Thời gian trôi đâu mất hay câu chuyện vừa ngồi xuống chơi game thì trời đã sáng - PC/Console

Phương trình E = mc2 rất phức tạp nhưng có khi nó lại là lời giải cho câu hỏi thời gian đã trôi đi đâu mỗi khi chúng ta ngồi xuống chơi game.

Albert Einstein ngoài tài năng khoa học phi thường của mình, còn nổi tiếng về sự đãng trí và tính hóm hỉnh. Có người từng hỏi ông thuyết tương đối quá khó hiểu có cách nào đó giải thích thật đơn giản, ngắn gọn để bình dẫn đại chúng hiểu về nó hay không. Ông bèn hóm hĩnh trả lời, có gì đâu anh bạn, thời gian vốn là khái niệm tương đối giống như anh ngồi trên một chiếc chảo sắt bị nung nóng thì vài giây cứ như vài tiếng đồng hồ. Trong khi được ngồi kế cô đào Marlene (Marlene Dietrich – diễn viên, ca sĩ người Mỹ gốc Đức nổi tiếng vì xinh đẹp và tài năng từ những năm 30) đến vài tiếng thì cũng chỉ cảm thấy như mới có vài giây trôi qua vậy thôi.

Thời gian trôi đâu mất rồi hay câu chuyện vừa ngồi xuống chơi game thì trời đã sáng

Câu chuyện vui khoa học kia thật hay không chẳng ai biết vì đã truyền khẩu tam sao thất bổn gần trăm năm rồi nhưng điều mà người ta (cho rằng) Albert Einstein nói có thể giải thích cho một câu chuyện đáng buồn của đám game thủ. Đó là vừa ngồi vào ghế, bật game lên làm được dăm ba cái nhiệm vụ và trời sáng tự khi nào không biết luôn. Đó là bi kịch hay hài kịch thì cũng còn tùy vào buổi sáng hôm ấy khi còn trắng sương bay, ta như là gió phiêu lãng mang hành lý thương nhớ. Chẳng sao đâu, sầu bi có khi còn lâu. Ấy chết nhầm sang Jack & K-ICM rồi. Thực ra cũng còn tùy buổi sáng hôm ấy là ngày Chủ Nhật hay thứ 2 nữa.

Nếu vẫn còn trong ngày nghỉ, bất quá chép miệng tiếc rẻ rồi đánh răng rửa mặt ăn sáng là xong chuyện. Nhưng nếu chơi game xuyên đêm đến sáng thứ 2 thì quả thật đó là một tấn bi hài kịch mà nhân gian không ít người từng có cơ hội trải qua. Lúc đó game thủ chúng ta sẽ phải vận dụng hết công suất của những ngày còn học văn trong trường để biên 1001 hoàn cảnh đổ thừa cho việc đi làm muộn như xe bể bánh, bận đi hiến máu, đường tắc, chở má đi bơi… hay bất cứ lý do nào mà sếp có thể tin được. Tất nhiên sếp của chúng ta là người nho nhã có học thức, hiểu lễ nghĩa lại hạo nhiên chính khí đầy người. Không thể nào tin được mấy cái tà thuyết âm binh đó và hậu quả quen thuộc vẫn là nhẹ thì kiểm điểm, nặng thì trừ lương. Đời nhân viên văn phòng mê game nó khổ lắm!

Nhiều người sẽ bất ngờ khi xem lại số giờ chinh chiến

Ở mảng console, sau một quãng thời gian sẽ có những chương trình tri ân người chơi dạng như xem bạn đã cày bao nhiêu tiếng trong năm hoặc bạn đã chiến thể loại game gì thường xuyên nhất. Với các tay chơi PC thì mọi chuyện càng đơn giản hơn khi Steam đã nhanh nhảu thống kê hộ bạn đã cày cuốc trò chơi đó hết bao nhiêu tiếng đồng hồ kể từ ngày mua rồi. Từ đây có một câu chuyên khá thú vị mà người ta sẽ bất ngờ với quãng thời gian mà mình bỏ ra để chinh chiến trong tựa game “ruột”. Như Mọt tui chẳng hạn, tui không phải là người thích cắm đầu cày game suốt ngày nhưng xem thống kê xong mới biết bản thân “nghiện” Football Manager hơn là mình tưởng khi danh sách giờ chơi nhiều nhất toàn là các phiên bản của trò này.

Thời gian trôi đâu mất rồi hay câu chuyện vừa ngồi xuống chơi game thì trời đã sáng

Cày game miệt mài không phải là sở thích riêng của sinh viên học sinh, nhân viên văn phòng, dân làm ăn buôn bán. Nói chung ai mà đã thích chơi game rồi thì sẽ có lúc không tự chủ để lao vào cày cuốc trò chơi chân mệnh thiên tử của cuộc đời mình thôi. Ví dụ điển hình nhất của trường hợp này chính là tay nghệ sĩ lập dị chuyên trị rock indie St. Vincent, mãi đến khi bị hỏi đến trong cuộc phỏng vấn với tạp chí nổi tiếng Variety, nữ game thủ này mới thảng tốt nhận ra mình đã cày Breath of the Wild hơn 300 giờ. Điều buồn cười là bản thân St. Vincent trước đó chưa hề biểu lộ ra chút ham muốn nào về trò chơi điện tử. Dù hồi nhỏ cũng có chơi Super Mario Bros. và Zelda nhưng niềm đam mê cùng thú vui giải trí chủ lực của cô ấy chỉ bao gồm nhạc rock (dĩ nhiên), phim ảnh và các kịch bản văn học.

Đam mê bấm nút đến với St. Vincent theo cách vô cùng tình cờ khi một nhà sản xuất đưa máy Nintendo Switch để cô ta giải trí trong lúc chờ các quay các phân đoạn trong MV mới. Như đã nói ở trên, dù hồi nhỏ từng thử qua Zelda cùng Mario nhưng mãi đến khi làm quen cùng Switch và Breath of the Wild, St. Vincent chưa hề có đam mê với trò chơi điện tử thêm lần nào nữa. Giờ thì nghệ sĩ nhạc rock này đã trở thành một game thủ cừ khôi trong thế giới Hyrule và bạn biết đó, chuyện này có thể xảy ra hàng ngày, hàng giờ khi người dân lương thiện bất ngờ dấn bước vào con đường không có lối về trong thế giới của pixel đầy ám ảnh.

Game có thể bị điểm thấp nhưng mà thích là được

Sau ngày dài làm việc mệt mỏi nếu còn đủ đam mê những game thủ có xu hướng bật máy PS4 lên và lựa cho bản thân trò chơi yêu thích nhất để giải tỏa những áp lực trong cuộc sống. Thế nhưng đáng buồn thay niềm vui thú được giải trí một cách thuần túy lại không nằm trong tự điển của đám phê bình game chuyên nghiệp, với họ mọi thứ đều là công việc và được quy ra những tiêu chuẩn đánh giá hết sức rõ ràng. Chúng ta có thể chơi một ván game, cảm thấy chán hay tệ hơn là thấy phát khiếp với trò chơi đó và đơn giản là tắt máy đi ngủ. Nhưng trong thế giới công việc của đám nhận nhiệm vụ cầm cân nảy mực, game hay phải chơi đã đành, thậm chí game dở càng phải chơi cẩn thận, để khi có bắt đầu đưa ra những đánh giá tiêu cực thì còn biết đường để chỉ trích cho chính xác.

Cuộc sống bất công hay chuyện về game xào lại nhưng kẻ được khen người bị chửi
Cuộc sống bất công hay chuyện về game xào lại nhưng kẻ được khen người bị chửi
Cuộc sống vốn bất công nên cọng lông chưa bao giờ thẳng. Câu nói tưởng chừng vô lý ấy lại bất ngờ cực kỳ thuyết phục khi nhìn vào những thương hiệu game bị xào qua nhiều năm.

Ngày xưa chỉ có dân chuyên nghiệp mới làm được game, khi đó số lượng sản phẩm cần đánh giá luôn nằm ở một mức độ mà đám biên tập có thể khống chế được. Tiếc thay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ giờ thì ai làm game cũng được nhưng chất lượng mới là thứ đáng để bàn. Với số lượng đầu game ra mắt nhiều kinh khủng trong những ngày này khả năng gặp một game hay xuất sắc cũng khó như trúng Vietlott, còn game dở thì nhiêu như sao trên trời. Từ áp lực đó không hiếm những tựa game hay (hoặc ai cũng tưởng là nó hay) nhưng chẳng biết vì sao lại bị các nhà phê bình dìm đến không cách nào mà nổi lên được. Nhưng có hề gì đâu bởi game có thể bị chấm điểm thấp nhưng quan trọng mình thích là được rồi.

Không tin thì cứ cứ nhìn vào thương hiệu Dynasty Warriors mà xem đi. Cứ sau mỗi phiên bản mới ra mắt nó lại bị đám phê bình soi mói không thương tiếc với nhưng câu chữ không đổi từ năm này qua năm khác như “bán DLC hút máu”, “lười sáng tạo”, “thiếu đột phá”, “không chịu tiến bộ” nhưng có hề gì đâu khi số lượng bán ra vẫn rất ư là khả quan và Koei cứ liền tù tì mỗi năm cho ra lò một bản bất chấp chấp việc bị các nhà phê  bình lẫn đám game thủ nguyền rủa không thương tiếc. Đến Dynasty Warriors 9, có lẽ đã chán cảnh nghe chửi rủa, họ quyết định làm vố lớn với lối chơi mô-đi-phê cực nhiều kèm những cải tiến được chôm chĩa từ nhiều thương hiệu khác nhau như mở bản đồ khi leo lên các điểm cao chẳng hạn.

Thời gian trôi đâu mất hay câu chuyện vừa ngồi xuống chơi game thì trời đã sáng

Lần này bị chửi còn khốc liệt hơn những lần trước nhưng cứ nhìn số lượng đĩa bán ra cùng với giá của các DLC mà bọn họ mở bán sau đó. Có thể thấy thiên hạ vẫn là bài cũ khi chửi thì chửi mà mua thì mua, chửi càng ác lại mua càng nhiều. Đúng là khi đã yêu thì đừng nên nói lý lẽ đặc biệt là lý lẽ với những fan cuồng quyết tâm hiến máu trọn đời cho tựa game bọn họ yêu thích.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e