Bethesda “đâm sau lưng”?
Đại đa số game thủ Việt hẳn chưa từng nghe về Rune 2, một tựa game RPG được phát hành trên Epic Games Store vào ngày 12/11/2019. Lý do của điều này thực ra không khó hiểu: dù được nhà phát hành Ragnarok ký thác kỳ vọng cao, trò chơi này tạo ra một scandal dính líu đến nhiều công ty và vô vàn rắc rối. Studio phát triển ra nó đóng cửa vào ngày 13/11/2019, đúng một ngày sau khi Rune ra mắt và khiến game rơi vào cảnh “mồ côi” còn những game thủ đã lỡ mua nó choáng váng vì không biết số phận của những đồng tiền mà mình bỏ ra sẽ thế nào.
Human Head Studios không phải là một cái tên mới lạ hay vô danh trong làng game. Vào thời điểm Rune 2 ra mắt, quản lý cộng đồng của họ là Katherine Stull nói rằng “sau 22 năm làm game trong vai trò một nhà phát triển độc lập, hiện trạng kinh tế đã buộc chúng tôi phải ngừng hoạt động và đóng cửa.” Tình trạng tài chính tệ hại này là dễ hiểu bởi trong 3 năm gần đây các dự án của họ đều thất bại: The Quiet Man cho Square Enix có điểm số hết sức tệ hại, còn Survived By bị hủy bỏ trong giai đoạn Early Access.
Nhưng nếu Human Head Studios chỉ đóng cửa một ngày sau khi tựa game cuối cùng của mình ra mắt thì vấn đề cũng chưa hẳn là lớn – một số dự án vẫn có thể được ra đời dù studio làm nó đã đóng cửa, chẳng hạn The Walking Dead của Telltale. Nhưng trong trường hợp của Rune 2 và Human Head Studios, một loạt trò mờ ám xảy ra khiến những game thủ theo dõi trò chơi lẫn nhà phát hành đều cảm thấy đáng ngờ.
Đầu tiên, Human Head Studios ngừng hoạt động nhưng chỉ là trên giấy tờ. Ngay sau khi studio cũ đóng cửa, toàn bộ đội ngũ nhân viên và tài sản của studio lập tức thuộc về Bethesda dưới một cái tên mới là Roundhouse Studios. Đây là một điều khá bất ngờ với những ai biết về mối quan hệ giữa đôi bên, bởi trong quá khứ Human Head từng tranh cãi với Bethesda để giành quyền phát triển Prey 2 trước khi dự án bị hủy bỏ và sau đó chuyển giao cho Arkane Studios.
Kế tiếp, hành vi của Human Head Studios với Rune 2 khiến người ta phải nghi ngờ. Dù trên giấy tờ Human Head Studios chỉ ngừng hoạt động vào ngày 13/11/2019, họ đã ngừng mọi hoạt động từ ngày 7/11/2019, khoảng gần 1 tuần trước khi trò chơi ra mắt. Ragnarok đã chi cả một đống tiền để mời các nhà báo, hẹn trước các buổi phỏng vấn, thuê streamer,… nhưng không có bất kỳ nhân viên nào của Human Head Studios xuất hiện. Họ không hỗ trợ Ragnarok quảng bá game, không giúp đỡ streamer, mà thay vào đó lại chờ đến đúng ngày Rune 2 phát hành để công bố rằng họ sẽ không phát triển Rune 2 nữa.
Thứ ba là việc Human Head cố ý ngăn cản Ragnarok tiếp tục phát triển trò chơi. Studio này chỉ là nhà phát triển Rune 2 còn mọi bản quyền trò chơi đều thuộc về nhà phát hành Ragnarok Game LLC. Vậy nên khi Human Head Studios ngừng hoạt động, Ragnarok đòi hỏi được cung cấp mã nguồn của Rune 2 để có thể tiếp tục phát triển trò chơi, nhưng Human Head từ chối điều này. “Họ không chỉ đâm sau lưng chúng tôi mà còn không cho chúng tôi nhận tài sản của mình (mã nguồn Rune 2) để có thể cập nhật trò chơi.”
Sau một thời gian dài tranh cãi, Ragnarok đâm đơn kiện khiến Human Head Studios – nay là Roundhouse Studios thuộc Bethesda – mới chấp nhận trả mã nguồn trò chơi cho Ragnarok. Nhà phát hành này lập tức thành lập một studio mới gọi là Studio 369 để làm nội dung mới cho Rune 2, và phiên bản mới có tên Rune 2: Decapitation Edition sẽ ra mắt trên Steam vào ngày 13/11/2020, đúng một năm sau ngày trò chơi bị “chặt đầu” bởi những người trực tiếp làm ra nó.
Bethesda phá hoại trò chơi?
Đơn kiện mà Ragnarok khởi đầu cuối năm 2019 nay đã được cập nhật những thông tin mới khi họ có được bằng chứng mới. Theo Ragnarok, việc Human Head Studios nói rằng mình liên hệ với Bethesda sau khi quyết định ngừng hoạt động là dối trá, còn sự thật là Bethesda đã cố tình tham gia vào việc phá hoại Rune 2 và một tựa game khác từ giữa năm 2019.
“Trong một hành động xấu xa và phá vỡ các yêu cầu bảo mật trong hợp đồng, Human Head đã âm thầm cung cấp cho Bethesda và Zenimax (công ty mẹ của Bethesda) các key để họ chơi một phiên bản chưa phát hành của Rune 2. Điều này cho phép Bethesda và Zenimax thấy rõ mối đe dọa từ Rune 2 tới các thương hiệu Skyrim/Elder Scrolls của họ,” Ragnarok tuyên bố.
" alt=""
“Hai tuần trước khi Rune 2 phát hành, Zenimax đã bí mật thành lập một công ty con mới là Roundhouse Studios và dùng công ty này để mua tất cả thiết bị và tài sản của Human Head. Những thiết bị đó bao gồm các bí mật kinh doanh của chúng tôi, mã nguồn và tài liệu về Rune 2 và Oblivion Song. Trong cùng khoảng thời gian này, Zenimax đã sắp xếp cho tất cả các nhân viên bị Human Head đuổi việc và được Zenimax thuê lại.”
Theo lời tố cáo của Ragnarok, Zenimax và Bethesda đã chiếm hữu toàn bộ tài sản và nhân sự của Human Head từ ngày 4/11 và ra lệnh ngừng phát triển Rune 2 cũng như Oblivion Song, đồng thời “tống khứ” trưởng dự án Christopher Rhinehart đi công tác Texas ngay đúng thời điểm game phát hành. Ragnarok gọi Christopher Rhinehart là “trái tim và linh hồn sáng tạo của Rune 2,” trong khi chỉ trích Zenimax và Bethesda đã cố ý “đâm thọc” để game thủ tin rằng Rune 2 sẽ chết ngay ngày phát hành.
Đơn kiện của Ragnarok cũng nói rằng lý do mà Zenimax và Bethesda muốn bóp chết Rune 2 là vì nó đe dọa dòng game The Elder Scrolls. “Một trong số các bài review Rune 2 đánh giá nó là “Skyrim được chích steroid, và bài đánh giá đó khiến Zenimax và Bethesda nhận ra rằng một trong những nguồn thu nhập lớn nhất của họ đang bị đe dọa,” Ragnarok viết trong đơn kiện. Với những lý lẽ này, Ragnarok yêu cầu Zenimax và Bethesda phải bồi thường thiệt hại tối thiểu 100 triệu USD cộng thêm chi phí phát triển game, phí luật sư và các khoản phạt khác.
Nhiều lần bất tín, vạn lần bất tin
Zenimax và Bethesda không xa lạ gì với việc kiện tụng, bởi các công ty này thực hiện những biện pháp rất mạnh tay để bảo vệ thứ mà họ nghĩ là của mình. Một ví dụ mà Mọt tui có thể nghĩ tới là hồi năm 2012, Zenimax đâm đơn kiện Mojang chỉ vì nhà phát triển Minecraft dám dùng chữ “Scrolls” làm tên gọi cho một tựa game thẻ bài mới của họ trước khi đạt được thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa án. Tương tự, tựa game Prey for the Gods của No Matter Studios cũng bị buộc đổi tên thành Praey for the Gods hồi năm 2017 vì Bethesda không thích sự xuất hiện của chữ Prey.
Những lời tố cáo của Ragnarok có thể chỉ là một chiêu để Ragnarok quảng cáo cho phiên bản Rune 2 sắp ra mắt của mình, nhưng không ít game thủ cảm thấy những lời tố cáo này là đáng tin khi nhìn vào những hành vi của Zenimax và Bethesda trong quá khứ. Nhà phát hành này đã không ngừng phá hoại hình tượng của chính mình kể từ scandal “giáp ngựa” nhiều năm trước đây, rồi kéo dài bảng vàng thành tích bằng những lời gian dối và Fallout 76. Vậy nên khi được nghe lời tố cáo từ Ragnarok, gần như chẳng ai ủng hộ nhà phát hành này mà chỉ gật gù “ừ, có lý vì trước đây Bethesda từng thế nọ thế kia.”