Bị game thủ khủng bố, các NSX từng phải sống trong sợ hãi

Trong bài viết này, các bạn hãy cùng Mọt nhìn lại những lần các nhà phát triển game đã phải sống trong lo sợ vì bị gamer đe dọa.

Trong những năm gần đây, Mọt cảm thấy cộng đồng game thủ ngày càng manh động hơn, với rất nhiều vụ dọa dẫm công ty game chỉ vì một vài vấn đề nhỏ nhặt. Chẳng hạn vụ đòi đốt trụ sở Square Enix vì thua game hay dọa đánh bom trụ sở Konami vì mạng lag.

Dưới đây, Mọt xin liệt kê lại một vài lần các nhà phát triển game đã phải đứng ngồi không yên vì bị fan đòi mạng.

Cay cú vì game, “già trâu” Nhật Bổn dọa đốt trụ sở Square Enix

Chúng ta hãy bắt đầu với nhà phát triển của Final Fantasy. Vào tháng 8 năm 2019, Kenichi Hiratsuki – một người đàn ông Nhật Bổn 40 tuổi đã gửi email cho Square Enix với nội dung :“Trả lại số tiền tao đã nạp vào cái game c* l** của tụi mày ngay. Chúng mày có tin tao lặp lại vụ việc xảy ra với xưởng phim Kyoto Animation không?”

Nếu các bạn không biết thì chỉ ba tháng trước khi Square Enix nhận được bức thư đe dọa này, giới truyền thông Nhật và quốc tế đã chấn động vì vụ phóng hỏa Kyoto Animation. Thảm kịch này đã khiến ít nhất 36 người thiệt mạng, 34 người bị thương và phá hủy hoàn toàn xưởng phim hoạt hình.

Sai nội dung còn sai luôn cả thời điểm, người đàn ông này nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ trước khi một thảm kịch khác diễn ra. Theo lời khai của Kenichi, bởi vì cảm thấy quá ức chế khi thua trong một tựa game mobile nên ông ta mới tìm cách phát tiết, chứ thật ra thì ông không hề có ý định làm thật.

Đó cũng không phải là lần đầu tiên mà Square Enix nhận được những dạng email như vậy. Cũng trong năm 2019, hãng game Nhật đã nhận được lời đe dọa từ một game thủ sau khi bỏ ra 200 nghìn yên (hơn 43 triệu Việt Nam đồng) để quay gacha nhưng không đạt được vật phẩm mong muốn.

Nhân viên Bandai Namco đứng ngồi không yên vì bị dọa đánh bom

Chỉ một vài ngày sau khi “già trâu” đòi đốt Square Enix bị bắt giữ, một công ty game Nhật Bản khác cũng phải đối mặt với nỗi lo sợ bị đánh bom. Bandai Namco – hãng game đứng đằng sau thương hiệu game đối kháng đình đám Tekken và tựa game “brain-punk” Scarlet Nexus – đã nhận được một lời đe dọa đánh bom vào văn phòng tại Santa Clara, California, Mỹ.

Họ đã nhanh chóng hợp tác với lực lượng cảnh sát để điều tra và đảm bảo an toàn cho nhân viên. Tuy nhiên có vẻ như đây chỉ là một trò đùa tai quái mà thôi, bởi vì đã gần hai năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin mới nào về vụ việc này.       

Ức chế do lag, “trẻ trâu” Nhật đòi “thổi bay” trụ sở Konami

Không tiếp thu được gì từ bài học từ người đi trước, vào tháng 7 năm 2020, một thanh niên “trẻ trâu” 16 tuổi đã bị cảnh sát gõ cửa vì dọa đánh bom trụ sở của Konami – nhà phát triển các thương hiệu game đình đám như Metal Gear Solid, Silent Hill, Castlevania và Pro Evolution Soccer (PES).

Số là sau khi thua một trận game PES mobile vì lỗi kết nối mạng, thanh niên này đã liên tục để lại những lời nhắn với nội dung như “Bố sẽ ‘thổi bay’ trụ sở của Konami” hay “Bố sẽ giết hết những người làm việc ở Konami” trong phần review sản phẩm trên cửa hàng trực tuyến.

Câu chuyện này là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói: ”Trò chơi điện tử không làm chúng ta trở nên bạo lực hơn. Mạng lag mới tạo ra chuyện đó”. Vậy nên các bậc phụ huynh nhớ cung cấp cho con em mình một đường truyền ổn định để tránh việc tính cách của chúng bị thay đổi nhé.

Dọa thiêu sống nhà phát triển vì dám delay Cyberpunk 2077

Cũng trong năm 2020, một nhân viên của CD Projekt Red đã bị rất nhiều game thủ dọa sẽ tìm đến tận nhà, giết hết người thân rồi thiêu sống anh chàng sau khi studio game Ba Lan thông báo dời lịch phát hành Cyberpunk 2077 lần thứ n.

Mọt cũng hiểu cảm giác hụt hẫng và thất vọng khi một tựa game mà bạn đã mong chờ từ rất lâu cứ sắp đến ngày ra mắt lại bị delay (chẳng hạn như Hoa – tựa game phong cách Ghibli của studio Việt Nam). Tuy nhiên việc đe dọa tính mạng của các nhà phát triển và người thân của họ chẳng thể khiến tốc độ làm game nhanh hơn mà còn có tác dụng ngược lại nữa.        

Làm game là một việc khó khăn, yêu cầu không chỉ tiền bạc mà còn cả thời gian và sức người nữa. Thử hỏi nếu như mỗi sáng thức dậy đều cảm thấy mình và người thân có thể chết bất cứ lúc nào thì làm sao có thể tập trung để làm ra một tựa game hay được nữa?

CEO Moon Studios lên tiếng phê phán CD Projekt là đám lừa đảo
CEO Moon Studios lên tiếng phê phán CD Projekt là đám lừa đảo
Vào thứ 4 vừa rồi, Thomas Mahler, CEO của Moon Studios (studio tạo ra loạt game Ori) đã chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề có nhiều đồng nghiệp sa đà vào việc quảng cáo game sai sự thật, trong đó có cả những cái tên nổi bật như Peter Molyneux (Fable và...

Tất nhiên Mọt không nói rằng lý do khiến Cyberpunk 2077 có một màn ra mắt tệ hại là hoàn toàn do lỗi của game thủ, nhưng dù ít dù nhiều cũng có một phần lỗi đến từ phía những fan nóng nảy, gây áp lực lớn đến nhà phát triển game.

Đột nhập trụ sở miHoYo ám sát hai nhà đồng sáng lập vì… skin thỏ sexy

Cuối cùng là một vụ việc vừa mới xảy ra vào cuối tháng 4 vừa qua. Một người đàn ông Trung Quốc đã cầm dao đột nhập vào trụ sở miHoYo (Genshin Impact và Honkai Impact 3rd) để thực hiện kế hoạch “ôm nhau chết chùm” với hai sếp lớn của hãng game này. May mắn là khi vừa bước chân vào tòa nhà, hắn ta đã nhanh chóng bị bắt giữ.

Thật ra thì hiện nay cảnh sát Thượng Hải vẫn chưa tiết lộ động cơ của gã “sát thủ” này. Tuy nhiên rất nhiều người cho rằng chắc hẳn có liên quan đến bản cập nhật mừng kỷ niệm 3 năm ngày tựa game mobile nhập vai hành động 3D Honkai Impact 3rd ra mắt máy chủ quốc tế. 

Bản cập nhật này đã thêm dòng skin bunny vào trong game, nhưng có thể vì lý do thuần phong mỹ tục mà những bộ trang phục này đã không xuất hiện ở server Trung Quốc. Việc này đã dẫn đến làn sóng phản ứng dữ dội từ game thủ đại lục, yêu cầu miHoYo phải xóa bỏ tất cả những nội dung liên quan tới chúng.

Mặc dù đã có lời xin lỗi cũng như đền bù thỏa đáng cho game thủ ở cả server Global lẫn China (thật ra thì game thủ Trung Quốc vẫn nhận được nhiều quà hơn), nhưng người đàn ông nói trên vẫn quyết định phải khiến miHoYo hối hận vì dám tạo ra những bộ trang phục sexy như vậy.  

Game online đang là một cơn sóng lớn trong giới trẻ nhiều năm trở lại đây và nó lại càng phát triển mạnh khi game mobile xuất hiện cùng với cơn sốt điện thoại thông minh. Bọn trẻ với chiếc điện thoại mải miết bấm bấm và hò hét đang trở thành mối lo của nhiều phụ huynh. Vậy khi con nghiện game và bị rối loạn tâm thần thì các bậc phụ huynh làm thế nào để nhận biết? Các bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này tại đây.

Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.