Đánh giá FAU-G: tựa game từng tuyên bố “soán ngôi” PUBG Mobile tại Ấn Độ

Được xem là tựa game cạnh tranh với PUBG Mobile tại thị trường Ấn Độ, liệu FAU-G có thể làm hơn những gì mà đối thủ của mình đang làm được?

Ngay sau khi PUBG Mobile bị cấm tại Ấn Độ, một số nhà phát triển trò chơi đất nước này đã giới thiệu các tựa game battle royale mới tương tự với tham vọng thay thế. Trong đó, thu hút nhất là từ nhà phát triển nCore Games với tựa game bắn súng hành động mới có tên Fearless And United: Guards hay FAU-G. Trò chơi sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống sau khi PUBG Mobile chính thức bị xóa khỏi Google Play Store và Apple App Store. FAU-G cũng được giới thiệu là là sản phẩm chứng minh rằng quốc gia này có tiềm năng cạnh tranh với các trò chơi quốc tế.

Với lời giới thiệu hùng hồn đầy tự tin, FAU-G cuối cùng cũng đã ra mắt vào ngày 26/1 trong sự mong chờ của game thủ. Và liệu rằng, FAU-G có thể làm hơn những gì mà đối thủ của mình đang làm được?

ĐỒ HOẠ

FAU-G thực sự đã làm tốt trong phần đồ hoạ của mình, dù vẫn không thể sánh bằng đối thủ của mình – PUBG Mobile. Đồ hoạ mức trung bình và cao của FAU-G khá được lòng game thủ. Chuyển động cũng khá mượt, giao diện đơn giản, dễ tiếp cận và không có quá nhiều máu me.

Có thể bạn muốn xem: Tìm hiểu về Rogue Heist – tựa game có tham vọng thay thế PUBG Mobile tại Ấn Độ

CỐT TRUYỆN

Về cốt truyện, phần đầu tiên của FAU-G dựa trên sự kiện lịch sử ở Thung lũng Galwan. Với FAU-G, thông điệp từ nCore là làm cho người chơi Ấn Độ nhận thức được những sự cố quan trọng của đất nước họ như cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan và giá trị của những người lính Ấn Độ đã hi sinh.  

Về lời thoại, cả nhân vật chính và nhân vật phản diện đều nói những điều ngẫu nhiên và vô nghĩa trong suốt cuộc chiến, khiến cuộc chơi trở nên nhàm chán. Chính vì yếu tốt này, FAU-G sẽ khó tiếp cận với thế giới, dù thực tế nó vẫn chỉ đang được phát hành nội địa.

 FAU-G mang đến 3 chế độ chơi bao gồm Campaign, Team Deathmatch và Free For All với cả hai chế độ sau đều chưa thể trải nghiệm vào thời điểm hiện tại.

GAMEPLAY

Gameplay của tựa game này là một nỗi thất vọng tràn trề bởi không giống như các tựa game đang thịnh hành, FAU-G là một tựa game cận chiến. Hầu hết các pha giao tranh đều là đấm và đá với vũ khí là nắm đấm, các vũ khí cầm tay như “Lalkaar” và “Tandav”, khiến FAU-G lạc loài so với các đối thủ khác, vốn tập trung vào bắn súng. Những vũ khí thu thập được sau khi đánh bại kẻ thù cũng sẽ chỉ tồn tại trong một vài lần trước khi chúng biến mất.

Không chỉ vậy, điều khó chịu nhất của FAU-G là không thể thay vũ khí mới khi vũ khí cũ chưa hết lượt sử dụng. Chính vì vậy, người chơi buộc phải đi tìm kẻ thù để “xài” hết lượt vũ khí, sau đó quay trở lại nhặt vũ khí mới. Tệ hơn, kẻ thù chỉ là những con bot và chúng hoàn toàn không biết cách đánh trả.

Tuyến di chuyển của FAU-G cũng đơn giản khi người chơi chỉ cần đi theo một con đường duy nhất từ trạm kiểm soát này đến trạm kiểm soát khác và đối phó với kẻ thù cản đường. Một số trạm kiểm soát có tính năng đốt lửa để có thể hồi phục sinh lực đã mất.

Gameplay chỉ giới hạn trong ba yếu tố: Di chuyển, tấn công và phòng thủ. Không thể nhảy, cũng không có vũ khí có thể ném đi. Tất cả những gì bạn có chỉ là một vũ khí cầm tay.

KẾT

Nói tóm lại, FAU-G là một nồi lẩu thập cẩm chưa chín tới. Dù đồ hoạ được xem là ổn, Fau-G vẫn gây thất vọng bởi lối chiến đấu nhàm chán, mang tính trùng lặp và cốt truyện không hấp dẫn. Và để có thể tiếp tục “gáy” với PUBG Mobile, FAU-G sẽ cần phải thay đổi nhiều hơn nữa, ít nhất là về vũ khí.