The Sinking City và niềm vui của những game thủ “hơi già” - PC/Console

The Sinking City là điển hình cho những game giải đố phiêu lưu cổ điển, tiết tấu chậm, cốt truyện nhức não và không dành cho ai thiếu kiên nhẫn.

Những tựa game phiêu lưu giải đố luôn là thứ kén người chơi và The Sinking City là điển hình như vậy khi nó thực sự khiến người ta phải dùng tới não để suy nghĩ chứ không còn dùng phản xạ đơn thuần như game hành động được. Mặc dù không thực sự phổ biến một cách rộng rãi, nhưng thể loại phiêu lưu giải đố vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ, nhất là những game thủ đã có tuổi một chút.

Cảm nhận đầu tiên The Sinking City – Lovecraft phiên bản nhức não
The Sinking City nói về một hành trình điên rồ, với các ảo giác liên tục về những con quái vật chỉ xuất hiện trong truyện kinh dị Lovecraft.

Kén người chơi là từ luôn được kể tới đầu tiên khi nhắc tới các game phiêu lưu giải đố, có nhiều cách giải thích về vấn đề này, thí dụ như do lối chơi của chúng rất chậm và nhiều đoạn hội thoại, các câu đố hóc búa đi kèm cốt truyện dài dằng dặc hack não game thủ. Nhưng đối với người viết hay nói đúng là các game thủ Việt Nam thì vấn đề này lại nằm ở một thứ trực quan hơn, đó là khả năng đọc hiểu ngoại ngữ của bạn tới đâu để mà mò đường.

Khác với sản phẩm dạng đi cảnh, hành động hay cả thể loại nhập vai theo lượt… thì những game như The Sinking City dựa hoàn toàn vào việc bạn hiểu cốt truyện tới đâu, vì mọi thứ của nó quay xung quanh việc giải các câu đố liên hoàn từ những manh mối đơn lẻ. Bạn phải thực sự đọc và hiểu được các nhân vật trong game đang nói gì, vì chỉ có như thế chúng ta mới thực sự “qua màn” được.

Chính vì lý do này mà cộng đồng game Việt luôn dành từ “kén người chơi” khi nói về các game giải đố, đơn giản là bạn phải thực sự biết tiếng Anh để hiểu được gợi ý, chứ không phải kiểu hạ hết kẻ địch trên màn hình hay đi từ điểm A tới điểm B là xong. Lúc nhỏ người viết từng có chơi The Longest Journey và bỏ cuộc sau khoảng 30 phút chạy vòng vòng, vì có hiểu chúng nó nói cái nồi gì đâu mà đi được.

The Sinking City và niềm vui của những game thủ “hơi già”

Nếu bạn là một fan của các tạp chí game đời cũ, thì có một câu để mô tả rất đúng về các tựa game phiêu lưu giải đố giống như The Sinking City đó là “vừa nhâm nhi ly trà vừa chơi”, giống như kiểu mấy thứ này không dành cho người vội vàng đâu. Trên thực tế tôi nghĩ cái này có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, thông thường nhất chắc là để hình dung tình trạng bí đường triền miên khi chơi game và méo biết làm cách nào mà qua được.

Có cái vụ này vì các game giải đố thường để manh mối dưới dạng các câu hỏi hoặc tờ giấy viết trong sổ tay, người chơi phải đọc hiểu rồi tiếp đến sẽ làm theo những gì ghi trên đó. Tới đây thì vấn đề ngôn ngữ lại bắt đầu đó, vì nếu bạn chẳng hiểu gì thì biết cái gì mà mò, không như mấy game hành động còn đi đánh bừa hên xui chứ còn đây thì hoàn toàn chịu chết.

Lấy ví dụ như cái The Sinking City vừa ra này, các manh mối trong vụ án được kết dính với nhau theo kiểu dạng chuỗi và game thủ phải nối chúng với nhau để ra một lời giải có nghĩa. Cơ chế này rất giống như seri phá án Danganronpa hay Phoenix Wright, không thể chơi cái kiểu ghép bừa được vì cơ bản game không cho phép. Bạn bắt buộc phải hiểu nhân vật nói cái gì, mà cái này thì cần cơ bản ngoại ngữ kha khá, bởi thế mới nói thể loại phiêu lưu giải đố rất kén người chơi vì đầu vào của nó đòi hỏi nhiều phết.

The Sinking City

Một vấn đề tiếp theo là người thiếu kiên nhẫn không thể chơi các loại game kiểu này, ở đây phải hiểu “kiên nhẫn” này hoàn toàn khác với việc bạn ngồi 50 giờ đồng hồ cày chỉ số hoặc đánh đủ vài trăm con creep để farm đồ xịn nhé. Hãy tưởng tượng bạn được đưa ra khoảng 5, 6 cái gợi ý, kiểu như tôi nhớ rõ có lần chơi đến đoạn phải câu cá hồi dụ gấu, chuyện thì nó khá phiền phức khi phải đọc một chồng tài liệu về cá hồi, xem nó thích mồi gì và sống ở vùng nước nào – rồi sau đó mới bắt tay vào câu. Nói thì đơn giản vậy thôi chứ cái vốn tiếng Anh tồi tàn lúc đó, tôi đã phải bỏ cuộc cm nó luôn sau khoảng 2 tiếng lắp mồi câu không có kết quả.

Đây cũng là lý do khiến cho những game giải đố phù hợp cho các game thủ “bắt đầu có tuổi”, vì nó không có hành động cũng không có kịch tính gì trừ cốt truyện. Thời gian tĩnh để người chơi chống cằm suy nghĩ rất nhiều, tới mức bạn có khi dành cả tiếng đồng hồ chỉ để đọc thoại mà chẳng làm gì khác. The Sinking City cũng đi theo kiểu cổ điển như vậy, rất ít chỉ dẫn, cực nhiều lời thoại và cả tấn gợi ý lằng nhằng khác nhau.

The Sinking City và niềm vui của những game thủ “hơi già”

Tất nhiên không phải game thủ nào cũng thích kiểu chơi này, vì nó chỉ thực sự thú vị nếu bạn tận hưởng cốt truyện, chưa kể đứng ngoài coi cũng chẳng hấp dẫn cho mấy. Quá nhiều yếu tố khiến cho các game phiêu lưu giải đố luôn cực kỳ kén người chơi, so sánh với những siêu phẩm hành động như God of War hay Devil May Cry thì nó có sự khác biệt rất lớn. Kể cả như The Sinking City mặc dù có một chút hành động, nhưng bản chất của nó vẫn là giải đố truyền thống phụ thuộc cốt truyện.

Mặc dù có đủ thứ ngăn cách như vậy, nhưng phiêu lưu giải đố vẫn là một phần không thể thiếu với game thủ, vì chúng đem lại trải nghiệm hoàn toàn khác như kiểu coi một bộ phim mà trong đó bản thân mình là nhân vật chính. Hơn nữa do không bị ảnh hưởng bởi lối chơi nên các tựa game này thường có cốt truyện rất đỉnh, như The Sinking City là dựa theo phong cách Lovecraft bí hiểm, cuối cùng thì việc ngồi nhàn nhã trước màn hình trải nghiệm giải đố vẫn là thứ rất thú vị đúng không nào.