Sát nhân trong nhà búp bê
Nếu bạn biết đến cô nàng ma Spooky trông có vẻ thân thiện này thì hẳn bạn cũng biết đến series game Spooky’s Jump Scare: Mansion nhỉ? Ngoài những phần chơi chính, tựa game còn có một bản DLC mang tên The Doll House, hay còn được biết đến với cái tên Spooky’s Dollhouse với bối cảnh là một căn nhà cho búp bê cỡ lớn. Tại đây, người chơi sẽ phải đấu tranh quyết liệt cho mạng sống và tìm cách chạy thoát khỏi những con búp bê đang rình rập gần đấy.
Trong căn nhà này, người chơi sẽ phải đối diện với hai loại búp bê. Loại đầu tiên được biết đến với cái tên “Doll”, sở hữu hình dáng một con búp bê nhỏ có mái tóc màu nâu, mắt xanh không có đồng tử và làn da nhợt nhạt. Trên người nó là bộ váy màu tím gắn biểu tượng con mắt đang khóc trước ngực và không có chân. Tuy hình dạng có phần ghê rợn, nhưng Doll lại có tác dụng chữa lành vết thương cho người chơi bên trong ngôi nhà búp bê. Không chỉ thế, con búp bê này cũng là một phần quan trọng giúp người chơi phá vỡ phong ấn để đến màn chơi Nightmare Sequence.
Khác với Doll là Hooked Doll, một con búp bê váy tím hoa với cơ thể đầy những cái móc câu đâm xuyên người sẽ tấn công khi nhìn thấy người chơi. Cách tốt nhất để tiêu diệt Hooked là tránh nhìn trực tiếp và tìm những cây nến để chế ngự nó.
Theo cá nhân tôi thì đồ họa của Spooky không đáng sợ, nên những con búp bê trong The Doll House cũng không đến mức làm bạn phải mất ngủ mấy ngày liền, nhưng độ dị dị của bọn chúng thì vẫn ở cái tầm nhìn thôi cũng thấy hơi rợn. Đấy là chưa kể đến, nếu bị Hooked Doll bắt được, bạn sẽ phải đối diện với một cái chết vô cùng tàn khốc, đến mức Mọt tôi không tiện kể trên video ngày hôm nay.
Con búp bê biết nói chuyện
Nếu từng có một tuổi thơ gắn bó với Toy Story thì Mọt tôi tin, không ít bạn từng nghĩ đám đồ chơi sẽ cử động khi chúng ta không để ý. Nhưng cái sự diệu kỳ đấy chỉ tồn tại khi chúng ta còn nhỏ thôi, còn hiện tại, nếu đồ chơi của tôi mà đột nhiên biết nói thì chắc tôi gửi nó lên chùa trục vong luôn.
Và trong Don’t Toy With Me, ta sẽ được đối mặt với hai món đồ chơi có thể cử động, đó là cô nàng búp bê sứ Dahlia và chàng hề Huxley. Về cơ bản, Dahlia là món đồ chơi được chủ nhân hết mực yêu mến. Dù đã đổi rất nhiều món đồ chơi khác nhau, nhưng Dahlia chưa bao giờ bị thay thế, đó là cho đến khi chàng hề Huxley phát hiện.
Khác với Dahlia, Huxley là một chú hề lò xo bằng bông trong chiếc hộp Jack in the Box và lúc nào cũng trưng ra bộ mặt u sầu. Ban đầu, cả hai đều cư xử khá lịch thiệp và trở thành những người bạn tốt của nhau, đấy là cho đến khi tình cảm của chủ nhân dần nghiêng về một phía.
Không chỉ là một tựa game kinh dị, Don’t Toy With Me còn là một tựa game xoay quanh chủ đề thao túng tâm lý và lợi dụng tình cảm của người khác. Nếu muốn biết chuyện gì đã xảy ra trong Don’t Toy With Me, bạn có thể tải game trên trang itch về để trải nghiệm, hoặc không thì Mọt tôi cũng từng làm một video về tựa game này, các bạn có thể xem lại nhé. Giờ thì ta cùng sang cái tên tiếp theo thôi nào.
Biến búp bê thành con gái
Cái tên tiếp theo tôi muốn đề cập đến là một dự án game miễn phí do sinh viên làm vào năm 2022 - Ceramic Soul. Trò chơi đi theo hướng nhập vai phiêu lưu kinh dị, lấy bối cảnh trong một căn nhà đậm chất Victoria. Tại đây, ta sẽ vào vai Yu, một con búp bê bằng sứ, được chủ nhân căn nhà tạo ra để thay thế đứa con gái thật sự của bà ta.
Bằng việc điều khiển cánh tay có thể tháo rời của Yu để thu thập những chiếc chìa khóa hình hoa nằm rải rác bên trong dinh thự, ta sẽ biết được những gì đã thật sự xảy ra giữa cô con gái và người mẹ. Cuối cùng, Yu đã lựa chọn rời khỏi dinh thự và sự trói buộc của người mẹ để tìm đến tự do. Về cơ bản thì, Ceramic Soul là một dự án của học sinh nên thời lượng của trò chơi khá ngắn, chỉ vỏn vẹn nửa tiếng.
Và, cảnh báo thân thiện là bạn không nên trông đợi quá nhiều về độ kinh dị hay cốt truyện của Ceramic Soul. Nhưng chung quy nó khá ổn với một dự án nhỏ và nó miễn phí. Ngoài ra, cơ chế tháo rời cánh tay của Yu và điều khiển nó đi quanh ngôi nhà cũng là một điểm cộng đáng chú ý của Ceramic Soul, nên nếu rảnh bạn có thể thử tải về trải nghiệm, tôi hứa là không kinh dị đâu.
Con quỷ dưới gầm giường
Darkness Under My Bed là một tựa game đến từ nhà phát triển Desert Fox - người đã tạo nên series Bad Dream khá nổi tiếng lúc trước. Tựa game được xây dựng theo hướng point and click, kết hợp với kinh dị tâm lý đã biến Darkness Under My Bed trở thành một cái tên khá thú vị mà tôi nghĩ anh em nên thử trải nghiệm.
Và chắc bạn đã từng nghe về những con quái vật dưới gầm giường rồi nhỉ? Trong trò chơi, ta sẽ hóa thân vào một cậu bé tự xây dựng mê cung khổng lồ dưới gầm giường để giam cầm những con quái vật ấy! Không chỉ chạm mặt những con quỷ, ta còn phải vật lộn với một mê cung khổng lồ chứa đầy quái vật để tìm cách đoạt lại những ký ức quý giá của cậu bé.
Điều khiến Darkness Under My Bed trở nên đáng sợ là nhà phát hành đã xây dựng tựa game dựa trên những hình ảnh có thật, biến nó trở nên cực kỳ chân thật. Đặc biệt, hình ảnh con búp bê với đôi mắt màu đen đẫm máu xuất hiện trong màn hình chắc chắn sẽ làm bạn cảm thấy ám ảnh đến già, nhất là với những bạn có tiền sử ngất xỉu vì Annabelle.
Gã thợ làm búp bê dị hợm
Nếu là một người đam mê văn hóa Nhật Bản, bạn chắc hẳn sẽ biết búp bê cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân xứ này, đặc biệt, ở nơi này còn có cả một đền thờ với hơn hàng trăm con búp bê nằm rải rác bên trong. Và tin tôi, nó chắc chắn sẽ mang lại cho bạn một cảm giác rùng rợn khó tả.
Còn nếu muốn chơi game tương tự thế thì tôi nghĩ, The Doll Shop sẽ mang đến cho bạn một cảm giác mà bạn đang mong muốn. Tuy không lấy bối cảnh ở đền thờ, nhưng The Doll Shop lại đưa ta đến một cửa hàng làm búp bê trong vùng nông thôn hẻo lánh ở Nhật Bản. Bầu không khí và màu sắc của trò chơi vô cùng tươi sáng, không hề phù hợp với bối cảnh một tựa game kinh dị, nhưng những gì nó mang lại chắc hẳn sẽ làm bạn cảm thấy rùng mình.
Nhân vật chính của The Doll Shop là một nghệ nhân làm búp bê Nhật và ông ta cực kỳ ám ảnh với những con búp bê do chính tay mình tạo ra. Trong đó có một con búp bê được ông ta dùng để bù đắp và gửi gắm những ảo tưởng tình cảm với người bạn thời thơ ấu. Tùy vào lựa chọn của bạn, trò chơi sẽ có 3 kết thúc khác nhau, và các kết thúc ấy đều sẽ xoay quanh con búp bê tượng trưng cho người bạn thanh mai trúc mã của người nghệ nhân.
Và tin tôi, dù con game này được gắn thêm mắc lãng mạn trong phần thể loại, nhưng 3 kết thúc trong game chắc chắn chỉ làm bạn cảm thấy đoản hậu, tăm tối và sợ hãi. Vậy nên, dù không xoáy quá sâu vào một con búp bê bị nguyền rủa, nhưng tôi nghĩ The Doll Shop và câu chuyện xoay quanh sự ám ảnh của người thợ với những con búp bê vẫn xứng đáng có một chỗ đứng trong video ngày hôm nay.
Chơi với búp bê hay với quỷ?
Nếu là một fan trung thành của thể loại kinh dị thì chắc hẳn bạn sẽ biết đến tựa game Emily Wants to Play do nhà phát triển Indie Shawn Hitchcock phát hành vào ngày 10 tháng 12 năm 2015. Trong tựa game này, ta sẽ vào vai một người giao pizza, bị mắc kẹt trong một ngôi nhà nhỏ và phải tìm cách trốn thoát khỏi đó.
Hiển nhiên, bạn sẽ không cô đơn vì ngoài bạn, trong nhà còn có thêm sự góp mặt của một cô gái trẻ tên Emily và 3 con búp bê của cô ta. Để sống sót thoát khỏi căn nhà, bạn phải cố gắng tránh né sự tấn công của những con búp bê và Emily trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng.
Sau 11 giờ, mọi thứ vẫn an toàn, nhưng từ 12 giờ, con búp bê sứ Kiki sẽ bắt đầu truy đuổi bạn. Đặc điểm nhận dạng của nó là tiếng cười ghê rợn phát ra từ sau lưng và nó chỉ biến mất khi bị người chơi nhìn chằm chằm trong một thời gian ngắn. Đến 1 giờ sáng, con búp bê hề Tatters sẽ thay ca cho Kiki và bắt đầu truy đuổi người chơi. Cách để nhận biết Tatters là tiếng cười và âm thanh di chuyển đặc trưng của nó, con búp bê này sẽ chỉ biến mất khi người chơi đứng yên. Và yeah, đứng yên ở đây là bạn không được phép di chuyển, xoay đầu, hay nhấp vào bất kỳ thứ gì trên màn hình.
Đến 2 giờ sáng, bạn phải đề phòng con búp bê nói tiếng bụng Chester. Cách để nhận biết sự xuất hiện của nó là tiếng cười nghe hệt như tiếng con nít. Khi tiếng cười đấy vang lên, bạn phải nhanh chóng chạy ra khỏi căn phòng hiện tại nếu không muốn đón nhận cái chết. Và đến 3 giờ sáng, cả 3 con búp bê sẽ đồng loạt truy đuổi bạn, nghe thú vị lắm đúng không? Nên nếu chưa chơi thì bạn cứ thử tải về để trải nghiệm nhé.
Đi đêm nhiều có ngày gặp ma
Noctambulant là tính từ để chỉ hành động hay đi chơi đêm ở bên ngoài, và như ông bà ta nói, đi đêm có ngày gặp ma, câu chuyện trong Noctambulant cũng như vậy đấy. Trò chơi xoay quanh một cô bé bất hạnh tên Renee. Trong một sự kiện không may, cha mẹ của Renee đã qua đời nên cô bé buộc phải quay về sống cùng với bà ngoại mình trong một căn nhà nhiều búp bê và rối gỗ.
Nhưng, bà ngoại của Renee là một người kỳ lạ. Kể từ khi sống cùng bà, cô bé buộc phải tuân theo mọi quy tắc kỳ lạ do bà đặt ra. Renee phải khóa kỹ cửa phòng, đi ngủ sớm và tuyệt đối không được ra ngoài vào buổi đêm.
Mọi chuyện khá yên bình cho đến khi Renee làm trái lời bà mình. Cô bé đã chạm mặt một con rối gỗ có gương mặt kinh dị, với mái tóc dài trong đêm và bị nó truy đuổi quyết liệt. Trong quá trình Renee thoát khỏi con rối, ta sẽ dần phát hiện những bí mật ẩn giấu đằng sau căn nhà và người bà. Còn bí mật đó là gì thì… mọi người hãy chơi game để hiểu nhé, chứ tôi không spoil đâu. À mà anh em ủng hộ làm cốt truyện thì tôi spoil nè, hi hi.
Lời thì thầm trong nhà đồ chơi
Cách đây mấy ngày, tôi thấy có bạn đề nghị tôi hãy làm về tựa game Tsugu no Hi, một series game kinh dị ngắn đến từ Nhật Bản nhưng tôi chưa có thời gian làm, nên hẹn mọi người ở tuần sau nhé. Còn giờ, chúng ta sẽ chỉ nói về một phần game nhỏ trong cả series, đó là Whispering Toy House.
Sắm vai một cô gái nhỏ, ta sẽ cùng bước chân vào một cửa hàng đồ chơi lộng lẫy, nơi trưng bày rất nhiều đồ chơi, đặc biệt trong số đó là những con búp bê tỉ mỉ trông như người thật. Niềm yêu thích với búp bê đã làm cô gái nhỏ quay lại cửa hàng rất nhiều lần, và rồi khi không cưỡng lại sự tò mò của mình, cô bé đã bị giọng nói bị ẩn dụ dỗ bước qua một cánh cửa đỏ bằng gỗ trong cửa hàng.
Bên kia cánh cửa là một công viên trò chơi đầy sắc màu và cô bé đã được gặp rất nhiều con búp bê xinh đẹp. Cô bé đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi những lời dụ dỗ ngọt ngào và ước rằng mình sẽ ở lại nơi này mãi mãi. Thế rồi, giấc mơ thành sự thật. Cô gái nhỏ đã trở thành một phần của căn nhà đồ chơi, vĩnh viễn ở lại nơi này.
Rất thú vị đúng không? Cá nhân tôi cảm thấy, Whispering Toy House còn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa thú vị khác nữa, nhưng vì thời lượng video không cho phép, nên là câu chuyện đến đây thôi, còn chi tiết thế nào thì… phải xem có nhiều bạn ủng hộ Mọt tôi làm về con game này không đã~ Nên là hãy để lại bình luận bên dưới cho tôi biết với nha,
Khi búp bê là kẻ sát nhân
Và cái tên cuối cùng tôi muốn đề cập đến là Spirit Hunter: Death Mark của nhà Experience. Trong số những con game Nhật tôi từng chơi thì series Spirit Hunter đúng kiểu hay miễn bàn, nên tôi cũng từng làm một video về con này rồi, anh em có thể xem lại để biết nó hay thế nào nhé.
Cá nhân tôi đánh giá thì Spirit Hunter sẽ phù hợp với những bạn yêu thích game có cốt truyện chia ra từng chương, mỗi chương là một câu chuyện khác nhau, nhưng lại có liên kết với nhau. Đặc biệt, các chương của Spirit Hunter: Death Mark đều xoay quanh một truyền thuyết đô thị lấy cảm hứng từ văn hóa Nhật Bản, nên nó cũng cực kỳ phù hợp với các bạn đam mê thể loại tâm linh kỳ bí.
À quay lại với câu chuyện chính, Spirit Hunter: Death Mark xoay quanh một người đàn ông bị mất trí nhớ tên Kazuo Yashiki, bất ngờ dính phải một lời nguyền mang tên dấu ấn và buộc phải tìm cách phá giải nó trước khi bình minh ló dạng.
Đồng hành với Kazuo trong hành trình này không chỉ có những người bạn cùng chung số phận dính lời nguyền mà còn có cả một con búp bê to bằng người thật tên Mary. Tuy sở hữu vẻ ngoài vô hại và khá đẹp, nhưng cô nàng búp bê này lại là một trong những nhân vật nguy hiểm nhất mà bạn nên để ý trong Death Mark, bởi vì hoa hồng đẹp thường có gai mà.
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~