Những ngày gần đây, cư dân mạng bỗng dưng dậy sóng với trào lưu “Chủ tịch giả vờ… và cái kết”, câu nói đang làm mưa làm gió, chiếm trọn phần bình luận của các fanpage lớn nhỏ. Từ Facebook đến Youtube, hay các mạng xã hội khác như Zalo, Instagram đều tràn ngập “chủ tịch” khiến nhiều bạn trẻ không hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó là gì. Một số người chỉ biết than trời: “Nhà mất mạng có 10 phút mà đã thành người tối cổ”. Vậy trào lưu này có nguồn gốc từ đâu?
Lần tìm nguồn gốc của trào lưu "chủ tịch giả nghèo", thực chất cụm từ này xuất hiện từ khá lâu trước khi trở thành hot trend như hiện tại. Mô típ này xuất hiện nhiều trong điện ảnh Trung Quốc, nhất là trong các thể loại hài hước, ngôn tình và kiếm hiệp. Khi nhắc đến kiếm hiệp, bạn hãy liên tưởng trào lưu này đến những bộ phim kiếm hiệp đình đám của Kim Dung, trong phim các nhân vật cao thủ võ lâm luôn ẩn mình sau lớp ngụy trang yếu đuối, sống khiêm tốn và an yên. Tuy nhiên, khi rơi vào tình thế cấp bách buộc họ phải ra tay và lộ danh tính khiến giang hồ ngỡ ngàng. Kế thừa mô típ này thể loại ngôn tình cũng không ngần ngại học theo và thể hiện theo phong cách hiện đại, rằng một người giả nghèo giả khổ cố tình tạo ra một tình huống nào đó để thử lòng cấp dưới hay người yêu của mình.Và đến cuối cùng, khi nhân viên hay người yêu đã bộc lộ bản chất thật của mình thì người nghèo khổ kia liền tiết lộ danh tính thật của mình. Từ đó, người xem có thể rút ra bài học đó là "đừng bao giờ coi thường người khác". Sau đó, nhiều clip hài ngắn bắt đầu ra đời xuất hiện trên kênh weibo của Trung Quốc, cũng với nội dung tương tự như vậy. Và từ đó, cơn bão "chủ tịch giả nghèo" làm mưa làm gió cộng đồng mạng những ngày nay.