Hãng Konami đã chính thức tung ra PES 2019, phiên bản mới nhất của series bóng đá Pro Evolution Soccer, trên PC vào ngày 28 tháng 8 vừa qua.
Tương tự như năm ngoái, nó vẫn được phát triển bằng bộ công cụ Fox Engine và dựa trên phiên bản console thế hệ hiện tại. Nhân dịp này, chúng ta cùng tìm hiểu xem trò chơi hoạt động như thế nào trên nền tảng ưa thích nhé. Bên dưới là thông tin cấu hình mà Konami gửi đến game thủ:
Yêu cầu cấu hình tối thiểu:
Hệ điều hành Windows 7 SP1 / 8.1 / 10 (64bit)
CPU Intel Core i5-3470 / AMD FX 4350
RAM 4 GB
VGA NVIDIA GTX 670 / AMD Radeon HD 7870 vo71i VRAM 2 GB
DirectX 11.0
Ổ cứng trống 30 GB
Độ phân giải 1280 x 720
Đề nghị:
Hệ điều hành Windows 7 SP1 / 8.1 / 10 (64bit)
CPU Intel Core i7-3770 / AMD FX 8350
RAM 8 GB
VGA NVIDIA GTX 760 / AMD Radeon R9 270X với VRAM 4 GB
Độ phân giải 1920 x 1080
Đối với phân tích hiệu năng này, chúng tôi sử dụng chip xử lý Intel i7 4930K (ép xung lên 4,2Ghz) với bộ nhớ RAM 8GB, card đồ họa Radeon RX580, RX Vega 64 của AMD và GTX980Ti, GTX690 của NVIDIA, hệ điều hành Windows 10 64 bit, cùng trình điều khiển GeForce và Catalyst phiên bản mới nhất.
Điểm cộng đầu tiên, Konami đã bổ sung thêm số lượng đáng kể các thiết lập đồ họa để người dùng tùy chọn. Game thủ PC có thể điều chỉnh chất lượng của Texture Filtering, Ambient Occlusion, Shadows, Lens Simulation, Effects, Pitchside, Turf, Goal Net, Spectators, bật tắt Depth of Field, Dynamic Resolution, Motion Blur, Bloom, Post Processing và Cloth Simulation.
Để tìm hiểu cách thức trò chơi hoạt động trên nhiều loại CPU, chúng tôi tiến hành giả lập thêm một CPU lõi kép và lõi tứ. Thật không may, lõi kép giả lập lại không thể cung cấp một hiệu suất có thể chấp nhận được, khi xuất hiện lỗi khựng hình ngẫu nhiên khó chịu. Tuy nhiêm khi chuyển sang hệ thống 4 lõi giả lập và 6 lõi lại không gặp khó khăn gì.
PES 2019 có thể chạy ổn định trên một loạt các GPU với các thiết lập đồ họa Max. Tuy nhiên, chúng tôi có nhận thấy tình trạng chậm hình xuất hiện ở các đoạn phim cắt cảnh (cutscene). Trong khi GTX980Ti và RX Vega 64 có thể cung cấp trải nghiệm 60fps không đổi ở cả hai độ phân giải 1080p và 1440p, không hiểu sao chúng lại không được tận dụng tối đa ở các đoạn cutscene. Điều tương tự cũng xảy ra với RX 580, nó có thể chạy trò chơi với tốc độ trung bình 70fps ở 1080p. Vậy mà khi vào cutscene không ít lần vẫn bị tụt xuống 44fps.
Thế thì khi nâng lên 4K thì sao? Vâng, GTX 980 Ti của chúng tôi có thể chạy trò chơi với tốc độ 60 fps. Tuy nhiên, phần cutscene lại tiếp tục “phá hỏng cảm xúc”, khi có lúc kéo tụt xuống còn 30 fps. Tương tự với RX Vega 64, có thể chạy trò chơi với tốc độ trung bình 70 fps, nhưng vào cutscene lại có lúc tụt xuống 41 fps.
Xét về mặt đồ họa, PES 2019 vẫn trông rất tuyệt vời nhưng như bạn có thể dự đoán, nó không mang đến quá nhiều điểm nổi trội khác biệt so với PES 2018 của một năm trước. Vâng, đồ họa tổng thể quả thực có tốt hơn nhưng cảm giác nó như một phiên bản tinh tế hơn của phiên bản cũ, chứ chưa nâng tầm đẳng cấp. Tất nhiên, có thể hiểu được nguyên do đây là sản phẩm phát hành định kỳ hàng năm và tập trung cho hệ máy console là chủ yếu. Nhưng game thủ PC chắc hẳn vẫn thích thấy thêm một số cải tiến đáng chú ý về hình ảnh, đặc biệt khi trò chơi không đòi hỏi quá nặng ở phần GPU (ngoại trừ các đoạn cảnh cắt và replay).
Chúng tôi cũng gặp phải vấn đề “lạ” với phần cứng của AMD trong quá trình kiểm nghiệm trò chơi này. Vì lý do gì đó, PES 2019 không thể chạy chuẩn ở chế độ toàn màn hình (full-screen), khi cả RX580 và RX Vega 64 đều chỉ đạt 25-35fps. Giải pháp tạm thời mà chúng tôi có thể lựa chọn là chạy trò chơi ở chế độ cửa sổ. Ngay sau khi chúng tôi kích hoạt chế độ cửa sổ, card đồ họa ngay lập tức được sử dụng hợp lý. Những người gặp phải vấn đề này có thể chạy PES 2019 trong chế độ cửa sổ, bằng cách nhấn và giữ nút chuột trái tại khu vực màn hình desktop (ngay sau khi khởi chạy trò chơi).
Kết luận chung, hiệu suất của PES 2019 vẫn chỉ ở mức tạm ổn. Các ưu điểm chính bao gồm việc trò chơi không yêu cầu GPU cao cấp và nó có thể chạy tốt trên hầu hết các CPU bốn lõi, sáu lõi và tám lõi. Konami cũng chủ động thêm vào một lượng đáng kể các tùy chọn cài đặt đồ họa và chất lượng server tương đối tốt – ít nhất là ở Mỹ.
Tuy nhiên, điểm trừ nằm ở việc các đoạn phim cắt cảnh xuất hiện tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình và lỗi full-screen với card đồ họa AMD. Ngoài ra, tính năng hỗ trợ bàn phím cũng chưa thật chỉn chu, khi trò chơi chỉ hiển thị lời nhắc / biểu tượng của gamepad. Tất nhiên, điều này có thể dễ dàng khắc phục bằng cách dùng Gamepad, nhưng nhà sản xuất rõ ràng đủ sức làm tốt hơn để mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho những ai thích xài keyboard.
Trước mắt, hy vọng rằng Konami sẽ sớm tung ra bản patch giải quyết các vấn đề về hiệu suất / tối ưu hóa ở các đoạn cutscene.
Theo Dsogaming