Nếu cái cảm giác mất mát ngay lập tức đã trở thành meme với cảnh Ghost và Roach bị bắn chết trong Modern Warfare 2 thì cái cảm giác nhớ người đã khuất còn đau lòng hơn nữa. Nhưng do là ký ức nên những đoạn diễn biến tâm trạng này rất ngắn, hoặc đôi khi được làm quá tự nhiên nên khiến người ta quên.
Trong bài viết này, Mọt Leo Cây tôi sẽ kể lại cho bạn nghe những khoảnh khắc thực sự còn đau lòng hơn cảnh Ghost chết khi chứng kiến và thấu hiểu chúng trong lúc chơi game.
Nếu nói về sự ám ảnh đau lòng thì Mọt tui không thể nào quên được Bioshock Infinite. Kịch bản của nó vốn đã rất bi đát và đau đớn từ việc cha bán con, con phải giết cha cho đến sự hy sinh để chuộc tội cho một đứa trẻ được sống. Cũng chính vì tựa game này mà Mọt tui không bao giờ còn nghe bài “Lavie en Rose” một cách bình thường được nữa, mỗi lần nghe lại nhớ về cái chết đơn độc của Elizabeth.
Nhưng cái đau lòng nhất mà Mọt tui cảm nhận được lại đến từ 1 câu nói thoáng qua, chỉ kéo dài vài giây của Elizabeth trong phần DLC Burial at Sea 2. Đó là khi Elizabeth dùng cổng tear quay về Columbia, khi cô lần mò vào phòng thí nghiệm của Fink và vô tình biết được cú sốc giết người đầu tiên của mình vốn do cặp đôi Lutece sắp đặt trước.
Khi bước vào thang máy, Elizabeth cảm thấy quá mệt mỏi và bế tắc, cô cất tiếng gọi một người mà cô biết thừa đã chết từ lâu: “Booker, ông có ở đó không? Tôi nhớ ông… ông là người duy nhất cho đến giờ… ông là người bạn duy nhất mà tôi có. Booker…”
Nếu là một người xem bình thường, có thể bạn sẽ không hiểu câu nói này đau đớn thế nào. Nhưng nếu bạn đã chơi hết Bioshock Infinite và biết rõ về câu chuyện của 2 người, bạn sẽ cảm thấy câu nói này rất bi thương.
Tất cả mọi người mà Elizabeth gặp trong cuộc đời đều muốn thao túng cô. Hết người này đến người khác, hết kế hoạch này đến âm mưu khác đều muốn lợi dụng sức mạnh siêu nhiên của Elizabeth và muốn biến cô thành công cụ của họ. Chỉ riêng Booker, người cha lỡ tay bán cô để trả nợ năm xưa quay lại tìm con gái. Ông ta để cho cô tự do quyết định và ủng hộ cô tự tìm hiểu về quá khứ của mình để rồi sau đó cách duy nhất để kết thúc bi kịch là Elizabeth phải dìm chết Booker.
Giờ đây, khi Elizabeth phát hiện ra toàn bộ quá khứ của mình chỉ là lọc lừa và sắp đặt, cô mệt mỏi và nhớ về người bạn đồng hành duy nhất mà mình có. Tiếc thay người đó đã chết, chết chính trong tay cô và giờ đây có muốn như thế nào cô cũng không thể tìm lại được nữa. Booker mà Elizabeth đang trò chuyện thực ra chỉ là hình ảnh còn lại trong tiềm thức của cô, tồn tại như một ảo tưởng mà thôi.
Mọt vẫn giữ nỗi ám ảnh từ câu nói “Tôi nhớ ông…” đó mãi cho đến khi trải nghiệm The Walking Dead Final Season. Cô bé Clementine ngày nào giờ đã lớn và cô ta cũng có một thời khắc tưởng nhớ người đã khuất như Elizabeth.
Trong đêm trước khi dẫn đám nhóc trong trường tấn công vào chiếc tàu sào huyệt của nhóm cướp hùng mạnh, Clementine đã có một giấc mơ đối thoại với Lee. Trong đó, cô bày tỏ sự lo lắng và bối rối của mình khi dẫn cả nhóm bạn vào một tương lai bất định đầy nguy hiểm. Lee lúc này dường như là một phần tiềm thức của Clementine đã an ủi cô và giải thích rằng cô đã làm tốt hơn ông.
Nếu Lee phải nuôi dạy Clementine trong suốt quãng đường tuổi thơ khi dịch bệnh bùng phát thì cô bé phải nuôi dạy AJ trong một thế giới đã lụi tàn. Mọi thứ đã đổi khác và khó hơn nhiều so với thời của Lee.
Ngay từ đầu game, Lee đã là người thầy và là người cha tinh thần giúp Clementine trưởng thành, vượt qua thảm họa zombie cũng như ám ảnh về cái chết của gia đình. Lee dạy cô những thứ cần biết để sống sót trong thế giới này và rồi chính ông phải chết dưới tay cô bé vì bị xác sống cắn phải. Bi kịch này cũng có phần tương tự như Elizabeth khi mà cả 2 cùng tưởng nhớ về một người mà mình yêu quý nhưng đã chết ngay dưới tay mình. Vẫn là cái cảm giác giá như người đó còn bên cạnh nhưng thực ra bản thân rõ hơn ai hết điều đó là không thể vì chính tay mình giết chết người đó.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy một diễn biến tâm lý rất thật, rất đời thường của các nhân vật này và nó cũng rất giống với bản thân mỗi người ngoài đời. Khi gặp phải một khó khăn lớn, không biết phải làm sao thì chúng ta thường nhớ về người thân mà mình thần tượng nhất, người từng là chỗ dựa đáng tin cậy. Và nếu chẳng may người đó mất đi rồi, cái cảm giác muốn người đó trở lại nhưng đồng thời cũng biết rất rõ rằng điều đó là không thể, nó rất dằn vặt và đau đớn.
I lost a friend I played with for 12 years just last year. Never met him, but I still think about him and the way he impacted my life every day. I still send him messages sometimes, although I know he'll never respond.
— Ferrosi (@rFerrosi) March 5, 2019
Trong thế giới game, chính những game thủ cũng trải nghiệm cảm giác tương tự khi bất giác nhìn vào nick của người bạn chơi game đã mất và chợt nhớ rằng đã mấy năm trôi đi rồi, nhưng cảm giác vẫn buồn khôn nguôi. Câu chuyện này được nhiều game thủ kể lại trên các kênh mạng xã hội như Twitter, diễn đàn reddit, thậm chí có trường hợp được báo chí khai thác và viết bài.
Câu chuyện buồn nhất do một game thủ kể được lan truyền trên cộng đồng Elder Scrolls Online của diễn đàn Reddit như sau:
Chuyện này cũng xảy ra với tôi trên Steam. Tôi làm quen với một người lạ trên Elder Scrolls Online, cùng nhau làm rất nhiều quest, đi hầm ngục, đánh boss các kiểu. Đến ngày nọ gã kia đưa cho tôi tất cả mọi thứ hắn có kể cả những món chúng tôi phải tranh giành mới có được. Hắn nói rằng hắn có một khối u ở gần cột sống và bác sĩ có vẻ không vui lắm và hứa rằng khi xuất viện sẽ liên hệ lại. Tôi vẫn luôn kiểm tra tình trạng tài khoản của anh ta. Lần online gần nhất: 793 ngày trước.
Thế mới thấy, thế giới game này không phải chỉ có bạo lực và bắn giết như những kẻ ngoại đạo tô vẽ. Trong những bi kịch đó, chúng ta tìm thấy những khoảnh khắc rất nhân văn, rất đau đớn như những câu chuyện thật. Nó dạy chúng ta biết quý trọng những người bạn mà chúng ta có, những người thầy đang dẫn dắt chúng ta. Nhưng rồi trong tương lai chúng ta cũng sẽ có lúc cảm thấy bế tắc, lại đau lòng nhớ lại người xưa và câu nói “tôi nhớ ông…” lại thật sự trở nên ám ảnh.