Bất cứ một sự thống trị nào cũng đều là con dao hai lưỡi và có ẩn chứa rất nhiều mặt tối đằng sau mà cộng đồng game thủ có thể chưa biết, Twitch cũng không phải ngoại lệ. Nền tảng livestream này vẫn đang có rất nhiều điều hạn chế khiến cộng đồng người dùng không thể hài lòng được. Thậm chí, đằng sau vẻ hào nhoáng của Twitch là những điều tiêu cực khiến giới game thủ hay truyền thông phải rùng mình khi nó được đưa ra ánh sáng.
Twitch không có phản hồi nghiêm túc với các hành vi quấy rối
Đôi khi, cộng đồng đã phải đặt ra câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm kiểm soát các hành vi tiêu cực trên Twitch. Nhiều người dùng thấy rằng bản thân những người điều hành nên làm việc chăm chỉ hơn để loại bỏ những kẻ quấy rối.
Không phủ nhận loại bỏ tất cả những tiêu cực có trên internet là việc không dễ dàng gì. Một streamer có tên Zombaekillz đã có một buổi phát trực tiếp Minecraft Dungeon ngay trên trang nhất của Twitch. Đây là một cơ hội cực kỳ to lớn và cô sẽ livestream cùng con gái của mình. Tuy nhiên, trong quá trình stream, cô đã phải cấm tới 54 người dùng vì những lời lẽ phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc.
Zombaekillz không phải trường hợp duy nhất. Các streamer nữ khác cũng chia sẻ rằng trở ngại lớn nhất trong sự nghiệp trên Twitch chính là nạn quấy rối. Trong khi Twitch nói họ đã tăng gấp đôi nhân viên xử lý những vấn đề này nhưng thực tế, vấn đề gần như vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Những khía cạnh tiêu cực của nền tảng Twitch chính là thực trạng đáng buồn mà các streamer nữ đang phải đối mặt khi quyết định dấn thân vào nghề này. Hassan Bokhari của Twitch đã bị chấm dứt hợp đồng sau khi bị một nữ streamer có tên Vio cáo buộc có hành vi sai trái. Dĩ nhiên là cô có đầy đủ bằng chứng để tố cáo lên Twitch. Tuy nhiên, cô chia sẻ cách xử lý vấn đề của công ty khiến cô cảm thấy “buồn vui lẫn lộn”. Và đằng sau đó vẫn còn rất nhiều vụ việc đã, đang xảy ra mà chưa được công khai ra ánh sáng.
Quảng cáo trên Twitch gây khó chịu
Phần lớn doanh thu của các nền tảng trực tuyến miễn phí sẽ phụ thuộc vào quảng cáo và Twitch không phải ngoại lệ. Một trong những vấn đề về quảng cáo được nhiều người quan tâm nhất là doanh thu sẽ đi về đâu.
Thông thường, chỉ những người làm livestream có tiếng trên Twitch (hay còn gọi là đối tác) mới có thể kiếm tiền từ doanh thu quảng cáo. Đối với phần còn lại của cộng đồng người dùng, như Affiliate hay Streamer chưa có nhiều tiếng tăm lắm, bất kỳ doanh thu nào từ quảng cáo sẽ thuộc về Twitch.
Chính vì phần lớn doanh thu phụ thuộc vào quảng cáo nên nó sẽ gây khó chịu cho người xem trong nhiều trường hợp. Khách hàng của nền tảng đã rất khó chịu vì ngay cả khi bỏ tiền ra nâng cấp lên Twitch Prime, họ cũng không loại bỏ được việc xem quảng cáo. Twitch cũng đã từng thử nghiệm việc đặt quảng cáo vào giữa các nội dung nhưng bị khán giả phàn nàn và bỏ phiếu phản đối vì nó gây tụt cảm xúc khi đang xem những nội dung hấp dẫn.
Đạo luật bản quyền kỹ thuật số
Từ năm 2014, Twitch đã hợp tác với Audible Magic để rà soát các luồng livestream trên nền tảng và tắt tiếng nếu những nội dung đó chứa nhạc không có giấy phép, theo Đạo luật bản quyền kỹ thuật số từ năm 1998. Tuy nhiên, công ty đã không phổ biến quyết định này ngay từ đầu, việc thực thi quyết định có phần đột ngột đã khiến cộng đồng thấy thực sự khó chịu. Giám đốc điều hành của Twitch, Emmet Shear, đã phải xin lỗi rằng việc không thông báo cho cộng đồng là một sai lầm và hứa sẽ chấn chỉnh là quyết định này.
Mặc dù lời cam đoan có thể tạm thời xoa dịu người hâm mộ nhưng thực tế thì tình trạng vẫn xảy ra đến tận ngày nay. Vào tháng 6 năm 2020, một đợt truy quét DMCA (Digital Millennium Copyright Act – Đạo luật bản quyền kỹ thuật số) lại tiếp tục. Twitch nhận được yêu cầu phải gỡ bỏ đối với các clip có chứa nhạc được phát hành từ năm 2017 tới năm 2019.
Lệnh yêu cầu gỡ bỏ này khiến những người làm nội dung trên Twitch thấy thực sự căng thẳng bởi lẽ nó đi kèm với chính sách gắn cờ của nền tảng. Khi streamer bị gắn cờ cảnh báo nội dung có chứa bản quyền nhiều lần, họ có thể sẽ phải đối mặt với lệnh cấm vĩnh viễn. Nhưng điều đáng lo ngại là chính streamer cũng không nhận ra mình bị gắn cờ trong hàng đống nội dung đã đưa lên Twitch.
Nước đi sai lầm của Twitch với Ninja
Trong năm 2019, vụ việc Ninja quyết định rời Twitch để ký hợp đồng với Mixer đã gây xôn xao cộng đồng game thủ. Khi Ninja rời đi, anh để lại kênh Twitch của mình với 14 triệu lượt người đăng ký. Thay vì xóa kênh, Twitch đã quyết định giữ nó lại. Người hâm mộ vẫn có thể xem lại những nội dung cũ của Ninja, Twitch cũng tận dụng kênh để quảng bá các kênh khác trên nền tảng của họ.
Tuy nhiên, đây chính là một nước đi sai lầm của Twitch. Kênh cũ của Ninja bắt đầu xuất hiện quảng cáo của những nội dung 18+ mà chính Twitch cũng không kiểm soát được. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề tới danh tiếng của Ninja. Quá tức giận, anh đăng một video lên Twitter để giải thích tình hình cho người hâm mộ và quan trọng hơn là những vị phụ huynh của các em nhỏ. Bởi lẽ trong nhiều năm, Ninja đã dày công xây dựng những nội dung thân thiện với các gia đình. Dĩ nhiên, anh không hề muốn người xem cảm thấy bị phản bội bởi một kênh Twitch mà mình đã từ bỏ.
Giám đốc điều hành của Twitch, Emmet Shear, đã gửi lời xin lỗi trên Twitter tới Ninja và cộng đồng người hâm mộ. Vụ việc cuối cùng cũng đã được giải quyết một cách ổn thỏa và Ninja cũng quay trở lại Twitch vào tháng 9 năm 2020.