Đã thế, các nhà phát hành cũng cẩn trọng hơn với số tiền mà mình đầu tư, nhất là trong những pha đầu tư mạo hiểm vào các ý tưởng game táo bạo. Nhưng may mắn thay là đã có nhiều ví dụ điển hình cho thấy việc đầu tư mạo hiểm này là hoàn toàn có khả năng sinh lời, nếu không muốn nói lời nhiều là đằng khác. Có thể ban đầu nó không thực sự nổi bật cho lắm, nhưng dần dà thì nó cũng được cộng đồng công nhận và giành được nhiều lời khen ngợi. Sau đây là danh sách 10 ý tưởng quái dị nhưng lại sinh ra những tựa game cực hay.
Biến nhân vật chính thành nhân vật phụ – Mario + Rabbids: Kingdom Battle
Tựa game Rabbids của Ubisoft không được cộng đồng game thủ đón nhận nồng nhiệt cho lắm, và nói trắng ra thì đáng lẽ nó không nên tồn tại mới đúng. Tuy nhiên, Nintendo đã đánh một ván bài với Mario + Rabbids: Kingdom Battle, và họ đã thành công mỹ mãn. Game này chơi giống như là XCOM phiên bản thân thiện hơn với trẻ em, với những chú thỏ được biến thành nhân vật trong game thay vì là lũ quái vật ngoài hành tinh như trong XCOM. Khi làm nhân vật chính trong một tựa game riêng thì Rabbids không thể tỏa sáng, nhưng khi cho nó làm nhân vật phụ đứng sau Mario và những người bạn thì chúng lại trở nên dễ thương và đáng yêu hơn rất nhiều.
Về gameplay thì nó cũng tương tự như những game chiến thuật theo lượt khác nên game thủ sẽ cảm thấy quen thuộc và dễ làm quen. Còn xét về khía cạnh game spin-off trong series Mario huyền thoại thì đây là một luồng gió mới phù hợp với đại đa số người chơi. Hay đối với fan XCOM thì đây là phiên bản nhẹ nhàng hơn, dễ thở hơn; với fan Rabbids thì chắc là họ cũng cảm thấy vui vì giờ đây đã có nhiều người biết đến Rabbids hơn.
Game xe đạp dễ chơi nhưng "master" cực khó – Lonely Mountains: Downhill
Khi mà những tựa game đua xe 2D như Trials, Pumped BMX và Urban Trial Tricky đang làm mưa làm gió thì Lonely Mountains: Downhill chẳng khác gì một đứa lạc loài. Đồ họa thì chẳng có gì nổi bật, hệ thống mô phỏng vật lý trong game thì lại không thấy đâu, nhạc nền thì chẳng có một tí gì gọi là truyền cảm hứng. Nhưng bù lại, gameplay của nó tuy rất dễ làm quen, nhưng cực kì khó để điều khiển thành thạo mà những tựa game khác không có.
Anh em có thể chơi Lonely Mountains: Downhill theo kiểu hái hoa bắt bướm, ngao du thưởng ngoạn. Hoặc chơi theo kiểu tryhard hơn, cố gắng hoàn thành tất cả đường đua trong thời gian ngắn nhất có thể. Game này khá là dị, nhìn thì thấy dễ nhưng chơi rồi mới biết nó phức tạp đến mức nào. Mỗi đường đua đều có nhiều ngã rẽ, mỗi khúc cua đều có đường tắt để anh em rút ngắn vài giây. Một khi anh em đã bắt đầu đạp rồi thì sẽ khó thể nào mà leo xuống xe được.
Cho game thủ làm nông – Stardew Valley
Thay vì cho game thủ quản lý các thành phố, nền văn minh to lớn thì Stardew Valley lại cho game thủ đi… làm nông, thức dậy từ lúc tờ mờ sáng để chăm lo cho đàn gia súc, gia cầm. Lấy cảm hứng từ tựa game Harvest Moon kinh điển, Stardew Valley đã rút kinh nghiệm và làm tốt hơn nữa bằng cách cho bạn bè cùng tham gia làm nông cho vui nhà vui cửa. Nó cho phép anh em cùng 3 người bạn nữa cùng quản lý nông trại chung với nhau, hình thành một mối đoàn kết tập thể mà ít có game nào làm được.
Đây vừa là một tựa game indie, vừa đánh vào một thị trường ngách (niche) nên tưởng là nó đã chết yểu, nhưng ngược lại nó đã trở thành một trong những tựa game bán chạy nhất với doanh số cán mốc 10 triệu bản được bán ra, tính đến năm 2020. Tất nhiên là không thể so sánh nó với những game mô phỏng làm nông, nhưng đây vẫn là một game vui nhộn cho anh em thư giãn cuối tuần.
Làm nông phiên bản game mô phỏng – Farming Simulator
Trái ngược với Stardew Valley, Farming Simulator là một tựa game đúng nghĩa mô phỏng làm nông. Series này đã kéo dài được gần 12 năm và nó đã bán được tổng cộng 25 triệu bản. Sở dĩ nó bán được nhiều như thế vì game rất là thư giãn anh em ạ, chứ không ì đùng đinh tai nhức óc như Call of Duty, chỉ có điều là mua các thiết bị để làm nông thì hơi… tốn tiền thôi. Nó không chỉ thư giãn mà anh em còn gặt hái được thành quả sau bao ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt, theo đúng nghĩa đen. Sau đó anh em có thể đem những thứ mà mình thu hoạch được đi bán, lấy tiền mua trang thiết bị mới để mở rộng quy mô.
Tất nhiên không phải ai cũng thích trò này, nhưng cảm giác được làm nông dân đi chăm lo ruộng đồng nó thư thái lắm anh em ạ. Nó chậm, nhưng vẫn rất cuốn hút, nhất là đối với ai đang muốn tạm lánh xa nhịp sống hối hả của thành phố ồn ào đông đúc. Đến khi anh em mua cái máy kéo mới là anh em biết mình đã bị cuốn vào game rồi đó.
Mô phỏng đi bộ với cốt truyện sâu sắc – Oxenfree
Thể loại mô phỏng đi bộ nghe thôi là đã thấy chán nản, khó lòng nào mà thuyết phục được game thủ xùy tiền ra mua để trải nghiệm. Nhưng dần dần cộng đồng game thủ hứng thú với thể loại này ngày càng nhiều, từ đó sản sinh ra nhiều tựa game "walking simulator" rất hay như Oxenfree chẳng hạn. Xét riêng game này thì nó không chỉ đơn thuần là game mô phỏng đi bộ mà nó có cốt truyện rất cuốn hút. Với một chút gia vị mới lạ cho thể loại sci-fi, Oxenfree đã tạo ra được một câu chuyện cuốn hút trên từng bước chân. Rất khó để mô tả game này mà không spoil nội dung của game, nhưng anh em cứ tưởng tượng như là một tựa phim hoành tráng với một cái trailer vô cùng đơn giản, khêu gợi sự tò mò của anh em, buộc phải đứng dậy đi ra rạp xem cho bằng được, và rồi vỡ òa trong cảm xúc vì mình vừa xem được một thước phim vô cùng tâm đắc.
Vay mượn ý tưởng từ rất nhiều "tiền bối" – Huntdown
Những game lấy cảm hứng từ "tiền bối" thường là sẽ có một vài chi tiết được lấy lại từ "tiền bối" đó, hoặc là sẽ cố gắng nhồi nhét tất cả những gì mà "tiền bối" có vào trong game để game thủ nhìn vô là liên tưởng được ngay. Riêng Huntdown thì lại khác. Gameplay không có gì thực sự là mới mẻ cả, nhưng nó lại đúng với câu nói: "Nếu nó không hư thì đừng có sửa". Game mang phong cách giống như những game đi cảnh thập niên 90 với rất nhiều yếu tố được lấy từ những tựa game ra đời trước nó, bao gồm cả phần nhạc nền.
Lẽ ra game này đã không thành công rồi. Game thể loại retro hoài cổ thường đến rồi đi khá là chóng vánh, nhưng Huntdown thì đến nhưng vẫn ở mãi trong tâm trí của game thủ. Khi trải nghiệm Huntdown thì anh em sẽ cảm nhận được tâm huyết mà nhà phát triển đã đổ dồn vào đây: game có cơ chế chạy bắn (run and gun) na ná Hotline Miami, kết hợp với yếu tố bạo lực quả thực tuyệt cú mèo anh em ạ.
Mô phỏng đi bộ với khung cảnh tráng lệ – Death Stranding
Có nhiều ý kiến trái chiều về game này, nhưng không thể phủ nhận rằng Death Stranding là một tựa game được thiết kế vô cùng công phu và tỉ mỉ. Và kết quả cho sự đầu tư đó là một tựa game vô cùng độc đáo và mới lạ. Bên cạnh cốt truyện thì thế giới trong game có rất nhiều điều để khám phá. Game cân bằng giữa yếu tố mô phỏng đi bộ trong một khung cảnh tuyệt đẹp với yếu tố hành động những khi chiến đấu với BT. Hideo Kojima đã chọn một hướng đi khác với dòng game Metal Gear, thay vào đó là một tựa game nhẹ nhàng hơn với cách tiếp cận thoáng hơn, và chính điều này sẽ khiến game thủ vô cùng bất ngờ.
Mặc dù cốt truyện có hơi cồng kềnh thật, nhưng việc di chuyển giữa những vùng đất bạt ngàn với khung cảnh tráng lệ quả là một điều mà anh em nên trải nghiệm thử khi đang tìm kiếm một tựa game mới để đổi gió.
Những khối hình học sâu sắc – Thomas Was Alone
Ý tưởng của game này rất là kì dị: Game đi cảnh với với một khối hình học 4 cạnh làm nhân vật chính. Đặc biệt hơn nữa là các nhân vật mà anh em điều khiển trong game đều là hình vuông hoặc hình chữ nhật. Với ý tưởng chẳng đâu vào đâu như thế này thì đây quả là một canh bạc cực kì đau đầu đối với nhà phát hành. Nhưng đến khi anh em vào game chơi thì anh em sẽ thấy được cái hay của tựa Thomas Was Alone.
Bạn không phải là một khối hộp bình thường mà bạn là một phần trong chương trình AI, đang thử nghiệm với việc tự nhận thức (self-awareness). Nhìn sơ qua thì đây chẳng khác gì một tựa game đi cảnh thông thường, nhưng game này tỏa sáng là nhờ vào sự chăm chút mà nhà phát triển đã dành cho thế giới và cách dẫn truyện trong game. Vì thế nên khi chơi, anh em nhớ để tâm đến các tiểu tiết trong game nhé.
Làm tài xế xe tải – SnowRunner
Lấy cảm hứng từ Spintires và MudRunner, SnowRunner đã mở rộng nó ra thêm với nhiều yếu tố thú vị. Cũng giống như Farming Simulator, anh em sẽ cảm nhận được sự thỏa mãn khi hoàn thành cac nhiệm vụ trong game. Những công việc này trên giấy tờ thì nghe rất là tẻ nhạt, chẳng hạn như đem xăng đến tiếp tế cho một chiếc xe tải bị sa lầy, di chuyển một giàn khoan từ nơi này đến nơi nọ. Đọc thôi là cũng đủ thấy buồn ngủ rồi, nhưng đến khi anh em thực hiện nhiệm vụ đó thì anh em sẽ hiểu được vì sao nó lại thú vị đến như vậy.
Cũng giống như việc tích cóp để mua máy kéo mới, trong game này anh em sẽ tìm thấy niềm vui trong việc lấy tiền mà mình kiếm được để đi mua chiếc xe tải mạnh hơn, giúp cuộc sống và công việc trở nên dễ thở hơn. Dần dần công việc của anh em sẽ được mở rộng, nó không chỉ dừng ở việc cứu những chiếc xe tải bị mắc kẹt mà anh em còn được tái thiết lập mạng lưới giao thương và cộng đồng. Làm một mình không xuể thì làm nhiều mình, mỗi lần đi là kéo theo nguyên đoàn xe luôn, bao ngầu bao oách nhé.
Một tựa game về việc… ngồi bàn giấy – Papers, Please
Đây là một tựa game cho phép anh em làm công việc… bàn giấy, chính xác là làm nhân viên quản lý việc nhập cư. Nghe thôi là đã đủ muốn khùng, làm ngoài đời chưa đủ mệt hay sao mà vô game còn làm giấy tờ tiếp? Theo lý thuyết thì nó đúng là điên thật: ngồi trong buồng cả ngày, đóng dấu cho các cuốn hộ chiếu, còn thấy ai nhìn gian gian thì cứ từ chối nhập cư thôi.
Nhưng chơi rồi mới biết mình đã lầm to anh em ạ. Game được Lucas Pope đầu tư vô cùng kỹ lưỡng, yêu cầu anh em phải đấu tranh tâm lý rất dữ dội khi đưa ra quyết định cho phép một người nào đó nhập cư. Ban đầu thì mọi thứ còn dễ dàng, nhưng dần dà thì mỗi quyết định của anh em đều có một trọng lượng nhất định, nó càng ngày càng "nặng" anh em ạ. Liệu người đáng đứng đối diện mình có đang khai báo thành thật không? Có phải là người tị nạn hay không? Rồi họ có phải là người chống đối chính quyền, muốn đánh bom đại sứ quán hay không? Từ chối thì nhiều khi lại không nỡ vì thấy họ quá tội nghiệp, nhưng lỡ đồng ý cho nhập cư mà có chuyện gì thì cuộc sống của anh em sẽ khó lòng nào mà yên ắng được.
Nguồn: What Culture