Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải

Thế giới game xiết bao sắc màu đã mang đến cho chúng ta biết bao niềm vui, trải nghiệm tuyệt vời với tất cả sự nhiệm màu, tiên tiến mà nó mang lại, sự hòa quyện hoàn hảo của công nghệ và nghệ thuật.

zh9ykb6o_400x400 Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 1

Nhưng, như mọi thế giới, thế giới game cũng có những khoảnh khắc tồi tệ, có những phút giây kém may mắn. Dù đó có là một nguyên nhân khách quan hoàn toàn nằm ngoài tâm kiểm soát hay sản phẩm của chính tay bạn tạo ra từ một phút giây quyết định sai lạc đi nữa. Những khoảnh khắc kiểu như vậy, cũng sẽ làm cho bạn vô cùng ức chế, vô cùng “bặm”, tới mức đập bàn phím, ném tay cầm vậy đó.

Và dưới đây, chúng ta sẽ cùng khám phá những khoảnh khắc “kiểu như vậy”, những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải mà chắc chắn không ít người đọc phải vỗ đùi ồ, à vì thấy được bản thân mình trong đó.

1/ ĐANG CHƠI HAY THÌ TAY CẦM, CHUỘT HẾT PIN

your-batteries-die-at-the-worst-time-1526681429 Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 2

Đã chơi game trên Console thì ai mà chẳng thích xài tay cầm không dây, phải không nào? Khỏi phải lo dây dài dây ngắn, khỏi phải lo vướng víu tay chân. Bạn có thể chiến game thoải mái ở mọi tư thế mà không cần phải lằng nhằng dây dợ gì cả, bớt đi nỗi lo chuột cắn, mèo cào. Tay cầm không dây, chuột không dây quả là một phát minh tuyệt vời, niềm mơ ước của những game thủ thế hệ 8-bit một thời. Lúc mà chúng ta, vắt mũi chưa sạch còn phải bơi trong đống dây tay cầm nữa.

Ấy vậy nhưng chẳng có cái gì hoàn hảo cả. Với tay cầm không dây, bạn phải luôn đảm bảo một điều quan trọng, luôn luôn sạc pin cho tay cầm đầy đủ. Mà dù có sạc cẩn thận đến mấy thì chúng vẫn rất dễ hết pin, đặc biệt là trong những khoảnh khắc “nhạy cảm” nhất.

Cứ tưởng tượng đi, bạn quần nhau chán chê với một trong những con boss “rắn mặt” nhất trong Dark Souls, cuối cùng, sau khi mất bao nhiều bình máu (và cả máu não), bao lọ mana… bạn cuối cùng sắp hạ được con boss trời đánh đó rồi thì đùng một phát, đèn tín hiệu báo rằng tay cầm sắp hết pin. Con boss tiến tới làm vài đường cơ bản với con mồi bất động, thế là bạn đã đo ván. Trải nghiệm đó không chỉ là một kí ức sâu đậm mà cứ thỉnh thoảng bạn lại kể đi kể lại với mấy đứa chiến hữu. Mà còn là một lời nhắc nhở rằng…

… Hãy nhớ giữ một đoạn dây nối USB ở bên.

2/ ĐANG CHƠI GAME ONLINE THÌ MẤT MẠNG

the-internet-goes-down-during-an-online-game-1526681429 Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 3

Khác với game offline, tiến trình game diễn ra độc lập và ít ra bạn còn có thể save game, không chơi được lúc này thì bạn có thể chơi lúc khác, chẳng ảnh hưởng đến ai cả và nếu có trục trặc gì thì chỉ cần load lại file save cũ là được.

Nhưng với game online thì khác hoàn toàn, mỗi lần lỡ bước sa chân sẽ để lại hậu quả đau đớn cho bạn mãi về sau. Chưa kể, game online thường buộc bạn phải hợp tác, chơi cùng các game thủ khác để hoàn thành nhiệm vụ, đạt được tiến trình trong game nữa. Thành thử mỗi chiến thắng đều mang lại cảm giác sung sướng, thỏa mãn tột đỉnh. Thành thực mà nói, không có cảm giác nào như được chiến thắng một ván game online cả. Như thể bạn vừa chinh phục được đỉnh Everest vậy.

Nhưng bạn không thể có được điều đó nếu không có may mắn được. Vì dù hiếm khi xảy ra (thực ra ở Việt Nam thì cũng chẳng hiếm cho lắm đâu), mạng internet có thể trồi sụt thất thường dẫn tới những pha lag ngoài ý muốn, thậm chí đứt phừn phựt luôn lúc mà rất có thể bạn đang có pha combat quyết định, đang comeback, đang có pha combat lật kèo? Tất cả đều biến mất và nói thật nếu “có” trong ngoặc kép với những lag giật thì có khi nó còn tồi tệ hơn cả đứt hẳn kia.

3/ QUÊN SAVE GAME

you-forget-to-save-your-game-1526681429 Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 4

Sống trong thời kì save game tự động lên “đám mây”, chúng ta đã được quá thoải mái khi cứ chút một game lại tự động save lại quá trình chơi của bạn qua các checkpoint  thay vì cứ chút một lại phải ấn Quicksave liên tục như các tiền bối thuở nào. Nhưng những file save đó, dù hữu dụng, không thể làm được mọi thứ cho bạn. Đặc biệt là nếu một tựa game không có hệ thống save tự động thì bạn sẽ phải tự làm thao tác đó một các hoàn toàn thủ công: bật menu, tìm đến phần savegame và cầu mong rằng mình không save đè lên nhầm một file save quan trọng khác.

Với bản chất cuốn hút của mình, các tựa game có thể làm người chơi bị cuốn theo tiến trình chơi đến mức quên đi cả thời gian, cơm nước và đặc biệt là cả việc… save game. Lang thang trong thế giới Skyrim, quyết chí “chạy việc” cho lão Jarl thành công, không có con rồng, tên cướp nào có thể cản bước tiến chân ta, cảm giác như đang “lên thần” vậy, cho tới khi ăn phải một cú hit chí mạng và nhân ra rằng rõ lâu rồi mình chưa save game… Và với những tựa game xưa cổ tình trạng trên càng trầm trọng, cái thời mà autosave còn chưa quá phổ biến và savegame trên đám mây vẫn còn là một khái niệm “tương lai”.

Vậy nên đừng biến mình thành một game thủ “bặm và buồn bã” chỉ vì quên không save game nhé.

4/ GẶP PHẢI BUG GAME

you-come-across-a-game-breaking-bug-1526681429 Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 5

Để có được những tựa game hay ho, tuyệt vời mà chúng ta chơi thì không chỉ cần có các chuyên gia về đồ họa, kỹ thuật; những con người tài năng với khả năng tư duy logic, khiếu nghệ thuật thiên bẩm mà còn cần phải có những Tester, những người làm mọi việc việc có thể để đảm bảo game không bị lỗi, bị đơ hay bị crash…. Họ là những người giúp bạn có một tựa game mượt mà để chơi, giúp bạn không gặp phải cảm xúc như khi chơi Batman: Arkham Knight.

Và dẫu có cả một đội ngũ chăm chỉ, miệt mài như vậy, chắc chắn bạn cũng từng vấp phải cả đống bug game khi chơi rồi. Một số bugs thường chỉ mang tính đồ họa thôi và không ảnh hưởng trực tiếp đến gameplay cho lắm; một số bug khó chịu hơn làm cản trở đến quá trình chơi, làm bạn mắc kẹt, tắc đường dẫn tới phải load lại file save, đem lại cho bnạ một cảm giác bực mình nhè nhẹ. Nhưng tồi tệ nhất phải kể đến những kiểu bug game ngăn không cho bạn hoàn thành game. Như kiểu có một quả bug trong Rise of the Tomb Raider không cho bạn hoàn thành nhiệm vụ ấy. Mà không làm xong nhiệm vụ đó thì bạn không thể được Trophy hay Achievement hoàn thành nhờ 100% game được. Mà tồi tệ nhất hẳn phải kể đến quả bug trong Superman 64, cứ thỉnh thoảng lại ngẫu nhiên… giết chết người chơi vào cuối mỗi level trong game.

Cảm giác vất vả, nhọc nhằn mãi mới qua được game để rồi bị… bay màu để phải chơi lại từ đầu, thậm chí làm xong xuôi hết tất cả mọi thứ rồi mà vẫn không xong game. Một cảm giác không vui vẻ gì cho lắm.

5/ TỰA GAME BẠN MONG CHỜ SUỐT BẤY LÂU DỞ NHƯ HẠCH

the-game-youve-been-looking-forward-to-is-terrible-1526681429 Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 6

Chúng ta đều từng mong chờ biết bao nhiêu tựa game trong cuộc đời game thủ của mình. Có thể đó là một phiên bản mới của series game mà ta yêu thích, hay một dự án game mới nhìn rõ hay, đúng kiểu game mình thích. Thế nhưng hi vọng càng cao thì nguy cơ thất vọng ê chề lại càng lớn.

Và đó chắc chắn là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một game thủ rồi, tựa game chúng ta đợi chờ bao năm để ra mắt cuối cùng lại là một thảm họa toàn diện và trọn vẹn. Như kiểu mong đợi Mass Effect: Andromeda làm sống lại cảm giác phiêu lưu đậm chất Nhập vai – Hành động của bản Trilogy Mass Effect để rồi nhận lấy những quả nhép miêng méo mó cùng một đống lỗi tiềm tang trong quá trình chơi. Tin vào tham vọng to lớn của No Man’s Sky để rồi nhận ra ngay cả điều cơ bản nhất mà nó hứa hẹn cũng không thành hiện thực nổi.

6/ MÁY CHƠI GAME NGỪNG HOẠT ĐỘNG

hqdefault Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 7

Dù đó là lỗi Vòng tròn đỏ Tử thần huyền thoại trên Xbox360, hay đơn giản là máy PC của bạn bị virus đến tan nát cả phần mềm, bị bad ổ cứng hay tệ hơn, cháy máy thì một cảm giác bàng hoàng đến bâng khuâng, trống vắng là điều không thể tránh khỏi rồi. Mà dù bạn chơi game bằng cái gì đi nữa, máy Console, PC, Máy chơi game cầm tay Handheld hay điện thoại Smartphone thì dần dần nó sẽ cũ đi, các linh kiện sẽ bị hao mòn và rồi một ngày bạn sẽ phải nói lời tạm biệt với chiếc máy chơi game dấu yêu của mình.

Bởi vậy nên mỗi ngày trôi qua, bạn nên cảm ơn trời đã cho chiếc máy chơi game của bạn còn hoạt động bình thường đi. Bởi bạn không nhận ra điều đó quan trọng tới nhường nào cho tới khi nó trôi qua đâu. Không còn những pha raid nảy lửa trong World of Warcraft, không còn những pha diệt thần đã tay trong God of War. Bạn sẽ phải ngồi xem video Walkthrough trên Youtube, phải đến những hàng net đầy khói thuốc, tàn đóm cũng những chiếc bàn phím cáu bẩn trong thời gian đợi sửa xong chiếc máy chơi game yêu dấu, nhất nếu chiếc máy chơi game của bạn may mắn… còn bảo hành.

7/ BẠN CHƠI GAME QUÁ NGHIÊM TÚC

Addiction. Stressed depressed young man playing gaming on pad. Angry guy with controller pad play console. Face expression. Điểm danh những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà các game thủ thường gặp phải 8
Addiction. Stressed depressed young man playing gaming on pad. Angry guy with controller pad play console. Face expression.

Video game không chỉ là một thú vui, một sở thích; mà nó còn là một đẹp đẽ, là môn “nghệ thuật thứ tám” với sự tinh túy của các dạng thức nghệ thuật khác hòa quyện cùng nét đẹp của tính tương tác, chắp cánh bởi sức mạnh công nghệ mới. Nhưng không chỉ vậy, video game còn là một môn thể thao đích thực được gọi với cái tên e-Sport.

Mà đã là một môn thể thao công bình thì ắt phải có tính cạnh tranh.

Và với nhiều người, rắc rối bắt đầu từ đây.

Số lượng các game thủ chuyên nghiệp, chơi game full-time với mục đích tập luyện, để thi đấu, để chiến thắng và kiếm tiền rất ít. Nếu bạn không phải là một game thủ chuyên nghiệp, và các công ty phụ kiện game như Razer, SteelSeries, Logitech… không in ảnh bạn lên sản phẩm của họ, không nhờ bạn quảng cáo tên tuổi cho các sản phẩm chơi game của họ thì bạn chỉ là một trong đa số các game thủ bình thường, giản dị, tìm niềm vui trong game mà thôi. Ấy thế nhưng vào một lúc nào đó, vào một thời điểm nào đó, một game thủ có thể vượt qua một “điểm mốc” nhất định của sự bình tĩnh, vui vẻ và chuyển sang giai đoạn “bặm” của sự cay cú, máu ăn thua cùng cực. Đó là lúc họ không còn chơi game như một thú vui nữa mà lại chuyển sang nghiêm túc quá đà với quyết tâm như một game thủ chuyên nghiệp nhưng tinh thần, cảm xúc và sự bình tĩnh thì lại chỉ đáng xách dép cho các game thủ pro nọ.

Vào thời khắc đó, họ đã trở thành một Toxic gamer – Tức một tay blamer, quitter, flamer… Bạn gào vào đồng đội của mình trong kênh voice chat; bạn throw game chỉ vì đồng đội không chơi theo cách bạn muốn, mid or quit rồi  trash talk râm ran với đối thủ của mình, đồng đội mình và tất cả mọi người xung quanh. Thậm chí trong game chưa đủ bạn còn lên hẳn diễn đàn game để gây chuyện, biến mạng internet, thế giới game thành một sự tra tấn đầy đớn đau cho những ai chỉ thuần túy muốn được chơi và tận hưởng những trò chơi hay.

Tất cả chỉ thuần túy là bởi bạn coi việc chơi game “quá” nghiêm túc một cách không, quá không cần thiết mà thôi. Và một khi đã vượt qua lằn ranh đó thì rất khó quay đầu lại đó.

Nghe có giống bản thân bạn không, bạn đã vượt qua lằn ranh đỏ đó chưa? Nếu câu trả lời là có thì đã đến lúc bạn đặt tay cầm xuống, rời xa bàn phím để thư giãn rồi đó. Bởi ngoài kia còn có cả một cuộc sống, một bầu trời niềm vui nữa mà, thêm nữa thì một chút nghỉ ngơi cũng có hại ai đâu chứ?