Trước khi đánh giá Visage, chúng ta hãy trở lại hội chợ Gamescom vào năm 2014, lúc đó ngành công nghiệp game đã chấn động chỉ vì một đoạn demo game kinh dị ngắn mang tên “P.T.”. Với chất lượng đỉnh cao của mình, đoạn chơi thử bí ẩn nhận về không ít lời khen ngợi cũng như hàng loạt các lời đồn đoán về chân tướng thực sự của bản demo này từ cả game thủ lẫn giới chuyên môn.
Mọi chuyện cuối cùng cũng sáng tỏ khi P.T. thực chất chính là đoạn mở đầu của tựa game Silent Hills sắp tới của Konami và thú vị hơn nữa nó sẽ được đích thân chỉ đạo sản xuất bởi nhà làm game huyền thoại Hideo Kojima. Đáng tiếc dự án trong mơ trên đã không thể trở thành hiện thực bởi những lùm xùm dẫn đến “cuộc li dị thế kỷ” giữa Kojima và Konami.
Thế nhưng game thủ cũng như các nhà làm game dễ gì để mặc cho những di sản quý giá mà P.T. để lại biến mất một cách dễ dàng như thế. Kể từ sau khi P.T./Silent Hills bị khai tử, hàng loạt các sản phẩm indie đã được ra đời lấy cảm hứng từ tựa game yểu mệnh trên, thành công có mà thất bại cũng không ít.
Trong khuôn khổ bài viết hôm nay Mọt xin được phép đánh giá về một trong các tựa game chịu ảnh hưởng rất nhiều từ P.T. và được coi là thành công nhất cho tới thời điểm hiện tại, đó chính là Visage, sản phẩm ra đời từ chiến dịch gọi vốn trên Kickstarter của SadSquare Studio.
Phụ lục
Cốt truyện và không khí cực kỳ u ám
Điều đầu tiên Mọt phải cảnh báo với bạn đọc rằng Visage cực kì u ám và đáng sợ. Bầu không khí ngột ngạt và ám ảnh cùng những pha jumpscare trong game hoàn toàn không dành cho những người yếu tim hoặc có tiền sử về các bệnh tâm lý. Người chơi sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó ngay trong cảnh mở đầu khi game bắt người chơi phải nhập vai một người đàn ông và… bắn hạ từng thành viên trong gia đình trước khi tự kết liễu bản thân!
Sau màn mở đầu đầy ấn tượng và không kém phần kinh khủng trên, game chính thức bắt đầu. Người chơi sẽ vào vai Dwayne Anderson, một người đàn ông đang ở hay nói đúng hơn là đang bị mắc kẹt trong ngôi nhà ma ám tại thị trấn nhỏ bé nào đó vào những năm 80 của thế kỷ trước. Có một điều khá đặc biệt đó là ngôi nhà mà Dwayne đang ở trước đó từng có 3 người chủ khác nhau, và 3 người này cộng với Dwayne cũng chính là các nhân vật chính trong mỗi Chapter của Visage.
Bằng việc trải nghiệm lại kí ức của họ cũng như tương tác với các đồ vật trong nhà thông qua Dwayne, người chơi sẽ mở được nhiều ending khác nhau và từ đó dần dần hiểu được toàn bộ sự thật đằng sau căn nhà ma ám này cũng như số phận của các nhân vật trong game.
Lối chơi của Visage mang nhiều cảm hứng từ P.T.
Giống như P.T., gameplay của Visage cũng sử dụng góc nhìn người thứ nhất và thiên về việc giải đố tìm đường. Căn hộ trong Visage được thiết kế theo dạng semi-open world với nhiều ngóc ngách để Dwayne có thể tự do khám phá. Tuy nhiên để có thể mở được hết toàn bộ bản đồ, Dwayne sẽ phải tìm kiếm các chìa khóa để có thể mở các cánh cửa dẫn đến các khu vực khác nhau trong căn nhà. Điều này có thể sẽ khiến người chơi nhiều lúc cảm thấy như bị lạc bởi game không hề đưa ra bất kì một chỉ dẫn cụ thể nào.
Không chỉ lấy cảm hứng từ P.T., SadSquare Studio còn học hỏi và áp dụng cả cơ chế “sanity” (mức độ tỉnh táo), thứ vốn là “đặc sản” của dòng game Amnesia nổi tiếng vào trong Visage. Nói một cách đơn giản thì những thứ xung quanh sẽ có tác động trực tiếp lên tinh thần của nhân vật mà người chơi điều khiển. Môi trường quá tối hoặc chạm trán quá nhiều lần với những hồn ma hay hiện tượng siêu nhiên đều sẽ khiến cho nhân vật càng lúc càng hoảng loạn và nguy cơ lên nóc tủ ngắm gà múa cột cũng từ đó mà tăng theo.
Nói về các hiện tượng siêu nhiên trong game thì chúng cũng khá là đa dạng và sáng tạo. Ngoài các hồn ma, quái vật hoặc bóng người thoắt ẩn thoắt hiện thì đôi khi game thủ sẽ bắt gặp một số hiện tượng rùng rợn như bóng đèn, TV tự tắt mở, những cánh cửa tự động đóng sầm lại trước mặt hay chuông đồng hồ bất ngờ kêu inh ỏi…
Để có thể giúp cho nhân vật của mình sống sót thì người chơi có thể thu thập và sử dụng một số đồ vật như bật lửa để soi đường, thuốc uống để hồi phục tinh thần, bóng đèn để sửa chữa đèn bị hư… cùng với đó là một số công cụ hữu ích khác như la bàn, búa, máy ảnh.
Giống như những tựa game kinh dị khác, kho chứa đồ cũng là một chức năng quan trọng trong Visage. Tuy nhiên việc quản lý và sử dụng kho đồ trong game lại rườm rà và phức tạp một cách không cần thiết. Tuy có thể trữ rất nhiều đồ nhưng Dwayne chỉ có 5 slot sử dụng đồ trong lúc chơi và để dùng chúng thì người chơi phải trang bị món đồ đó vào tay trái hoặc tay phải, hoặc đôi khi là cả hai nếu đó là những thứ đòi hỏi phải sử dụng hai tay để cầm, ví dụ như rìu hoặc xà beng.
Và có lẽ do cảm thấy game chưa đủ rắc rối nên nhà phát triển đã “tiện tay” tích hợp luôn chức năng sử dụng item và tương tác với đồ vật vào trong cùng một nút. Điều này dẫn đến rất nhiều tình huống dở khóc dở cười cho người chơi, điển hình nhất là khi nhân vật muốn nhặt một món đồ nào đó nhưng kết quả chúng ta lại dùng item chỉ vì người chơi quên cất trang bị đang ở trên tay của mình.
Nghe nhìn chân thực nhưng chưa hoàn hảo
Về phần đồ họa thì có thể nói Visage là một trong những tựa game indie có mức độ chi tiết về môi trường cũng như ánh sáng thuộc hàng tốt nhất hiện nay. Ánh sáng đến từ các nguồn sáng le lói như đèn pin, nến, bật lửa… kèm theo hiệu ứng đổ bóng chân thực đều được tận dụng tốt khiến cho môi trường trong game có được sự sống động đến đáng kinh ngạc.
Một điểm cộng khác về đồ họa của game chính là các món đồ mà người chơi sẽ tương tác trong game, chúng được làm chi tiết đến nỗi tác giả có cảm giác như đồ thật ngoài đời vậy.
Tuy vậy tạo hình nhân vật lại có phần hơi lép vế so với hai yếu tố trên, đơn cử là phần mặt và phần tóc của các nhân vật đều trông rất thiếu tự nhiên và không giống như mặt của người thật. Bên cạnh đó thì game bị lỗi pop in khá nặng khi texture và các đồ vật trong game rất hay biến mất và xuất hiện một cách đột ngột khiến cho quá trình trải nghiệm đôi lúc không được trọn vẹn.
Tất nhiên, một tựa game kinh dị chất lượng thì bắt buộc phải có âm thanh tốt. Và có thể nói Visage đã làm rất xuất sắc ở mảng này. Từ giọng nói, tiếng bước chân của các nhân vật chính cho đến những âm thanh rợn người phát ra từ môi trường xung quanh hay từ những con ma đang lởn vởn trong nhà… Tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ nhằm mang đến cho người chơi một trải nghiệm kinh hoàng nhất có thể.
Âm nhạc trong game chủ yếu sử dụng giai điệu trầm buồn của đàn piano nên chắc chắn những ai là fan của Silent Hills sẽ cảm thấy vừa lạ vừa quen khi nghe qua những đoạn soundtrack của Visage.
Visage có đáng để trải nghiệm?
Mặc dù chỉ là một tựa game indie và có khá nhiều bug ảnh hưởng ít nhiều đến lối chơi tổng thể thế nhưng những gì Visage mang lại cho game thủ thật sự là trên cả mong đợi. Nếu bạn là một game thủ hardcore của thể loại psychological horror và đang tìm kiếm một trải nghiệm ám ảnh đến tột cùng thì Visage sẽ là cái tên mà bạn chắc chắn phải bổ sung vào kho game kinh dị của mình.
Điểm mạnh:
- Hình âm đạt chuẩn kinh dị
- Không khí game rất đáng sợ
- Độ khó có tính thử thách cao
Điểm yếu:
- Màn chơi có chất lượng không đồng đều
- Thiết kế túi đồ cực kỳ rối rắm
- Nhiều lỗi ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm
Đến hơn hai tỷ,
Trâu vàng về tay,
Chờ chi đến Tết."
Chơi ngay nào!
Chương trình diễn ra xuyên tết: từ ngày 11.01 - 21.02.2021
Thông tin chi tiết chương trình: https://lixi.smartpayvn.com