Như Mọt đã đề cập ở bài viết trước về làng game và kim tiền, sức ép đồng tiền đang khiến các hãng game lớn ngày càng ngại thử ý tưởng mới. Chính điều này khiến họ rơi vào cơn khủng hoảng ý tưởng, các game ra mắt mới đều là phần tiếp theo, tiếp nối các phần đã thành công hoặc tìm về quá khứ để làm lại các dòng game cũ. Trong khi đó trách nhiệm tiên phong sẽ được “đẩy” về cho game indie do yếu tố khởi nghiệp và tham gia cuộc chơi kiểu lấy số lượng thử lửa.
Các hãng game lớn và vấn đề tiền bạc
Các hãng game lớn hiện tại đang gặp một khủng hoảng chung về ý tưởng. Đó là ngày càng ít ý tưởng đột phá cũng như game mới mang những cải tiến đáng kể. Nguyên nhân đã từng được Mọt phân tích trước đây, đó là gánh nặng về kinh phí làm game ngày càng cao khiến họ không cho phép mình thất bại. Chính điều đó khiến các hãng luôn chọn lối đi an toàn dựa trên những game đã thành công hơn là mạo hiểm hàng trăm triệu USD vào một con game AAA đột phá nhưng không biết có được đón nhận hay không.
Đây chính là lý do nhiều năm nay các hãng game lớn thường “đào” lại các sản phẩm cũ để làm lại với hy vọng ý tưởng cũ sẽ ít thất bại hơn là làm ý tưởng mới. Sự đột phá của Death Stranding là một trong những thành công hiếm hoi của việc dám đổi mới, nhưng rồi người ta lại lo ngại với từng ấy doanh số thì liệu Kojima có đủ tiền mua gạo ăn để tiếp tục cho ra ý tưởng?
Không nhiều hãng dám làm như Kojima và Sony. Chính vì vậy các bom tấn gần đây đều khởi phát từ các nhóm phát triển nhỏ (đơn cử như Fall guys), những nhà làm game indie.
Các nhóm indie và chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt
Ngược lại với các hãng lớn, các nhóm làm game nhỏ và indie lại rất xông xáo trong việc tìm kiếm ý tưởng mới. Họ phải dùng ý tưởng và sự độc đáo để khỏa lấp đi sự thiếu thốn về công nghệ cũng như các yếu tố đồ họa đẹp mắt nhưng đắt đỏ. Mặt khác, các khởi nghiệp game indie cạnh tranh rất sôi động bằng khả năng tìm ý tưởng của mình. Các game indie có thể ngắn, đồ họa tầm trung nhưng ý tưởng về cốt truyện hay gameplay luôn phải khiến người ta chơi mê mẩn không rời.
Chính vì lý do đó, sự thành công của một số điển hình nhà phát triển indie được chắt lọc và một số trong đó trở nên vượt trội trở thành trào lưu. Battle Royale xuất phát từ một nhà phát triển nghèo không có khả năng làm game riêng mà khởi nghiệp từ một bản mod, Auto Chess cũng là thành quả của một nhóm nhà phát triển nhỏ viết một bản mod đề xuất cách chơi cực dị cho Dota 2. Những sự thành công đó gây chú ý cho cộng đồng và chúng nhanh chóng trở thành một trào lưu.
Từ trào lưu này dẫn đến một cơ hội dành cho các hãng game lớn vốn đang có nhân lực, có tài nguyên, chỉ thiếu mỗi ý tưởng. Thế là cuộc chiến “lớn đè nhỏ” bắt đầu.
Khi hãng game lớn đi theo sau học hỏi ý tưởng mới
Chắc không cần phải nhắc đâu xa, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều hãng game lớn đón nhận ý tưởng ban đầu rồi dùng sự chuyên nghiệp và sức mạnh sản xuất game của mình làm ra một sản phẩm tinh xảo hơn để rồi thành công lấn át những nhà phát triển indie tiên phong. Nếu không tính PUBG vốn do chính chủ cầm trịch thì các Battle royale ra mắt sau như Fortnite, Apex Legends, Call of Duty Warzone… đều thành công lớn làm lu mờ các ý tưởng ban đầu. Tương tự, Riot cũng đang khá ổn với Đấu Trường Chân Lý trong khi Auto Chess dường như đang cho thấy nó là một sáng kiến đoản mệnh.
Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là các hãng lớn luôn thành công. Bằng chứng là có hàng loạt game ăn theo trào lưu của những tên tuổi khá “bự” đã chết chìm. Nó vẫn phụ thuộc vào trình độ tối ưu sáng kiến gốc, nếu hãng to mà không phát triển lên được ý tưởng ban đầu thì vẫn… chết nhăn răng.
Tuy nhiên cái chính ở đây là nó đang dần cho thấy một bức tranh tương lai của nền công nghiệp game. Ở đó, game indie và những công ty game nhỏ sẽ đi tiên phong trong khi hãng game lớn đi theo sau gom ý tưởng rồi tinh chỉnh lại.
Trật tự làng game sẽ thay đổi?
Như đã nói ở trên, các hãng game lớn bị khủng hoảng ý tưởng vì họ không dám thử nghiệm các ý tưởng đột phá, gánh nặng hàng trăm triệu USD tiền vốn cho mỗi game không cho phép họ mạo hiểm. Và thật may mắn họ đã tìm ra một cái mỏ ý tưởng đầy ắp: game indie.
Hãy thử tưởng tượng có một cộng đồng làm game sẵn sàng lao vào lửa thử nghiệm hàng loạt ý tưởng mới với thị trường. Đó chẳng phải là một kho để học hỏi mà không sợ phải mạo hiểm tự thử nghiệm sao?
Thông thường, mặt tiêu cực của việc học theo là mất vị thế tiên phong nhưng nó chỉ thật sự đáng sợ khi hai bên cạnh tranh ngang sức. Còn đối với một sản phẩm indie thiếu thốn mọi bề so với một hãng lớn nguồn lực vô biên, việc chậm vài nhịp chẳng làm nên vấn đề. Các hãng lớn hoàn toàn có thể dùng chất lượng đồ họa, sự tinh chỉnh từ các chuyên gia đầy kinh nghiệm vào gameplay để khỏa lấp sự chênh lệch đó dễ dàng.
Bạn có thể thấy sự đột phá mà PUBG làm nên so với bản mod đầu tiên là DayZ đầy thiếu thốn của Brendan Greene và sau đó lại là Apex Legends tối ưu gameplay Battle Royale một cách chuyên nghiệp như thế nào. Nên nhớ Apex Legends được tạo bởi những bàn tay đầy kinh nghiệm từng làm nên Call of Duty 4: Modern Warfare và Titanfall, những game FPS lừng danh một thời.
Hiện tại điều này vẫn chưa quá rõ ràng nhưng các ý tưởng game indie đột phá sắp tới có thể chứng kiến quy trình “tí hon đi trước, hãng lớn theo” sau trở nên quen thuộc hơn.
Kết
Với sự khủng hoảng hiện tại của làng game, đây có thể là hướng đi khả dĩ nhất cho các hãng game lớn vừa tạo nguồn thu mạnh lại vừa ít phải mạo hiểm tự làm và thử nghiệm các ý tưởng mới. Còn đối với các nhà phát triển indie, đây có thể là một cơ hội để họ nhảy vọt từ một nhóm nhỏ thành một bộ phận bên trong một hãng lớn.
Brendan Greene đã có một nơi yên vị với PUBG, Drodo Studio đã mang ý tưởng Auto Chess làm thành game độc lập và trở thành đối tác được các hãng lớn chống lưng. Đó là những ví dụ của việc những nhà sáng tạo indie cũng sẽ hưởng một phần thành công của mình và lớn mạnh.
Có thể xem như tất cả đều thắng trong cuộc chơi này.