Tạm biệt năm 2019 – kết thúc thập kỷ của những “cú lừa” ngành game - PC/Console

Trong thập kỷ qua, cộng đồng game thủ đã phải chứng kiến và chịu đựng rất nhiều “cú lừa” tới từ các hãng game. Có những điều gây khó chịu tới mức chúng ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Chỉ vài ngày nữa thôi, chúng ta sẽ tạm biệt năm 2019. Đây cũng là mốc kết thúc cho thập kỷ 2000 – 2019 với rất nhiều thăng trầm của ngành công nghiệp game. Bên cạnh những công nghệ chơi game đang ngày một phát triển hơn, đem lại cho game thủ nhiều điều mới mẻ thì trong thập kỷ qua, không ít các hãng đã khiến cả thế giới phải lắc đầu ngao ngán.

Họ thôi miên người hâm mộ bằng những lời hứa hết sức hoa mỹ nhưng rồi cuối cùng lại chẳng thể đưa ra nổi một sản phẩm ra hồn. Hoặc các hãng cũng nghĩ ra đủ mọi trò để bòn rút tiền từ các game thủ. Chúng ta cùng hi vọng sang năm 2020, cũng là khởi đầu cho một thập kỷ mới, ngành công nghiệp game sẽ phát triển hơn về cả công nghệ lẫn…suy nghĩ của một vài hãng game.

Phương pháp lưu trữ độc quyền

Tạm biệt năm 2019 – kết thúc thập kỷ của những “cú lừa” ngành game

Khi sử dụng các thiết bị console, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể lưu trữ game vào bất cứ ổ cứng hay box HDD/SDD nào mình muốn. Đã từng có thời gian các hãng phát triển luôn ép người chơi phải lưu trữ trên ổ cứng độc quyền của mình, nhờ vậy mà họ mới có thu được thêm tiền cho những game thủ muốn nâng cấp dung lượng. Ví dụ khi PlayStation 4 mới phát hành, bạn lỡ mua dung lượng 500GB nhưng vẫn không đủ lưu trữ toàn bộ game. Khi đó, bạn không thể mua một ổ box 500GB nữa rồi cắm vào cổng USB để lưu game. Mãi về sau, Sony mới update một bản firmware cải thiện để người dùng có thể lưu trữ game ở bất cứ ổ cứng nào.

Hay như Xbox 360 cũng từng sử dụng ổ cứng có định dạng độc quyền bên trong máy. Điều này cho phép Microsoft có thể tính phí nhiều hơn cho các loại ổ cứng của mình hơn bất cứ ai. Thậm chí, nhiều game thủ tin rằng Sony cũng từng làm vậy với PS Vita.

Rất may là tình trạng này không kéo dài mãi mãi. Trước sự than phiền quá nhiều của người sử dụng, Sony hay Microsoft đã chỉnh sửa và game thủ có thể lưu trữ game ở bất cứ ổ cứng nào, miễn nó có định dạng tương thích với hệ thống của máy, thông qua kết nối USB. Nó giúp cho người dùng có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Phát hành game không hoàn chỉnh

Tạm biệt năm 2019 – kết thúc thập kỷ của những “cú lừa” ngành game

40 tới 60 USD cho một tựa game AAA là một mức giá chấp nhận được, nhưng nó cũng không phải là rẻ. Tuy nhiên, dù đã bỏ tiền ra như vậy, game thủ cũng chẳng nhận được một bản game hoàn chỉnh. Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến các hãng phát hành game “cắt xén” nội dung trò chơi một cách không thể chấp nhận được. Và sau đó, họ chuyển sang phát hành dưới dạng DLC có thu tiền, hoặc một phiên bản Season Pass (có toàn bộ game gốc + DLC) với mức giá cao hơn nhiều.

Tất nhiên sẽ chẳng có hãng nào chịu thừa nhận mình làm như vậy để kiếm thêm tiền từ một trò chơi cả. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều hiểu và buộc phải chấp nhận nó. Đáng nói hơn, việc mua DLC hay Season Pass thực sự là một canh bạc. Khi bạn đã phải bỏ ra tới 60 USD với tâm thế không rõ chất lượng game sẽ như thế nào, thì sau đó, bạn sẽ phải bỏ ra thêm khoảng 10 tới 30 USD nữa để mua gói nội dung bổ sung mà cũng chẳng rõ chất lượng ra sao.

Đó còn chưa kể tới việc lừa đảo trên Kickstarter. Trong thập kỷ qua, chúng ta cũng đã phải chứng kiến rất nhiều trường hợp hãng phát triển kêu gọi vốn từ chính các game thủ, nhưng dự án lại mãi chẳng hoàn thành hoặc có hoàn thành nhưng lại là một mớ tạp nham không hoàn chỉnh. Nhiều trường hợp nặng nhất là nhà phát triển cầm tiền bỏ trốn, hay sử dụng tiền cho mục đích khác.

DRM trong kỷ nguyên game kỹ thuật số

Tạm biệt năm 2019 – kết thúc thập kỷ của những “cú lừa” ngành game

DRM, viết tắt của Digital Rights Management (Quản lý quyền kỹ thuật số), là những gì mà các công ty phát hành sử dụng để bảo đảm rằng người tiêu dùng đã thực sự mua một sản phẩm nội dung kỹ thuật số và sẽ không sử dụng sản phẩm đó theo cách “không phù hợp”, như cho mượn hay sao chép bất hợp pháp. Ngày nay, không chỉ có video game, DRM đươc sử dụng trên tất cả những gì được coi là mặt hàng kỹ thuật số, kể cả phim ảnh và âm nhạc.

Nhưng chính điều này đã giới hạn đi một số đặc quyền của game thủ với sản phẩm mình vừa bỏ tiền ra mua. Các game thủ chẳng thể cho bạn bè thân của mình mượn để trải nghiệm được mà ai muốn chơi thì bắt buộc phải mua. Hay chẳng hạn như khi bạn muốn bán lại trò chơi mà mình đã hoàn thành, nhưng DRM sẽ ngăn cản bạn làm việc đó.

Thật buồn cười trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bạn bỏ tiền ra mua một trò chơi nhưng bạn lại không hoàn toàn sở hữu nó, mà chỉ là có được giấy phép sử dụng mà thôi.

Review “sai sự thật”

Tạm biệt năm 2019 – kết thúc thập kỷ của những “cú lừa” ngành game

Ngày nay, khi muốn mua một trò chơi, chúng ta thường sẽ tìm hiểu các bài review từ trang tin game trước, hay theo dõi điểm số đánh giá của các chuyên gia review. Thông thường, các hãng sẽ đưa game cho các bên review uy tín chơi trước, từ đó họ sẽ có bài đánh giá để lôi kéo người dùng biết tới sản phẩm của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào các bài review cũng chính xác.

Các hãng phát hành hiểu rằng những bài review như vậy chính là chìa khóa quan trọng cho thành công của một trò chơi. Do đó một vài hãng sẽ có động thái “tác động”, để các bài review game của mình nhẹ nhàng hơn hoặc thậm chí là sai hoàn toàn sự thật. Có những hãng còn đặt ra những cấm vận cực kỳ vô lý như không cho phép reviewer đưa ra đánh giá cho tới khi trò chơi được phát hành. Thậm chí có cả drama khi NPH bị tố tìm cách “tác động” để có những bài review tốt, nhưng khi không được thì họ gây sức ép để người viết bị đuổi việc, điển hình là vụ của biên tập viên Jeff Gerstmann trên trang Gamespot năm 2007. Đến tận năm 2012 anh mới chính thức xác nhận lý do mình bị đuổi sau 5 năm những tin đồn râm ran kéo dài.

Những hành động như vậy thật chẳng thể chấp nhận được. Nếu một hãng game chắc chắn về chất lượng trò chơi của mình, họ sẽ chẳng bận tâm tới các bài review mà sẽ thu thập ý kiến của người dùng để cải thiện. Thái độ như vậy sẽ tạo được thiện cảm cho cộng đồng game thủ hơn là “tác động” hay đổ lỗi cho các bài review khiến doanh thu game thất bại.

Đổi mới trong việc hỗ trợ các phần cứng mới

Tạm biệt năm 2019 – kết thúc thập kỷ của những “cú lừa” ngành game

Ngành công nghiệp game trong thập kỷ qua đã phát triển không ít cách trải nghiệm game mới mẻ. Bên cạnh cách chơi game truyền thống với phím/chuột và tay cầm, người dùng có thể chơi game bằng rất nhiều thiết bị hỗ trợ khác như Kinect hay các thiết bị thực tế ảo. Tuy nhiên, công nghệ mới thú vị là một chuyện, việc công nghệ đó có được hãng hỗ trợ lâu dài hay không lại là chuyện khác.

Tôi lấy ví dụ về Kinect của Microsoft. Kinect trên Xbox 360 đã có thêm phần điều khiển bằng giọng nói và hỗ trợ chuyển động của game. Rõ ràng các game thủ yêu thích Kinect bởi nó đem tới một cách chơi game hoàn toàn mới mẻ. Nhưng Kinect cho Xbox One lại là một thảm họa. Khi Microsoft nhìn thấy người dùng thích Kinect trên X360 như thế nào, có vẻ họ đã nảy sinh lòng tham và đã ép người dùng mua Xbox One và mua kèm Kinect, khiến giá của chiếc console này bị đội lên quá cao. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, dù đã ép người dùng mua như vậy, Microsoft lại có rất ít thứ để Kinect phát huy toàn bộ tiềm năng.

Loot Box

Tạm biệt năm 2019 – kết thúc thập kỷ của những “cú lừa” ngành game

Ở đây tôi sẽ không bàn tới việc Loot Box là cờ bạc hay không hợp pháp. Trong thập kỷ qua, chúng ta cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Loot Box, thứ có thể giúp game thủ kiếm được một món đồ đắt tiền với một cái giá cực bèo nếu bạn có may mắn level max. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, còn sự thật thì số tiền bạn bỏ ra cho Loot Box có khi còn cao hơn nhiều so với món đồ quý bạn nhận được. Thông thường, các game thủ chỉ nhận được vài item vớ vẩn mà thôi.

Rõ ràng Loot Box mang yếu tố “cú lừa” tâm lý cực kỳ lớn khi chính hãng game là người nắm trùm cho việc bạn nhận được gì từ Loot Box. Công bằng ở Loot Box ư? Tôi xin thưa rằng chẳng có đâu. Bạn nhìn thấy một người mở hộp được ngay món đồ quý? Gã đó chắc chắn đã tiêu tới cả trăm triệu trước đó rồi. Số người có chỉ số may mắn tối đa có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e