Top 10 game KINH DỊ lạ đời nhất thế giới

Để có được thành công như ngày hôm nay, ngành game thế giới nói chung và game kinh dị nói riêng đã trải qua rất nhiều thời kỳ với các cột mốc đáng nhớ. Và trong thời kỳ đó thì cũng có một vài tựa game chọn nước đi lạ đời chẳng giống ai. Nên hôm nay, hãy cùng nhà Mọt điểm qua những tựa game là lùng đấy là gì nhé.

Yume Nikki

Trước khi bắt đầu, tôi phải làm rõ là video ngày hôm nay sẽ không có sự góp mặt của Silent Hill hay Resident Evil, vì hai tựa game này là ghế, nên sự thành công của chúng không phải bàn. Ngoài ra thì danh sách này được tổng hợp bởi game thủ Gab Hernandez nên nó có thể đúng, hoặc không, hãy cứ thoải mái tranh luận nếu bạn muốn nhé.

Và cái tên đầu tiên tôi muốn nhắc đến trong danh sách ngày hôm nay là Yume Nikki, một tựa game phiêu lưu kinh dị theo hướng siêu thực của Kikiyama. Trò chơi xoay quanh cô bé Madotsuki và những giấc mơ kỳ lạ. Nhưng khác với những tựa game RPG cùng thể loại, Yume Nikki không có một cốt truyện hay một lộ tuyến cố định, thay vào đó, người chơi được thỏa sức khám phá như đang trải nghiệm một tựa game thế giới mở.

Thiết kế chưa có tên (13).jpg

Những tưởng việc bước ra khỏi khuôn khổ sẽ làm Yume Nikki xuống đáy xã hội, nhưng chính điều này  lại là thứ giúp tựa game lấy được sự chú ý của cộng đồng game thủ. Những trải nghiệm mờ mịt trong trò chơi như đưa ta đến với một thế giới trong mơ thật sự, khiến Yume Nikki tách biệt với những tựa game khác. Ngoài ra, chính lối chơi thế giới mở chú trọng việc khám phá, không đặt nặng cốt truyện, thiếu những trận combat đã khiến nhiều nhà phê bình cho rằng, Yume Nikki đã đặt nền móng cho những các tựa game walking simulator sau này.

Thêm vào đó, những hình ảnh thót tim và các yếu tố kinh dị xuất hiện trong trò chơi, về sau cũng trở thành nguồn cảm hứng cho những tựa Indie học hỏi và phát triển sau này. Buồn cười là ở chỗ, cốt truyện Yume Nikki được tạo ra không có bất kỳ mục đích gì, và cũng chẳng có phản diện hay bài học sâu sắc, nhưng chính nó lại trở thành bài học cho những nhà phát triển game sau này.

Bad Ben

Cái tên tiếp theo tôi muốn nói đến là Bad Ben, một tựa game kinh dị thuộc ngắn do Corpsepile phát hành vào năm 2021. Thật ra thì tựa game này không quá nổi tiếng nên có lẽ không phải ai cũng biết về nó, nhưng lí do nó xuất hiện trong video ngày hôm nay là vì sự hài hước xen lẫn kinh dị của nó.

Đương nhiên tôi biết chữ hài hước nó không hợp với kinh dị cho lắm, vì tin tôi, rất khó để bạn tạo ra một tựa game kinh dị mang yếu tố hài hước, nhưng không làm mất đi sự kinh dị vốn có. Và Bad Ben có lẽ đã làm được điều đó. Con game này được làm dựa trên loạt phim kinh dị found footage ngắn cùng tên, nên dĩ nhiên, nó cũng là tựa game ăn theo thể loại found footage.

Thiết kế chưa có tên (14).jpg

Trong trò chơi, ta được nhập vai vào Tom Riley, một người đàn ông đã đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất đời mình, đấy là mua lại một ngôi nhà, và như lẽ thường thấy trong một câu chuyện kinh dị, căn nhà đó bị ma ám. Nhưng buồn cười ở chỗ, thay vì sợ hãi, la hét và bỏ chạy khi đối diện với những hiện tượng siêu nhiên trong nhà mình thì Tom lại… không làm gì cả.

Đúng vậy, thay vì run như cầy sấy như những tựa game thường thấy, Bad Ben lại cho chúng ta cơ hội lôi cả tông ti họ hàng của con ma ra chửi như con không đẻ. Điều này vô tình khiến tựa game trở nên hài hước, giúp người chơi giải tỏa sau những pha jumpscare thót tim, và đồng thời cũng khẳng định một điều, nếu bạn muốn thì game kinh dị vẫn có thể trở nên hài hước. À thì, thật ra không cần tới Bad End, vì chúng ta đã có anh Dẽo giấu tên, ông hoàng kinh dị, chúa tể normal, kẻ biến game kinh dị thành rạp xiếc trung ương rồi, các bạn nhỉ?

Haunted Cities

Tiếp tục với một cái tên khác cũng khá xa lạ là Haunted Cities, và tôi thì…. ờ, thú nhận luôn nhé, đến lúc làm video tôi mới biết về con game này. Haunted Cities do một nhà làm game nữ với bút danh Kitty Horrorshow phát hành trên nền tảng itch.io. Đa phần các tựa game do cô phát hành đều tập trung vào khai thác hướng kinh dị siêu thực với đồ họa 3D thời kỳ cũ, thường ảnh hưởng từ các tựa game như Doom, Everquest hay Hexen: Beyond Heretic.

Ngạc nhiên là, dù đi theo hướng làm game kinh dị, Kitty Horrorshow lại không chú trọng vào nhân vật hay những pha jumpscares thót tim. Thay vào đó, cô chú trọng vào khung cảnh xung quanh và đánh vào tâm lý của game thủ nhiều hơn. Series game Haunted Cities của cô xoay quanh chủ đề về không gian ảo, nơi ta sẽ đặt chân đến những tòa nhà bị bỏ hoang và khám phá bí mật đẫm máu đằng sau nó.

Thiết kế chưa có tên (15).jpg

Hiện tại, series này đã có 4 phần khác nhau, và mỗi phần là một câu chuyện riêng biệt với những phong cách kể khác nhau. Nhưng, thay vì được đánh giá là một tựa game rùng rợn, Haunted Cities lại làm người chơi cảm thấy suy sụp, mất mát, thậm chí là ám ảnh. Nhiều người chơi đã đánh giá rằng, mỗi khi hoàn thành một phần game, bạn sẽ không có cảm giác chiến thắng, thay vào đó chỉ có sự cô đơn và tuyệt vọng vô hạn. Chính điều đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tựa game kinh dị đào sâu vào những tác động tâm lý, thay vì tác động thị giác như từ trước đến giờ. Cá nhân tôi chưa thử chơi Haunted Cities, nhưng sau video này, có lẽ tôi sẽ dành ra vài giờ để thử trải nghiệm tựa game này.

Inscryption

Để mà nói thì với tôi, Inscryption là một tựa game khá kỳ lạ. Dù được xếp vào thể loại game kinh dị, nhưng nó lại không đi theo hướng khám phá, combat với quái vật như bình thường, mà lại chọn rẽ hướng sang thể loại thẻ bài kết hợp với khám phá. Chà… nghe chẳng ăn nhập gì với nhau nhỉ? Đây cũng là lần đầu tôi nghe thấy sự kết hợp lạ lùng như thế.

Nhưng có vẻ Daniel Mullins Games lại làm khá tốt khi có thể thành công tạo ra một Inscryption cuốn hút và không kém phần nguy hiểm. À thì, để tránh mấy ông nói tôi đi quảng cáo game, thì tôi không nhận đồng nào quảng cáo nhé, mà nếu nhà phát hành có nhu cầu thì cứ liên hệ em, em nhận ạ.

Không đùa nữa, quay về với vấn đề chính nào. Inscryption kể câu chuyện về một Vlogger có biệt danh “The Lucky Carder” tìm thấy một chiếc đĩa mềm khi tiến hành quay vlog unbox bộ bài Inscryption đã dừng xuất bản. Những tưởng đây sẽ là một tựa game bình thường cho đến khi, Carder nhận ra mình đã bị giam trong thế giới trò chơi bởi một kẻ tên Leshy.

Thiết kế chưa có tên (16).jpg

Tại đó, Carder phải tìm cách thoát khỏi thế giới ác mộng của Inscryption để quay về thế giới thật của mình. Và đương nhiên, đã xuất hiện trong danh sách này thì cốt truyện dark không cần phải bàn. Nhưng, đó chưa phải lí do lớn nhất khiến tựa game này góp mặt trong danh sách ngày hôm nay. Khó có thể dùng bất kỳ từ gì để miêu tả Inscryption.

Từ lối chơi đến cốt truyện của Inscryption không hề giống với bất kỳ một tựa game nào bạn có thể tìm thấy trên thị trường. Lối chơi của game cực kỳ mới mẻ, vì gần như chưa có một nhà phát hành nào áp dụng cơ chế thẻ bài vào thể loại kinh dị cả. Cốt truyện của Inscryption nghe thì đơn giản nhưng lại cực kỳ đen tối và trần trụi, đặc biệt là với fan của thể loại game kinh dị. Nên, nếu tôi nói thẳng ra hết trong video này thì chắc chắn nó sẽ làm hỏng trải nghiệm của các bạn trong tương lai. Vậy nên, hãy thử trải nghiệm Inscryption để biết tại sao nó ở trong danh sách ngày hôm nay nhé. 

Eternal Darkness

Eternal Darkness chắc chắn không còn là cái tên xa lạ gì với các bạn game thủ kỳ cựu nữa nhỉ? Đây là một trò chơi được ra mắt từ năm 2002 của Nintendo và Silicon Knights, đồng thời cũng được xem là một trong những tựa game kinh dị đã mở đường cho các dòng game kinh dị sau này.

Câu chuyện trong Eternal Darkness xoay quanh những địa điểm hư cấu và các nhân vật được lấy cảm hứng từ Lovecraftian và Eternal Champion. Và nếu bạn không biết thì Eternal Champion là nhân vật chính trong loạt tiểu thuyết đa vũ trụ của Moorcock. Cứ ở mỗi một vụ trụ khác nhau sẽ tồn tại một Eternal Champion, và họ phải tìm cách sinh tồn trong vũ trụ của chính mình. Tất cả những nhân vật này có mối liên kết với nhau và được xem là một khía cạnh khác, hoặc “hiện thân” của một sinh vật thần bí. Nghe có vẻ rối não nhỉ, ờ thì, nó vốn là thế mà.

Thiết kế chưa có tên (17).jpg

Và thứ giúp Eternal Darkness xuất hiện trong danh sách ngày hôm nay, thậm chí là trở thành tựa game kinh dị hay nhất mọi thời đại không chỉ nằm ở cốt truyện, mà còn ở lối chơi thú vị của nó. Nếu từng xem video top các game phá vỡ bức tường thứ tư của tôi thì chắc bạn đã biết câu chuyện tôi than trời vì cái hệ thống Sanity Effects khốn nạn của con game này rồi nhỉ?

Còn nếu bạn chưa biết thì Sanity Effects là một thanh trạng thái, có tác dụng làm bạn sôi máu não, trào ngược dạ dày khi trải nghiệm Eternal Darkness. Tại sao ư? Bởi vì cái thanh này sẽ tăng giảm tùy vào số lần nhân vật chúng ta điều khiển say hi với kẻ thù, hay với đó thì nó tỉ lệ nghịch với huyết áp khi chơi game. À chưa, đó chưa phải kết thúc của cuộc tình cay đắng. Khi thanh mana cạn, ta sẽ không thể dùng skill, thanh máu cạn thì ta sẽ ngỏm củ tỏi, nhưng nếu cái thanh củ lìn này cạn, chúng ta sẽ gặp ảo giác.

Vâng, xin nhấn mạnh là chúng ta chứ không phải nhân vật. Vì ngay lúc đó, màn hình của trò chơi sẽ bắt đầu giật lag như thể bạn vừa mới chơi một lượng lớn “con kiu của ác quỷ vậy”. Chưa hết, âm lượng của trò chơi cũng sẽ tăng giảm đột ngột làm bạn cảm thấy lỗ tai mình cần được thanh tẩy. Và cuối cùng, khốn nạn nhất là việc ta không thể điều khiển được nhân vật của mình.

Xin phép gửi thêm lời yêu thương đến con game củ lìn này là nó còn có cái trò giả vờ xóa hết dữ liệu của game thủ. Bởi thế mà chơi game con game này cũng cần phải tu, chứ không chắc có ngày máu dồn lên não mất thôi. À nhưng cũng vì điều đó mà con game này vẫn còn hot theo năm tháng đấy. Ngoài ra, chính nó cũng mở đường cho một thế hệ những nhà làm game nhắm đến việc làm tình làm tội người chơi, cả trong game lẫn ngoài đời.

Doki Doki Literature Club

Chuyện tình thanh xuân vườn trường, harem đáng yêu và những giờ phút ế chì, là những thứ không tồn tại trong con game củ lìn này. Bạn trông đợi gì vào một con game ô tô mê gắn mác kinh dị? Tình người duyên ma gặp nhau dưới cửu tuyền à? Thế thì chắc chắn bạn đừng nên tìm đến Doki Doki, bởi vì tất cả chỉ là cú lừa.

Mở đầu trò chơi, ta sẽ được trải nghiệm một khung cảnh đáng yêu, xinh xắn, dễ thương, hệt như những tựa game hẹn hò bình thường khác. Đấy là cho đến khi mọi thứ dần tồi tệ hơn theo thời gian. Trong những game otome khác, bạn có quyền lựa chọn những thứ mình muốn, nhưng trong Doki Doki thì không. Bởi vì nhà sản xuất sẽ không cho bạn cái quyền lựa chọn.

Thiết kế chưa có tên (18).jpg

Nhân vật chính mà ở trong game thì cũng chỉ được xem là trò đùa của số phận mà thôi. Bắt đầu từ việc các em gái của bạn sẽ thử thách lực hút trái đất, cho đến mấy trò giam cầm-play, anh không yêu em thì em thiến anh để anh khỏi yêu con khác, vân vân…

Đặc biệt là, Doki Doki còn chơi cái trò phá vỡ bức tường thứ tư, và đe dọa luôn cả nhịp tim của game thủ bằng cách tự trò chơi sẽ can thiệp cả vào file gốc, khiến bạn nảy ra suy nghĩ, hay mình bán luôn cái dàn PC cho nhẹ nợ nhỉ. Dù chơi cái trò này hơi bị máy giặt, nhưng không thể không phủ nhận, sự xuất hiện của Doki Doki đã thổi một làn gió mới, mở đường cho các tựa game kinh dị khác cùng thể loại. Ờ nhưng mà tới giờ tôi chưa thấy con game nào chơi cái trò vô giáo dục như con này nha. 

Pathologic

Là một con game kinh dị đến từ nước Nga, nên riêng đến cái tên của trò chơi cũng đã có điềm không lành rồi. Trong tiếng Nga, từ Pathologic được đọc là Mor. Utopiya, và nó là cách chơi chữ từ “Thomas More’s Utopia”, tức “Vương quốc Utopia của Thomas More”. Và nếu bạn không biết thì Utopia là kiểu một từ để chỉ vùng đất giả tưởng, nơi mà mọi thứ đều có thể dùng từ “hoàn hảo” để hình dung. Ngoài ra, Pathologic còn có nghĩa là “bệnh dịch”, và cả hai nghĩa trên đều được bao hàm trong con game này. 

Trong Pathologic, những người dân đang mắc một dịch bệnh nghiêm trọng, được biết đến với cái tên “sand plague”, và ta sẽ hóa thân vào một trong ba người đến nơi này để chữa bệnh. Trong 12 ngày cố gắng sống sót, họ sẽ từ từ khám phá bí ẩn về bệnh dịch cát. Vào thời điểm tựa game được ra mắt năm 2005, Pathologic từng nhận được nhiều lời khen từ cánh game thủ và 5 giải thưởng của làng game Nga.

Thiết kế chưa có tên (19).jpg

Đồng thời, con game này cũng nhận về nhiều lời chỉ trích vì sở hữu đồ họa lỗi thời và hệ thống chơi ràng buộc. Nhưng bên cạnh đó, điểm thú vị nhất của Pathologic lại nằm ở việc, nó đặt con người giữa lằn ranh đạo đức và phi đạo đức. Nhiều người nghĩ rằng, con game này không đáng chơi vì nó không thú vị và cũng chẳng đủ cuốn hút. Buồn cười là, chính những điều đó lại là thứ Pathologic muốn truyền đạt. Nên có thể nói, con game xoắn não này đã giúp mở hé cánh cửa làm game thủ đau não, phân vân giữa yêu và ghét cho những tựa game sau.

Garage: Bad Dream Adventure

Cái tên tiếp theo tôi muốn đề cập là Garage: Bad Dream Adventure của Kinotrope. Nói đơn giản thì đây là một tựa game siêu thực đến từ Nhật Bản và cực kỳ khó hiểu. Theo chia sẻ từ nhà sản xuất thì những gì xảy ra trong Garage được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà tâm lý học Carl Jung. Những gì ta thấy, là những thứ mà một con robot trên Yan phải sống và đối mặt hàng ngày. Nó là một xã hội tư bản gia trưởng thu nhỏ với rác và những khung cảnh cực kỳ tăm tối.

Và như tôi nói đấy, siêu thực và khó hiểu là tất cả những gì tôi có thể dùng để mô tả Garage. Bạn sẽ không thể hiểu được mình đang chơi gì, ý nghĩa của trò chơi là gì, nhưng đồng thời lại cảm thấy sợ và bị cuốn hút bởi những tình huống kỳ lạ, khó hiểu mà Yan gặp phải.

Thiết kế chưa có tên (20).jpg

Bức bối, ngột ngạt là những gì tôi cảm nhận được khi chơi Garage. Nó khác hẳn với tất cả những tựa game tôi trải nghiệm từ trước đến giờ. Từng hành động hay các tình tiết xuất hiện trong Garage tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng nó lại mang một ý nghĩa mà không phải ai cũng nhận ra được. Và theo tôi, Garage đã mở đường cho thể loại game kinh dị siêu thực, với những tình tiết khó hiểu, những hình ảnh mang tính ẩn dụ cao, và ti tỉ những thứ khác mà bạn khó có thể hình dung. Nhưng… ái chà chà, nói theo mặt nào đó thì thể loại này khá kén người chơi. Nếu bạn không hiểu nó, bạn sẽ thấy Garage là một trò chơi vô nghĩa, nhưng nếu hiểu, bạn sẽ thấy con game này có nhiều tầng ý nghĩa phê phán hơn bạn nghĩ đấy.

Perfect Vermin

Người ta hay nói, chơi game là để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, nhưng… chẳng có cái nào gọi là giải trí ở đây cả. Có thể thấy, thay vì khiến bạn bớt stress, game sẽ có xu hướng làm bạn thấy stress và trầm cảm hơn theo cấp số n+1 lần, với n học đại học.

Nhưng, Perfect Vermin đã bảo không và dùng chính mình để tự minh oan rằng, game, thậm chí là game kinh dị cũng có thể giải trí và thư giãn. Không giống những con game tập trung vào jumpscare khác, Perfect Vermin sẽ trao cho game thủ một cây búa, và cho phép họ vác nó đi đập cả văn phòng để xả stress.

Thiết kế chưa có tên (21).jpg

Thật ra, hành động dùng búa của nhân vật chính trong game được giải thích là để tiêu diệt lũ sâu bọ Vermin. Nhưng, xả stress là được, ai quan tâm nguyên nhân nó bắt đầu. Nên Perfect Vermin đã thành công trong việc giúp game thủ giải tỏa nỗi uất hận dồn nén trong lòng nhiều năm qua.

Và vì con game này cũng ngắn, nội dung chỉ xoay quanh việc đập phá, nên cũng chẳng có nhiều thứ để nói về nó. Tuy vậy, thứ làm nó nằm trong top ngày hôm nay chính là lối chơi và cách phát triển chẳng giống ai của mình, à mà con game này miễn phí đấy, nên các bạn có thể tải về chơi để tránh tình trạng tăng xông máu rồi chửi sếp, đánh khách hàng nhé.

LSD: Dream Emulator

Cái tên cuối cùng trong danh sách ngày hôm nay sẽ là LSD: Dream Emulator, một tựa game ba không,  không mục tiêu, không cốt truyện, và cũng không nhất quán luôn. À mà nhắc nhẹ là chữ LSD không phải mai thúy mà là viết tắt của chữ “Lovely Sweet Dreams”, và bất kỳ ai cảm thấy con game này đáng yêu, cute phô mai que thật thì bạn nên được ghi danh vào sách đỏ, vì con game này nó dị vỡi mèo.

Thiết kế chưa có tên (22).jpg

Cùng là đề tài giấc mơ, Yume Nikki ít ra còn cho bạn lựa chọn mình muốn khám phá gì, chứ trong LSD thì bạn sẽ bị ném một cách cực kỳ tùy ý vào một bối cảnh random, nơi bạn không biết mình đang ở đâu, làm gì. Rồi tiếp theo đó, bạn phải nhấc cái quần lên và chạy bằng cả mạng sống để cầu mong một chốn bình yên.

Chính cái thái độ bắt game thủ chơi thì chơi, mà không chơi thì chơi của LSD: Dream Emulator đã thành công cho con game này một vé vào list ngày hôm nay. Và đồng thời nó cũng sẽ khép lại video ngày hôm nay vì tôi chẳng biết nói gì về nó luôn, vì nó dị lắm các bạn ạ.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~