Thầy dạy tiếng Anh của Mọt tui là… game - PC/Console

Nhân ngày nhà giáo, hãy để Mọt kể cho các bạn nghe về việc game đã trở thành một trong những người thầy dạy tiếng Anh tuyệt vời của Mọt như thế nào.

Trong thời buổi internet, có vô vàn cách để bạn học một môn ngoại ngữ bất kỳ, từ ứng dụng trên mobile đến các khóa học miễn phí trên internet, từ xem phim giải trí đến đọc các tạp chí chuyên sâu của nước ngoài. Tuy nhiên khi nói đến tiếng Anh, thứ ngôn ngữ được sử dụng trong các hoạt động chính thức trên khắp hành tinh, Mọt tin chắc rằng chẳng có biện pháp học tập nào hữu ích và lý thú hơn là… cày game trên máy tính.

Thật vậy, nếu bạn đang cố gắng học tiếng Anh, game sẽ là những người thầy tuyệt vời vì rất nhiều lý do khác nhau. Trong khi những tựa game offline huấn luyện cho bạn cách nghe, đọc, game online thậm chí còn cung cấp cả cơ hội để thực hành nói hoặc viết trong một môi trường thân thiện, với những người bạn bè thân thiết xung quanh – những người sẵn sàng giúp đỡ bạn khi có yêu cầu. Mọt tui đã không ít lần hỏi người đang nói chuyện với mình xem ngữ pháp đã đúng chưa, và nhận được câu trả lời rõ ràng, chính xác ngay lập tức.

Con nít ham vui

Hãy để Mọt kể cho bạn nghe về thuở chập chững làm quen với tiếng Anh của mình. Là một thằng nhóc ham vui, Mọt tui đã thường xuyên… leo rào tót ra tiệm game từ thời tiểu học trong những giờ ra chơi để xem người khác “chiến” Contra trên NES, rồi dần nâng cấp lên SNES, máy game thùng… trước khi thực sự chạm tay vào những tựa game đầu tiên trên PS1. Với những tựa game đơn giản thời NES hay SNES, việc hiểu chúng không phải là vấn đề bởi mọi thứ đều rất đơn giản: bạn là người hùng, kẻ địch là bọn ác, và khẩu súng trên tay bạn sẽ nổ “bùm bùm” để gửi bọn ác đi chầu ông bà. Mọt chẳng cần biết đến nửa chữ tiếng Anh mà vẫn có thể thưởng thức những tựa game đó một cách dễ dàng thông qua bàn tay điều khiển của người khác.

Trà đá game thủ: Game, những người thầy dạy tiếng Anh tuyệt vời của Mọt tui

Contra: bùm chéo, bùm chéo, bùm bùm chéo…

Nhưng khi những cỗ máy phức tạp hơn như SNES hay PS1 ra đời, các tựa game cũng bắt đầu khó hiểu hơn. Các băng game ngày nào được thay thế bằng dĩa mềm, dĩa CD với dung lượng ngày càng phình to, cho phép các nhà phát triển nhồi nhét những câu chuyện phức tạp vào trò chơi, được giải thích bằng những dòng chữ tiếng Anh dài đằng đẵng khiến Mọt tui… không còn hiểu điều gì đang xảy ra trên màn hình, hay mình phải làm gì để đi tiếp. Với những tựa game đơn giản như Soul Edge (tiền thân của Soul Calibur ngày nay) hay Warrior of Fate trên PS1, không hiểu cốt truyện không phải là vấn đề, nhưng rất nhiều tựa game mà Mọt đam mê thời đó tràn ngập tiếng Anh – Warcraft: Orcs & Humans, Red Alert 1, SimCity,… khiến việc chơi những tựa game này chỉ đạt được… một nửa độ sướng vì Mọt chỉ có thể đoán mò yêu cầu của game qua những từ vựng đơn giản mình có được, chẳng hạn “secure” là diệt hết kẻ địch xung quanh, “capture” là chiếm lấy mục tiêu, “infitrate” là xâm nhập một cách bí mật…

Trà đá game thủ: Game, những người thầy dạy tiếng Anh tuyệt vời của Mọt tui

Warrior of Fate: chỉ cần đập hết máu của địch là đủ.

Với vốn tiếng Anh hạn hẹp, diễn biến của những trò chơi phức tạp là một điều gì đó rất bí ẩn. Thằng cha râu xồm trên màn hình đang nói gì? Tui là ai? Anh ấy đang ở đâu? Phải bắn thằng này hay phải bảo vệ nó? Mọt bỏ ra vài năm chơi game theo kiểu mù dở như thế này, cho đến ngày bắt gặp…

Syphon Filter

Đây là một tựa game bắn súng lấy đề tài điệp viên thuộc hàng siêu phẩm trên PS1, ra mắt vào năm 1999 và Mọt may mắn được chạm tới nhờ cỗ máy PS1 ở nhà người thân của mình. Game có sức cuốn hút lạ kỳ – có lẽ bởi đây là trò chơi đầu tiên có cốt truyện phức tạp và bối cảnh rộng lớn mà Mọt gặp phải. Nó kể về anh chàng Gabriel Logan, một siêu gián điệp được giao nhiệm vụ tóm lấy một tên trùm khủng bố quốc tịch Đức trong một cốt truyện lắt léo, dính líu tới vũ khí sinh học và những trò phản bội quen thuộc của thế giới gián điệp. Game cũng vay mượn nhiều yếu tố hấp dẫn từ những 007 hay Metal Gear Solid ra mắt trước đó để tạo nên một câu chuyện lôi cuốn và hấp dẫn. Nhưng vấn đề là vào thời điểm chơi game, Mọt tui… chả hiểu được phần lớn nội dung của câu chuyện. Chơi một tựa game phức tạp theo kiểu thầy bói xem voi như thế này khiến Mọt “tức nước vỡ bờ” quyết chí học tiếng Anh.

Trà đá game thủ: Game, những người thầy dạy tiếng Anh tuyệt vời của Mọt tui

Syphon Filter là một siêu phẩm trên PS1.

Nếu bạn nghĩ rằng Syphon Filter khiến Mọt tui xoay mình làm ông chủ, từ 1 phẩy lên 10 phẩy môn tiếng Anh ở trường, bạn đã lầm. Nó giúp Mọt tui quyết tâm để dành tiền mua một quyển từ điển dày cộm với giá 20.000 đồng, một khoản tiền khổng lồ vào thời đó, và vẽ ra một mục lục chi tiết đến 2 chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh rồi mang theo bên mình mỗi khi ra tiệm. Bằng cách chắp vá những từ ngữ mình hiểu với giải nghĩa của cuốn từ điển cộng thêm một chút đoán mò và những gì mình được học trong tiết tiếng Anh ở trường, cốt truyện của những Syphon Filter, Warcraft, Red Alert, Medal of Honor dần hé lộ, mở ra cả một chân trời mới khiến Mọt tui càng yêu thích game.

Nó cũng khiến Mọt bị lũ trẻ trong xóm gọi là thằng khùng, nhưng Mọt đâu có dại mà để lộ ra?

Game PC và online lôi cuốn

Rồi thời đại của game PC cũng tới. Bởi đã đam mê Red Alert trên PS1, Mọt lập tức nhảy vào “chiến” Red Alert 2 trên PC khi nhìn thấy biểu tượng của trò chơi này trên tiệm game gần nhà. Sau đó là những Project IGI, StarCraft, Half-Life… Nói không ngoa, những trò chơi này đem lại cho Mọt tui một vốn từ vựng khổng lồ nhưng… chẳng thể dùng được ở trường, bởi nó chỉ toàn những thuật ngữ quân sự hay súng đạn, ngoài một vài cơ hội “show off” với bạn bè khi hiểu nghĩa của các từ mới trong bài đọc tiếng Anh. Tuy nhiên nhờ chiến tích nhiều năm cày game và mơ mộng về game, Mọt tui may mắn nhớ được vài cấu trúc câu mà các nhân vật trong game sử dụng trong các đoạn hội thoại hay trong phim cắt cảnh, và những ký ức này đem lại cho Mọt những điểm số kha khá trong các bài trắc nghiệm ở trường. Niềm đam mê game cũng khiến tác giả thường xuyên ghé qua những trang tin game lớn thời bấy giờ như IGN, GameSpot, GameSpy, góp phần làm tăng tiến vốn tiếng Anh của Mọt.

Trà đá game thủ: Game, những người thầy dạy tiếng Anh tuyệt vời của Mọt tui

Nhờ các tựa game trước và quyển từ điển thân iu, Mọt hiểu được ông chú Yuri nói gì trong phim cắt cảnh.

Khi bước chân vào thế giới của game online, đó mới là lúc mà vốn tiếng Anh mà Mọt học được qua game (và quyển từ điển 20.000 đồng ngày nào) tỏa sáng. Nó giúp Mọt hiểu rõ những gì mà các NPC yêu cầu, phân biệt được giữa lời kể “tôi từng là cung thủ” với câu trần thuật “tôi sử dụng một cây cung,” biết được rằng anh bạn chung clan đang khen “you are the $#!t” chứ không phải đang chửi “you are $#!t,”  đại loại thế. Việc liên tục giao tiếp trong game online không chỉ đem lại cho Mọt cơ hội nhớ được những gì mình học ở trường mà còn tạo cơ hội thể hiện ngoài tiệm net bằng cách múa phím như bay để tán gẫu với bạn bè, chửi nhau với đối thủ hay trả giá từng đồng bằng tiếng Anh với mấy chú Tây lông mũi lõ khi mua sắm trong thế giới online.

Battle Royale của Call of Duty: Modern Warfare sẽ cực
Black Ops 4 sắp phải "ngửi khói" với Battle Royale của Call of Duty: Modern Warfare
Theo những thông tin vừa bị "đào xới" từ các file của Modern Warfare, chế độ Battle Royale sắp ra mắt của trò chơi sẽ hỗ trợ đến 200 game thủ.

Niềm đam mê game và tiếng Anh đó cũng chính là thứ đã định hình nên người viết ngày nay: một con Kênh Tin Game xem việc viết về game là nghề lý tưởng của mình, nhận được cảm giác vui sướng xen lẫn tự hào khi những gì nó viết ra được bạn đọc yêu thích. Có thể bạn cũng sẽ nhận ra phong cách viết của Mọt tui chịu rất nhiều ảnh hưởng từ văn phong tiếng Anh, chẳng hạn việc sử dụng rất nhiều “và” trong câu, hay đưa “có thể” ra trước “bạn” ngay trong câu văn này. Thật may mắn là các giáo viên của Mọt không phàn nàn gì về cách viết này, và điểm số môn Văn thuở Mọt còn đi học cũng “khá là ok!”

Trà đá game thủ: Game, những người thầy dạy tiếng Anh tuyệt vời của Mọt tui

Lineage 2 đẩy Mọt đến với thế giới online rộng lớn.

Nói dài nói dai về chuyện học tiếng Anh qua game của mình là vậy, nhưng Mọt cũng cần phải… nói dại một chút. Việc học tiếng Anh qua game là rất lý thú và hứng khởi, nhưng nó cũng có một vài hạn chế mà bạn cần phải chú ý. Phương thức nói chuyện của các nhân vật trong game đôi khi sử dụng quá nhiều tiếng lóng hoặc những phương thức rút gọn không được dạy ở trường, nên nếu áp dụng chúng vào bài kiểm tra, mất điểm là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả việc học tiếng Anh qua giao tiếp với người nước ngoài trong game online cũng cần phải chú ý, vì ngay cả dân bản xứ cũng chưa hẳn đã “rành 6 câu” tiếng mẹ đẻ của mình. Mọt thấy rằng các game thủ Mỹ thường xuyên nhầm lẫn giữa your / you’re, their / they’re và nhiều ví dụ tương tự, chẳng khác gì dân Việt Nam ta nhầm lẫn hỏi với ngã, giành với dành. Vì vậy nên ngay cả khi bạn nghe được một câu tiếng Anh thật oách và có vẻ thật chuẩn, hãy cẩn thận đối chiếu nó với những gì mình học được ở trường, tránh cảnh thể hiện bất thành mà còn mang quê độ vào thân!

Dĩ nhiên tất cả những điều này được kể lại không phải để làm mờ đi vai trò của những thầy giáo, cô giáo tận tụy từng dạy dỗ Mọt tui trên ghế nhà trường – nó được viết ra chỉ nhằm chia sẻ với bạn đọc về tác dụng tích cực mà những trò chơi ngày đó đem lại cho tác giả. Việc học tiếng Anh qua game chỉ là hứng thú đơn thuần, và dù hứng thú giúp bạn học tập tốt hơn, những tri thức tiếng Anh mà bạn có được từ việc chơi game sẽ không thể tạo thành một hệ thống chặt chẽ, chuẩn xác mà bạn có thể sử dụng ngoài đời nếu thiếu vắng những bài ngữ pháp, những tiết kiểm tra và lời phê sửa lỗi của thầy cô.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e