Trải nghiệm lại Titanfall 2 - Cơn gió mới mẻ và chất lượng cho dòng game FPS đã đi vào lối mòn (Phần 1)

Trong bài này, người viết xin chia sẻ những cảm nhận của mình về Titanfall 2, một tựa game FPS thực sự xuất sắc.

Chúng ta đều biết rằng thế giới game rất rộng lớn với cực kỳ nhiều thể loại phù hợp với từng gamer, nhưng tôi tin chắc rằng thể loại game quen thuộc và dễ tiếp cận nhất với mỗi gamer từ khi bắt đầu chơi game chính là FPS. Lối chơi không quá phức tạp khiến FPS trở thành một thể loại game phù hợp với tất cả mọi người.

Thực tế thì có vô số các series game FPS đã trở nên quen thuộc và được rất nhiều người nhớ đến, ví dụ như Call of Duty, Battlefield, Doom, Half-Life hay thân thuộc nhất với gamer Việt Nam là Counter-Strike. Nhưng chính vì gameplay khá đơn giản như vậy đã khiến cho thể loại FPS dần rơi vào thoái trào và không có đột phá nhiều những năm gần đây. Nhưng rồi một cái tên xuất hiện và đã đem lại một làn gió mới cho FPS, đó chính là Titanfall vào năm 2014 và Titanfall 2 vào năm 2016. Và trong bài viết này, tôi xin chia sẻ những cảm nhận của mình về Titanfall 2, mà theo tôi là một tựa game FPS thực sự xuất sắc.

Trải nghiệm lại Titanfall 2 - Cơn gió mới mẻ và chất lượng cho dòng game FPS đã đi vào lối mòn (Phần 1)

Để bắt đầu, tôi nghĩ có lẽ nhiều người sẽ không có ấn tượng gì với cái tên Titanfall dù nó đã ra mắt từ khá lâu – đã 3 năm. Vậy lý do là gì? Titanfall gây được ấn tượng rất lớn khi mới ra mắt năm 2014 với lối chơi độc đáo, mới lạ và rất hardcore. Nhưng rồi nó dần chìm vào quên lãng, lý do là bởi Titanfall là một game thuần Multiplayer, và với thị trường game hiện nay thì một tựa game mới ra mắt mà không có một phần campaign như Titanfall thì việc được nhớ đến quả thực là rất khó.

Đây chính là một kinh nghiệm xương máu của Respawn Entertainment, để rồi 2 năm sau, Titanfall 2 ra đời với cải tiến về mọi mặt, và có riêng cho mình một phần campaign. Gây ấn tượng lớn với gamer từ trailer, Titanfall 2 được hy vọng sẽ trở thành cứu tinh cho thể loại FPS đã dần đi vào lối mòn.

Trải nghiệm lại Titanfall 2 - Cơn gió mới mẻ và chất lượng cho dòng game FPS đã đi vào lối mòn (Phần 1)

Titanfall 2: Become One Official Launch Trailer

Và quả thực Titanfall 2 đã làm được điều đó, một tựa game FPS xuất sắc, vượt quá kỳ vọng của nhiều người. Đặc biệt đối với bản thân tôi, kể từ Call of Duty: Modern Warfare 2 mới lại có một tựa game FPS khiến tôi “phát cuồng” lên như vậy. Vậy điều gì đã khiến Titanfall 2 hay đến như vậy?

Yếu tố đầu tiên là mảng đồ họa, Respawn Entertaiment đã cực kỳ xuất sắc ở mảng này, một nền đồ họa rất đẹp, rất chi tiết và thực sự choáng ngợp. Cử động của cả con người lẫn các Titan đều rất mượt mà và ấn tượng, hiệu ứng cháy nổ rất tốt, tất nhiên là chưa bằng được với những tựa game như Just Cause 3 hay Battlefield 4, nhưng tựu chung lại, đồ họa của Titanfall 2 quả thật là bước tiến vượt bậc so với phần 1. Liệu bạn có tin được khi Titanfall 2 được dựng trên nền engine Source của Valve? Nếu chỉ với engine Source mà đã đẹp đến như vậy, thì với engine Source 2 thì liệu còn có thể đẹp đến như thế nào? Hãy để Respawn Entertainment trả lời trong tương lai nhé.

Trải nghiệm lại Titanfall 2 - Cơn gió mới mẻ và chất lượng cho dòng game FPS đã đi vào lối mòn (Phần 1)

Điều quan trọng khiến Titanfall 2 trở thành một tựa game hay chính là gameplay của nó. Tôi sẽ không ngần ngại mà trao cho cả Titanfall lẫn Titanfall 2 danh hiệu: Best Multiplayer, đặc biệt đối với phần 2. Vẫn là FPS, vẫn là những trận đấu multiplayer nơi các gamer so tài, nhưng điều gì đã khiến Titanfall 2 khác với Battlefield hay Call of Duty, dù hầu hết các chế độ chơi đều có điểm tương đồng? Đó chính là ở cách bạn chiến đấu. Chúng ta, đóng vai những pilot trên chiến trường, nhiệm vụ chung là chiến đấu với các pilot và NPC phe địch để đến khi tích đủ điểm, chúng ta có thể gọi các Titan xuống từ các tàu không gian trên cao.

Điểm mới lạ ở Titanfall 2 là chúng ta có thể parkour dọc bờ tường, double jump hay slide trên mặt đất. Điều này làm gamer có thể linh hoạt hơn khi di chuyển, đông thời đẩy nhịp độ trận đấu lên rất rất cao. Sơ sẩy một tích tắc, bạn sẽ làm mồi cho phe địch ngay tức khắc! Mỗi gamer có thể lựa chọn cách chiến đấu sao cho phù hợp với mình nhất để có thể sống sót trên chiến trường khốc liệt của Titanfall 2. Và điều quan trọng nhất trong một trận đấu: đó là khi bạn có thể gọi Titan của mình xuống, cảm giác các Titan đổ bộ từ trên cao rồi chạm đất cái “uỳnh!”, quả là epic và khiến bạn thốt lên: Hell yeah!!! Đặc biệt là khi bạn chui vào Titan để điều khiển và chiến đấu, cảm giác ấy còn tăng lên bội phần!

Trải nghiệm lại Titanfall 2 - Cơn gió mới mẻ và chất lượng cho dòng game FPS đã đi vào lối mòn (Phần 1)

Tuy nhiên, nếu cứ ngồi mãi trong Titan thì chẳng phải bạn sẽ quá bá đạo ư? Tất nhiên là không, Titan không “bất khả xâm phạm” như bạn nghĩ đâu! Nếu so với phần 1 khi các Titan có lớp giáp chống đạn thì có thể nói Titan ở phần 2 trở nên “mỏng manh” hơn nhiều! Nếu bạn là một pilot với trình độ đủ giỏi, việc solo thắng một Titan hay ngồi trong Titan và làm gỏi 2 hay 3 Titan khác là điều bình thường, nhất là khi Titan không thể nhảy, điều đó sẽ làm giảm sự linh hoạt và chủ động của bạn trên chiến trường.

Vì vậy, lựa chọn tối ưu sẽ là liên tục thay đổi cách chiến đấu, lúc là pilot bay nhảy khắp chiến trường, lúc lại ngồi bên trong Titan của mình để càn quét quân địch, dĩ nhiên đó mới chỉ là lý thuyết mà thôi! Các trận chiến của Titanfall 2 được xây dựng rất đa dạng và chân thật – với sự tham gia của 6 lớp Titan khác nhau, tha hồ cho bạn chọn lựa cho phù hợp với phong cách của mình.

Trải nghiệm lại Titanfall 2 - Cơn gió mới mẻ và chất lượng cho dòng game FPS đã đi vào lối mòn (Phần 1)

Một điểm hay nữa ở gameplay của Titanfall 2 chính là sự cân bằng và tính đồng đội của game. Với pilot, lợi thế là sự linh hoạt nhưng “mỏng manh”, Titan vững chãi nhưng bất tiện, cả đội cần phải phối hợp để chiến thắng. Bạn có thể đột kích lên Titan địch để rút core của chúng về lắp cho không chỉ Titan của bạn mà còn cho đồng đội. Điều này làm cho trận đấu khá liền mạch và cân bằng. Ví dụ đơn giản như chế độ chơi Attrition, mục tiêu là đội nào kiếm được 500 points trước sẽ chiến thắng, nếu ở phần 1, cách biệt 100-200 points là gần như không thể san lấp, thì với Titanfall 2, 200 points chẳng là gì, miễn là đội của bạn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để khai thác điểm mạnh của mỗi loại Titan để khắc chế đối phương.

Và một điều khiến cho chiến trường multiplayer của Titanfall 2 không dành cho những tay mơ, chính là các NPC. NPC ở Titanfall 2 có 3 loại: Ruin, Specter và Reaper. Nếu như Ruin và Specter có vẻ không là một trở ngại gì lớn lắm với các gamer thì Reaper là một sự đe dọa không chỉ với các pilot mà còn với cả các Titan. Chúng sẽ bám riết lấy bạn và kể cả khi bạn có ngồi trong Titan thì vẫn có thể bị lũ Reaper xử bất cứ lúc nào! Nếu được chọn, tôi sẽ chọn Titanfall 2 là Best Multiplayer của 2016!

...Còn tiếp