Hãng điện thoại lớn Trung Quốc bị tố dụ trẻ em nạp game, chưa đầy 2h tiêu hết 20 triệu

Sau khi bị nhiều phụ huynh tố cáo, hãng này vẫn từ chối trả lại toàn bộ số tiền đã nạp cho người dùng.

Hiện nay chuyện cho trẻ em sử dụng điện thoại đã không còn là việc hiếm gặp nữa, tuy nhiên khi mà điện thoại ngày càng tích hợp nhiều tiện ích, ví dụ như thanh toán, thì có lẽ người lớn nên cẩn thận hơn. Mới đây một người đàn ông Trung Quốc họ Từ phát hiện ra trong danh mục thanh toán của mình có một mục lên đến 3370 NDT (khoảng hơn 11 triệu đồng) chảy vào công ty khoa học kỹ thuật Thiên Thần.

Tuy nhiên anh không biết gì về khoản chi tiêu này, sau khi điều tra mới biết được hóa ra là do cô con gái năm nay 10 tuổi của anh lén lấy điện thoại của bố để tải một tựa game có tên Minecraft Mobile từ cửa hàng ứng dụng của điện thoại Vivo, sau đó nạp game hơn 3000 tệ. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với anh Tào, tháng 12 năm ngoái, con trai 8 tuổi của anh đã lấy điện thoại tải Sniper 3D: Fun Offline Gun Shooting Games Free. Sau đó con trai anh Tào đã nhiều lần nạp tiền vào game, không đến hai tiếng đồng hồ đã tiêu hết 6066 NDT (hơn 20 triệu đồng), lần nhanh nhất là nạp 1296 NDT (khoảng 4,3 triệu) chỉ trong 40 giây. Điều trùng hợp là tất cả các tựa game trên đều được tải từ cửa hàng ứng dụng của Vivo, người đại diện của công ty khoa học kỹ thuật Thiên Thần đã nói ở trên lại chính là phó tổng giám đốc kiêm CEO của tập đoàn Vivo. Từ đây dấy lên nghi ngờ về việc hãng điện thoại lớn Trung Quốc cố tình nới lỏng các trình tự cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em nạp lấy tài khoản của bố mẹ để làm tiền trong game. Có một số thắc mắc được đưa ra như tại sao có những tựa game trong cửa hàng ứng dụng này không cần phải đăng ký (thường cần số điện thoại hoặc chứng minh nhân dân) theo quy định mà vẫn có thể chơi được, tại sao trẻ em không biết mật mã thanh toán của bố mẹ mà vẫn có thể nạp game, tại sao sau khi nạp xong không có bất cứ tin nhắn thông báo nào của ngân hàng hay các phần mềm thanh toán khác.

Sau khi bị hàng loạt phụ huynh tố cáo, Vivo buộc phải hoàn lại số tiền. Ban đầu Vivo vốn không hề có ý định đó nhưng liên tục bị phụ huynh gọi điện tố cáo nên hãng này mới quyết định bồi thường. Tuy nhiên không chỉ bắt phụ huynh nộp lại hàng loạt giấy tờ phức tạp mà họ chỉ trả lại tối đa 90% số tiền đã nạp chứ không hoàn lại toàn bộ.