Thông thường, chúng ta nói rằng cạnh tranh là tốt cho người tiêu dùng, và hầu như khách hàng nào cũng đều thích thú khi nhìn thấy sự cạnh tranh. Mọi người đều nghĩ rằng sự cạnh tranh sẽ dẫn đến những sản phẩm tốt hơn, giá cả thấp hơn, chất lượng phục vụ cao hơn, và đại loại thế. Nhưng năm 2019 là một trường hợp đặc biệt, và bạn đã biết Mọt muốn nói gì từ việc đọc tựa bài viết này: khi Epic và Valve “đụng đầu” trên mặt trận phát hành game, không ít game thủ bày tỏ sự bất mãn với mối quan hệ cạnh tranh này.
Khởi đầu
Mọi thứ khởi đầu vào tháng 12/2018, khi Epic chính thức công bố việc bước chân vào làng game với cửa hàng có tên Epic Games Store. Lợi thế cạnh tranh của nền tảng này là mức ăn chia 88/12 với nhà phát triển, thay vì mức 70/30 như Steam đang sử dụng. Con số 88/12 được Epic và Tim Sweeney liên tục tung ra để tấn công Steam, dù Steam không phải là nền tảng duy nhất chọn mức ăn chia 70/30 và công ty của Gabe Newell cũng đã công bố một mức ăn chia hời hơn (75/25 hoặc 80/20) tùy vào doanh số của game sau ngày phát hành. Vào thời điểm này, game thủ có lẽ còn đang nhai bắp rang chờ xem kịch, vì họ chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi Epic chính thức mở cửa cửa hàng của mình.
Game thủ bắt đầu nhận ra có gì đó không ổn khi Epic Games Store khởi động với một loạt game độc quyền: Hades của Supergiant, Hello Neighbor của Dynamic Pixels, Ashen của A44. Những tựa game độc quyền này dẫn đến những mối lo ngại bắt đầu manh nha trên các diễn đàn của game thủ, chẳng hạn trong diễn đàn Steam của Pyre, tựa game trước đó của Supergiant. Một số game thủ bày tỏ sự thông cảm cho Supergiant, số khác bắt đầu phàn nàn về những tính năng mà Epic Games Store còn thiếu hay những mối lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật và vai trò của Tencentt… Dù các lo ngại về vai trò của Tencent trong Epic là hơi quá đà, những lý lẽ khác của cả hai bên đều hoàn toàn có thể hiểu được.
Rồi Epic bắt đầu vơ vét những quả bom tấn của làng game bằng thu nhập từ con gà đẻ trứng vàng Fortnite. Trong tháng 1/2019, làng game được nghe tin Ubisoft sẽ phát hành The Division 2 “độc quyền” trên Epic Games Store (bên cạnh Uplay) và những tựa game tiếp theo của Ubisoft cũng sẽ đi theo mô hình này. Những luận điểm từng được nhắc tới trước đây lại được mang ra dùng lại, và dĩ nhiên chẳng ai thuyết phục được ai trong những cuộc tranh cãi này – một bên cho rằng bên kia thừa hơi lo xa, còn bên kia nghĩ rằng bên này không biết nhìn xa trông rộng.
Leo thang
Chỉ một tháng sau đó, Epic lại khiến game thủ phải bất ngờ (nếu không muốn nói là rúng động) trước thông tin Epic Games Store sẽ là nơi duy nhất họ có thể mua Metro: Exodus, một tựa game của 4A Games và được Deep Silver phát hành. Có một điều bạn cần chú ý ở đây: Deep Silver là nhánh phát hành game của Koch Media, Koch Media lại là công ty con của THQ Nordic. Hãy nhớ lấy thông tin này, bởi đây là một trong những nguồn cơn rắc rối mà Mọt sắp nhắc tới ngay sau đây.
Việc Metro: Exodus trở thành game độc quyền cho Epic Games Store thổi bùng lên ngọn lửa tranh cãi mới, nhưng lần này mọi thứ nghiêm trọng hơn khi những game thủ đã và đang tức giận vì Epic Games Store “hốt hàng” tựa game họ thích lại được châm thêm dầu. Hẳn bạn biết Mọt muốn nhắc tới điều gì: thông báo có dòng “bất công với game thủ Steam” do Valve đăng trên trang Steam của Metro Exodus. Sau này, một nhân viên của Valve đã tiết lộ rằng hãng “cảm thấy hối tiếc về thông báo đó” và “không muốn kích động cộng đồng,” dù cho đến lúc này dòng thông báo đó vẫn nằm trên trang Steam của trò chơi.
Nhưng còn có một điều có thể bạn chưa biết: không chỉ Valve, mà cả THQ Nordic cũng đổ thêm dầu vào lửa. Công ty này đăng một mẩu Tweet nói rằng “quyết định đó là hoàn toàn do Koch Media đưa ra vì Metro là tài sản trí tuệ của họ,” và nói thêm rằng “chúng tôi chắc chắn muốn game thủ được lựa chọn nền tảng họ thích, và làm cho kho game của chúng tôi đến với càng nhiều nền tảng phát hành càng tốt.” Thông báo này cho những game thủ đang giận dữ thấy rằng cả công ty… bà ngoại của Deep Silver cũng không ủng hộ quyết định độc quyền này, khiến họ nghĩ hành động của mình là chính xác.
Chỉ có một vấn đề nhỏ: rất nhiều game thủ không biết rằng tài khoản THQ Nordic đăng tải mẩu Tweet trên không phải là THQ Nordic AB chủ của Koch Media, mà là của THQ Nordic GmbH chị em với của Koch Media và là con của THQ Nordic AB! THQ Nordic GmbH hoàn toàn không có quyền quản lý Koch Media, nên dù họ có cho phép hay không thì Koch Media vẫn cứ được quyền đưa Metro: Exodus lên Epic Games Store. Sự trùng tên tai hại này không chỉ làm bạn khó hiểu, mà còn làm Mọt khó viết bài nên vài tháng sau, “bà ngoại” THQ Nordic AB quyết định đổi tên mình thành Embracer Group vào ngày 17/9/2019. Từ thời điểm này trở đi, “THQ Nordic” là nhà phát hành game THQ Nordic GmbH.
Với các thông báo của THQ Nordic GmbH và Valve, những game thủ giận dữ vì Metro: Exodus lên Epic Games Store cảm thấy mình đang làm đúng, và kể từ thời điểm này vấn đề bắt đầu phình to ngoài tầm kiểm soát của tất cả mọi người.
Những ngọn lửa mới
Nếu như những thông báo của Valve và THQ Nordic GmbH thổi bùng sự tức giận của game thủ, hàng loạt sự kiện không hay diễn ra sau đó đóng vai trò giữ cho ngọn lửa đó không lụi tàn. Đầu tiên, trong khi game thủ đang tức giận, một nhân viên của 4A Games tham gia vào việc phát triển Metro: Exodus giận dữ lên diễn đàn Gameru.net để hăm dọa rằng “nếu tất cả game thủ PC tẩy chay Metro, bản Metro kế tiếp sẽ không có trên PC.” Sau đó, dự án Phoenix Point vứt bỏ lời hứa trao key Steam cho game thủ để trở thành game độc quyền cho Epic Games Store làm ấn tượng của game thủ về Epic Games Store càng xấu hơn nữa.
Thật ra chính Epic và sếp của hãng là ông Tim Sweeney cũng góp phần vào việc “giữ lửa” này. Vào khoảng tháng 3/2019, Tim Sweeney nói rằng game thủ không nhìn ra được lợi ích của Epic Games Store một cách khá trịch thượng, hay khoe rằng chiến thuật game miễn phí giúp kéo rất nhiều game thủ đến với cửa hàng… Trong khi đó, Epic liên tục trì hoãn nhiều tính năng được game thủ xem trọng hoặc yêu thích khiến những người chống đối càng có lý do để chê bai.
Một số nhà phát triển cũng nhảy vào cuộc đối đầu Steam – Epic Games Store, chẳng hạn Re-Logic, studio làm ra Terraria tuyên bố “không bán linh hồn cho Epic,” Unfold Games, tác giả DARQ nói mình “đã từ chối lời đề nghị từ Epic,” hay CD Projekt Red xác nhận sẽ Cyberpunk 2077 sẽ không độc quyền cho Epic Games Store… Đây chỉ là số ít, nhưng những lời phát biểu của họ được đón nhận khá nhiệt tình trong khi hàng loạt cái tên khác bị kéo vào vòng tay ôm ấp của tiền bạc từ Epic Games Store như Shenmue 3, The Outer Worlds, Ancestors: The Humankind Odyssey, Control, Detroit: Become Human…
Rồi đến lượt Borderlands 3 của Gearbox được công bố là sẽ độc quyền cho Epic Games Store. Nếu như Borderlands 3 là một cái tên nặng ký có thể kéo nhiều game thủ vẫn còn chưa dùng Epic Games Store đến với cửa hàng này thì sếp của Gearbox là Randy Pitchford lại “đốt lửa sửa ấm” khi liên tục có những lời nói và hành vi tai hại cho danh tiếng của bản thân lẫn studio. Mọt sẽ nhắc lại một vài trong số này: nói rằng đã liên hệ với David Eddings diễn viên lồng tiếng Claptrap nhưng thực ra không làm, rồi bị tố là quịt lương và hành hung anh; nói rằng Borderlands 3 sẽ không có microtransaction rồi dọa kiện trang tin Game Informer vì chỉ ra đó là thông tin sai lệch; nói rằng mình ghét game độc quyền (Half-Life Alyx) trong khi Borderlands 3 vẫn đang độc quyền Epic Games Store… Nhân vật “đáng yêu” này chắc chắn không giúp game thủ yêu thích Epic Games Store hơn tí nào trong thời gian qua.
Điểm sôi?
Câu chuyện đáng chú ý nhất trong số trường ca về các scandal của Epic Games Store trong năm qua có lẽ là Ooblet. Đây là một trò chơi nhỏ đáng yêu được phát triển bởi studio Glumberland chỉ gồm hai thành viên là một đôi vợ chồng, và được công bố độc quyền cho Epic Games Store vào đầu tháng 8 vừa qua với một bài post… gợi đòn. Trong bài post này, họ dùng giọng văn trịch thượng để gọi tất cả những game thủ không thích game độc quyền là “những kẻ đòi đặc quyền,” tất cả những ai không đồng ý với quan điểm của họ là “gamers™,” “toxic,”… rồi gợi ý game thủ nên đi giận những thứ đáng giận hơn như giao diện mới của Twitter hay mùa cuối Game of Throne…
Khi đọc qua bài post đó, Mọt tui không thể hiểu được tại sao các nhà phát triển Ooblet lại có thể nghĩ rằng nó sẽ được đón nhận một cách tích cực, đặc biệt là khi Ooblet được phát triển dựa trên nguồn tiền Patreon do chính những người họ móc mỉa ủng hộ. Nhưng như Glumberland viết trong bài đăng của mình, Epic đã chấp nhận điều này (We asked Epic if we could talk frankly about the situation and they were like whatever). Trên Discord của mình, Glumberland tiếp tục trả lời những game thủ đặt ra thắc mắc, nhưng một số câu trả lời của họ bị kẻ nào đó cố ý tách ra khỏi ngữ cảnh để tạo ra ấn tượng sai lầm cho người xem rồi tung lên mạng, chẳng hạn bức hình dưới đây:
Chưa hết, giám đốc Epic Tim Sweeney lại đăng một dòng Twitter nói rằng bài post của Glumberland là “tuyệt vời” (It was awesome). Thế là nhờ bài đăng của Glumberland, các hình ảnh lan truyền trên internet và sự giúp đỡ của Tim Sweeney, Glumberland bị nhấn chìm trong hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tin nhắn đe dọa từ phía những kẻ quá khích. Những tin nhắn đó thậm chí bao gồm cả những lời dọa giết, phân biệt chủng tộc từ tất cả mọi nguồn chat, mạng xã hội, diễn đàn… Tất cả các bên đều sai trong tình huống này: Epic sai vì đã không nhận ra vấn đề tiềm ẩn khi được hỏi, Glumberland sai vì thò tay vào lò lửa, và những game thủ quá khích sai vì đã phản ứng một cách không hay.
Và với vai trò nạn nhân của mình, Glumberland trở thành kẻ “tử vì đạo” cho những người ủng hộ Epic. Ví dụ về Glumberland thường xuyên được đưa ra để biến tất cả những ai chê bai Epic Games Store và cách hoạt động của cửa hàng này thành những người xấu, bất kể lý do và luận điểm của họ ra sao. Chẳng ai thắng trong vụ việc này trừ những con troll.
Khép lại một năm sóng gió
Trong những tháng cuối cùng của năm 2019, nhiều tựa game khác tiếp tục được công bố độc quyền cho Epic Games Store và tiếp tục làm dấy lên những phản ứng tiêu cực từ phía game thủ, chẳng hạn Shenmue 3, The Outer Worlds, World War Z, Phoenix Point, Ashen,… Dù vậy, Epic Games Store vẫn đã giành được những thành công nhất định và như Mọt tui từng dự đoán trước đây, cửa hàng này sẽ tồn tại dù chúng ta có thích nó hay không, hệt như những Uplay, Origin, GOG vẫn đang tồn tại. Mọt chỉ hi vọng rằng sang năm 2020, làng game sẽ bớt những sóng gió có liên quan đến Epic Games Store và những tựa game độc quyền của họ, vì cứ tức giận hoài thì còn đâu tâm trí để thưởng thức game?