Torchlight Frontiers và chuyện về một MMO hai lần “chết” - PC/Console

Torchlight là một trong những thương hiệu lận đận nhất của làng game, nhưng những người tạo ra nó vẫn nuôi giấc mơ làm MMO của mình.

Torchlight có lẽ là một trong những thương hiệu game khốn khổ nhất mà Mọt từng biết trong vài năm trở lại đây.

Ban đầu, Torchlight thậm chí còn không phải là một thương hiệu game mà nhà phát triển của nó mong muốn thực hiện, mà chỉ là “tàn dư” từ những gì còn sót lại của hai dự án game khác nhau là Hellgate: London và Mythos do Flagship Studios thực hiện. Trong số này, Hellgate: London là một tựa game MMO looter shooter được đầu tư mạnh mẽ và đi trước thời đại rất xa, trong khi Mythos vừa là một tựa game riêng biệt, vừa là một dự án được tạo ra nhằm hỗ trợ Flagship Studios ở khía cạnh kỹ thuật trong quá trình phát triển Hellgate. Tuy nhiên, cả hai trò chơi đều “chìm xuồng” – Hellgate là bởi nó đi trước thời đại quá xa trong khi Mythos chết vì Hellgate làm cho Flagship Studios phá sản.

Torchlight Frontiers và chuyện về một MMO hai lần

Giấc mơ MMO Torchlight

Dù cả Hellgate và Mythos đều được hồi sinh sau đó với những nhà phát hành khác nhau, cả hai tựa game đều chẳng còn liên quan gì đến những người đã tạo ra chúng. Thay vào đó, họ tái lập một studio mới mang tên Runic Games vào năm 2008 với thành viên là những tay cộm cán của ngành công nghiệp game: Max Schaefer và Eric Schaefer – hai trong số những người đã tạo ra Diablo – và Travis Baldree, nhà thiết kế dòng game Fate (không phải Fate/Stay Night) nổi tiếng.

Runic Games được thành lập với mục tiêu tiếp nối những gì mà các nhà sáng lập từng làm tại Flagship Studios: làm ra một tựa MMO đỉnh cao mà game thủ yêu thích. Tuy nhiên việc tạo ra một tựa game như thế không dễ dàng và đòi hỏi rất nhiều nhân lực vật lực, những điều mà Runic Games không hề có vào thời điểm này. Để kiếm được kinh phí, Runic Games bắt tay vào việc tạo ra một tựa game gần giống với Diablo để chứng tỏ năng lực của mình, và 11 tháng sau đó họ cho ra đời Torchlight.

Torchlight Frontiers và chuyện về một MMO hai lần

Torchlight thực sự rất hấp dẫn, và Mọt tui không phải là người duy nhất nghĩ vậy – trò chơi có điểm số lên đến 83/100 trên Metacritic, và sự thành công của nó đem lại kinh phí mà Runic Games cần để tạo ra dự án MMO trong mơ của mình. Họ bắt tay ngay vào việc làm ra tựa MMO đó, nhưng chẳng bao lâu sau Runic Games thay đổi quyết định của mình và chuyển hướng dự án thành Torchlight 2. Không rõ đây có phải là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của Eric Schaefer và Travis Baldree hay không, nhưng không lâu sau khi trò chơi được phát hành, họ rời Runic Games để lập nên Double Damage Games và tạo ra thương hiệu Rebel Galaxy khá nổi tiếng hiện tại. Trong khi đó, những người còn ở lại với Runic Games làm ra thêm một tựa game nữa (Hob) trước khi chính thức đóng cửa vào năm 2017.

Nhưng giấc mơ làm MMO Torchlight của Max Schaefer chưa chấm dứt tại đây. Đến năm 2016, Max Schaefer rời Runic Games để lập nên Echtra Games, thuê lại rất nhiều đồng nghiệp cũ của mình và mở ra một dự án MMO Torchlight mới. Trò chơi được công bố chính thức vào năm 2018 với tên gọi Torchlight Frontiers và dự kiến sẽ được phát hành vào năm 2019, và có vẻ như giấc mơ ngày nào sắp thành hiện thực.

Nhưng không, một lần nữa Max Schaefer thất bại. Chỉ mới cuối tháng 1 vừa rồi, Max Schaefer công bố rằng MMO Torchlight Frontiers đã “chết,” và tựa game mà ông sắp cho ra đời sẽ là một game offline có tên gọi Torchlight 3. Nó được làm nên từ những gì Echtra Games đã thực hiện cho Frontiers và sẽ được bán trên Steam, nơi bạn chỉ phải trả tiền một lần duy nhất để được chơi toàn bộ nội dung của nó.

Đánh giá Bookbound Brigade: Phiêu lưu vào thế giới văn học
Đánh giá Bookbound Brigade: Phiêu lưu vào thế giới văn học
Bookbound Brigade là một tựa game kiểu Castlevania, nhưng thay vì vào vai Alucard, bạn sẽ cùng Dracula và... 7 người bạn khác phiêu lưu trong văn học.

Tốt hay xấu?

Với Mọt tui, một người không mấy thiện cảm với microtransaction, loot box, battle pass hay bất kỳ biện pháp thu tiền nào khác sau ngày game phát hành, đây có thể là điều đáng mừng. Nhưng với những người đang trông chờ vào một dự án MMO mới lấy bối cảnh thế giới Torchlight, việc Frontiers phải nhường chỗ cho con số 3 là một tin buồn với họ. Bởi game giờ đây chỉ được bán ra với một mức giá cố định, những gì game nhận được sau ngày phát hành có lẽ sẽ chỉ là một vài bản patch và sửa lỗi thay vì một dòng nội dung mới ổn định kéo dài suốt nhiều năm.

Max Schaefer công bố cái chết của Frontiers và sự ra đời của Torchlight 3.

Công bằng mà nói, nếu Torchlight Frontiers ra đời, nó có rất nhiều tiềm năng để thành công. Thế giới đầy màu sắc và quyến rũ mà Runic Games tạo ra cho Torchlight ngày nào vẫn tồn tại trong những hình ảnh của Frontiers mà Echtra Games cho ra mắt, nên chúng chắc chắn sẽ chinh phục được cả những fan gạo cội của Torchlight lẫn những người chưa biết đến trò chơi. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua những tựa game như Warframe, Path of Exile hay Destiny 2 đã chứng minh rằng thể loại game nhặt đồ (looter) rất phù hợp với lối chơi lặp đi lặp lại của MMO, mặc dù rất nhiều game thủ ngày càng e ngại “game dịch vụ” còn thể loại MMO đã nguội lạnh.

Trong khi một tựa looter truyền thống kiểu Borderlands hay Diablo hoàn toàn có thể trở nên nhàm chán trong mắt game thủ sau khi họ đã chơi hết, biết hết và có hết những gì đáng sở hữu trong game, một tựa game MMO hoặc live service hoàn toàn không mắc phải vấn đề này bởi chúng liên tục được cập nhật. Những khoản tiền mà game thủ chi ra vào microtransaction trong game giúp nhà phát hành có thể tiếp tục phát triển nội dung mới cho trò chơi – những thế giới mới để khám phá, quái vật mới để tiêu diệt, vũ khí mới để thu nhặt và cấp mới để cày. Những nội dung này đem lại cho bạn lý do để quay lại với trò chơi và tiếp tục gắn bó với nhân vật mà bạn đã dành nhiều công sức để phát triển.

Torchlight 3.

Nhưng Torchlight Frontiers cũng sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ nặng ký nếu nó thực sự ra mắt. Bản thân Torchlight không phải là một thương hiệu lớn mà đại đa số game thủ biết đến, trong khi những tựa game thành công mà Mọt tui đã nhắc đến bên trên có một nền tảng tốt hơn và một cộng đồng đông đảo hơn, chưa kể đến các tựa game lớn như Diablo 4, Path of Exile 2 sắp ra đời. Việc tung ra một MMO mới trong thời buổi này tỏ ra là một quyết định mạo hiểm bởi sự bão hòa của game dịch vụ và sự cạnh tranh từ những cái tên lớn hơn hẳn.

Nhưng nói những điều trên cũng có lẽ là vô nghĩa bởi giờ đây Torchlight 3 là chuyện đã rồi, và chúng ta chỉ còn có thể hi vọng rằng trò chơi sẽ cực kỳ hấp dẫn. Chắc chắn Mọt sẽ trải nghiệm trò chơi này, so sánh nó với hai người tiền nhiệm và thực hiện bài đánh giá trò chơi.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e