Princess Mononoke đã góp phần tạo ra tựa game Ori như thế nào? - PC/Console

Nếu không có bộ phim hoạt hình Công Chúa Mononoke của studio Ghibli, có lẽ các tựa game Ori mà chúng ta đang được thưởng thức hiện nay sẽ không tồn tại.

Princess Mononoke, Mononoke Hime hay “Công chúa Mononoke” là bộ phim hoạt hình nổi tiếng do đạo diễn tài ba Miyazaki Hayao cùng đội ngũ các họa sĩ tại studio Ghibli sản xuất và phát hành vào năm 1997. Bộ phim thành công cả về danh tiếng lẫn doanh thu khi vượt qua mọi bộ phim điện ảnh được phát hành cùng năm để thu về cho Ghibli 19,3 tỉ Yên. Đây có lẽ cũng là bộ phim hoạt hình đầu tiên thành công ở màn ảnh rộng cũng như đưa danh tiếng Ghibli ra ngoài biên giới nước Nhật. Princess Mononoke được đánh giá là có một câu chuyện đặc sắc, hình ảnh choáng ngợp để lại dấu ấn trong thế giới phim hoạt hình, theo đánh giá của Rotten Tomatoes.

Bộ phim hoạt hình Ghibli

Một hình ảnh trong Công Chúa Mononoke.

Thật vậy, Mọt tin rằng bất kỳ ai từng xem qua bộ phim hoạt hình nổi tiếng này hẳn đều sẽ choáng ngợp với những hình ảnh mô tả cảnh vật xung quanh các nhân vật chính. Bởi môi trường là một trong các chủ đề chính của game, các họa sĩ của Ghibli đã tìm đến đảo Yakushima, một di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận tại miền nam Nhật Bản để tìm kiếm cảm hứng cho những khung hình của mình. Chính tại đây, Miyazaki Hayao và đội ngũ làm phim đã có được những ý tưởng tuyệt vời cho Princess Mononoke, và bộ phim này lại giúp khu rừng của đảo Yakushima được trân trọng gọi là “rừng của Công chúa Mononoke.”

Bộ phim hoạt hình Ghibli

Một góc rừng trên đảo Yakushima.

Nhưng có thể bạn chưa biết rằng khu rừng này không chỉ gây dấu ấn với khán giả của bộ phim, mà còn “vượt rào” lấn sân sang ngành công nghiệp game để làm game thủ phải choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó.

Từ ý tưởng về phong cách hình ảnh…

Đó là vào ngày Giáng Sinh năm 2010 tại Vienna, Áo, khi một cựu binh của Blizzard là Thomas Mahler đang dành ra một buổi sáng lười biếng tại nhà. Ông bật TV của mình lên và một trong số các kênh đang phát Công chúa Mononoke. “Không có gì để làm, tôi xem phim một lát. Rồi khi cảnh mà hoàng tử Ashitaka được các kodama (tiểu mộc thần) nhỏ bé giúp đỡ băng qua rừng xuất hiện, tôi cảm thấy mình bị mê hoặc.”

“Đó là cái ngày mà ý tưởng về Ori được sinh ra,”  ông nói. Vào thời điểm này, Thomas Mahler đã sáng lập Moon Studios, một công ty làm game indie nhỏ tại quê nhà. Ông mang ý tưởng này đến với studio và từ đây, tựa game nhiệm màu có tên Ori and the Blind Forest dần trở thành hiện thực.

Bởi Thomas nảy ra ý tưởng về Ori and the Blind Forest từ Công Chúa Mononoke, chẳng có gì lạ khi nội dung trò chơi chịu ảnh hưởng cực lớn từ bộ phim này. Cách mà các kodama được giới thiệu, cảm giác huyền bí của tất cả mọi thứ, và cả các khung hình của Công Chúa Mononoke được Thomas dùng làm tham khảo cho Ori and the Blind Forest.

Đội ngũ phát triển thậm chí còn thử đặt nhân vật chính Ori vào trong thế giới của Công Chúa Mononoke để kiểm nghiệm ý tưởng của mình. “Một trong những lần thử nghiệm đầu tiên của Ori and the Blind Forest là chúng tôi đưa một bức phác thảo từ Công Chúa Mononoke vào engine game rồi cho nhân vật màu trắng nhỏ bé của chúng tôi di chuyển trong đó, để thấy được game sẽ hoạt động như thế nào,”  ông Thomas chia sẻ.

Bộ phim hoạt hình Ghibli

Và thế là không chỉ về nội dung, mà cả phong cách hình ảnh của Ori and the Blind Forest cũng chịu ảnh hưởng từ bộ phim của Ghibli. “Điều này cũng ảnh hưởng đến phong cách hình ảnh mà chúng tôi sẽ sử dụng cho Ori, vì rõ ràng là chúng tôi muốn tạo ra một thứ gì đó có thể sánh được với những gì Ghibli làm trong các bộ phim của họ,” ông Thomas cho biết. “Chúng tôi phải cần mẫn vẽ ra từng chi tiết nhỏ một.”

Khi nói đến lối chơi, Ori and the Blind Forest cũng lấy cảm hứng từ nhiều tựa game khác có lối chơi tương tự như Metroid hay Super Meat Boy, nhưng nếu chỉ xét về đồ họa thì Công Chúa Mononoke là cọc tiêu duy nhất dẫn dắt phong cách hình ảnh của tựa game này. Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng cũng như Công chúa Mononoke, khu rừng của Ori and the Blind Forest trông cực kỳ xanh tươi và sinh động, với các tông màu đậm tạo ra cảm giác tồn tại mạnh mẽ, một phong cách giúp cho môi trường của cả phim và game gây được ấn tượng mạnh mẽ với người đang ở trước màn hình.

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?
Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?
Với những chiến tích trong nhiều năm qua, có vẻ như Take-Two đang cố gắng đuổi kịp và vượt mặt EA để trở thành nhà phát hành game tệ nhất thế giới.

… đến cách kể chuyện thú vị

Ông Thomas Mahler cho biết mình đã luôn khâm phục cách mà các bộ phim của Ghibli cộng hưởng với khán giả nhiều lứa tuổi, cũng như cách Ghibli không ngần ngại khai thác các chủ đề đen tối trong các bộ phim của mình.“Bởi tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Disney tại Mỹ và châu Âu, tôi cho rằng đại chúng ở đây nghĩ rằng phim hoạt hình là phương tiện giải trí chỉ dành cho trẻ em. Còn tại Nhật, nó chỉ đơn giản là một cách kể chuyện.”  Ông cho biết về phương diện này (các game của Moon Studios) luôn chịu ảnh hưởng lớn từ phim của Ghibli, cụ thể là phim Mộ Đom Đóm.

“Bộ phim đó cho thấy một sự khác biệt về góc nhìn giữa các nền văn hóa. Mộ Đom Đóm không hề là một bộ phim cho trẻ em. Nó là một hình dung chân thực và tàn khốc về việc trẻ em đã sống qua các sự kiện trong Thế chiến 2 như thế nào.”  Bởi chịu ảnh hưởng lớn từ phương thức sử dụng phim hoạt hình để kể những câu chuyện người lớn của Ghibli, Moon Studios cố gắng làm điều tương tự với những tựa game Ori của mình:“Dù chúng tôi dùng các sinh vật giả tưởng trong series Ori, nó đều chỉ là phép hoán dụ. Câu chuyện trong game thực sự rất chân thực và khai thác những đề tài rất “người” để game thủ có thể đồng cảm với những nhân vật của chúng tôi.”

Bộ phim hoạt hình Ghibli

Lời kết

Thật ra, Kênh Tin Game tin chắc rằng Công chúa Mononoke nói riêng và các bộ phim của Ghibli nói chung có ảnh hưởng lên rất nhiều tựa game khác, chúng ta chỉ đơn thuần là chưa hỏi đến hoặc chưa được nghe lời thừa nhận. The Legends of Zelda: Breath of the Wild là một ví dụ – những game thủ nào đã từng chơi qua trò chơi này và từng xem qua phim của Ghibli hẳn đều có thể nhận thấy nét tương đồng cả về hình ảnh lẫn âm nhạc, dù chưa có ai trong Nintendo thừa nhận điều này. Là một game thủ, Mọt xin gửi lời cảm ơn đến Ghibli, đến đạo diễn Miyazaki Hayao vì đã góp phần đem lại cho ngành công nghiệp game những trò chơi tuyệt vời.