microsoft Flight Simulator, tựa game có dung lượng… 20.000 đĩa Blu-ray của Microsoft
Khám phá Microsoft Flight Simulator, tựa game có dung lượng… 20.000 đĩa Blu-ray
Microsoft Flight Simulator tái hiện 510 triệu km vuông bề mặt trái đất trong trò chơi, và cho phép bạn cất cánh từ một trong 40.000 sân bay trên thế giới.

Ngoài ra cũng còn có ba lý do khác khiến nút Windows không còn “toxic” như ngày nào. Một là phần cứng ngày nay đã mạnh mẽ hơn rất nhiều, đặc biệt là khi các CPU ngày càng có nhiều nhân hỗ trợ việc xử lý đa nhiệm. Hai là game thủ đã… quen với vị trí mới của nút Alt sau nhiều năm tồn tại của nút Windows. Lý do thứ ba quan trọng hơn hẳn: nút Windows ngày nay thực sự hữu dụng nhờ những tính năng mà Microsoft đã đưa vào hệ điều hành của mình kể từ Windows Vista. Sau khoảng hơn một thập niên phá hoại niềm vui của game thủ, nút bấm này cho phép họ tìm kiếm một nội dung trên máy tính của mình, hoặc mở một phần mềm nào đó được cài đặt sẵn trên máy. Mọt tui đã là một “tù binh” của sự tiện dụng này: ngoài một vài thứ thường dùng được pin ngay trên thanh Taskbar, Mọt chỉ bấm nút Windows, gõ thêm vài ký tự đầu của phần mềm muốn mở và tự tin bấm Enter để kích hoạt nó, thay vì trở ra Desktop rồi lần mò tìm kiếm trong núi shortcut trên màn hình.

Thật ra, từ “tiện dụng” có lẽ chưa nói lên hết được sức mạnh của nút Windows hiện tại. Hãy tưởng tượng phụ huynh của bạn bước vào phòng lúc bạn đang chơi những tựa game mà-ai-cũng-biết-là-gì-đấy, và đó là lúc mà nút Windows sẽ cứu bạn khỏi một trận đòn “tét đít” khi kết hợp cùng nút D.

Còn chờ gì nữa mà không vỗ tay mừng nút Windows?

Nút Windows trên bàn phím: từ tội phạm đến hoàn lương

Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame