Một trong những lý do cốt lõi khiến “Outlast” trở nên đáng sợ như vậy, đó chính là bối cảnh trại thương điên Mt. Massive. Một cảnh tượng kinh hoàng như vậy tưởng chừng như chỉ được dựng nên ở trong game, nhưng bạn có biết rằng “Outlast” đã lấy cảm hứng từ những trại thương điên có thật ngoài đời?
Bệnh viện bang Trenton – Những hành lang máu kinh hoàng
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1907 khi bác sỹ Henry Cotton được chỉ đạo làm giám đốc y khoa. Ban đầu, có vẻ đây là một sự lựa chọn phù hợp bởi Henry từ chối sử dụng cưỡng chế, thay vào đó là những phương pháp điều trị tích cực, họp nhân viên hàng ngày để theo dõi tình hình của bệnh nhân…
Thế nhưng sau khi khám phá ra rằng vi khuẩn gây bệnh giang mai là nguyên nhân dẫn đến một số triệu chứng tâm thần của bệnh nhân, Cotton tin chắc rằng mọi bệnh tâm lý đều đến từ nhiễm khuẩn. Để chứng minh cho giả thuyết của mình, ông ta bắt đầu thực hiện những thí nghiệm kinh hoàng lên người bệnh nhân tâm thần. Ông ta nhổ răng, cắt bỏ nội tạng và bất cứ cơ quan nào có khả năng "lây nhiễm".
Điều kinh khủng hơn cả là ông ta còn công khai những thí nghiệm vô nhân tính của mình, và còn được một số người trong ngành tán dương, ủng hộ và bao che. Mặc dù Cotton nghỉ hưu từ thập niên 30, song phải đến thập niên 60, những phương thức "cứu chữa" đáng sợ này mới chấm dứt.
Bệnh viên bang Danvers – Nguyên mẫu của Nhà thương điên Arkham
Bệnh viện bang Denvers dành cho tội phạm tâm thần đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm kinh dị trong suốt lịch sử. Phong cách thiết kế gothic kinh điển của nơi này được sử dụng làm cơ sở để xây dựng nên Trại thương điên Arkham của tác giả H.P. Lovecraft (Batman trộm luôn ý tưởng này) và làm bối cảnh của bộ phim kinh dị nổi tiếng "Session 9".
Bệnh viện này được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, một dự án đầy tham vọng và đắt đỏ vào thời điểm mà nước Mỹ còn đang khốn đốn vì những chi phí cho cuộc Nội Chiến. Thế nhưng, nó được thiết kế với một mục đích tốt đẹp là chú trọng vào việc chữa trị cho bệnh nhân tâm thần thay vì kiểm soát và giam cầm họ. Mặc dù diện mạo bên ngoài có phần ma mị bởi phong cách gothic, bên trong nó hoàn toàn sáng sủa và thoáng đãng.
Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu tồi tệ đi kể từ thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, khi mà bệnh viện bị cắt giảm viện trợ, cộng thêm quá tải bệnh nhân, dẫn tới tình trạng xuống cấp trầm trọng. Hàng ngày có 2,500 bệnh nhân chen chúc trong một bệnh viện có sức chứa tối đa 600 người, khiến nhân viên bị quá tải và dần trở nên cay nghiệt, sử dụng những biện pháp cực đoan để kiểm soát bệnh nhân như ép phẫu thuật thùy não, biệt giam, hay sốc điện…
Tới cuối thập niên 60, một số khu của bệnh viện xuống cấp đến mức chúng gần như đổ nát, và cuối cùng bệnh viện đóng cửa vào năm 1985.
Richardson-Olmsted Complex – Mô hình mẫu cho Mt. Massive
Richardson-Olmsted Complex chính là mô hình trực tiếp cho thiết kế bên ngoài của Trại thương điên Mt. Massive trong "Outlast". Nơi đây được coi là địa điểm ám ảnh, đáng sợ nhất ở khu vực đó. Không giống như những nhà thương điên khác trong danh sách này, những thông tin về Richardson-Olmsted Complex khó xác thực hơn nhiều. Nó được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi kiến trúc sư thiên tài Henry Hobson Richardson, với mục đích ban đầu là bệnh viện quân đội dành cho thương binh trong cuộc Nội Chiến, rồi sau đó mới trở thành trại tâm thần.
Cũng giống như những cơ sở y tế tâm thần khác vào thời điểm đó, Richardson-Olmsted Complex gặp phải vấn đề quá tải bệnh nhân và thiếu hụt ngân sách. Và tin đồn bắt đầu lan ra rằng những biện pháp cưỡng chế nguy hiểm và vô nhân đạo đã được thực hiện, như ép phẫu thuật thùy não, sốc điện, hay thậm chí triệt sản bệnh nhân để ngăn không cho họ… truyền lại gen lây nhiễm.