Trong những ngày gần đây, tựa game chiến thuật lấy chủ đề tận thếbăng hàFrostpunk đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phía truyền thông cũng như cộng đồng. Ngoài chất chiến thuật được đánh giá cao, game cũng được chú ý nhờ chủ đề tận thế được khai thác theo một góc nhìn hoàn toàn mới. Trong bối cảnh tận thế, nhân tính và đạo đức của con người sẽ trở thành những thứ bị đưa ra để khảo nghiệm, và Frostpunk đã có những cách thức rất đặc biệt để thể hiện điều này. Tuy nhiên, 9 người 10 ý, có những người cho rằng game đã xử lý vấn đề này thực sự trọn vẹn, lại có người khác cho rằng nó chưa thỏa đáng. Sự bất đồng này, đã dấy lên những làn sóng tranh luận trong cộng đồng non trẻ của Frostpunk.
Người chơi cho rằng Frostpunk xứ lý chưa thỏa đáng chủ yếu tập trung vào 2 điểm. Thứ nhất, đó là Trái Đất trong game đang rơi vào cảnh hậu tận thế, nhân loại đang đứng trên bờ vực diệt vong, nhưng những kẻ sống sót trong thành phố của người chơi dường như không hề ý thức được tình cảnh của mình. Bọn họ vẫn yêu cầu bạn, người lãnh đạo thành phố, phải giúp họ duy trì được lối sống trước tận thế của mình: Mỗi ngày chỉ làm việc 10 tiếng, sau khi tan tầm phải có những nơi vui chơi giải trí như quán rượu hay xem thi đấu boxing…Bọn họ không chấp nhận tăng ca hay uống cháo, cũng không chấp nhận bệnh viện chật chội hay máy sưởi hoạt động không hiệu quả…
Nếu những điều ấy xảy ra, chỉ số bất mãn của người dân trong thành phố sẽ nâng cao. Nếu nâng lên đến một mức nhất định, người lãnh đạo của thành phố, là bạn, sẽ bị lưu đày. Lúc này, sẽ có một kẻ nào đó nhảy ra và nói: “Tao biết tất cả chúng tao đều sắp xong đời, nhưng trước khi chết có thể nhìn thấy mày bị lưu đày, tao vẫn cảm thấy thật cao hứng.” Nói tóm lại, bạn sẽ phải chiều đám thị dân của mình như chiều…Boss. Nếu không, cả đám sẽ cùng nhau lật đổ bạn, thà rằng tất cả cùng chết chứ quyết không chịu sống trong cảnh không có “chăn ấm nệm êm”, dù rằng ngoài kia đang là tận thế!
Vấn đề thứ hai, đó là mặc dù bạn vượt qua mọi chông gai, cố gắng dẫn dắt thành phố sinh tồn và lưu lại mồi lửa văn minh cho nhân loại, thì chính bản thân trò chơi có đôi khi vẫn cứ… châm chọc bạn. Cụ thể, để đảm bảo xã hội có thể vận hành một cách trơn tru, đến cuối trò chơi, bạn sẽ phải ban bố những đạo luật tương đối cực đoan, để từ đó thành lập nên một nhà nước tập quyền (không tưởng), hoặc một quốc gia sùng đạo (kiểu tà giáo). Những hành động này hiển nhiên là trái với tư tưởng chủ đạo về nhân quyền hiện nay, nhưng dẫu sao cũng xuất phát từ mục tiêu duy nhất là duy trì nền văn minh nhân loại. Ấy vậy mà, sau khi làm thế và hoàn thành trò chơi, thứ bạn nhận được lại là một câu hỏi (của nhà phát triển): Đáng giá sao? (Is it worth it?).
Như vậy, phải chăng 11 bit studios đang muốn nói rằng, dù ở trong hoàn cảnh tận thế, thì tự do, bình đẳng, nhân quyền vẫn là quý giá nhất. Nhân loại thà rằng chịu cảnh diệt vong chứ không chịu sống mất tự do? Hiển nhiên, cái nhìn của những người phản đối cách xử lý này của nhà làm game vẫn là có chút quá cực đoan. Bởi vì, trên thực tế, game vẫn cung cấp cho người chơi một con đường khác. Đúng vậy, nếu lựa chọn con đường trở thành một gã “độc tài”, mọi thứ trong game sẽ trở nên đơn giản và dễ chơi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu người chơi chịu đào sâu nghiên cứu, họ vẫn sẽ có thể tìm ra một con đường khác, gian nan hơn rất nhiều, nhưng sẽ không dẫn đến cái đánh giá mang tính châm chọc trên của nhà phát triển. Và, mỉa mai thay, động lực để chúng ta đào sâu nghiên cứu đến vậy, lại bắt nguồn từ chính những yêu cầu vô lý kia của đám con dân không biết chấp nhận cuộc sống khổ nhọc của ngày tận thế.
Như vậy, nếu bạn ở trong tình cảnh ấy, liệu bạn sẽ lựa chọn con đường dễ dàng và ổn thỏa (độc tài) để bảo tồn nền văn minh nhân loại, hay sẽ chấp nhận những khiêu chiến đầy khó khăn để mở ra một cái kết hứa hẹn và đầy hy vọng hơn cho loài người? Quyền lựa chọn, hoàn toàn là của bạn trong Frostpunk.