Marvel’s Avengers, một trong những tựa game siêu anh hùng được đón chờ nhất từ trước tới nay sẽ chính thức phát hành vào 4 tháng 9. Được phát triển bởi Crystal Dynamics, studio vô cùng tài năng và được mến mộ bởi cộng đồng, có thể nói đây là sản phẩm được cả giới game thủ cũng như các fan Marvel đặt rất nhiều kì vọng khi nó là dự án game siêu anh hùng quy mô nhất mà chúng ta từng thấy trong những năm trở lại đây. Trước khi được tự tay thưởng thức siêu phẩm mới hoặc đã thưởng thức rồi sau đó mới quay lại đọc bài viết này, bạn có tự hỏi rằng trước đây đã từng có tựa game nào ăn theo “Những kẻ báo thù” lừng danh này hay chưa? Câu trả lời tất nhiên là có, thậm chí dự án Avengers này cũng tiềm năng và quy mô chẳng kém gì sản phẩm của Crystal Dynamics, có điều nó lại không bao giờ được ấn định được ngày ra mắt. Bây giờ chúng ta hãy ngồi xuống để cùng tìm hiểu về một trong những dự game bị hủy bỏ theo cách vô cùng đáng tiếc nhé!
Quay trở về thời kì đầu của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), bên cạnh mảng phim ảnh, Marvel cũng muốn lấn sang lĩnh vực video game. Theo đó, Marvel hợp tác cùng Sega để tung ra hàng loạt các tựa game ăn theo các bộ phim bom tấn của hãng thời điểm đó. Kết quả đa phần là các sản phẩm ăn theo phim kém chất lượng. Các game Marvel khác của Activision hay Capcom dù chất lượng hơn thì lại đều không ăn theo các phim trong MCU như Marvel mong muốn. Cũng bởi vậy mà những năm đầu 2010, Marvel chuyển hướng sang game di động nhiều hơn. Thời điểm 2012 khi mà bom tấm The Avengers công chiếu toàn cầu, sản phẩm duy nhất ăn theo bộ phim là tựa game Marvel Avengers: Battle for Earth của Ubisoft phát hành trên Xbox 360 và Wii U. Đây chỉ là game ở mức trung bình và nhanh chóng bị lãng quên. Thế nhưng tiền thân của tựa game này lại là một thứ gì đó lớn lao hơn nhiều.
" alt=""
Năm 2010, THQ giành được quyền phát triển tựa game quy mô lớn với nội dung xoay quanh biệt đội báo thù. Game được dự kiến phát hành vào 2012, cùng thời điểm với bộ phim. Dù vậy, dự án được dự định sẽ ít liên quan đến bộ phim, thay vào đó nó sẽ kể câu chuyện hoàn toàn mới với các phản diện khác và dàn Avengers lớn và nhiều nhân vật hơn. Giai đoạn tiền sản xuất bắt đầu vào tầm tháng 8 năm 2010 tại THQ Australia. Khi bước vào giai đoạn phát triển, tựa game được dự định sẽ là hành động góc nhìn thứ 3, áp dụng cho tất cả các nhân vật. Một bản mẫu thử nghiệm được tạo ra với Captain America là nhân vật chính. Tuy nhiên đội ngũ phát triển cho rằng đã có quá nhiều game Marvel góc nhìn thứ 3, họ muốn làm cái gì đó khác biệt. Nhóm phát triển quyết định rằng tựa game Avengers nên là góc nhìn thứ nhất, qua đó cho người chơi được thấy thế giới qua con mắt của các siêu anh hùng.
Như vậy có thể nói dự án này là tựa game siêu anh hùng đầu tiên hoàn toàn dựa trên góc nhìn thứ nhất. Cũng từ thời điểm này, tựa game được xây dựng theo hướng co-op nhiều người chơi hơn để có thể thể hiện chân thực và sống động nhất sự phối hợp cũng như tinh thần đồng đội, cái chất vốn có của biệt đội Avengers. Co-op với bạn bè trở thành mảng được tập trung lớn khi người chơi sẽ vào vai 1 siêu anh hùng với siêu năng lực, điểm mạnh và điểm yếu riêng. Và cũng như trong truyện tranh, những nhân vật với sự khác nhau trong nhiều mặt sẽ gắn kết lại với nhau để cùng chiến đấu trở thành mục tiêu chính mà THQ muốn đạt được. Về khía cạnh cốt truyện, có thể nói rằng nó quy mô nhất so với mọi game siêu anh hùng thời điểm đó hay thậm chí cho tới giờ. Theo đó, toàn bộ biệt đội sẽ tham gia chuỗi các nhiệm trải khắp thế giới trong 1 nỗ lực ngăn chặn âm mưu xâm lược của chủng tộc ngoài hành tinh Skrull.
Cốt truyện của game mang nhiều điểm tương đồng với bộ truyện Secret Invasion, đặc biệt là khi chính THQ đã thuê tác giả bộ truyện là Brian Michael Bendis về cho dự án. Bên cạnh dựa trên mạch truyện vốn có, cốt truyện game còn được bổ sung nhiều ý tưởng mới. Cốt truyện game được cho là đã trạng thái tương đối hoàn thiện. Game sẽ bắt đầu với cảnh 1 phi thuyền khổng lồ dẫn đầu bởi nữ hoàng Skrull Veranke chiếm quyền kiểm soát New York. Một nhóm các tu sĩ Skrull đầy quyền năng điều khiển phi thuyền với tham vọng đánh chiếm các thành phố lớn trên thế giới. Lực lượng Super Skrull cũng chiếm phần lớn quân số , chúng là những kẻ địch to lớn hơn và mạnh hơn, đặc biệt là có khả năng bắt chước cũng như mô phỏng các năng lực của đối phương. Chúng có thể có nhiều hình dạng từ việc sao chép các siêu anh hùng, bao gồm cả của Wolverine và Fantastic 4. Mục đích chính của Skrull đó là bắt và nô dịch toàn bộ các siêu anh hùng để có thể chiếm lấy siêu năng lực của họ và đặt nên ách thống trị mới.
Phong cách nghệ thuật của game ban đầu được hướng tới phong cách cổ điển của các bộ truyện cũ. Thế nhưng về sau, do ảnh hưởng từ các phim MCU mà thiết kế nhân vật dần đi theo hướng hiện đại và sát với phim hơn. Dù vậy thì liên hệ giữa các phim MCU và tựa game vẫn là không đáng kể. Bốn nhân vật chính trong game sẽ là Captain America, Thor, Hulk và Iron Man. Ban đầu sẽ chỉ có 4 nhân vật chơi được, dần trong quá trình chơi nhân vật mới như Hawkeye, Black Widow, Ms Marvel, War Machine,… sẽ được mở khóa. Phần chơi cốt truyện sẽ đưa người chơi tới những địa điểm như Triskellion base, Manhattan, Helicarrier và thậm chí chả trong phi thuyền ngoài không gian. Bên cạnh Skrull là phản diện chính, còn có các nhân vật phụ như Ultron và Vision. Theo đó Hank Pym sẽ phải ngăn chặn phát minh nổi loạn của mình. Tuy nhiên phần này chưa được hiện thực hóa bởi bất kì bản build nào. Theo THQ thì Skrull vẫn phải là trung tâm.
Như đã nói ở trên, trọng tâm của tựa game vẫn là co-op, phối hợp giữa những người chơi. Các nhiệm vụ sẽ cho phép tới 4 người chơi tham gia thông qua online, split-screen hoặc đồng thời cả 2. Bản thân các cơ chế trong game cũng nhấn mạnh yếu tố phối hợp đồng đội, bao gồm cách hồi sinh đồng đội tương tự Gears of War. Cùng đó là sự đa dạng về khả năng của mỗi siêu anh hùng như Hulk với sức càn quét mạnh hay Iron Man với khả năng bay lượn, … Về khía cạnh gameplay, mỗi siêu anh hùng đều là độc nhất khi họ đặc biệt theo các riêng của mình. Dù vậy họ cũng có các động tác chung như tung đòn hỗ trợ, tung đòn gây choáng để tạo cơ cho đồng đội ra đòn, điển hình như Thor có thể triệu loạt sấm sét gây tê liệt đối phương, mở ra cơ hội tấn công cho Captain American.
Đó chỉ là ví dụ nhỏ cho thấy gameplay của game đề cao tinh thần đồng đội như thế nào khi mà ngoài ra các siêu anh hùng còn có những khả năng như che chắn đồng đội, boost sức mạnh, … Hệ thống XP nhằm mở khóa các kĩ năng mới cũng tưởng thưởng xứng đáng cho lối chơi đề cao tinh thần đồng đội của người chơi. Cùng với đó, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho những ai muốn chơi solo, đội ngũ phát triển đã điều chỉnh lại hệ thống AI đồng hành để đảm bảo rằng AI đồng đội phải tốt nhất có thể, thậm chí có lúc hệ thống AI đã phải làm lại gần toàn bộ chỉ để chắc chắn rằng AI sẽ cư xử và phản ứng chân thật nhất có thể, tạo ra cảm giác rằng người chơi solo đang thực sự chơi co-op với những người chơi khác.
Khi bước sang thời điểm đầu năm 2011, dù quá trình phát triển gặp nhiều thuận lợi nhưng dường như 80 người phụ trách dự án vẫn không thể đảm bảo game ra mắt đúng lịch. Để đẩy nhanh tiến độ, 1 đơn vị khác thuộc sở hữu của THQ tại Úc là Blue Tongue Entertainment được cử tham gia vào dự án. Blue Tongue phụ trách phần lớn công việc của phiên bản PC, cùng với đó là thiết kế môi trường, cụ thể là cho màn chơi trên Helicarrier. Trong khi đó, phiên bản PS3 và Xbox 360 vẫn do THQ Úc đảm nhận. Với việc Wii U ra mắt vào năm 2012, 1 bản port cho hệ máy Nintendo cũng được dự kiến cho ngày phát hành của hệ máy. Phiên bản Xbox 360 vốn sẽ có nội dung dành cho Kinect là Training Academy, nơi mà người chơi điều khiển 1 tân binh của biệt đội hoạt động như huấn luyện và tham chiến bên cạnh các siêu anh hùng lừng danh. Tuy nhiên nội dung này bị hủy sau đó.
" alt=""
Sang tới giữa năm 2011, THQ đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng sau hàng loạt những sai lầm trong đầu tư kinh doanh, cùng với đó là cổ phiếu của hãng lao dốc. Tháng 7 năm 2011, đồng tiền của US tăng giá mạnh, khiến cho chí phí mà THQ phải trả cho các đơn vị tại Úc cũng tăng mạnh không kém. Và để tiếp tục duy trì công ty thì việc đầu tư cho khoảng 200 nhân sự ở cả THQ Úc và Blue Tongue là điều không tưởng. Trong nỗ lực cứu vớt lấy dự án, những người đứng sau dự án cố gắng đưa ra giải pháp dự phòng. Nếu THQ không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính, họ quyết định rằng Marvel sẽ cứu lấy dự án này. Dù Marvel tỏ ra vô cùng ấn tượng với dự án Avengers, nhưng Marvel cũng không muốn mạo hiểm tự mình đầu tư vào một dự án game. Nên nhớ rằng thời điểm này bộ phim The Avengers vẫn chưa ra mắt, MCU chưa có bộ phim tỉ đô nào và cũng chả có gì đảm bảo rằng bộ phim sẽ thành công khi mà khái niệm vũ trụ điện ảnh vẫn còn mới mẻ, chưa nói gì tới tựa game phần nào ăn theo.
Như vậy, những nỗ lực cứu vớt cuối cùng cũng thất bại, dự án Avengers chính thức bị khai tử. Còn về phía THQ, công ty cầm cự được đến tháng 1 năm 2013 thi thức phá sản và phải rao bán các thương hiệu, tài sản trí tuệ cũng các studio dưới quyền. Sau này, Nordic Games mua lại phần lớn các thương hiệu từng của THQ và gần đây đổi tên thành THQ Nordic, cho thấy tham vọng xây dựng lại hãng game lừng lẫy một thời này. Còn về phía tác giả Brian Michael Bendis, ông nói rằng dù dự án chưa được hoàn thiện, nhưng những gì ông được thấy cũng đã rất tuyệt vời. Sau khi THQ Úc đóng cửa, có tin cho biết rằng Bendis đã thu thập được bản build có thể chơi được của tựa game như kỉ vật. Năm 2015, khi được hỏi rằng có hi vọng nào hồi sinh tựa game không, Bendis nói rằng ông không nghĩ vậy khi mà nó đã phần nào lỗi thời về mặt kĩ thuật, dù sao thì nó cũng tuyệt vời và ông không hiểu được tại sao dự án như vậy lại có thể bị hủy thay vì rao bán nó. Dù sao thì giờ đây với sự ra mắt của Marvel’s Avengers, chúng ta lần nữa được trao cơ hội để theo chân biệt đội siêu anh hùng tuyệt vời này.