Từ Ghosts đến Modern Warfare: 6 năm thăng trầm của Infinity Ward - PC/Console

Call of Duty: Modern Warfare là một thành công lớn của Infinity Ward, nhưng bạn có biết điều gì đã xảy ra với họ trong 6 năm kể từ thảm họa Ghosts không?

Từ gian khổ đến dễ dàng

Mark Rubin, giám đốc sản xuất của Call of Duty: Ghosts từng phải thốt lên rằng Ghosts là tựa game khó nhất mà ông từng làm, bởi vào thời điểm trò chơi được phát triển, Infinity Ward chỉ còn lại lớp vỏ ngoài cùng cái tên của nó. Vào thời điểm đó, hai nhà đồng sáng lập Vince Zampella và Jason West vừa bị Activision sa thải, nhưng họ cũng kéo theo một loạt nhân sự đáng tin của studio để thành lập Respawn Entertainment, studio sau này nổi tiếng với những Titanfall hay Star War Jedi: Fallen Order. Những người còn ở lại phải đối mặt với thách thức lớn khi thực hiện Ghosts, bởi họ không chỉ thiếu người trong nội bộ của mình mà còn thiếu cả sự giúp đỡ từ bên ngoài: Sledgehammer không còn phụ tá cho Infinity Ward như hồi thực hiện Modern Warfare 3, bởi studio này cũng đang bận bịu với việc phát triển Call of Duty: Advanced Warfare.

Từ Ghosts đến Modern Warfare: 6 năm thăng trầm của Infinity Ward

Những vấn đề về nhân sự đó được thể hiện rõ trong Call of Duty: Ghosts, khi Infinity Ward chọn một “giải pháp an toàn” cho trò chơi: nó chỉ đơn giản là kể một câu chuyện về các binh sĩ Ghosts cực ngầu, những người được gửi đến những điểm nóng để đối phó với những kẻ địch vượt trội về số lượng nhằm giải cứu thế giới. Game hoàn toàn không có bất kỳ một điều mới mẻ nào, mà chỉ toàn tận dụng những ý tưởng cũ – game thủ thậm chí còn phát hiện ra Ghosts dùng lại phim cắt cảnh của Modern Warfare 2, trong khi những cải thiện hình ảnh được hứa hẹn cũng không làm hài lòng game thủ. Kết quả không có gì là bất ngờ: Ghosts trở thành tựa game có điểm số thấp nhất trong lịch sử của cả series, doanh số sụt giảm thảm hại và bị tất cả mọi người xem là một vết nhơ trong lịch sử của Infinity Ward. Vì vậy, đội ngũ lãnh đạo studio quyết định bỏ Ghosts lại sau lưng để tìm đến với một thương hiệu mới.

6 năm sau ngày Ghosts ra mắt khiến Infinity Ward nhục nhã ê chề, chúng ta đã trải qua hai tựa game mới do họ phát triển: Infinite Warfare và Modern Warfare (2019). Với Infinity Ward, mọi thứ đã thay đổi 180 độ khi Modern Warfare phát hành: ông Jacob Minkoff, giám đốc gameplay phần chơi đơn của trò chơi nói rằng việc phát triển Modern Warfare là điều đơn giản nhất trong sự nghiệp của mình, bởi theo ông, các thành viên của Infinity Ward nay “gắn bó với nhau bằng máu” vì họ đã trải qua khoảng thời gian lụn bại nhất của studio.

Kết quả của 6 năm không ngừng cố gắng gầy dựng lại đội ngũ Infinity Ward là một tựa game Call of Duty mới được hoan nghênh nhiệt liệt. Trò chơi thậm chí còn được báo giới và game thủ cho rằng có thể là phiên bản tuyệt vời nhất của cả series, mặc cho những vấn đề “đáng ngờ” về nội dung cốt truyện của game.

Đánh giá Call of Duty: Modern Warfare - Những người hùng trở lại
Đánh giá Call of Duty: Modern Warfare - Những người hùng trở lại
Sau ba năm kể từ Infinite Warfare, những người từng làm nên Modern Warfare đình đám ngày nào đã trở lại với Call of Duty bằng một tựa Modern Warfare mới.

Từ đáy vực đến đỉnh cao

Nếu bạn còn nhớ, series Modern Warfare từng có những màn chơi gây tranh cãi ngoài No Russian. Chúng đặt Infinity Ward ra “đầu sóng ngọn gió” và khiến họ bị chỉ trích bởi nhiều phía, nên khi thực hiện Ghosts, những người còn ở lại với studio muốn thay đổi điều đó. Họ tạo ra một cuộc chiến tranh giả tưởng trong Ghosts, nơi một thực thể chưa từng tồn tại là Liên Hiệp (Federation) tập hợp sức mạnh của nhiều quốc gia Nam Mỹ để tấn công nước Mỹ, và bạn là một trong những niềm hi vọng cuối cùng để thay đổi thế cờ.

Ngay cả khi không muốn dính líu trực tiếp đến chính trị, phải đi làm bối cảnh giả tưởng nhưng Ghosts lại không tránh khỏi được việc nhắc đến phần địa lý của các quốc gia thù địch tương lai nằm ở Nam Mỹ. Vì thế, Ghosts vừa khiến các quốc gia Nam Mỹ “ngứa mắt,” vừa khiến các fan của Call of Duty bực mình bởi game hoàn toàn đánh mất tính chân thực mà series Call of Duty đã gầy dựng trong quá khứ qua những bối cảnh gần sát với đời thực. Đến Infinite Warfare, cuộc chiến này lại được đẩy xa hơn nữa vào tương lai, khi Trái Đất đối đầu với Sao Hỏa, tránh được việc phải bất đắc dĩ biến bất kỳ một quốc gia nào trên hành tinh thành thù địch dù là trong giả tưởng, nhưng một lần nữa khiến game thủ phải thất vọng, thể hiện qua lượng dislike thuộc hàng kỷ lục của đoạn trailer mà Infinity Ward dùng để công bố trò chơi.

Trailer công bố Infinite Warfare nhận hơn 3,8 triệu lượt dislike.

Sau hai tựa game thuộc hàng thảm họa về doanh thu và danh tiếng (dù công bằng mà nói, phần chiến dịch của Infinite Warfare rất hấp dẫn), Infinity Ward có vẻ như đang rơi vào cảnh trên đe dưới búa. Nhưng thật may mắn là vào thời điểm này, phương thức Activision khai thác thương hiệu Call of Duty đã thay đổi từ lâu khi họ cho các studio của mình đến 3 năm để làm game thay vì chỉ 2 năm như trước đó, nên Infinity Ward vẫn còn có thời gian để thể hiện mình. Có vẻ như Activision đã nhận ra rằng ý tưởng cần có thời gian để ấp ủ và trau chuốt còn tài năng cũng cần được chăm bẵm và tôn trọng chứ không nên bị “nhào nặn” tùy ý thích hay sa thải vô tội vạ, bởi tiền thì dễ kiếm, nhân tài lại khó tìm.

Một lợi thế nữa mà Infinity Ward bất ngờ nhận được vào thời điểm họ đang chuẩn bị cho Modern Warfare là sự trở lại của khá nhiều nhân viên cũ. Có một số tin tức nói rằng họ trở lại với studio sau nhiều bất mãn với EA và lời mời gọi của các đồng nghiệp cũ, nhưng nguyên nhân tại sao không quan trọng, điều quan trọng là họ đã trở về. Trong số những người quay lại với mái nhà xưa, có những cái tên như Joel Emslie, Geoff Smith, Mark Grigsby, Dom McCarthy, Madison Cromwell… Đó là những nhân vật từng giữ vai trò quan trọng trong các dự án Call of Duty trước của Infinity Ward, dù hơi tiếc là cả hai nhà sáng lập Jason West và Vince Zampella đều không trở về. Hiện tại Vince Zampella vẫn đang là CEO của Respawn trong khi Jason West tuyên bố nghỉ hưu và rời Respawn năm 2013 nhưng lại trở lại làng game khi gia nhập Epic Games hồi tháng 4 năm nay.

Từ Ghosts đến Modern Warfare: 6 năm thăng trầm của Infinity Ward

Jason West (trái) và Vince Zampella (phải)

Với ba năm cùng những nhân sự tài năng, Infinity Ward vẫn cần phải làm ra một tựa Call of Duty mới thật xuất sắc. Chúng ta đã biết rằng họ thành công với Modern Warfare (2019), nhưng có lẽ thành công này một phần đến từ… Sledgehammer. Vào thời điểm đó, Call of Duty: WW2 của Sledgehammer vẫn chưa được công bố, nhưng chính ý tưởng “trở về nguồn cội“ này đã gợi ý cho Infinity Ward rằng họ nên reboot lại bản thân lẫn dòng game của mình bằng cách trở lại với Modern Warfare, nhưng trong một bối cảnh mới, một thế giới mới.

Và thế là Modern Warfare (2019) ra đời. Nó vẫn là một tựa game mắc kẹt trong cuộc chiến chống khủng bố của các nước phương Tây ở Trung Á, vẫn vay mượn ý tưởng từ các bài báo nói về chiến tranh, nhưng Infinity Ward biết rằng đó chính là thứ game thủ cần: một trải nghiệm đáng tin, hoàn toàn có thể xảy ra khi họ nhìn vào những gì đang diễn ra ngoài đời thực. Dĩ nhiên Infinity Ward vẫn bẻ cong lịch sử nhằm phục vụ cho mục tiêu thể hiện game thủ là “người tốt” khiến Modern Warfare chịu nhiều chỉ trích ngoài đời, nhưng nếu xét trên khía cạnh cốt truyện và gameplay thuần túy, trò chơi thực sự hết sức thành công.

Từ Ghosts đến Modern Warfare: 6 năm thăng trầm của Infinity Ward

Qua những điểm số hay lời khen ngợi mà Modern Warfare (2019) nhận được sau 3 tuần ra mắt, chúng ta có thể nói rằng Infinity Ward đã tìm lại được chính mình. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu tiên trong cuộc hành trình mới của những Price, Soap, Ghost… quen thuộc. Liệu chất lượng và danh tiếng của phiên bản 2019 có tiếp tục đồng hành cùng Call of Duty và Infinity Ward trong những phiên bản sẽ ra mắt vào 2022, 2025 hoặc xa hơn nữa hay không?

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e