Sau hai phiên bản Pillas of Eternity được phát hành vào năm 2015 và 2018, nhà phát triển Obisidian đã công bố một tựa game mới lấy bối cảnh thế giới Eora mang tên Avowed. Trò chơi được họ công bố tại sự kiện Xbox vào cuối tháng 7 vừa qua và đã gây được sự chú ý cho game thủ dù tất cả những gì game thủ được thấy chỉ là một trailer ngắn ngủi và không có chút gameplay nào.
" alt=""
Như bạn có thể thấy trong trailer trên, game thủ thế giới chỉ có thể biết rằng Avowed sẽ là một tựa RPG với góc nhìn người thứ nhất (giống dòng game The Elder Scrolls), và chẳng có một thông tin nào khác về trò chơi được tiết lộ. Ngay cả việc game lấy bối cảnh thế giới Eora cũng chỉ được tiết lộ qua mô tả của trailer, nhưng điều đó không ngăn cản các fan RPG “phát cuồng” vì trò chơi này.
Một nhà phát triển giàu thành tích nhưng lận đận
Lý do mà game thủ phản ứng một cách tích cực với Avowed thật ra không khó hiểu: với những game thủ yêu thích thể loại RPG, cái tên Obsidian đồng nghĩa với những tựa game kinh điển dù bản thân công ty lại không đạt được thành công về mặt tài chính. Trước khi thả mình vào vòng tay của Ubisoft, nhà phát triển này đã có nhiều lận đận và trải qua một lần giải thể trước khi đến được với thành công hiện nay.
Cụ thể, tiền thân của Obsidian là Black Isle Studios – một công ty con của hãng Interplay Entertainment. Họ là tác giả của tựa Fallout đầu tiên và hàng loạt cái tên có tiếng khác như Icewind Dale, Baldur’s Gate, Planetscape: Torment. Chúng là những tựa game hấp dẫn và nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng lại không thành công về tài chính khiến Interplay quyết định giải thể studio vào năm 2003. Cuối cùng ngay cả Interplay cũng gặp rắc rối tiền bạc và buộc phải bán các thương hiệu game của mình cho các công ty khác trong làng game. Thương hiệu Fallout rơi vào tay Bethesda theo một cách đầy mờ ám mà Mọt sẽ nhắc đến sau.
Sau khi bị Interplay giải thể, những cựu binh của Black Isle Studios thành lập studio mới Obsidian vào năm 2003. Họ tiếp tục thực hiện những tựa game RPG kinh điển nhưng chỉ trong vai trò là kẻ làm thuê, bao gồm Star Wars: Knight of the Old Republic 2 – The Sith Lords cho LucasArts và Neverwinter Nights 2 cho Atari. Họ cũng có một dự án khác cho Disney là game về… Bạch Tuyết và bảy chú lùn, nhưng đáng tiếc là Disney thay đổi lãnh đạo và vị giám đốc điều hành mới quyết định hủy bỏ dự án.
Thật ra, vận rủi vẫn không buông tha Obsidian cho đến lúc họ được Microsoft mua lại và bắt tay vào dự án Avowed. Cụ thể, sau khi Obsidian đạt được thành công lớn cả về doanh thu lẫn danh tiếng với Pillars of Eternity vào năm 2015, tựa game nối tiếp Pillars of Eternity 2 lại là một thất bại khó hiểu của họ. Dù Pillars of Eternity 2 chỉ thua bản gốc có đúng 1 điểm trên Metacritic (88 so với 89), nó lại có doanh thu kém cỏi khiến một sếp của studio phải nói rằng mình nếu tiếp tục làm game Pillar, họ sẽ phải xem xét lại toàn bộ định dạng của trò chơi.
Và “mối thù” với Bethesda
Trái ngược hẳn với Black Isle / Obsidian, các tựa game của Bethesda luôn thành công về doanh thu và giúp nhà phát triển / phát hành này đạt tới tầm vóc hiện tại dù có không ít vấn đề tồn đọng trong những tựa game của họ, chẳng hạn bug tồn tại hàng thập kỷ hay tựa game Fallout 76 hết sức đáng ngờ. Chỉ cần lên bất kỳ một diễn đàn game nào, bạn đều có thể tìm thấy những người bày tỏ sự không hài lòng về các tựa game của Bethesda.
Dĩ nhiên là các game của Bethesda cũng có nhiều điểm mạnh đủ để thu hút game thủ, chẳng hạn chúng đem lại những thế giới tươi đẹp, rộng lớn mà game thủ có thể bỏ ra hàng trăm giờ đồng hồ để khám phá mà không biết chán. Việc tập trung vào lối chơi và đồ họa phần nào cũng khiến game của họ dễ tiếp cận hơn, bởi đó là những thứ mà chúng ta có thể nhận ra ngay lập tức chứ không mất nhiều thời gian tìm hiểu như cốt truyện nhiều nhánh rẽ tùy theo lựa chọn của game thủ.
Sau khi lấy được quyền sử dụng thương hiệu Fallout từ Interplay vào năm 2004 (và sau đó chiếm luôn thương hiệu này vào năm 2007), Bethesda tạo ra Fallout 3 và đây lại là một thành công rực rỡ. Để khai thác thành công này, các sếp Bethesda tìm đến Obsidian và đặt ra một yêu cầu: giúp họ phát triển bản Fallout kế tiếp, trong khi đội ngũ Bethesda bận rộn phát triển Skyrim (đúng vậy, Fallout: New Vegas và Skyrim được phát triển cùng thời điểm). Bethesda hứa với rằng nếu điểm số Metacritic của Fallout: New Vegas đạt từ 85 trở lên, họ sẽ trao cho Obsidian một khoản tiền thưởng hết sức hậu hĩnh.
Để tạo ra được Skyrim, Bethesda đã bỏ ra khoảng 4 năm trời (tính từ DLC cuối của Oblivion là Shivering Isle) hoặc hơn nữa, trong khi thời gian mà Obsidian có để làm ra Fallout: New Vegas là… 18 tháng. Đây là một khoảng thời gian quá ngắn để phát triển và hoàn thiện một tựa game như Fallout: New Vegas, chưa kể đến việc Obsidian có rất ít kinh nghiệm làm game trên một engine 3D, góc nhìn người thứ nhất như Fallout 3. Vì vậy, việc trò chơi ra đời trong tình trạng chúng ta đã biết quả thực là một phép màu.
Sau khi Fallout: New Vegas được phát hành vào tháng 10/2010, điểm số Metacritic của trò chơi là 84, chỉ thấp hơn 1 điểm so với mức Obsidian cần để nhận được khoản tiền thưởng. Một số nguồn tin cho biết Bethesda đã cố ý “bắt chẹt” Obsidian khi cho quỹ thời gian quá ngắn, buộc họ phải tăng ca và cắt bỏ rất nhiều ý tưởng trong Fallout: New Vegas để hoàn thành trò chơi kịp hạn cuối. Số ít game thủ thậm chí còn nghi ngờ Bethesda đã mua chuộc một số reviewer để kéo thấp điểm số của Fallout: New Vegas, nhưng đây có lẽ chỉ là thuyết âm mưu nghe cho vui.
Điều duy nhất chúng ta biết được về kết quả của vụ “hợp tác” giữa Bethesda với Obsidian là việc đánh mất khoản tiền thưởng đó buộc Obisidian phải sa thải rất nhiều nhân viên, và một lần nữa studio này nằm bên bờ vực phá sản. Để cố gắng cứu vãn studio của mình, các sếp Obsidian tìm đến Bethesda với hi vọng sẽ nhận được một dự án Fallout mới nhưng Bethesda từ chối mọi lời đề nghị hợp tác vì nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là vì Obsidian không thuộc quyền sở hữu của Bethesda (Todd Howard từng nói rằng Bethesda “muốn giữ mọi thứ trong nội bộ”). Chán việc phải chờ đợi, Obsidian quyết định tự làm ra “kẻ kế vị tinh thần” cho Fallout: New Vegas và đó chính là The Outer Worlds, một tựa game vừa giống Fallout vừa giống Mass Effect vừa phát hành vào cuối năm 2019 vừa qua.
Cuộc đụng độ trong tương lai
Dù vào thời điểm này chúng ta chưa có nhiều thông tin về cả Avowed và The Elder Scrolls 6, chắc chắn game thủ đã nhận ra một sự tương đồng giữa cả hai trò chơi: cả hai đều là những tựa game RPG góc nhìn người thứ nhất, lấy bối cảnh một thế giới rộng lớn và đầy những điều kỳ bí. Nếu như The Elder Scrolls 6 được “buff” bởi danh tiếng của các phiên bản trước thì nó cũng bị kéo lùi bởi đủ thứ vấn đề mà các tựa game của Bethesda đang gặp phải gần đây, từ hàng núi bug tồn tại cả chục năm trời trong The Elder Scrolls đến tai tiếng của Fallout 76.
Trong khi đó, Obsidian lại đang trên đà thăng tiến – họ có nguồn tiền từ Microsoft và đang rất thành công với một loạt tựa game hấp dẫn là Grounded, The Outer Worlds, Pillars of Eternity. Nếu như The Outer Worlds là cách Obsidian kèn cựa với Fallout, Avowed là đối thủ trực tiếp của The Elder Scrolls 6 nên khi hai tựa game này ra mắt, việc chúng bị so sánh với nhau là điều không thể tránh khỏi. Đây sẽ là cơ hội để Obsidian lấy lại món nợ mà Bethesda từng vay với Fallout: New Vegas, và Mọt tui rất nóng lòng muốn biết cuộc đọ tài này sẽ kết thúc với phần thắng thuộc về ai.