Khái niệm đạo nhái xuất hiện từ bao giờ?
Nhà quân sự lỗi lạc Tôn Tử từng dạy: biết người biết ta, trăm trận không thua. Vậy nên trước khi đào sâu vào vấn đề, ta phải làm rõ đạo nhái là gì? Đạo nhái có mặt ở xứ gấu trúc từ lúc nào? Vì sao các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc lại ưa thích việc học tập ý tưởng của người khác như vậy? Đầu tiên chính là tên gọi. Nếu ở nước ta hành vi này gọi là làm nhái hay “copycat” trong tiếng Anh thì bên Trung sẽ gọi chúng với cái tên “sơn trại”.
Có nhiều giả thuyết cho sự ra đời của danh từ này. Giả thuyết đầu tiên thì “sơn trại” xuất hiện lần đầu ở Thâm Quyến vào năm 1990. Lý do bởi vì Thâm Quyến vốn là nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa, hội đủ mọi yếu tố thuận lợi cho việc kinh doanh của nhóm người chuyên buôn lậu cũng như làm hàng nhái. Giả thuyết thứ hai, người ta cho rằng từ này xuất hiện lần đầu ở Hongkong vào những năm 1950. Chuyên dùng để nói về các xưởng sản xuất hàng nhái phục vụ nhu cầu thích sang nhưng phải rẻ của người dân.
Ban đầu, việc làm hàng nhái chỉ quanh quẩn trong lĩnh vực may mặc tiêu dùng như quần áo, giày dép, túi xách… Về sau quy mô của nó được mở rộng sang nhiều mảng khác như thiết bị điện tử, đồ ăn thức uống, thậm chí trò chơi điện tử cũng không thoát khỏi làm sóng làm nhái. Tại sao phải uống Starbuck khi bạn có thể uống Sunbuck? Nhâm nhi gà rán KFD thay vì KFC. Dùng đồ thể thao Adibas thay vì Adidas hay kỳ quái nhất vẫn là chơi POPStation của hãng SQNY?
Có một thời bên nước bạn tràn ngập các mặt hàng đạo nhái, đến mức chính người dân xứ đó còn cảm thấy rằng mua hàng nhái là chuyện hết sức bình thường. Không nói đến những sản phẩm kém chất lượng với mức giá rẻ mạt, đồ nhái nhưng được đầu tư kỹ lưỡng sẽ không quá kém so với hàng chính hãng trong khi giá lại rẻ hơn ⅓ thì ai chẳng thích. Chính Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba từng tuyên bố rằng “Bây giờ hàng nhái có chất lượng lẫn giá cả tốt hơn hàng thật.”
Đó không phải là nhận định vô căn cứ vì thủ phủ công nghệ Thâm Quyến của Trung Quốc có rất nhiều công xưởng chuyên sản xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Trong quá trình làm thuê, họ đã tranh thủ học hỏi được công nghệ của nước ngoài. Từ đó các sản phẩm được làm theo đúng tiêu chuẩn hàng hiệu được ra đời, có điều nó không được gắn nhãn mác của thương hiệu nổi tiếng nên mới bị gọi là hàng nhái mà thôi.
Có thể nói làm hàng nhái không chỉ là một quá trình mà nó còn trở thành một hệ tư tưởng. Nhiều người cho rằng lý do xứ gấu trúc thích việc ăn xổi hơn tự tạo ra cái mới là do môi trường giáo dục của nước này gò bó tư duy, từ đó làm giảm động lực cũng như tư duy sáng tạo. Số khác lại cho rằng sự thịnh vượng của hoạt động kinh doanh tại Thâm Quyến mới là nguyên nhân chính.
Tại sao người Trung Quốc thích làm đạo sĩ?
Trở lại với chuyện copy game, ta biết rằng Trung Quốc không thiếu những trò chơi chất lượng với đồ họa đẹp mắt cùng cốt truyện ấn tượng. Ngoài những cái tên vẫn còn trong giai đoạn phát triển như Black Myth Wukong hay Lost Soul Aside thì các sản phẩm đã ra mắt có thể kể đến như The Wind Road, Faith of Danschant, series Sword and Fairy. Nếu từng trải nghiệm bạn sẽ thấy các trò chơi này dù chưa thể gọi là bom tấn thì chúng hoàn toàn vẫn có thể được xếp vào danh sách game đáng để chơi.
Điều này chứng tỏ nếu muốn thì anh bạn gấu trúc vẫn có khả năng làm ra những tựa game chất lượng ổn thỏa mà không cần đi theo con đường đạo sĩ. Ấy thế mà tại sao dù đã tu thành chính quả như thế, xứ này vẫn thích việc xào lại hàng của người khác hơn là tự tạo ra một tựa game chất lượng cho riêng mình? Theo tôi thì nguyên nhân nằm ở việc game hay không chỉ nằm ở mặt đồ họa mà còn ở cả lối chơi, cốt truyện cũng như tối ưu hóa trò chơi.
Game đẹp nhưng cốt truyện dở? Ra chuồng gà. Game đẹp, cốt truyện hay nhưng lối chơi chán? Ra chuồng gà. Game đẹp, cốt truyện hay, lối chơi ổn nhưng tối ưu kém? Cũng ra chuồng gà nốt. À đó là chưa kể nhiều game hỏi đến thì ai cũng kêu hay lắm nhưng mua về chơi thì không. Lý do đơn giản là vì không hợp gu. Không tin bữa nào rảnh rỗi tôi làm cái top các game bị đánh gia quá thấp trong những năm vừa qua cho xem. Bảo đảm nhiều game rất hay nhưng số phận cũng rất chi là long đong.
Bởi mới nói làm game nói nghe thì dễ, nhưng nếu đi sâu vào tìm hiểu thì ta mới thấy nó dễ, dễ thất bại ấy. Đâu phải tự nhiên mà một năm ra hơn chục tựa game, nhưng trò chơi hay lên top này top nọ, bán được triệu bản trong tuần ra mắt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể đến thời gian để lên kế hoạch phát triển một tựa game chất lượng phải tính bằng năm và chi phí thì cứ thế tăng dần theo thời gian sản xuất một tựa game.
Để dễ hình dung thì bạn cứ nghĩ làm game như chơi một canh bạc vậy. Game hot thì lên làm tỷ phú, có tiền phát triển tiếp, lỡ cược số tiền cao nhưng game flop dập mặt thì cứ xác định húp nước cháo loãng cầm hơi. Mà kinh doanh thì ai chẳng đặt lợi nhuận lên hàng đầu? Trừ khi nhà bạn rộng bằng cái sân vận động hay trồng được cây mọc ra tiền, thì làm gì có ai muốn đầu tư cho một thứ không thu được lợi nhuận? Bạn có thể nói biết đâu họ làm game vì đam mê thì sao nhưng bạn ơi, người thì vẫn cần ăn để sống và sống thì mới đam mê được. Chứ làm gì có con zombie nào biết đam mê đúng không?
Chính điều này đã dẫn đến việc các công ty game, mà đặc biệt là của nước nào đấy lười mạo hiểm và bắt đầu thích ăn xổi. Tại sao tôi lại nói thế? Nếu là một công ty làm game vì lợi nhuận, tôi xin nhấn mạnh là vì lợi nhuận nhé. Bạn sẽ muốn tự làm ra một tựa game nhưng chưa biết biết lời lỗ thế nào hay làm một tựa game với chi phí tối thiểu vì mọi thứ được sao chép từ studio khác? Tôi nghĩ vì tiền thì chắc phải chọn cái thứ hai, ít chi phí đồng nghĩa ít mạo hiểm, bài toán quá đơn giản.
Đầu tư làm game bài bản lời có khi chẳng được mấy đồng vì chi phí đầu vào phải trả cho nhiều thứ quá rồi. Dăm ba cái danh hiệu game đột phá, game hay nhất có khi chẳng giúp bán thêm được bao nhiêu đĩa đâu. Đằng nào cũng làm game vì tiền thì cứ chọn cách nào mà chi phí đầu tư ít nhất thì mới sinh lợi tối đa nhất. Đó là chưa kể đến việc nếu cải tiến được vài điểm thiếu hụt của bản gốc, khéo cái game copy còn được tiếng thơm với ăn nên làm ra không biết chừng.
Ngoài ra nếu đã xác định không bận tâm đến danh tiếng thì khi con game hot nào đó ra mắt, cứ liều mạng đạo nhái ăn theo, sẽ kéo được rất nhiều fan chính chủ vào quan tâm. Tất nhiên quan tâm ở đây là tai tiếng chứ không phải danh tiếng nhưng bài toán marketing thường không phân biệt hai thứ này. Họ chỉ quan tâm đến tương tác và tìm kiếm nên cơ bản không cần bỏ chi phí, tự nhiên lại được người ta chỉ mặt gọi tên trên mạng xã hội thì gọi là thành công chứ gì nữa.
Đó chính là tâm lý chung của một bộ phận các nhà sản xuất chuyên làm game chợ trời ở xứ tỷ dân. Thứ họ quan tâm là lợi nhuận chứ không phải là một sản phẩm tâm huyết. Đương nhiên tôi không vơ đũa cả nắm vì Trung Quốc vẫn còn nhiều studio làm ăn nghiêm túc nhưng các xưởng làm game kiểu chợ trời kia cũng đâu có ít. Bạn biết tâm lý ăn theo chứ? Khi một thứ đột nhiên hot thì chắc chắn sẽ có hàng loạt những sản phẩm ăn theo, gọi vui là đú trend đấy.
Chẳng hạn như lúc Squid Game còn hot. Khi search trò chơi con mực trên CHPlay thì bạn sẽ được một loạt kết quả là các tựa game ăn theo thể loại này. Để ý kỹ bạn sẽ thấy điểm đặc trưng của những trò chơi này là đồ họa thấy gớm chẳng khác gì một đám mới học code ra làm game vậy. Lý do vì đâu? Vì những tựa game này được tạo ra để bắt trend nhằm mục đích thu tiền từ lượt hiện quảng cáo. Mà muốn bắt trend thì phải nhanh, càng nhanh càng tốt mà trên đời thì chẳng có gì nhanh bằng việc đi copy cả.
Làm game kiểu này rất tệ nhưng được cái chi phí sản xuất thấp, tốc độ sản xuất nhanh, lại không yêu cầu quá nhiều kỹ năng chuyên môn. Quan trọng là do tối ưu được mọi thứ nên lợi nhuận thu về lại rất khả quan. Thế là các công ty làm game nhỏ sẽ tận dụng triệt để. Không chỉ ở Trung Quốc, cái trò làm sgame bất lương chỉ nhằm mục đích ăn theo trend này được cả thế giới cùng hưởng ứng. Tất nhiên làm kiểu này quá thất đức nên không phải ai cũng muốn dính vào, trừ phi bất đắc dĩ.
Tương lai nào cho ngành game Trung Quốc?
Trở lại với phi vụ đạo nhái game, dù có quá nhiều phốt đi copy game của người ta nhưng thời gian gần đây mọi chuyện có vẻ đã khởi sắc hơn khi các studio tại Trung Quốc đã giới thiệu không ít game chất lượng. Chẳng hạn như series game giải đố Áo Cưới Giấy, tựa game giả lập làm người mang tên Hành Trình Cuộc Đời hay trò chơi mang idol của tôi xuống đáy xã hội mang tên Nobody: The Turnaround. Cho thấy anh bạn gấu trúc có đủ sức để phát triển một tựa game nổi tiếng của riêng mình nếu anh ta muốn.
Đấy là chỉ khi anh ta muốn thôi nhé, còn với tình hình hiện tại thì vẫn khó nói lắm vì bên cạnh những game ăn xổi mà tôi chẳng buồn điểm tên, thì cái nghề đạo sĩ kiêm cải tiến này cũng cho ra đời nhiều game thành công cả về danh tiếng lẫn doanh thu như Identity V, Blue Monster Escape hay Werewolf Among Us, vân vân và mây mây. Trong tương lai chưa biết thế nào nhưng hiện tại đạo nhái vẫn còn ăn nên làm ra lắm. Đầu tư hợp lý, bắt đúng trend, cải tiến đôi chút và bùm, chúng ta sẽ có một game chơi được.
Chính vì lẽ đó nên bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu tình trạng copy vẫn còn tiếp diễn thêm vài năm nữa. Có điều nhưng tôi nghĩ sẽ sớm thôi, khi anh bạn gấu trúc bắt đầu thoát khỏi guồng quay này và thay đổi cách làm game, thì cuộc chơi không còn là trận đấu riêng giữa Âu Mỹ và Nhật Bản nữa. Chẳng phải tự nhiên mà Tencent trở thành một trong những công ty game lớn nhất thế giới khi vung tiền thâu tóm cổ phần các studio lớn nhỏ. Chỉ cần người ta chịu bán, Tencent chắc chắn chịu mua và hãy xem danh sách các doanh nghiệp có có phần của Tencent đi, có khi bạn sẽ choáng.
Cụ thể ngoài việc nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại các công ty tên tuổi như Epic Games (40%), Riot (100%), Funcom (100%) hay SuperCell (84%), Grinding Gear Games – cha đẻ của Path of Exile (84%) thì Tencent còn sở hữu cổ phần của nhiều hãng game khác ở mức độ nhỏ hơn. Có thể kể ra vài cái tên khiến người ta sửng sốt như Ubisoft (5%), Netmarble (17,66%), Activision Blizzard (5%), Paradox Interactive (5%)… À do tôi lười cập nhật nên số liệu này là của năm 2021 nha. Đã hai năm rồi, không biết vòi bạch tuộc của 10xu còn vươn dài tới đâu nữa.
Tóm lại việc pháp sư Trung Hoa thích làm đạo sĩ thứ nhất là vì họ thích tu tiên nên đạo sĩ đã trở thành một hệ tư tưởng. Chuyện này có người muốn thay đổi nhưng khó mà bỏ được trong ngày một ngày hai. Kế đến làm đạo sĩ thì vốn ít lời nhiều, cuối cùng đạo sĩ có 7749 phép thần thông biến hóa như Tôn Ngộ Không nên chỉ số an toàn sẽ rất cao khi tiếp cận thứ gì đó mới lạ. Thứ tư thì tôi chưa nghĩ ra, các bạn có ý kiến nào thú vị thì để lại cho tôi biết với.
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~