Contra là cái tên xứng đáng được ghi danh hàng đầu trong những tựa game huyền thoại của thế kỷ 20. Được Konami phát hành tại thị trường Châu Âu và Châu Đại Dương vào năm 1987 dưới cái tên Gryzor, Contra trở thành 1 series game “Run and gun” gây ấn tượng rất mạnh tay thời đó khi được xây dựng thương hiệu trong nhiều nền tảng khác nhau và được ủng hộ mãnh liệt.
Phiên bản đầu tiên được chạy dưới dạng game arcade trên hệ máy Amstrad CPC, và một năm sau đó, tức năm 1988 thì được lên kệ trên hệ thống NES và các loại máy tính thời đó. Trải qua 3 thập kỷ, Contra đã có tới hàng chục phiên bản trên nhiều hệ máy khác nhau, tuy nhiên phiên bản đầu tiên luôn là một tượng đài khó thể lãng quên trong lòng game thủ.
Nguồn gốc cụm từ “phá đảo” cũng chính là khởi đầu từ đây khi trùm cuối Red Falcon bị diệt và hòn đảo của tập đoàn tội ác này cũng nổ tan thành mây khói. Tuy nhiên, có một sự thật mà rất đông người không biết. Màn “phá đảo” trên không phải là kết thúc duy nhất của Contra. Trước khi được phổ biến trên hệ máy NES, Contra trên Amstad CPC với tên gọi Gryzor đã có một kết thúc buồn bã, tang thương hơn rất nhiều.
Nếu như một tựa game đã chủ định hướng người chơi tới kết thúc không mấy tốt đẹp thì ngay trong quá trình chơi, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra điều này. Nhưng một lần nữa, điều này không hề đúng với Gryzor.
Sẽ rất hiếm trường hợp một cuộc hành trình đang tràn ngập hy vọng lại được kết thúc bằng dòng chữ: “Mọi người đều đã hy sinh”. Đó thật sự là một nỗi thất vọng lớn dành cho những người chơi đã bỏ tiền và thời gian để chinh phục hết thử thách mà tựa game đặt ra.
Có thể bạn muốn xem: Bất ngờ với nguồn gốc tên thật của nhân vật huyền thoại Mario
Đáng ngạc nhiên thay, cái kết buồn của tựa game Contra mà không nhiều người biết tới này lại nằm trong nhóm nhỏ những trò chơi “trêu ngươi” game thủ như trên.
Ở phiên bản Gryzor, vẫn là cuộc đối đầu gian khó bạn phải trải qua như trong tựa game quen thuộc trên hệ máy NES, vẫn là cuộc chạm trán nảy lửa với Red Falcon nhưng Konami đã lồng ghép thêm một đoạn phim ở cảnh cuối.
Vào khoảnh khắc mà người chơi thành công triệt hạ Red Falcon, tên độc tài này đã kích hoạt nút hủy diệt thế giới bằng chút sức lực cuối cùng.
Và thế là “bùm”, bạn chiến thắng trò chơi bằng việc… xóa sổ toàn nhân loại. Mọi công sức từ đầu đến giờ thành “công cốc”. Còn bực mình hơn khi để được chơi Gryzor, game thủ thời bấy giờ phải trả một khoản tiền không hề nhỏ.
Sau này, khi chuyển sang hệ máy NES, Konami đã thay đổi phần kết của game để nó trở nên nhân văn và có hậu hơn. Kết quả, cụm từ “phá đảo” được ra đời và duy trì trong cộng đồng game thủ Việt cho đến tận bây giờ.