Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới? - PC/Console

Với những chiến tích trong nhiều năm qua, có vẻ như Take-Two đang cố gắng đuổi kịp và vượt mặt EA để trở thành nhà phát hành game tệ nhất thế giới.

Ba tháng trước đây, các fan của tựa game khám phá không gian Kerbal Space Program được nghe một tin buồn: studio Star Theory Games đã đóng cửa sau khi dự án game Kerbal Space Program 2 bị Take-Two rút khỏi tay họ và chuyển về cho một studio con. Star Theory Games vốn là người tiếp nhận dự án Kerbal Space Program 2 sau khi Squad – studio tạo ra tựa game đầu tiên phải đóng cửa. Và sau khi Star Theory Games ngừng hoạt động, các thành viên chủ chốt của studio bao gồm nhà lãnh đạo Jeremy Ables, giám đốc sáng tạo Nate Simpson, nhà sản xuất Nate Robinson đều tham dự vào studio con của Take-Two để tiếp tục theo đuổi đứa con tinh thần của mình.

“Độc chiêu” của Take-Two

Nhưng có vẻ như tất cả những điều vừa được Mọt nhắc đến bên trên đều nằm trong kế hoạch của Take-Two, khi họ thực hiện điều gần giống như EA đã làm để nuốt Respawn vào bụng mình. Trong một bài báo được đăng trên Bloomberg, nhà báo Jason Schreier đã hé lộ các “độc chiêu” mà Take-Two sử dụng để thực hiện phi vụ này, và tiếp tục khiến danh tiếng của Take-Two tụt dốc trong mắt game thủ.

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?

Mọi thứ có vẻ bắt đầu vào một ngày thứ 6 của tháng 12/2019, khi các nhân viên của Star Theory Games bất ngờ nhận được tin nhắn tuyển dụng từ LinkedIn, được gửi bởi một sếp của Take-Two – nhà phát hành vốn đang chi tiền cho họ phát triển Kerbal Space Program 2. Nó cũng thông báo với họ rằng Kerbal Space Program 2, tựa game mà họ đã dành 2 năm để phát triển sẽ bị Take-Two rút khỏi tay họ. Star Theory Games bất ngờ mất tất cả: công việc họ đang làm, đứa con tinh thần họ đang ấp ủ, và nguồn vốn để tiếp tục hoạt động.

Trong tin nhắn tuyển dụng qua LinkedIn, Take-Two nói rằng họ đang thành lập một studio mới để tiếp tục phát triển Kerbal Space Program 2, và muốn thuê lại toàn bộ nhân viên Star Theory Games làm việc cho studio mới. Sau khi hai ngày nghỉ cuối tuần kết thúc, các nhà sáng lập Star Theory là Bob Berry và Jonathan Mavor triệu tập một cuộc họp toàn công ty và cho biết mình vẫn còn vốn để vận hành, và sẽ cố gắng tìm kiếm những hợp đồng mới. Hai nhà sáng lập hi vọng rằng các nhân viên sẽ gắn bó cùng nhau và ở lại với studio.

Tuy nhiên, trong những tuần kế tiếp có khoảng 1/3 số nhân viên của Star Theory Games chuyển sang làm việc cho studio mới của Take-Two có tên “Intercept Games” (nghĩa đen là “đánh chặn”). Rồi đến tháng 3 khi dịch bệnh COVID tấn công, mọi hi vọng cứu vớt studio đều đã mất và Star Theory Games bị đóng cửa. Theo một người phát ngôn của Take-Two, “hơn một nửa nhân viên Star Theory Games đang làm việc tại Intercept Games. Bằng cách làm vậy, chúng tôi đã trao cho đội ngũ đầy đam mê và tài năng của mình khả năng tập trung vào chất lượng, và chúng tôi rất hào hứng với tiến độ của họ.”

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?

Các game bóng rổ NBA từ công ty con 2K là gà đẻ trứng vàng của Take-Two.

Nhưng bên dưới những lời đường mật, chúng ta có thể thấy rằng đây là một phi vụ “cá lớn nuốt cá bé” – Take-Two là một công ty có giá trị thị trường vào khoảng 15 tỉ USD nhờ các tựa game thể thao (kiêm đánh bạc) từ 2K Games, các tấm thẻ Shark Card trong GTA Online, vàng khối trong Red Dead Online… trong khi Star Theory Games chỉ là một studio nhỏ bé, với một vài tựa game cho PC, console và mobile như Planetary Annihilation, Wayward Sky, Toy Rush… Ngay cả khi so sánh với sự khắc nghiệt của ngành công nghiệp game, chiến thuật của Take-Two vẫn thuộc hàng “độc chiêu.”

Lý do mà Mọt nó rằng vụ việc này tiếp tục làm xấu danh tiếng của Take-Two là vì nhà phát hành này vốn đã nhiều tai tiếng. Take-Two là công ty mẹ của 2K Games, nhà phát hành những tựa game bóng rổ NBA thường xuyên bị game thủ lên án vì các chiêu “hút máu” và những trò quảng cáo phản cảm. Một trong số những chiêu quảng cáo kinh điển nhất của các tựa game này là bắt game thủ phải tham gia vào các minigame để quảng cáo cho tai nghe Beat hay nước uống Gatorade, trong khi vẫn cứ ào ào rút tiền từ túi game thủ qua việc bán game cũng như các gói tiền ảo có giá từ 2 USD đến 100 USD.

Những kẻ hack Valorant đau khổ vì vẫn bị khóa acc trong phiên bản chính thức
Những kẻ hack Valorant nuôi giấc mộng trở lại với trò chơi sau khi được phát hành chính thức, nhưng lại bất ngờ vỡ mộng vì sự phũ phàng của sếp Riot.

Chiến tích của Take-Two trong quá khứ

Không phải đến phi vụ này Take-Two mới mang tiếng xấu, bởi Take-Two đã có nhiều pha xử lý thuộc loại “đi vào lòng đất” trong những năm qua, nhưng thường không được game thủ chú ý đến. Hãy để Kênh Tin Game điểm lại những chiến tích này và giúp các bạn thấy tại sao Take-Two lại là một đối thủ đáng gờm của EA.

Đầu tiên, hãy nói đến việc Take-Two gửi thám tử tư đến nhà một modder GTA V hồi năm 2015 để yêu cầu anh phải “ngừng các hoạt động có liên quan đến GTA.” Modder này là người phát triển FiveM và GTA:MP, những bản mod tạo ra các server multiplayer mới cho GTA. Lý do mà Take-Two nhúng tay vào vụ việc này là dễ hiểu, bởi các bản mod này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của GTA Online.

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?

Mọt tui vẫn còn nhớ hồi năm 2017, GTA V bất ngờ bị review bomb để đi từ Overwhelmingly Positive (cực kỳ tốt) xuống Overwhelmingly Negative (cực kỳ tệ) chỉ trong một thời gian ngắn. Đã có hơn 33.000 game thủ bước lên Steam để đánh giá hoặc thay đổi đánh giá của mình về trò chơi từ tốt thành xấu sau khi Take-Two gửi một thư Cease and Desist (ngừng hoạt động và ngừng tồn tại) đến nhóm phát triển bộ công cụ mod OpenIV.

Đây là bộ công cụ mod miễn phí và là nền tảng cho vô số bản mod GTA mà game thủ đã sử dụng suốt gần 10 năm qua, và Take-Two buộc họ phải ngừng phân phối OpenIV nếu không muốn đối mặt với các biện pháp pháp lý. Lý do của điều này là vì Take-Two lo ngại rằng OpenIV sẽ mở cửa cho kẻ gian dùng các trò hack, cheat trong GTA Online, và từ đó ảnh hưởng đến doanh thu bán tiền ảo của họ – GTA Online có vô vàn thứ để tiêu xài, và bán tiền ảo là nguồn thu nhập khổng lồ của Take-Two.

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?

Thông báo ngừng hoạt động của nhóm modder làm OpenIV hồi năm 2017.

Thay vì phát triển các biện pháp chống hack cheat tốt hơn, Take-Two quyết định “nhổ cỏ tận gốc” bằng cách diệt OpenIV mặc dù điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của những game thủ bình thường chỉ muốn nghịch mod trong phần chơi đơn chứ không hề muốn động vào GTA Online. Nhóm phát triển OpenIV cho biết dù họ có thể bước ra tòa án với Take-Two để chứng minh bộ công cụ mod của mình là hoàn toàn hợp pháp, nhưng việc đó sẽ ngốn nhiều tháng trời, rất nhiều công sức và không đem lại bất kỳ thứ gì cho họ. Vì thế, họ quyết định chấp nhận yêu cầu của Take-Two và ngừng cung cấp OpenIV cho game thủ.

Phản ứng của game thủ trước hành vi của Take-Two không hề nhẹ nhàng. Những lời “đường mật” nhất được dành cho Take-Two và những người có liên quan, GTA V trên Steam bị chỉ trích thậm tệ, một thỉnh cầu trên Change.org thu được hơn 46.000 chữ ký chỉ sau 4 ngày, cùng rất nhiều email và bài viết được tạo ra. Take-Two hoàn toàn phớt lờ những phản ứng này, nhưng may mắn là Rockstar nhìn thấy được hậu quả có thể xảy ra và can thiệp với công ty mẹ để cứu sống OpenIV. Bản thân Rockstar cũng không phải là thánh sống, và Mọt tui vẫn còn “cay” chuyện họ từng hứa hẹn sẽ làm DLC cho phần chơi đơn của GTA V rồi nuốt lời và biến các nội dung đó thành DLC cho multiplayer.

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?

Với Take-Two, modder là kẻ thù.

Chưa hết, khi Take-Two mua lại thương hiệu Kerbal Space Program từ tay studio khai sinh ra nó là Squad, tổng giám đốc Strauss Zelnick đã nói với các nhà đầu tư rằng Take-Two chưa… vắt sữa game thủ đủ mạnh. “Chúng tôi tin rằng mình đang vắt sữa game thủ chưa đủ nhiều (undermonetizing). Vẫn còn có củi để đốn vì tôi nghĩ chúng ta có thể làm nhiều hơn.” Thông điệp này cũng đi kèm với lời hứa “chúng ta sẽ không vắt đến đồng xu cuối cùng,” nhưng chắc chắn nó không khiến game thủ hài lòng khi biết được rằng trong tương lai, game của Take-Two sẽ có nhiều biện pháp thu phí hơn hoặc giá cả đắt đỏ hơn.

Gần đây nhất là hồi tháng 9/2019 vừa qua, Take-Two cũng đã “diệt gọn” Red Dead Redemption: Damned Enhancement Project – một bản mod được tạo ra để đưa Red Dead Redemption lên PC. Bản mod này vốn rất được game thủ PC trông chờ bởi họ đã thèm khát Red Dead Redemption từ lâu nhưng không được thỏa mãn, có thể là do vấn đề kỹ thuật. Giờ đây khi có tin đồn rằng Rockstar đang thực hiện bản Remake của Red Dead Redemption cho PC, có thể tin rằng nguyên nhân Take-Two ra tay là vì họ sợ ảnh hưởng đến doanh thu của bản Remake.

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?

Có tin đồn Red Dead Redemption đang được remake cho PC.

EA “lãng tử quay đầu”

Trong khi Take-Two tiếp tục làm dày thêm danh sách tai tiếng của mình, EA đang liên tục ghi điểm với game thủ bằng nhiều động thái khác nhau, chẳng hạn đem những tựa game mới lên Steam. Star Wars Jedi: Fallen Order là tựa game gần đây nhất thuộc nhóm này, trong khi vào đêm ngày 4/6 vừa qua một loạt game cũ kèm những mức giảm giá khá ấn tượng cũng xuất hiện. Theo những gì Mọt được biết, cả dịch vụ EA Access cũng sẽ xuất hiện trên Steam trong thời gian tới, đem lại cho game thủ nhiều lựa chọn hơn trong việc “chiến” các tựa game của EA. Đặc biệt, game thủ Việt cũng được hưởng những mức giá mềm hơn trong một vài tựa game, chẳng hạn Command & Conquer Remastered có giá 470.000 đồng trên Steam và 620.000 đồng trên Origin.

Khi Mọt so sánh những hành vi hiện tại của Take-Two và EA, công ty từng 2 lần liên tiếp giành giải “Công ty tệ nhất nước Mỹ” bỗng trở nên… thánh thiện bất ngờ. Lý do duy nhất khiến Take-Two không soán ngôi EA chỉ đơn giản là vì game mà những studio con của họ làm ra có chất lượng đỉnh cao.