The Last of Us là tựa game mà bạn phải chơi khi sở hữu PlayStation, thậm chí nhiều người đã quyết định từ bỏ Xbox để mua PlayStation vì trò chơi này. Thành công của Naughty Dog với thương hiệu The Last of Us là thứ mà hãng game nào cũng thèm khát đạt được. Và quả thật, danh hiệu một trong những trò chơi thành công và hay nhất thập kỷ rất xứng đáng với The Last of Us. Đây cũng chính là điều mà các fan lo ngại khi The Last of Us Part 2 được công bố.
Tuy sở hữu một cốt truyện lôi cuốn, nhưng cái kết của The Last of Us khiến mọi người tin rằng một ngày nào đó Naughty Dog sẽ cho ra phần tiếp theo. Và 7 năm sau, tức và tháng 6 năm 2020 này, The Last of Us Part 2 sẽ chính thức trình làng. Dù Naughty Dog đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển nhưng nhiều người hâm mộ vẫn tin rằng hãng sẽ tái hiện lại thành công của phần đầu tiên.
Về phía cá nhân tôi, tôi nhận thấy The Last of Us Part 2 chắc chắn vẫn sẽ thành công, vẫn có một chất lượng xứng đáng 7 năm chờ đợi của người hâm mộ. Nhưng trò chơi có thể sẽ không thể tạo ra được cú huých mà The Last of Us bản đầu tiên đã làm được.
Tài năng của Naughty Dog là điều không ai có thể phủ nhận, hãng đã trở thành một trong những nhà phát triển top đầu của ngành công nghiệp game. Chỉ cần nhắc tới “đây là sản phẩm của Naughty Dog” là game thủ đã phần nào đó yên tâm về chất lượng, sẵn sàng order trước luôn mà không cần lăn tăn. Đỉnh cao của Naughty Dog được thể hiện thông qua Uncharted 2: Among Thieves (2009) và The Last of Us (2013). Đây là 2 trò chơi có thể nói là gần như đạt tới sự hoàn hảo nhất trong mỗi thời kỳ.
Nhắc tới The Last of Us, có một lý do nữa khiến người ta luôn phải nể phục Naughty Dog sau 7 năm phát hành, bởi đây chính là trò chơi đã giúp Sony có một vị thế mới trong mắt người hâm mộ. Khi The Last of Us ra mắt trên PlayStation 3, ngay cả những người không có hứng thú với Sony đột nhiên cũng phải chú ý tới hãng. Không chỉ khẳng định thương hiệu cho Naughty Dog, The Last of Us cũng khẳng định luôn trong tâm trí game thủ rằng: Hầu hết những trò chơi độc quyền của Sony đều xứng đáng phải mua. Thậm chí, tôi có thể nói rằng The Last of Us chính là một phần nguyên nhân giúp cho PlayStation 4 và Sony trở thành độc tôn trên thị trường game, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác.
Những gì xảy ra với The Last of Us đầu tiên có thể coi như phép màu vậy. Tuy nhiên, sang tới The Last of Us Part 2, liệu Naughty Dog có tiếp tục tạo ra được phép màu không. Có rất nhiều yếu tố đang chống lại hãng, và sau 7 năm cũng có rất nhiều thứ đã thay đổi. Hãy nhớ rằng The Last of Us đầu tiên là một thương hiệu hoàn toàn mới, tức là không có sự kỳ vọng nào ở đây cả. Mọi thứ mà phần game đầu tiên làm được gần như đã đạt tới sự hoàn hảo. Khi phần game đạt thành công quá lớn, người hâm mộ ắt sẽ rất kỳ vọng và khó tính hơn nhiều trong phần game tiếp theo. Mọi tiêu chuẩn dành cho Naughty Dog và The Last of Us đều sẽ cao hơn nhiều so với các trò chơi khác.
Trong lịch sử ngành game, rất nhiều thương hiệu game cũng vướng phải tình trạng “phần sau không thành công như phần trước” (kể cả phim ảnh cũng không phải ngoại lệ). Mass Effect 3 không được yêu thích như Mass Effect 2; Metroid Prime 2 kém hấp dẫn hơn người tiền nhiệm Metroid Prime; Dark Souls 2 cũng bị đánh giá kém hơn so với Dark Souls đầu tiên; và ngay cả chính Naughty Dog, Uncharted 3 là trò chơi khiến người hâm mộ thất vọng toàn tập sau Uncharted 2.
Thông thường điều này xảy ra chính bởi yếu tố kỳ vọng của game thủ. Một khi một trò chơi đã tạo ra được cơn địa chấn thì những mong muốn hay tiêu chuẩn của game thủ vào trò chơi tiếp theo sẽ lớn hơn hẳn. Và nếu khoảng cách phần tiếp theo càng quá lâu thì những kỳ vọng đó lại càng bị cường điệu hơn thông qua các đoạn trailer, gameplay hay thông tin công bố. Đây là tâm lý chung của con người, và là bài toán làm đau đầu các nhà làm game. The Last of Us Part 2 đã tạo ra rất nhiều kỳ vọng trong cộng đồng, và nếu Naughty Dog không giải quyết được nó thì chắc chắn hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.
Điều tiếp theo mà The Last of Us Part 2 phải đối mặt đó là trò chơi vừa phải phù hợp với thị hiếu hiện tại, vừa không được quá khác so với phần trước đó. Trải qua 7 năm, một khoảng thời gian quá dài và mọi thứ đều thay đổi chóng mặt, Naughty Dog phải làm sao để The Last of Us vẫn dựa trên những yếu tố thành công nhất của phần cũ, lại vừa khiến game thủ không cảm thấy lạc hậu hay không cảm thấy thương hiệu bị thay đổi quá nhiều.
Mọi người yêu thích gì ở phần The Last of Us đầu tiên? Đó là lối kể chuyện cuốn hút, chỉ tập trung vào Joel và Ellie. Nhưng nếu phần thứ 2 Naughty Dog đi lan man trong lối kể chuyện, có quá nhiều nhân vật chính hay tập trung vào những vấn đề thừa thãi hơn. Hay thậm chí là họ quá coi trọng cốt truyện hoặc gameplay mà bỏ quên đi yếu tố còn lại, tôi tin chắc đây sẽ là một nỗi thất vọng lớn với các fan trung thành.
Ngay cả bản thân tôi khi xem trailer của The Last of Us Part 2 cũng thấy tương đối lan man về tuyến nhân vật chính trong game. Khác với khi xem trailer của phần đầu tiên, tôi hiểu game sẽ có nhân vật trung tâm nào, mình phải đối mặt với những tình huống nào. Dĩ nhiên, trailer vẫn chỉ là trailer, sản phẩm game cuối cùng mới là thứ quan trọng hơn cả chứ không phải là vài ba phút trailer hay một số đoạn leak ngắn.
Tựu chung lại, tôi vẫn tin The Last of Us Part 2 vẫn sẽ là một trò chơi tuyệt vời mà Naughty Dog dồn toàn bộ tâm huyết và tài năng của mình vào. Trò chơi vẫn sẽ đạt được những thành công nhất định, vẫn sẽ có một chất lượng tương xứng với sự chờ đợi của người hâm mộ. Nhưng đồng thời, tôi cũng không giữ kỳ vọng rằng nó sẽ một lần nữa tạo ra cơn địa chấn giống như phần đầu tiên. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể xảy ra, trong lịch sử phát triển ngành game, một số thương hiệu đã làm được cái điều là “phần tới sau lại hay hơn hẳn so với các phần trước”. Ví dụ như Grand Theft Auto 3 tới Vice City rồi San Andreas trở thành phần game biểu tượng của cả series; hay Super Mario Galaxy 2 hấp dẫn hơn nhiều so với phần đầu tiên; hoặc dù The Elder Scrolls: Oblivion rất hay nhưng Skyrim mới trở thành huyền thoại.
Và dù gì đi nữa, The Last of Us Part 2 vẫn là một trò chơi xứng đáng được mua và trải nghiệm tận tay.