Từ trước tới nay, video game vẫn luôn được coi là phương tiện giải trí, giúp cho chúng ta được thư giãn sau mỗi ngày học hành vất vả hay làm việc căng thẳng. Trong tuổi thơ của mỗi người, trò chơi điện tử cũng là thứ giúp gắn kết tình anh em và đã tạo ra những kỷ niệm mà bất cứ game thủ nào cũng không bao giờ quên được.
Khi tới độ tuổi trưởng thành, chúng ta cũng chứng kiến ngành công nghiệp game phát triển với tốc độ “không thể tin nổi”. Video game dần trở thành một bộ môn thể thao điện tử chuyên nghiệp, tạo ra những giải đấu có trị giá hàng triệu USD. Thậm chí, video game đã dần lớn mạnh, phát triển vượt cả những ngành công nghiệp khác như điện ảnh. Mục tiêu phát triển cũng như tiếp cận thị trường của các hãng game đã khác trước rất nhiều.
Tới đây, trong đầu tôi nảy ra một suy nghĩ rằng: Liệu trong bối cảnh ngành game hiện đại, video game có còn mang mục đích giải trí nữa hay không?
Game là nơi có quá nhiều người thể hiện cá tính riêng tới mức quá đáng…
Giờ đây, không chỉ gói gọn trong việc chơi game với anh em chiến hữu nhà hàng xóm, bạn có thể chơi game cũng như giao lưu với tất cả game thủ trên khắp thế giới này. Dĩ nhiên, điều này sẽ làm cho bạn muốn thể hiện nhiều hơn cái tôi của mình, cũng như nét cá tính riêng của bản thân trong cộng đồng người chơi game trên khắp thế giới. Và từ đó, mỗi người sẽ gặp gỡ và kết bạn được với những người có chung quan điểm và niềm đam mê với mình.
Ngày nay, khi các mạng xã hội ngày càng phát triển, cộng đồng game không chỉ gói gọn lại trong các trò chơi nữa. Ngoài việc mọi người chia sẻ nhiều hơn với nhau về kinh nghiệm chơi game, hướng dẫn người mới thì các thành viên cũng chia sẻ với nhau gia đình và cuộc sống. Vậy nên chơi game hiện nay đã không còn mang ý nghĩa giải trí, cộng đồng game còn là nơi cho mọi người tư vấn về tâm sinh lý cũng như câu chuyện xã hội và cuộc đời.
Tuy nhiên, khi trò chơi điện tử và group cộng đồng là nơi cho mọi người thỏa sức thể hiện cá tính, chắc chắn chúng ta sẽ gặp những thành phần “có cá tính và cái tôi quá mạnh”. Đây là điều bạn không thể tránh khỏi khi khả năng tương tác trên internet đang quá phát triển. Tôi có thể ví dụ như khi bạn mới bắt đầu chơi một game gì đó muốn xin một vài ý kiến nho nhỏ để nhập môn, nhưng bạn có thể sẽ gặp nhiều người tỏ ra khinh thường những người mới chơi. Hay bạn cũng có thể gặp những người liên tục trigger, chê bai hết game này tới người nọ. Thậm chí bạn sẽ gặp những người dường như hờn dỗi cả ngành game, luôn tạo ra những tranh cãi, những drama kịch tính nhưng chẳng đáng có, khiến mọi người comment chửi nhau từ ngày này qua tháng nọ vẫn chưa kết thúc.
Quá đáng hơn là việc bạn chia sẻ một câu chuyện của bản thân nhưng lại liên tục bị nhiều người chửi bạn ngu và thể hiện “phải làm như này mới đúng” với giọng điệu không thể thượng đẳng hơn. Tôi tin chắc những ai gặp phải những người như vậy đều thực sự thấy ức chế hơn và ước gì mình chưa bao giờ đăng lên chia sẻ.
Việc đi làm đã quá mệt mỏi, bạn chỉ mong được về nhà làm vài ván game với anh em, được lên mạng trao đổi với mọi người trong cộng đồng được được thư giãn và giải trí; nhưng cuối cùng thì lại gặp nhiều thành phần như vậy cả trong game lẫn trên mạng xã hội thì tôi không biết là bạn sẽ thấy thư giãn hơn hay càng thêm đau đầu.
Game là nơi bạn kiếm tiền nhưng kèm theo rất nhiều áp lực…
Ngày nay, trò chơi điện tử cũng giúp game thủ kiếm được tiền hay thậm chí rất nhiều tiền. Có người kiếm được vài triệu một tháng, nhưng cũng có những người đi lên thi đấu chuyên nghiệp kiếm cả tiền tỷ mỗi tháng. Bên cạnh đó, video game hiện nay có thể giúp làm ra tiền theo rất nhiều cách khác nhau. Bạn có thể trở thành một streamer, hay bạn có thể theo học và làm một số công việc trong ngành game như thiết kế, coder, kinh doanh làm trader các game trên nền tảng kỹ thuật số,… Có vô vàn cách giúp các game thủ kiếm tiền từ chính đam mê của mình.
Tuy nhiên, có một điều bạn nên nhớ rằng “Bất cứ điều gì đã dính tới tiền bạc sẽ không còn vui nữa, trò chơi điện tử cũng vậy”. Bạn có thể ngồi chơi game liên tục cả chục tiếng đồng hồ chỉ để cho vui, nhưng nếu bạn ngồi chơi game khoảng 5 tiếng trong tâm thế làm việc kiếm tiền sẽ là câu chuyện khác. Khi chơi game vì giải trí, bạn sẽ chẳng cần phải để tâm tới điều gì hết mà chỉ có chơi mà thôi. Còn khi chơi game vì công việc, bạn sẽ phải để ý nhiều tình tiết nhỏ, phải làm cùng một lúc nhiều việc hơn bên cạnh chơi game. Quan trọng nhất là bạn sẽ phải chơi cả những thứ mà bản thân không hề muốn trải nghiệm. Đó là một khó khăn thực sự.
Lấy ví dụ là nghề streamer, bởi rất nhiều người vẫn còn cho rằng đây là công việc sung sướng khi chỉ cần ngồi chơi cũng có thể kiếm được tiền tỷ. Trên thực tế, khi làm stream, bạn không phải chỉ có chơi game mà phải làm sao để các nội dung trong buổi stream của mình được thú hút, có cá tính riêng cho khán giả nhớ tới. Bạn sẽ vừa phải chơi game, vừa phải để ý trả lời khán giả, vừa phải theo dõi kênh chat, não phải hoạt động liên tục nếu bạn không muốn nói gì động chạm hay làm khuynh đảo cộng đồng. Đó còn chưa kể khi có được một chút tiếng tăm và được nhiều người chú ý, bạn sẽ phải làm sao để có thể chiều được đa số người xem bởi họ mới là người quyết định tiền donate hay sức ảnh hưởng của bạn.
Còn khi bạn làm các công việc văn phòng như kinh doanh hay marketing cho các trò chơi của một công ty chuyên về game. Áp lực bạn nhận được từ sếp, từ khách hàng hay deadline cũng tương tự các ngành nghề khác trong xã hội. Đam mê của bạn đúng là game thật đấy, công việc của bạn là làm theo đam mê đấy, nhưng bạn sẽ chẳng còn hứng thú nào với nó khi tâm trí mình đang bị đè nén bởi một đống áp lực.
Khi video game dần giúp mọi người kiếm ra tiền, nó sẽ chẳng còn là “chơi game giải trí” nữa. Chơi game vì công việc và chơi game giải trí là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Khi bạn đã quá mệt mỏi vì công việc rồi thì bạn sẽ chẳng còn hứng thú nào để chơi game cho vui nữa đâu.
… Đồng thời game cũng là nơi truyền tải những điều tiêu cực nhất
Đôi lúc tôi vẫn không hiểu vì lý do gì mà các nhà phát triển lại làm ra rất nhiều tựa game tởm. Ví dụ như Hatred, Postal hay Agony,… Có thể nói đó là những trò chơi tập hợp những gì tiêu cực nhất trong cuộc sống này. Ví dụ như Hatred, một trò chơi cho phép người chơi đi lại và “hạ sát” tất cả những ai trong tầm mắt, không vì lý do gì cả. Tôi thực sự không thấy một chút gì đó giải trí trong những sản phẩm như vậy mà trái lại, nó còn khiến tâm trạng của tôi trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, video game giờ đây trở thành một phương tiện truyền thông, cho phép các nhà làm game lồng ghép vào rất nhiều những thông điệp của cuộc sống hay mặt trái của xã hội hiện đại. Từ việc ủng hộ giới tính thứ ba hay cuộc chiến chống phân biệt sắc tộc, cho tới những vấn đề nhức nhối trong gia đình mỗi người như ngoại tình, con cái vô dụng,…
Tôi không phủ nhận chất lượng của các tựa game như vậy bởi nhiều trò chơi thực sự xuất sắc như series Grand Theft Auto, nhưng cách mà các hãng phát triển truyền tải vào game đã làm thay đổi đi quan niệm “chơi game giải trí”. Rõ ràng chẳng ai giải trí bằng việc nhìn, cảm nhận những hình ảnh bạo lực hay tiêu cực trên video game cả. Lúc này, người chơi sẽ phải suy ngẫm để có thể thấm thía được cốt truyện. Thậm chí người chơi còn có thể rút ra được nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống của chính mình.
Với cách truyền tải này, ngành công nghiệp game đã nâng tầm hơn các trò chơi điện tử, trở thành một phương tiện truyền thông không thể thiếu trong đời sống. Giờ đây, cộng đồng game thủ không chỉ quan tâm về game, mà họ còn quan tâm về việc hãng game truyền tải gì vào trò chơi. Chỉ một việc thay đổi màu da của nhân vật trong game thôi cũng có thể gây ra những tranh cãi to lớn. Điều này cũng đã đi xa hơn nhiều so với cái thời chơi game chỉ để giải trí của game thủ. Không chỉ có cười đùa vui vẻ, giờ đây các game thủ có thể khóc, phẫn nộ, hạnh phúc cùng với các nhân vật trong trò chơi.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là có thể trò chơi sẽ khiến cho một số người có suy nghĩ lệch lạc về xã hội, đặc biệt là nếu lỡ để trẻ em chưa đủ nhận thức trông thấy hay chơi thử. Lúc này, tôi không nghĩ việc chơi game sẽ chỉ dừng lại ở mức giải trí thôi đâu.
Chơi game giải trí: Quan niệm tuy cũ nhưng cần thiết
Cá nhân tôi thấy rằng bộ mặt của video game hiện tại đã khác và trưởng thành hơn nhiều so với lúc trước. Không chỉ dừng lại ở việc giải trí, trò chơi điện tử đã và đang đóng góp rất nhiều cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của rất nhiều con người trong xã hội. Và đó là điều cần thiết để ngành công nghiệp game phát triển, các diễn đàn hay cộng đồng người yêu trò chơi điện tử phát triển. Trò chơi điện tử đã cùng với các ngành khác, trở thành một công cụ để con người truyền tải những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống, dù đôi khi có những trò chơi quá xa vời với quan niệm đó.
Còn về phía các game thủ, tôi nghĩ rằng nếu muốn giải trí, họ cũng vẫn sẽ có cách thưởng thức tựa game mình yêu thích theo cách mà bản thân mỗi người thấy thoải mái và vui vẻ nhất. Cho dù ngành game có thay đổi ra sao, thì bản chất chơi game để vui vẻ vẫn hiện hữu trong tâm trí mỗi người. Trong bối cảnh game hiện đại, quan niệm chơi game chỉ để giải trí có thể đã cũ, nhưng nó là cần thiết để cân bằng lại nhu cầu cũng như đời sống tinh thần và cả vật chất của mỗi người. Suy cho cùng, phải bắt đầu thấy vui thì chúng ta mới có thể tính tới việc phát triển việc chơi game theo nhiều hướng khác.