WHO công nhận nghiện game là bệnh tâm thần phụ huynh có nên lo lắng?

Trong những năm gần đây, việc tiếp xúc với các trò chơi trực tuyến dần trở nên phổ biến khiến nhiều phụ huynh lo lắng về các loại bệnh lý về tâm thần và hệ lụy kéo theo.

Lo lắng này một lần nữa có cơ sở khi mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công nhận trong "Hướng dẫn phân loại bệnh" vừa công bố 18/06 nghiện chơi game được ghi nhận là bệnh tâm thần.

Dựa trên các nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Shekhar Saxena - Giám đốc đơn vị Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng chất thuộc WHO trong một phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) cho biết cơ quan này xếp nghiện game vào nhóm bệnh tâm thần. Qua một số nghiên cứu khoa học,  tiến sĩ Shekhar Saxena cho biết khi chơi game trong thời gian dài, não bộ của người chơi bị kích thích tương tự như sử dụng các chất kích thích. Hiện tại nhu cầu điều trị chứng nghiện game đang có chiều hướng gia tăng nhất là ở khu vực châu Á.


Tuy nhiên điều này không có nghĩa là phụ huynh và các game thủ nên lo lắng vì trên thực tế, việc WHO phân loại nghiện game vào dạng "rối loạn chức năng tâm thần" vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn.

Christopher Ferguson, nhà tâm lý học và nghiên cứu truyền thông tại Đại học Stetson ở DeLand, Fla, cho biết: “Có một mối lo ngại khá phổ biến rằng đây là một chẩn đoán không thực sự có nền tảng nghiên cứu vững chắc”.

Tiến sĩ Christopher Ferguson chuyên gia nghiên cứu tâm lý học

Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cũng đồng tinh với quan điểm trên, họ cho rằng "không có bằng chứng đấy đủ" để xem xét nghiện game là một loại bệnh lí  "rối loạn tâm thần". Do đó, Hiệp hội tâm lý và công nghệ truyền thông Mỹ, một bộ phận của Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ, đầu năm nay đã đưa ra một tuyên bố nghiên cứu thể hiện mối quan ngại về đề xuất của WHO, nói rằng "cơ sở nghiên cứu hiện tại là không đủ cho chứng bệnh này".

Phát ngôn viên Hiệp hội Tâm lý học Anh bày tỏ quan điểm lo ngại "Chúng ta cần hiểu rằng không phải đứa trẻ nào thích điện tử cũng nghiện game", việc đưa cảnh báo sớm cùng những phương thức tiếp cận điều trị một cách chính thức sẽ khiến nhiều phụ huynh lo lắng thái quá, tạo thêm áp lực và gánh nặng cho ngành y tế thế giới.

Không đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Henrietta Bowden-Jones, phát ngôn viên khoa Hành vi Nghiện tại Đại học Tâm thần Hoàng gia Anh cho rằng việc phân loại và các công tác hỗ trợ những người mắc chứng "nghiện game" là cực kì cấp thiết. Vì lứa tuổi chủ yếu của những người này đều ở vị thành niên nếu không sớm được giúp đỡ sẽ tạo cho xã hội nhiều gánh nặng trong tương lai.

Đồng tình với tiến sĩ Henrietta Bowden-Jones, tiến sĩ Mark Griffiths, giáo sư hành vi nghiện tại Đại học Nottingham Trent (Anh) với kinh nghiệm nghiên cứu chứng nghiện game suốt 30 năm qua cũng ủng hộ quyết định của WHO. Ông cho rằng "xem xét đưa nghiện game thành bệnh tâm thần sẽ giúp xã hội nhận định rõ vấn đề và sớm có các pháp đồ điều trị hợp lí". Tuy nhiên ông cũng lưu ý thêm, tỉ lệ nghiện game trên thực tế là rất nhỏ chỉ vào khoảng 2-3% số lượng game thủ và trong số đó có một bộ phận không nhỏ có vấn đề khác về tâm lý như trầm cảm hoặc tự kỷ.

Việc phụ huynh nên làm là không nên cấm đoán tránh gây các cảm xúc tiêu cực đồng thời quan sát hành vi của con em mình. Nếu việc chơi game dần lấn lướt các thói quen khác gây ảnh hưởng đến hóc tập, làm việc và các hoạt động xã hội thì cần có sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lí. Ngược lại, các bạn game thủ cũng nên luyện cho mình thói quen chơi game lành mạnh, cùng với nhiều hoạt động giải trí giao lưu khác tránh ảnh hưởng đến học tập và lao động.