Ra đời với mục tiêu tạo ra một môi trường đánh giá công bằng, khách quan giữa người chơi với nhau để đem tới cái nhìn tổng quan nhất về một game trên Steam, gần đây hệ thống đánh giá game này đang bị tận dụng triệt để để “đánh bom dư luận” mỗi khi có lùm xùm xảy ra giữa game thủ và một NSX nào đó. Khi hàng loạt game thủ sửa đổi đánh giá thành Không khuyến cáo, upvote những bài tương tự và downvote đám bài “cản mũi” để hạ điểm game trên Steam thì sẽ không ít người dùng mới cảm thấy nghi ngại khi tựa game mình đang quan tâm bỗng dưng bị đánh giá một cách tệ hại. Chúng ta đã từng chứng kiến cuộc dội bom hoành tráng vào GTA 5 hồi tháng 6 vừa qua, kéo điểm từ 80% tích cực xuống tới 16% Tiêu cực khiến Rockstar toát mồ hôi khắc phục hậu quả, và gần đây nhất, Firewatch cũng chịu chung số phận sau khi NSX này tấn công PiewDiePie chỉ vì mâu thuẫn cá nhân.
Valve tất nhiên không thể ngồi yên, vì tình trạng này mà không kiểm soát được thì doanh thu Steam sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt – công ty có suy nghĩ tới một số biện pháp như đặt bộ lọc kiểm soát, tạm thời “khóa” đánh giá vào những thời điểm nhạy cảm… nhưng sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, Valve đã quyết định không dùng bất cứ chiêu cấm đoán nào nhằm đảm bảo môi trường đánh giá khách quan nhất cho game thủ đã bỏ tiền ra mua game. Thay vào đó, công ty sẽ mở lịch sử đánh giá, cho phép người dùng kiểm tra lộ trình đánh giá của một game tại từng thời điểm (tỉ lệ tích cực/tiêu cực) và xem một số đánh giá tiêu biểu vào thời điểm đó. Biện pháp này có ưu điểm giúp game thủ theo dõi được phản hồi của cộng đồng theo thời điểm cụ thể – trong quá khứ có thể game rất tốt, nhưng đột nhiên vài tháng gần đây lại bị hạ điểm thì có thể đã có trục trặc gì đó xảy ra. Khi đọc các đánh giá tại từng thời điểm như vậy, game thủ có thể tự cân nhắc xem lý do game bị “dìm hàng” có đáng để mình quan tâm không – chẳng hạn, mục chơi mạng không ổn định nhưng mình chỉ mua game để chơi đơn thì có thể bỏ qua được chăng?
Tuy giải pháp này chưa thật sự hoàn hảo nhưng cũng là một nước cờ khôn ngoan của Valve, vừa giúp kiểm soát tình hình “bom dư luận”, vừa đảm bảo tiêu chí hoạt động vì cộng đồng người dùng của mình. Công bằng mà nói thì những cuộc tấn công như thế này cũng không nhiều, nên số game bị ảnh hưởng cũng chỉ là thiểu số – có một biểu đồ lịch sử đánh giá sẽ giúp người chơi mới dễ dàng quyết định có nên mua một game nào đó đang bị “tấn công” hay không, và biết đâu các NSX cũng có thêm cơ hội cải thiện tình hình khi fix lỗi game và được kéo điểm dần dần lên?