Hiện tại ở nước ta, người đọc có đến hàng chục website đăng tải manga. Một trong số những cái tên nổi bật thường được nhắc tới nhiều là truyentranhtuan, blogtruyen, hocvientruyentranh,… và không thể không đề cập tới nettruyen. Và ngay trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên Đán, nội chiến đã xảy ra giữa nettruyen với những cái tên còn lại. Đâu là nguyên nhân thì hãy cùng KenhTinGame tìm hiểu.
(một số hình ảnh trong bài viết này sẽ được trích nguyên gốc từ blogtruyen và có thể chứa từ ngữ nhạy cảm, độc giả cân nhắc trước khi xem)
1. Nguồn gốc drama
Để có thể hiểu sâu xa hơn mâu thuẫn giữa nettruyen với các nhóm dịch cùng website manga khác, chúng ta cần phải hiểu một chút về cơ chế vận hành của cộng đồng manga tại Việt Nam. Đầu tiên, có thể khẳng định là tới 96.69% các manga ở Việt Nam đều ở dạng sản phẩm không bản quyền. Các nhóm dịch sẽ tìm kiếm một nguồn raw nào đó (phần lớn là từ Trung và Hàn), sau đó về dịch và cho ra ở dạng bản dịch tương đối hoàn chỉnh.
Với các website manga trực tuyến, họ sẽ tổng hợp các bản dịch này lên chính website của mình nhằm giúp người đọc dễ dàng đọc và không phải bỏ quá nhiều công sức tìm kiếm ở các nhóm dịch. Nhưng việc tổng hợp lại ở một chỗ cũng nảy sinh một vấn đề là tiền thuê máy chủ lưu trữ cho các bản dịch này. Và để có tiền thuê, quản trị các website manga sẽ chạy quảng cáo trên chính web của mình. Lưu lượng truy cập càng đông thì tiền thu từ quảng cáo càng nhiều và đó là cơ sở để họ có thể duy trì lâu dài.
Về căn bản, việc dịch rồi tổng hợp và duy trì website đều dựa trên nguồn lực tự kiếm chứ không hề được bất cứ một đơn vị nào trả lương nên các cá nhân sở hữu những trang web kể trên hay tự bản thân các nhóm dịch có web riêng đều muốn có một lượng lớn truy cập vào website của mình. Việc leech manga giữa các web cũng là chuyện bình thường, nhưng vấn đề nảy sinh là việc các web cùng lúc có bản dịch sẽ làm giảm lượng view đi. Do vậy nên để làm tăng con số đó, một vài web thỏa thuận với nhóm dịch rằng sẽ có được độc quyền bản dịch trong một khoản thời gian ngắn hạn (thường từ 8h cho đến 1 ngày) để làm tăng lượng view khi so với các web manga có sau. Những thỏa thuận ngầm kiểu vậy không hiếm trong thế giới manga ở Việt Nam.
Nhưng, nettruyen đã đi ngược lại tất cả quy tắc ngầm đó và thế là cuộc nội chiến xảy ra…
2. Nettruyen – kẻ “ăn cắp” và không tôn trọng người khác
Nettruyen có thể nói là một trong nhiều website có lượng truy cập cực đông ở Việt Nam. Bằng một vài công cụ, người dùng có thể biết được rằng lưu lượng truy cập vào nettruyen sẽ tầm gần 30 triệu/tháng. Đó là một con số rất lớn nếu so với các website khác và với con số kể trên, nó sẽ là một nguồn lợi nhuận khổng lồ với những người điều hành nó.
Vậy nhưng, cách mà nettruyen có được những con số kể trên lại không hề đẹp tí nào theo nhận xét của cộng đồng. Bản thân nettruyen đã tự tay phá vỡ tất cả các điều luật ngầm thỏa thuận về việc độc quyền thời gian phát hành giữa các trang web khác. Công cụ mà nettruyen sử dụng ở đây là một con bot có tính năng leech toàn bộ các bộ manga từ các website khác về chính web của mình. Thời gian mà con bot này có thể leech xong thường rất nhanh, chỉ khoảng vài chục giây cho đến vài phút. Và nó đã làm nóng mắt các website khác như truyentranhtuan hay truyentranh8,…
Để có thể lật tẩy hành vi sử dụng bot, blogtruyen đã lợi dụng chính tính năng của con bot leech. Bằng cách đăng tải một chapter hay một bộ manga hot nào đó với phần nội dung toàn là những từ ngữ chửi rủa nettruyen rồi đẩy lên vị trí cao trên bảng xếp hạng, blogtruyen đã “bẫy” thành công khi con bot tự động đưa phần nội dung này về mà không hề qua bất cứ khâu kiểm duyệt nào. Và thế là nó chẳng khác gì một pha “tự tay bóp …”, cho dù đã nhanh chóng xóa đi nhưng nó vẫn không qua được những cặp mắt chờ đợi từ những website khác. Dưới đây là những gì mà nettruyen đã tự leech về web của mình.
Nhiều bình luận cho biết, việc leech truyện của nettruyen còn gây ức chế đến mức nettruyen thẳng tay loại bỏ những credit tại page đầu hoặc cuối ở mỗi chapter. Có thể là nhiều nhóm đã đề nghị song không nhận được câu trả lời thỏa đáng và có hành động giải quyết thắc mắc của nhóm. Cực chẳng đã, họ đã buộc phải tẩy chay website này bằng nhiều bài viết khác nhau trên cộng đồng.
Ngoài ra, blogtruyen còn tìm được nhiều chứng cứ cho thấy không chỉ việc leech truyện mà nettruyen thậm chí còn ăn cắp trắng trợn những emoticon. Chi tiết hơn về việc ăn cắp emote, các bạn có thể đọc thêm tại ĐÂY. Thậm chí, không hiểu bằng một cách nào đó mà cộng đồng còn tìm ra cả đơn vị thiết kế giao diện của nettruyen là Ca**Ca*.vn với lời lẽ cho rằng bê nguyên template của Zing MP3 về xào nấu lại và “ăn cắp lại hoàn ăn cắp”?!
Trên đây chỉ là một phần nhỏ trong cuộc nội chiến dai dẳng giữa nettruyen với các trang web đọc manga trực tuyến tại Việt Nam. KenhTinGame sẽ không bình luận bất cứ điều gì về câu chuyện lần này mà câu trả lời sẽ nằm ở chính bạn, những người đã và đang theo dõi cộng đồng manga nước nhà.